Khốn đốn mùa triều cường ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 25/10/2018, 15:45
Mùa thủy triều năm nay, người dân ở TP. Hồ Chí Minh sống trong tình cảnh khóc dở mếu dở vật lộn với nước. Đỉnh điểm vào ngày 10-10, triều cường đạt đỉnh 1,64m (vượt báo động 3 là 14cm), nhiều nơi dân phải bơi xuồng…

Đang ngủ bị "nước giật dậy"

Thủy triều tháng 10, các tuyến đường Lê Văn Lương (Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7) nước ngập mênh mông, kéo dài nhiều cây số. Dòng nước đen từ cống trào ngược lên mặt đường, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân vừa phải chạy xe, vừa lấy tay che mũi.

Kinh khủng hơn là nước tràn cả vào nhà, làm hoen gỉ đồ dùng, người và chó mèo phải nhảy lên giường "trốn" nước. Nhà bà Lê Thị Sáu ở sát mép kênh Cầu Đá (phường Tân Hưng, quận 7), nước tràn vào nhà cao tới gần một mét. Do chung sống với thủy triều nhiều năm nên bà Sáu rất bền bỉ "chịu trận". 

Những loại đồ bằng giấy, thùng xốp bà cho lên giường, còn bàn ghế, tủ kệ bà mặc kệ cho nước ngập. Trung bình hai năm bà phải thay tủ một lần vì bị mục ruỗng, mối mọt do ẩm ướt lâu ngày. Năm ngoái, con trai út của bà Sáu lấy vợ nhưng chỉ được một mùa thủy triều, cô con dâu tá hỏa với cảnh sáng đang ngủ say bỗng phải ôm chăn gối chồm dậy chạy nước. Con dâu nằng nặc đòi ra ngoài thuê nhà trọ ở và từ đó rất ít khi trở về thăm nhà mẹ chồng. 

Bà Sáu kể: "Mấy năm trước, thủy triều lên vợ chồng tôi chọn cách về quê ở Cà Mau lánh nạn, giao nhà cửa cho vợ chồng thằng cả ở lại. Tôi có cháu ngoại đang học lớp 3 rất hiếu động. Hễ thấy nước ngập vào nhà là cởi đồ chạy ra tắm mưa khiến da lở loét, chân tay bong tróc. Có lần nó bị rắn nước cắn vào tay". 

Do hoàn cảnh khó khăn nên bà Sáu không có đủ tiền nâng nền nhà. Mới đây, gom góp được chút tiền bà ưu tiên làm trước một cái bệ bê tông cao hơn một mét làm giường cho vợ chồng con trai lớn. Ông bà già thì vẫn phải chịu cảnh thức giấc nửa đêm. Có hôm mệt quá ngủ quên, khi nước tràn vào ướt hết người mới giật mình tỉnh dậy. Bà Sáu cho biết, nền nhà bà hiện chỉ ngang với mé kênh nên bây giờ muốn nâng nền để thủy triều không dâng tới phải nâng cao trên một mét, ngần đó đất đá, xi măng tiền đâu chịu nổi.

Dãy trọ của ông Tiền nước ngập lênh láng ngày triều dâng.

Dãy nhà trọ của ông Hai Tiền cũng chung một số phận "bài ca tát nước" như hàng trăm hộ gia đình sống ven kênh. Ông Tiền có 5 phòng trọ, ngày trước triều thấp, nước đạt đỉnh cũng chỉ mấp mé bậc thềm, dân tình cảm giác thú vị khi được sống ở nơi vô cùng mát mẻ, dân dã. Bây giờ thì họ cười ra nước mắt khi nước đã tràn vào mọi hang ổ ngõ ngách trong nhà. Chỉ vài đêm chống chọi với thủy triều, các cư dân thuê trọ dắt nhau đi trả phòng. 

