Khô tử bất thường hệ thống giếng cổ trên năm nghìn năm tuổi

Chủ Nhật, 23/11/2014, 07:00
Theo các bậc cao niên và nhà Khảo cổ, nghiên cứu Địa chất, Lịch sử tỉnh Quảng Trị, nhiều thế kỷ qua, hệ thống giếng cổ ở Gio An (Gio Linh, Quảng Trị) chưa từng bị khô cạn. Hiện tại, hiện tượng khô tử bất thường ở đây đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Trong đó không loại trừ nguyên nhân các tầng địa chất đã bị đứt gãy do tác động của thiên nhiên và con người.

Độc đáo hệ thống 14 giếng cổ

Độc đáo bởi lẽ, hiếm nơi nào trên cả nước có được. Nằm trên một vùng đất tương đối hẹp nhưng đã hình thành nên hệ thống 14 giếng cổ, gồm: giếng Côi, Dưới, Búng, Trạng, Đào (thôn An Nha); giếng Gái 1, 2, Nậy (thôn An Hướng); giếng Tép, Ông, Bà, Gai (thôn Hảo Sơn); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn). Các giếng đều nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan để khai thác các mạch nước ngầm chảy ra từ trong những quả đồi này.

Theo quan sát, mỗi giếng có những hình dạng khác nhau và không mang hình ảnh những chiếc giếng thường thấy ở các làng xã nông nghiệp. Về mặt cấu tạo, giếng có hai dạng. Dạng giếng có bể lắng và máng dẫn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép và kè bằng đá tự nhiên. Giếng dạng này có 3 bậc, việc xây dựng nó đòi hỏi sự tính toán kỹ thuật cao. Theo đó, bậc cao nhất là bãi hứng nước (bãi thường rất rộng, có giếng có bãi lớn hàng trăm mét vuông, được xếp bằng cuội lớn rất cứng). Từ bãi này, nước chảy qua các máng được đẽo gọt công phu bằng đá tổ ong màu đen.

Giếng Đào khi chưa bị khô tử.

Từ các máng, nước chảy xuống giếng (bậc thứ 2, nằm thấp hơn so với bãi hứng chừng 1 mét) cũng được ghép bằng cuội lớn. Nước sau khi xuống giếng sẽ theo các mương dẫn nước (xếp bằng cuội) chảy vào các ruộng đồng bên dưới. Dạng thứ 2 là những giếng được xây dựng ít công phu hơn song cũng rất hoàn hảo về mặt kỹ thuật và phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang. Giếng là những bể chứa được đào sâu rồi cũng được lắp ghép và kè bằng cuội lớn ở ngay cửa những mạch nước ngầm chảy ra thường xuyên từ trong lòng những quả đồi.

Theo Th.s Lê Đức Thọ (chuyên ngành Khảo cổ), Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích và Danh thắng tỉnh Quảng Trị, thì hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An là do người Chăm xưa xây dựng. Đây là những công trình dẫn thủy cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân thời đó và sau này được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay. Bên cạnh công năng của giếng mà người xưa nhằm đến, hệ thống 14 giếng cổ này còn mang giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Đồng thời có giá trị rất lớn về mặt khảo cổ, nghiên cứu lịch sử văn hóa, văn minh của loài người.

Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, các nhà Khảo cổ, nghiên cứu Địa chất, Lịch sử đã khẳng định: hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An đã có trên 5.000 năm tuổi. Ngày 13/3/2001, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng di tích hệ thống 14 giếng cổ ở Gio An thuộc di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, theo Quyết định số 08/2001/QĐ-BVHTT.

Địa chỉ đỏ của du lịch

Du khách khắp mọi miền đất nước và thế giới khi đến Quảng Trị đều được các hướng dẫn viên du lịch tự hào giới thiệu, thu hút đến tham quan hệ thống di tích 14 giếng cổ ở Gio An. Bởi đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng, thích thú trước những vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo của thuở hồng hoang. Người dân sau khi tiếp thu gìn giữ các giếng cổ, đã đặt cho chúng những cái tên rất ấn tượng, vừa mang âm ngữ, ý nghĩa của người địa phương, vừa đi kèm với những quy định của nét đẹp văn hóa làng xã.

Giếng Đào hiện nay.

Chẳng hạn, giếng Côi (trên) không phải là vì nó mồ côi mà để phân biệt với giếng Dưới (dưới); giếng Son không chỉ vì giếng đẹp mà ở đây chỉ cho phép những người con gái chưa chồng mới được đến tắm! Khu vực xung quanh mỗi giếng đều có những cây xanh cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Về mùa hạ, cùng với nguồn nước cực kỳ trong và ngọt mát là bóng râm của cây cối, làn gió nhẹ thổi về từ dãy Trường Sơn, tất cả vờn vỗ lên da thịt làm cho con người cảm giác đê mê. Mùa đông thì nguồn nước ở tất cả các giếng trở nên ấm lại, điều mà đến nay những nhà khoa học vẫn chưa giải thích được, đã trở thành "cái cớ" để người dân Gio An yêu quý, giữ gìn chúng hơn tất cả những tài sản khác (ngoại trừ con người!)

