Khoe thân hay “khoe” sự kém văn hóa

Thứ Hai, 26/06/2017, 09:57
Bàn về văn hóa của người kinh doanh, thì những ví dụ kiểu như dùng chiêu thức khoe thân bán hàng cho thấy ý thức của người chủ doanh nghiệp chưa tốt. Về mặt bản chất, những gì gây chú ý theo cách bỏ áo quần, khoe thân thể thường không bền. Nó chỉ là câu chuyện chốc lát, chóng vánh.


Những ngày gần đây, nóng trên mạng xã hội là những câu chuyện liên quan đến chuyện trai đẹp, gái đẹp khoe thân phản cảm. Ðầu tiên là hình ảnh các vũ công mặc bikini nhảy múa những động tác vô cùng thô tục ở Công viên Ðầm Sen (TP Hồ Chí Minh) trước mặt khán giả có nhiều em nhỏ khiến dư luận bất bình. Chưa hết nóng, màn trai đẹp ở trần giới thiệu món ăn mới tại một quán ăn ở Hà Nội tiếp tục châm ngòi cho những bức xúc của cộng đồng. Khoe thân để thu hút sự chú ý của mọi người, chuyện không mới nhưng vì sao nó luôn nóng, luôn để lại những ấn tượng không mấy thiện cảm trong mắt mọi người?

PR phản cảm

Những bức ảnh được lan truyền trên mạng tại một nhà hàng tạo ra sự tranh cãi, và rốt cuộc số người ủng hộ trở nên quá ít ỏi, lạc lõng so với số người dè bỉu, tẩy chay, lên án. Hình ảnh những “trai đẹp” mình trần, viết chữ PR món mới trên cơ thể, đứng phục vụ thực khách, lại không hề làm “ngon mắt” đám đông. Bởi đa phần mọi người cho rằng, nó là những hình ảnh phản cảm, lạc lõng, tạo sự chú ý nhất thời, nhưng lại không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt.

Ảnh minh họa

Trên thế giới, những chiêu thức PR kiểu này chẳng còn lạ lẫm gì. Đây có lẽ là một cách bắt chước của một vài đơn vị kinh doanh, khi muốn sản phẩm của mình được đám đông để mắt tới. Theo một số thực khách, màn “trai đẹp ở trần” phục vụ món ăn có kích thích tò mò, dụ họ tới quán. Chủ yếu là thấy lạ thì đến thôi.

 Nhưng dù những người chưa đến hay đã đến rồi đều đồng tình, họ không thấy việc được các trai đẹp ở trần phục vụ món ăn cho mình là một hình ảnh đẹp, dễ chịu. Có đến thì cũng chỉ đến một lần cho biết, chứ trong thâm tâm họ thấy những hình ảnh đó không phù hợp với văn hóa  của số đông người Việt.

Ăn theo màn trai đẹp ở trần phục vụ món ăn trong nhà hàng, một số tiệm làm tóc cũng có màn trai đẹp ở trần gội đầu sấy tóc cho khách hàng nữ. Cách để được “Thượng đế” chú ý của các chủ cơ sở dịch vụ được cho là nhanh nhạy, nhưng xem ra nó không phải là hay, vì sau đó phải hứng quá nhiều “gạch đá” của dư luận. 

Một bạn có tên facebook Nguyễn Thu Nga viết: “Mình thấy việc có một trai đẹp cởi trần thắt cà vạt gội đầu, sấy tóc cho mình chả có gì hay. Nó cứ sao sao đó. Thực sự, nếu đến tiệm làm tóc để ngắm trai đẹp thì mình nghĩ nên đến những chỗ khác hay hơn, như vũ trường, hay các câu lạc bộ. Theo mình, nhân viên phục vụ ở đâu cũng phải ăn mặc lịch sự, tươm tất, chu đáo tận tình. Chứ khoe thân như vậy, gặp khách hàng trẻ thì còn được, chứ khách hàng cao tuổi hay các cháu tuổi vị thành niên thì quá phản cảm”.

Còn nhớ cách đây 2 năm, một quán bia ở Hà Nội đã bị phạt tới 40 triệu đồng vì màn PR tương tự. Những cô gái đẹp, chân dài, được một đơn vị thuê tới tham gia sự kiện bằng cách mặc bikini đón khách, rót bia cho khách. Ngay lập tức, hình ảnh phản cảm đó bị cộng đồng lên án mạnh mẽ vì nó không đẹp mắt, thiếu tính thẩm mỹ, trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục của người Việt.

Ảnh minh họa

“Khoe thân” không phải là điều xấu, nếu nó phù hợp với môi trường, hoàn cảnh. Người đi tắm biển mặc bikini là lẽ dĩ nhiên. Diện đồ tiết kiệm vải trong show thời trang trình diễn áo tắm là lẽ đương nhiên. Nhưng trong quán ăn, tiệm làm đầu mà nhân viên được phép khoe thân nhằm thu hút khách hàng, thì xem ra bài toán kinh doanh của người làm chủ có gì đó ăn xổi ở thì, không lấy cái lâu bền làm gốc rễ. 

Thậm chí, một nơi như Công viên nước Đầm Sen, màn khoe thân của các vũ công vẫn bị dư luận lên án, bởi vì nó đi kèm với những động tác uốn éo phản cảm, thiếu tính thẩm mỹ, trong khi khán giả gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, cả người già lẫn trẻ em.

