Khoảng lặng của người lính Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn

Thứ Ba, 19/07/2016, 07:48
Có những người lính Cảnh sát nhân dân với màu áo đặc biệt, bất kể đêm hay ngày, bất luận trời mưa hay nắng… với họ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với "giặc lửa", đánh vật với Hà Bá dưới nước sông, rạch, biển để giành từng thi thể nạn nhân và tang vật, tang chứng quan trọng phục vụ cho công tác điều tra, phá những vụ án hình sự quan trọng. Họ là những người lính thuộc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC &?CHCN). Sự hy sinh thầm lặng của họ mãi mãi được nhân dân ghi tạc trong lòng…


Chuyện xưa lòng quặn nhói đau

Những năm đầu giải phóng miền Nam, tình hình trật tự trị an vô cùng phức tạp. Các thế lực phản động manh nha tạo phản, các phần tử bất hảo như giang hồ, đầu gấu, trộm cướp… của chế độ Sài Gòn cũ đang vùng vẫy gây rối khắp nơi.

Vụ án hai vợ chồng nghệ sỹ cải lương Thanh Nga bị kẻ gian bắn chết trên đường về nhà sau khi tan buổi diễn vở tuồng "Thái hậu Dương Vân Nga" khiến cho dư luận xôn xao, bàng hoàng. Lực lượng Cảnh sát hình sự của Công an TP lúc bấy giờ còn rất mỏng, chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là cán bộ tăng cường từ miền Bắc vào. Đội Săn bắt cướp (SBC) của Công an TP Hồ Chí Minh từ khi thành lập đã trở thành "nắm đấm thép" trấn áp các loại tội phạm, triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có vũ khí, bắt cóc, tống tiền…

Trong vụ án sát hại vợ chồng nữ nghệ sỹ Thanh Nga, tên Nguyễn Thanh Tân, thủ phạm chính của vụ án cùng đồng bọn đã lần lượt sa lưới. Mấu chốt vụ án lúc này là tìm cho ra bằng chứng khẩu súng P38 tên Tân khai đã vứt xuống sông Sài Gòn khi chở đồng bọn là tên Nguyễn Văn Hóa tẩu thoát trên cầu Bình Lợi, để kết tội hắn đã bắn nghệ sỹ Thanh Nga.

Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng sự đau thương của ngày đó vẫn hiển hiện trong ký ức của người lính già cứu hộ Nguyễn Ngọc Tốt (Cảnh sát PC&CC TP): “Đó là một bài học mà chúng tôi phải đánh đổi quá lớn…”.

Hơn 10 CBCS cứu hộ, cứu nạn của Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP Hồ Chí Minh được tuyển chọn kỹ càng, đã nhận lệnh đến cầu Bình Lợi với nhiệm vụ lặn tìm bằng được tang vật vụ án là khẩu súng P38. Thời điểm đó là ngày 10 đến ngày 12-5-1979, các anh Nguyễn Ngọc Tốt, Ngô Văn Út, Nguyễn văn Bảy, Võ Quang Hà… thay phiên nhau lặn.

Những người lính sẵn sàng lao vào lửa cháy cứu người.

Thời tiết tháng 5, sông Sài Gòn nước chảy khá xiết, có những đoạn sâu gần 30m, các anh vừa đói, rét tím bầm thịt da vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau gần 60 giờ ngụp lặn, vẫn không tìm thấy khẩu súng tang vật. Ca lặn cuối cùng lúc 13h của hai chiến sỹ Nguyễn Văn Bảy và Nguyễn Quang Hà xuống ngay chân cầu Bình Lợi.

Hơn 10 phút trôi qua trong sự hồi hộp, căng thẳng của đồng đội, nhưng vẫn không thấy các anh nổi lên. Ông Tốt bồi hồi nhớ lại: Chỗ các anh lặn xuống đột ngột sôi sùng sục như có quái vật dưới đáy sông… Dây bảo hiểm nhẹ tênh, một trái lựu đạn địch cài dưới chân cầu đã phát nổ. Xác anh Hà nổi lên, còn anh Bảy bị kẹt dưới chân cầu đồng đội tìm thấy sau đó.

Một trời tang thương dâng tràn với người lính cứu hộ, cứu nạn. Thì ra tên tội phạm Tân đã đánh lừa cơ quan điều tra, mà sau này ban chuyên án tìm thấy khẩu súng gây tội ác y đã giấu trong nhà người em bên quận 8. Hai chiến sỹ Cảnh sát cứu hộ đã hy sinh oan uổng mà không thể lấy gì bù đắp được.

