Khó lường những vụ 'gửi nhầm' súng đạn

Thứ Tư, 12/08/2015, 08:00
Vụ việc Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa phát hiện và tạm giữ lô hàng vũ khí quân dụng lớn nhất từ trước đến nay vận chuyển qua cửa khẩu này còn khá nhiều điều cần được làm rõ. Tuy vậy, đằng sau vụ việc này tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ bởi nó được đánh giá là mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Chi cục Hải quan TSN), sau khi chuyến bay hành khách từ Thổ Nhĩ Kỳ đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 27/7 hải quan đã phát hiện ba kiện hàng từ chuyến bay này được vận chuyển vào kho hàng sân bay có nhiều biểu hiện khả nghi.

Qua kiểm tra, hải quan xác định các kiện hàng không có kê khai hàng hóa (Manifest), được vận chuyển từ Cộng hòa Séc (Czech) bởi hãng hàng không Turkish Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngay sau đó, Chi cục Hải quan TSN ra quyết định khám xét số 2021/QĐ-SB, đồng thời chủ động phối hợp với Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (A85) và các lực lượng chức năng thuộc Bộ Công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành khám xét đột xuất các kiện hàng này.

Qua quá trình kiểm tra thực tế dưới sự chứng kiến của đại diện Turkish Airlines tại TP. Hồ Chí Minh và đại diện kho hàng là Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC), cơ quan chức năng đã phát hiện số lượng lớn vũ khí quân dụng được cất giấu tinh vi, gồm: 94 khẩu súng ngắn quân dụng ký hiệu CZ P-07 mới 100%, được đóng trong 94 hộp còn nguyên vẹn của nhà sản xuất, có ghi xuất xứ Czech Repuplic và 472 băng đạn chưa qua sử dụng (không chứa đạn). Trị giá lô hàng ước tính khoảng 36.190 euro.

Tang vật trong vụ vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng qua đường hàng không lớn nhất được phát hiện ở Việt Nam từ trước đến nay.

Kiểm tra thủ tục hồ sơ giấy tờ, bước đầu cơ quan chức năng xác định các kiện hàng vũ khí này được vận chuyển bằng đường hàng hóa thuộc diện bình thường trên máy bay dân dụng nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền đúng theo quy định pháp luật (hãng không xuất trình được giấy phép vận chuyển số vũ khí trên) và không có chủ lô hàng đi theo cùng. Khi Hải quan phát hiện vụ việc, lô hàng đã được chuyển vào trong kho chứ không phải tìm thấy chúng trên máy bay như có thông tin trước đó. Tuy nhiên, trong tờ khai hàng hóa nhập vào Việt Nam (thủ tục bắt buộc đối với mỗi chuyến bay) không có các kiện hàng này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lô hàng vũ khí này được Công ty sản xuất vũ khí Ceska Zerojovka A.S Svat thuộc sở hữu nhà nước của Cộng hòa Séc chuyển phát, loại súng thuộc mẫu CZ P-07.

Theo website chuyên về súng World Guns (Nga), Công ty Ceska Zbrojovka phát triển súng lục CZ 75 vào năm 1975 và bắt đầu sản xuất loại súng này kể từ năm 1976. Đây là loại súng có vỏ làm từ polymer để giảm trọng lượng, có thể sử dụng thiết bị ngắm bắn bằng tia lazer. CZ 75 có nhiều phiên bản khác nhau từ mẫu bán tự động cho đến bắn từng viên một. Dòng CZ 75 P-07 là phiên bản nâng cấp của mẫu CZ 75P-07 Duty nổi tiếng, chuyên dùng cho các đội đặc nhiệm bảo vệ nguyên thủ quốc gia. Theo trang tin quốc phòng Mỹ - Defence Review, kể từ năm 1976, đã có trên 1 triệu súng CZ 75 được quân đội và cảnh sát đặc nhiệm nhiều nước trên thế giới sử dụng.