PR hay quảng bá cho một hoạt động nào đó là cần thiết. Người ta phải nghĩ ra một hình thức nào đó để thu hút đám đông càng nhiều càng tốt là đương nhiên, vì nó liên quan đến doanh thu của một đơn vị kinh doanh. 

Thu hút khách hàng chính là một nghệ thuật bán hàng. Nhưng hãy cẩn thận, nếu người bán hàng chỉ lạm dụng sự chú ý nhất thời, hay tạo ra sự chú ý bằng mọi giá, mà không tính đếm đến tính thẩm mỹ hay yếu tố văn hóa, thì sự chú ý có thể đạt được một chốc lát, nhưng doanh nghiệp lại có thể bị mất đi sự quan tâm lâu dài của khách hàng. 

Nó là con dao hai lưỡi, và sự đứt tay lại nghiêng về phía doanh nghiệp. Bởi vì sự khoe thân để bán hàng không khéo, nó sẽ khoe ra sự thiếu văn hóa, thiếu thẩm mỹ của doanh nghiệp dịch vụ. Khoe thân cũng có thể là “khoe” sự nghèo nàn trí tuệ của người bán hàng nữa.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa

Luật sư Đỗ Thị Ánh (Hà Nội) phân tích: “Thực sự mà nói, không có một chủ cơ sở dịch vụ nào lại không tính toán trước khi đưa ra một chiêu thức PR nhằm tạo độ hot cho sự kiện của mình, hay thu hút sự quan tâm của khách hàng đến cơ sở dịch vụ của mình. Những màn “khoe thân” giới thiệu sản phẩm thường chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, thậm chí trong một sự kiện, để tạo ra sức nóng trong dư luận. Khi đạt được mục tiêu có được nhiều sự chú ý của đám đông thì chiêu thức này được dừng lại. Theo kinh nghiệm, PR kiểu này thường hay gây ra tranh cãi, có thể phản cảm một chút nhưng hiệu ứng thì ngay lập tức, tốt hơn cả PR bằng các phương thức khác. Hiệu quả hơn và có khi lại còn rẻ tiền hơn nữa”.

Vì những lý do đó, đôi khi các chủ doanh nghiệp biết là không phù hợp với thuần phong mỹ tục, họ vẫn làm. Vì họ đặt tính hiệu quả PR lên trước tiên. Yếu tố văn hóa bị xem nhẹ trong các trường hợp như vậy. Thực tế, có những nhà hàng, quán bar sau khi gây chú ý bằng cách khoe thân giới thiệu sản phẩm đã trở nên đông khách hơn.

Vấn đề ở đây là bên cạnh tiếng nói của cộng đồng, dư luận, cần có một chế tài thực sự cho những hành vi quảng cáo sản phẩm phản cảm. Việc viết tên sản phẩm lên cơ thể của nhân viên phục vụ như ở quán ăn có trai đẹp bưng món sườn rán chẳng hạn, thực chất là hành vi quảng cáo trái pháp luật. Đây là hành vi cần phải được cảnh báo, đồng thời có biện pháp xử lý hành chính thích đáng.

Bàn về văn hóa của người kinh doanh, thì những ví dụ kiểu như dùng chiêu thức khoe thân bán hàng cho thấy ý thức của người chủ doanh nghiệp chưa tốt. Về mặt bản chất, những gì gây chú ý theo cách bỏ áo quần, khoe thân thể thường không bền. Nó chỉ là câu chuyện chốc lát, chóng vánh. Nó không nói lên chất lượng của sản phẩm hay chất lượng dịch vụ, mà đơn giản chỉ tạo ra sự tò mò, hiếu kỳ. 

Xét về mặt lâu dài, mọi sự tò mò hiếu kỳ sẽ qua rất nhanh. Tâm lý khách hàng cũng chỉ quan tâm một chốc lát rồi thôi. Người cung cấp dịch vụ, chủ doanh nghiệp chỉ có thể gây chú ý tới “Thượng đế” của mình một cách lâu dài, bền vững bằng chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ. 

Chiêu thức khoe thân bán hàng có thể không vi phạm đạo đức kinh doanh, nhưng nó vi phạm nghiêm trọng vấn đề văn hóa, vấn đề coi trọng thuần phong mỹ tục của người Việt. Việc dùng nhân viên ở trần giới thiệu đồ ăn, có thể phù hợp với một loại đối tượng nào đó, nhưng thực sự là phần lớn người Việt chưa thấy việc đó là bình thường. Họ xem đó là hành vi nhố nhăng, phản cảm. 

Thậm chí, với không ít khách hàng, nó gây cảm giác khó chịu ngay lập tức, có thể đưa tới những phản ứng tiêu cực cho họ như bỏ về, hay mắng mỏ nhân viên phục vụ. Người quản lý doanh nghiệp nếu không nhìn xa trông rộng, xem nhẹ yếu tố văn hóa, sự phù hợp, tương thích về văn hóa trong phục vụ khách hàng thì rất có thể sẽ “lãnh đủ” búa rìu dư luận.

Xét về mặt nào đó, lợi nhuận kinh doanh có thể tăng lên trong một thời điểm, nhưng về lâu về dài, thì cái mất của doanh nghiệp còn lớn hơn. Thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, một sự tẩy chay đồng loạt trong cộng đồng là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó bài học đối với người cung cấp dịch vụ sẽ là, đừng vội ăn xổi ở thì trong kinh doanh, đừng xem thường khách hàng. Nếu quên đi yếu tố văn hóa, chỉ xem trọng lợi nhuận, thì con đường đi của một doanh nghiệp dễ biến thành tử lộ.

Hoa Phượng
.
.
.