Ông Tiền bỏ cả trăm triệu ra tu bổ lại phòng trọ. Ông nâng nền nhà, làm gác cao và tự tin tuyên bố: "Nhà tui từ này sẽ không bao giờ ngập nữa". Dân thuê trọ lại ào ào tới, giá phòng tăng thêm nhưng họ hài lòng vì cuộc sống có chất lượng hơn. Được hai mùa thủy triều, đúng là nước không thể "với tới" được bậc thềm phòng trọ. 

Nhưng người tính không bằng quy luật của trời. Thủy triều năm nay đã chạm mốc báo động 3, kèm theo những cơn mưa khủng khiếp khiến nước từ khắp nơi đổ về các nhánh kênh. Nước bao vây tứ phía, ngập lênh láng. Phòng trọ của ông Tiền không nằm ngoài quy luật. Cư dân bất ngờ không kịp trở tay, đồ đạc bị nhấn chìm dưới nước. Nước sông hòa với nước cống đen ngòm, bốc mùi thum thủm. Chưa kể thiên la địa võng… rác, cứ thủng thỉnh táp vào nhà. 

Vợ anh Lê Thành mới sinh con sau một đêm chạy nước chân bị ngứa đỏ, càng gãi càng lở, mưng mủ phải đi bệnh viện. Đồ dùng như chén bát, chăn chiếu lỡ bị dính nước cũng phải mang đi bỏ không dám dùng tiếp vì sợ bệnh ngoài da. Ngày hôm sau, anh Thành thông báo với ông Tiền sẽ chuyển nhà trọ đi liền, không đợi lấy tiền cọc. 

Ông Hai Tiền nhăn nhó: "Tôi còn chưa thu về đủ tiền xây dựng, nay lại gặp cảnh này đúng là khốn cùng. Giờ phòng trọ của tôi chỉ còn mấy cậu sinh viên ở, do tôi hứa sẽ giảm tiền thuê tháng sau".

Không chỉ dân tình bị đảo lộn cuộc sống vì triều cường, các dãy hàng quán dọc đường Trần Xuân Soạn cũng lâm vào tình cảnh bết bát, ế ẩm. Riêng dãy chợ nổi bán trái cây tự phát ven Kênh Tẻ bị cô lập bởi nước. Các sạp trái cây bị nhấn chìm, dân buôn chỉ biết ngồi trên ghe bập bềnh ở giữa sông chờ đợi. 

Chị Trần Bé Mai, một trong những người bán hàng lâu năm tại đây cho biết: "Cả tuần triều cường tụi tôi không làm ăn được gì. Vào giờ cao điểm, công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận đổ về bán đồ rất chạy, nhưng nay nước ngập lút bánh xe, chết máy, ai cũng vật vã dắt bộ còn hơi sức đâu mua đồ. Chuối, đu đủ không bán được thối rũ, mang đổ bỏ". Qua 19 giờ nước vẫn chưa rút, số phận những chiếc ghe trái cây "nằm khóc" cho một dòng sông.

Các quán ốc ven đường bình thường hoạt động nhộn nhịp, tấp nập, đến mùa triều chỉ biết "ngồi ngáp ruồi", ngắm rác trôi trên đường. Cũng mùa triều năm ngoái, quán của ông bà Ba Chung ở chân cầu Rạch Ông rất đông khách bởi họ muốn trải nghiệm cảm giác ngồi ăn ốc bên dòng nước chảy. 

Nhưng vài ngày sau thì ế chỏng chơ vì không còn ai dám thử cảm giác "lãng mạn" này nữa. Ông Chung nói: "Họ ăn có lần rồi mất hút, hôm sau gặp hỏi mới biết chân bị ghẻ lở, mẩn ngứa do ngâm nước. Vợ chồng tôi cũng bị ngứa nên ngày triều lên là nghỉ bán".

Bà Sáu sống chung với thủy triều đã nhiều năm.