Trước đó, có một số thông tin cho rằng, đây là lô vũ khí được một đơn vị vũ trang Nhà nước của Singapore mua và nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ về để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, không hiểu sao trong quá trình làm thủ tục, chất xếp hàng tại sân bay của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đã có sự nhầm lẫn khiến lô hàng dạng cấm đặc biệt này được chuyển đến Việt Nam.

"Có thể họ nhầm lẫn ở ký hiệu SG, nên người chất xếp hàng đã hiểu lầm từ Singapore thành Sài Gòn", một số thông tin nêu giả thuyết. Tuy nhiên, trước nhận định này, Lãnh đạo Chi cục Hải quan TSN cho rằng rất khó có chuyện chuyển nhầm lẫn, vì việc vận chuyển vũ khí qua đường hàng không phải qua một quá trình giám sát và kiểm tra rất chặt chẽ. Hơn nữa, theo mục 2 điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định các trường hợp hàng hóa nhập khẩu là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc (Bảng I trong Công ước cấm vũ khí hóa học) thì không được nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa; quá trình vận chuyển, mua bán phải qua những thủ tục và quy trình rất chặt chẽ; Ngoài ra, dù phía cơ quan chức năng Việt Nam đã liên hệ nhưng phía Singapore cho đến giờ cũng chưa xác nhận là chủ lô hàng. Đồng thời, ký hiệu "SG" ghi trên vận đơn hàng chưa phải là cơ sở để cho rằng lô hàng trên của cơ quan Nhà nước Singapore gửi nhầm sang Việt Nam.

Có thể nói, đây là vụ vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng qua đường hàng không lớn nhất từ trước đến nay từng được phát hiện tại Việt Nam. Do đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhận định vụ việc mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Chi cục Hải quan TSN để nghe báo cáo về quá trình giám sát, kiểm tra và phát hiện lô hàng. Thứ trưởng Tô Lâm chỉ đạo Cục A85 làm đầu mối tiếp nhận vụ việc; đồng thời đưa ra một số định hướng để hai bên cùng phối hợp khẩn trương mở rộng điều tra.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng "gửi nhầm" vũ khí về Việt Nam. Dù súng, đạn là các mặt hàng quản lý đặc biệt, muốn nhập khẩu, sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, đặc biệt phải có giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhưng trên thực tế, hiện nay, các mặt hàng nói trên vẫn đang thâm nhập vào nước ta qua đường hàng không khiến cho việc quản lý trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Theo Chi cục Hải quan TSN, từ cuối tháng 12/2014 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 10 vụ vận chuyển vũ khí trái phép qua đường hàng không. Điển hình có thể kể như trước Tết Nguyên đán Ất Mùi mấy ngày, vào chiều 11/2/2015, Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Trung tâm An ninh hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SBQT TSN)  điều tra, làm rõ vụ chuyển kiện hàng chứa một khẩu súng qua đường cửa khẩu sân bay này.

Theo đó, lực lượng làm nhiệm vụ tại SBQT TSN khi kiểm tra hàng hóa của kho hàng hóa nội địa đã phát hiện một kiện hàng trong số hàng hóa của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn - SCSC (địa chỉ trên đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình) có nghi vấn. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng này phát hiện bên trong kiện hàng có chứa một khẩu súng màu đen hiệu Sharp Tiger, trong đó báng súng và ống ngắm đều bằng nhựa cứng nhưng được tháo rời.

Nếu đúng lịch trình thì kiện hàng nói trên sẽ được sắp xếp lên chuyến bay của hãng VietJet Air, khởi hành từ TP. Hồ Chí Minh đi Vinh (Nghệ An) lúc 17h40 cùng ngày. Bước đầu cơ quan chức năng xác định, kiện hàng trên do N.T.D. (34 tuổi, thường trú Hà Nội, tạm trú quận Tân Bình) là nhân viên của đại lý thuộc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ vận tải BHK (trụ sở đóng tại quận Bình Tân) gửi ngày 11/2, khai báo trên tờ hướng dẫn gửi hàng là "ống hơi công nghiệp"…