Du khách thập phương đến Gio An, bên cạnh thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần, vật chất từ giếng cổ, còn là dịp để đắm mình vào màu xanh trùng điệp, mơn man của loài rau hiếm có cả nước và thế giới. Rau chỉ sống được trên đá ngập nước vài cen-ti-mét với điều kiện nước phải chảy êm thường xuyên, ở những thửa ruộng ngay dưới chân các giếng cổ. Người địa phương gọi đó là rau liệt, còn người nơi khác thường gọi rau xà lách xoong. Bởi vậy, rau được nhiều người ưa thích không chỉ bởi mùi thơm và ngon, giàu chất dinh dưỡng, mà còn là loại rau sạch nhất!

Cần sự vào cuộc

Bắt đầu từ tháng 10/2014, hầu hết các giếng cổ ở Gio An đều đã trở nên khô tử bất ngờ. Hai từ "khô tử" được người dân địa phương đau đớn sử dụng, bởi lẽ từ trước đến nay, chưa một chiếc giếng nào trong hệ thống 14 giếng cổ ở đây trở nên khô cạn đến độ cây cối không còn giọt nước nào để sống. Ngược lại, trước đây bao giờ cũng vậy, nước giếng luôn chảy đầy ắp quanh năm. Năm nào nắng hạn nhất, mực nước cũng chỉ thấp hơn so với thường niên 10 đến 15 cen-ti-mét.

Các giếng Bà, Ông, Tép và một số giếng khác khi chưa bị khô tử.

Vũ - một cán bộ phụ trách nông nghiệp năng nổ của xã Gio An, dẫn chúng tôi một vòng quanh các giếng cổ và vùng đồng ruộng ở đó. Tất cả đều khô tử không một giọt nước bén đất. Cả 8 sào ruộng chuyên canh rau liệt của bà con, nay chỉ còn những cọng rau muống dại mọc lèo tèo. Vũ suy đoán: chắc phải có sự tác động nào đó của thiên nhiên trong lòng đất, làm cho các mạch nước ngầm ở những quả đồi này bị tắc lại?

Chúng tôi cũng nghĩ như Vũ nhưng đó chỉ là sự suy đoán của những người không có chuyên môn! Theo Th.s Lê Đức Thọ, sự khô tử bất thường trên rất cần sự vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu nguyên nhân của các nhà khoa học, cho dù việc làm này khó tới mức nào. Bởi theo nhận định bước đầu của các nhà khảo cổ, nghiên cứu Địa chất, Lịch sử ở tỉnh Quảng Trị và Trường học Khoa học Huế, việc tìm ra nguyên nhân khô tử hệ thống 14 giếng cổ này, không tránh khỏi những cuộc khai quật, đào sâu quy mô lớn những quả đồi lừng lững ở đây.

Những thửa ruộng nằm ở chân các giếng cổ đã bị cạn kiệt nước phải bỏ hoang.

Song nếu công việc không sớm được thực hiện, các giếng cổ tiếp tục bị khô tử và xóa sổ chỉ trong nay mai, thì không chỉ địa phương Quảng Trị mà quốc gia sẽ mất đi một di tích có giá trị rất lớn về mặt lịch sử và văn hóa, văn minh của nhân loại. Ông Nguyễn Ký, một nhà nghiên cứu Địa chất nổi tiếng ở miền Trung nhận định: Hiện tượng các giếng cổ ở Gio An bị khô tử bất thường, có thể không chỉ liên quan tới sự tác động của con người và thiên nhiên khu vực cục bộ ở Gio An, thậm chí trên toàn vùng đất phía Tây của huyện Gio Linh, mà liên quan tới những mạch nước ngầm, đất đá trên toàn dãy Trường Sơn phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Trong đó, về tác động chủ quan có các công trình thủy điện như thủy điện Rào Quán, việc chặt phá rừng ồ ạt và nổ mìn, phá núi để đào đãi vàng trái phép…

Theo tìm hiểu và ghi nhận thực tế của phóng viên, ngay trên địa bàn xã Gio An, những khu vực rất gần với các giếng cổ đã bị các đối tượng khai thác, đào vào lòng đất lấy đi rất nhiều đá tự nhiên. Điều đáng buồn, đây không phải là lần đầu hệ thống 14 giếng cổ ở đây bị xâm hại. Những năm qua, công tác bảo vệ di tích này đã không được thực hiện nghiêm túc. Những mong muốn như của ông Thọ, "Giếng cổ ở Gio An rất đặc biệt bởi vì nó mang tầm vóc về chiều sâu văn hóa. Để nó được công nhận là di sản của thế giới, trước hết các cơ quan chức năng cần quan tâm và bảo vệ tốt", có lẽ là của chỉ riêng ông!?

Thanh Bình
.
.
.