Nhà giàu cũng khóc

Ở TP. Hồ Chí Minh, mùa triều lên không chỉ khiến dân lao động lao đao bĩ cực, mà còn khiến nhà giàu phải… khóc. Ở khu "nhà giàu" Phú Mỹ Hưng, triều cường cộng với mưa lớn khiến nhiều tuyến đường nội đô Phú Mỹ Hưng thành sông. Nước ngập trúng giờ học sinh tan học, người làm tan sở nên tất cả bị cuốn vào vòng xoáy của nước. 

Ông Trịnh Văn Tuấn, nhà ở đường Phạm Lương Bằng ngao ngán: "Tôi phải tạm dừng thói quen tập thể dục chạy bộ, mấy đứa cháu đi học về trễ không kịp tham gia các lớp học năng khiếu. Cô giáo gia sư cũng xin nghỉ dạy vì không thể "bơi xuồng" từ quận 5 tới đây được. Hơn 10 năm trước ở khu này làm gì có ngập, đáng sống lắm, còn bây giờ, ở đâu cũng giống nhau cả".

Ông Tuấn vốn là một kỹ sư cầu đường, ông nhận định, một phần của nguyên nhân ngập nặng như hiện này do hệ thống cống ngầm có từ thời Pháp thuộc và hệ thống thoát nước đã xuống cấp. Hơn nữa, hệ thống này vốn chỉ dành cho một thành phố có dân cư ít hơn hàng chục lần dân cư hiện tại. 

Mấy chục năm qua, tình trạng bê tông hóa bề mặt của thành phố diễn ra ngày càng trầm trọng do "hiện đại hóa" và phát triển tràn lan không tuân thủ các chuẩn mực về đô thị. Tình trạng này khiến cho nước mưa không còn chỗ rút. 

Người ta đã giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ: Ngập đâu đắp đó, ngập đâu bơm hút ở đó, mà hậu quả là giải quyết ổn chỗ này lại ngập chỗ kia. Các điểm ngập không những không bị xóa sổ mà mỗi ngày một tăng cả về số lượng lẫn mức độ ngập.

Đồ dùng trong nhà bị hư hỏng do bị ngâm nước lâu.

Chúng tôi đã đi dọc bờ sông tại xã Phước Kiểng (Nhà Bè), quả thật tình trạng triều cường vô cùng nguy cấp. Nhiều căn nhà của dân do nền đất yếu đã có dấu hiệu sụt lún, nghiêng ngả. Trong khi đó, các chung cư mọc lên như nấm đã phá vỡ hệ thống nước ngầm và thấm nước. Những căn nhà bé nhỏ ven kênh không biết sẽ tồn tại như thế nào với những đợt triều cường tiếp theo?

Bà Nguyện Thị Diệu Ngân, cư dân sống tại xã Phước Kiểng nói mà như khóc: "Nhà tôi sống chung với nước quen rồi nhưng không sợ hãi bằng việc sạt sở của đất. Sông ở đây mỗi ngày một lở. Những ngày thủy triều dâng, nhà tôi phải di chuyển bằng ghe. Mấy đứa nhỏ phải đi gửi vì sợ chúng bất cẩn với nước".

Các theo dõi gần đây chứng tỏ độ ngập của thành phố ngày một tăng, trong tương lai gần, nước biển dâng thì đô thị ngập triều sẽ càng nghiêm trọng, không chỉ ngập ngọt mà là ngập mặn, ngập bẩn. 

Theo GS, TSKH Lê Huy Bá, giảng viên Viện Khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) thì vấn đề ngập lụt đô thị là bài toán khó. Chúng ta cùng nhau bàn bạc, thành phố phải tập hợp các nhà khoa học lên phương án, cùng nhau đưa ra lời giải có thể chấp nhận. Đó là việc làm cấp thiết. Mọi bảo thủ, giải thích mơ hồ đều vô nghĩa".

Ngọc Thiện
.
.
.