Hay trước đó, ngày 31/12/2014, Công ty TNHH Viet Aviation (đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình) gửi kiện hàng khai báo là linh kiện điện tử, linh kiện xe máy... chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên chuyến bay VJ192, nhưng nhân viên an ninh sân bay lại phát hiện trong kiện hàng có chứa nhiều bộ phận của một khẩu súng do Mỹ sản xuất đã được tháo rời…

Cũng liên quan đến một hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, giữa năm 2014 đã từng có một vụ "gửi nhầm" gần 150.000 viên đạn (trị giá số hàng khoảng gần 1 tỷ đồng) qua đường hàng không đến sân bay TSN. Vụ việc khởi nguồn cuối tháng 4/2014, Chi cục Hải quan TSN phát hiện máy bay mang số hiệu TK 068 của Hãng hàng không Turkish Airline (Thổ Nhĩ Kỳ) đang bốc dỡ hàng có dấu hiệu nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Kiện hàng dỡ từ tàu bay này là một phần của lô hàng thuộc Vận đơn số 235 LJU 4306 2902 do Turkish Airlines là người chuyên chở.

Điều đáng nói, trong bản lược khai hàng hóa của chuyến bay không có thông tin về vận đơn này. Và ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, hãng hàng không này đã làm văn bản xin tái xuất lô hàng với lý do "gửi nhầm"…

Theo quy định chung, súng đạn là mặt hàng cấm nhập khẩu thuộc danh mục vũ khí ban hành kèm theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30-6-2011 và Nghị định 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 quy định pháp lệnh quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Căn cứ khoản 2, Điều 5, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì "Việc cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu… do Thủ tướng Chính phủ quyết định…"; Điều 40 thì "Hàng hóa là vũ khí, đạn dược,… chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép".

Điều 159 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì "Không được vận chuyển bằng đường hàng không vũ khí,… vào hoặc qua lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép…". Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn lợi dụng việc cất giấu những mặt hàng này trong các lô hàng quà biếu, quà tặng để gửi về Việt Nam. Điều đáng nói hơn, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng đứng tên người nhận hàng lại đều từ chối, với lý do muôn thuở là do phía nước ngoài gửi nhầm, họ không liên quan gì đến lô hàng?!

Theo các nhà chuyên môn, có một thực tế là do tại một số quốc gia, các hãng hàng không chấp nhận vận chuyển súng hơi, súng săn theo đường hành lý ký gửi mà chủ hàng không cần phải xuất trình giấy phép (pháp luật nước sở tại không cấm sử dụng loại vũ khí này), trong khi đó, Việt Nam nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân mua bán, mang ra nước ngoài, mang từ nước ngoài vào, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, biếu tặng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép. Do đó, có nhiều trường hợp mang súng hơi, đạn mã tử về Việt Nam được thông quan tại cửa khẩu nước ngoài nhưng về Việt Nam bị thu giữ, xử phạt…

Tuy vậy, dù vì lý do gì, theo pháp luật Việt Nam, những vụ "gửi nhầm" vũ khí về Việt Nam nêu trên nếu không được lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, bắt giữ sớm thì hậu quả đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội là rất khó lường.

Trong vụ vận chuyển trái phép 94 khẩu súng, theo Chi cục Hải quan TSN, trong trường hợp đúng là gửi nhầm và phía Singapore xác nhận đúng là hàng của họ thì họ phải tiến hành các thủ tục cần thiết qua Bộ Ngoại giao (Đại sứ quán) và một số cơ quan chức năng có liên quan của Việt Nam để giải quyết, xin tái xuất. Lúc đó, Việt Nam sẽ cho tái xuất, nhưng phía hãng hàng không sẽ bị phạt hành chính theo luật định. Còn nếu không xác định được chủ hàng, thì khi nhận diện được đối tượng liên quan sẽ tiến hành các bước để xử lý hình sự theo quy định.
Phú Lữ
.
.
.