Dù biết phải thường xuyên đối mặt với tử thần, với những nguy hiểm khó lường, nhưng các chiến sỹ Cảnh sát PC&CC TP vẫn luôn lạc quan yêu đời và sẵn sàng lao vào giặc lửa, giành giật từng mạng sống từ miệng Hà Bá và vật vã với trăm ngàn ô nhiễm, gian nguy để tìm kiến tang vật, thi thể…

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn "vua lặn" kể lại: Năm 2004, trong một lần mò khẩu súng của hung thủ vứt ở cầu Bến Phân (giáp quận Gò Vấp và quận 12) suýt chút nữa cả nhóm 11 người đã chết không toàn thây. Lúc này đã 19h, trời mưa lớn. Mặt nước đen ngòm, sau vài giờ lặn tìm Thượng sĩ Huỳnh Nguyên Thuận mò  được 3 "chai bia" cầm trên tay nói đùa với anh em: Có bia uống rồi… Thuận đang định ném đi thì có người hét lên đó là lựu đạn chày…

Những hiểm nguy, những nỗi đau mất mát còn là niềm tự hào của những người lính Cảnh sát PCCC&CHCN. Hạnh phúc mà các anh tìm thấy thường hiếm hoi sau những vất vả, nguy hiểm và anh dũng cứu người bị nạn, tìm kiếm thi thể nạn nhân và mò tìm thấy tang vật các vụ án. Những giây phút kỳ diệu ấy đã xua tan hết mọi cơn mệt nhọc và đói lả người.

Những chiến công thầm lặng

Với những người lính PCCC&CHCN thuộc Cảnh sát PC&CC TP luôn có những khoảng lặng, như một nốt trầm của bản giao hưởng về lửa và nước, con người, tài sản, tang vật chứng… Lẩn quất đâu đó là sự hy sinh, mất mát và hành động dũng cảm, phi thường. Đó là những chiến công thầm lặng khi lao vào biển lửa để cứu từng sinh mạng, khi đào bới từ trong đống đổ nát để kiếm tìm sự sống, khi chiến đấu với hóa chất mà mặt nạ phòng chống độc và trang thiết bị, khí tài của ngành còn nhiều thiếu thốn, hạn chế.

Ở bến đò Tân Bửu, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, ai ai cũng biết bà mẹ Nguyễn Thị Đàn cùng chồng đã ngoài 70 tuổi, sống đạm bạc với con, dâu và cháu trong căn nhà tình nghĩa của Cảnh sát PC&CC TP xây tặng, nhưng trong lòng mẹ luôn nhói đau, nước mắt chảy thầm trong đêm khi nhớ về người con trai liệt sỹ Phạm Văn Sáu, thuộc lực lượng Cảnh sát PC&CC TP đã hy sinh trong trận hỏa hoạn năm 1991.

Thời thơ ấu, gia đình rất nghèo khó, ngoài giờ đi học, anh Sáu phải đi làm nhiều việc để phụ giúp gia đình, tính hiền lành, chăm chỉ nên ai cũng mến. Năm 18 tuổi, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện ước mơ làm Công an cứu hỏa. Trải qua 4 tháng huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo, huấn luyện PCCC và CHCN, anh được phân công về công tác tại tổ chữa cháy chuyên nghiệp thuộc Đội Cảnh sát PCCC quận 11.

… Chiều ngày 11-3-1991, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại tầng ba nhà số 62 đường Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10. Nhận tin báo, Cảnh sát PCCC quận 11 xuất nhiều xe và hàng chục chiến sỹ nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai chữa cháy. Ngọn lửa bốc cao dữ dội cuồn cuộn khói đen nghịt bầu trời do có nhiều vật liệu gỗ và nhựa… đang uy hiếp các tầng còn lại của căn nhà và những nhà lân cận.

Hạ sỹ Phạm Văn Sáu và Thượng sỹ Lê Văn Hà báo cáo chỉ huy dùng thang III tiếp cận tầng đang cháy để khống chế ngọn lửa. Nhưng không ai ngờ tới việc, khi đưa thang lên cao cách dây điện Trung thế 15.000 V chưa đầy 4m, dòng điện phóng qua thang III xuống dưới đất đã làm hai chiến sỹ Sáu và Hà giật ngã dẫn đến hy sinh và 4 đồng đội của các anh bị thương nặng phải cắt bỏ một phần thân thể.

Thương binh, Thiếu tá Phan Bá Huyền, đồng nạn với liệt sỹ Sáu năm xưa kể lại: Có nhiều hôm không phải ca trực, nhưng anh Sáu vẫn ở lại đơn vị, có chuông reo báo cháy là anh lập tức cùng đồng đội lên đường ngay. Ngày anh hy sinh cũng không phải ca trực chiến của anh… Sáu được anh em yêu quý vì tính cách thân thiện và hòa đồng.

Trong công tác chiến đấu chữa cháy, Sáu rất năng nổ và nhiệt tình. Những lúc rảnh rỗi, bạn bè nghỉ ngơi thì Sáu lại đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người lính đi trước… Ngày xảy ra tai nạn, Huyền lái xe đưa đồng đội tiếp cận hiện trường, rồi đưa thang để anh em tiếp cận khống chế lửa. Tai nạn xảy ra, anh bị cắt bỏ 2 ngón chân, 2 ngón tay và tay phải co rút nhưng anh quyết tâm luyện tập, trị liệu để tiếp tục lái xe phục vụ đồng đội chữa cháy.

Chữa cháy, cứu nạn ngoài nhiệm vụ, chức năng của lực lượng Cảnh sát PCCC&CHCN ra, còn là một công việc đầy tính nhân đạo, nhân văn và cao cả để giành giật từng mạng sống, tài sản, tang vật chứng góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự và công tác đấu tranh với tội phạm, mang lại bình yên cho mọi người, cho xã hội.

Hoàng Châu
.
.
.