Không ai được phép lấy danh nghĩa thương binh để gây rối

Thứ Sáu, 14/12/2018, 16:59
Những ngày qua, cả nước ai nấy đều hân hoan với thành tích của đội tuyển bóng đá quốc gia tại Giải AFF Cup 2018. Đội tuyển càng vào sâu thì sự phấn khích càng lên cao, vì thế ai cũng mong có được tấm vé để vào sân cổ vũ đội nhà trong những trận thi đấu tại Việt Nam.


Nhưng cũng chính từ đây đã xảy ra lắm chuyện bi hài, bởi sân Mỹ Đình có 40.000 chỗ ngồi nhưng người hâm mộ thì có cả triệu. Nhiều người sẵn sàng bỏ ăn bỏ làm để "canh" trên mạng mua vé online; hàng nghìn người sẵn sàng đội mưa rét để xếp hàng mua vé trước trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với hy vọng mua được vé nhưng rồi nhiều người đành phải về tay không.

Trong những ngày qua đã có quá nhiều lời chỉ trích VFF xung quanh việc tổ chức bán vé, bởi sự khan hiếm và khó mua đã khiến vé chợ đen tăng giá liên tục. Sở hữu được đôi vé xem trận chung kết là có thể bán sang tay lãi được vài triệu đồng. 

Minh họa Tả Từ.

Câu chuyện đã lên đến đỉnh điểm khi sáng 10-12, ngay sau khi hệ thống mở bán vé online trận chung kết giữa Việt Nam - Malaysia, hàng nghìn người đã đến vây quanh trụ sở VFF đòi mua vé.

Trong số này, có nhiều người mang theo thẻ thương binh. Đến chiều 10-12, trụ sở VFF đã "thất thủ" khi số người này xô cửa, lao cả xe ba bánh tự chế vào trụ sở, gây ra cảnh hỗn loạn. Không những thế, hàng chục người còn mang cả rượu và thức ăn bày luôn ra sảnh trụ sở VFF để ăn uống.

Trước tình trạng hỗn loạn này, ngay trong ngày 10- 12, VFF đã phải có công văn hoả tốc gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội "kêu cứu" vì các đối tượng thương binh và giả dạng thương binh gây rối đòi mua vé trận  Việt Nam - Malaysia. 

Trong công văn này, VFF cho biết, ngày 10-12, một số đối tượng thương binh cũng như giả dạng thương binh đã tụ tập gây rối, làm mất trật tự tại trụ sở VFF. Việc các đối tượng kích động đòi yêu sách phải bán vé trận chung kết ảnh hưởng đến hoạt động cũng như trật tự của cơ quan VFF.

Sau khi có sự việc trên các lực lượng của Công an TP Hà Nội đã có mặt để xử lý kịp thời, đảm bảo an ninh trật tự nhưng vẫn chưa triệt để do các cá nhân manh động. VFF đã thống nhất với các đơn vị bảo vệ của Công an TP Hà Nội sẽ xử lý tình huống nhằm giảm áp lực và làm giấy hẹn cho các cá nhân được mua vé vào sáng 15-12. Tổng số danh sách các cá nhân mua vé bằng thẻ thương binh khoảng 240 người (đang lưu trữ hồ sơ tại VFF).

Để đảm bảo an ninh trụ sở VFF, những ngày qua, Công an Hà Nội đã phải bố trí lực lượng Cảnh sát cơ động bảo vệ và lập hàng rào xung quanh trụ sở VFF để ngăn chặn những đối tượng quá khích, bởi trong sáng 11- 12 vẫn có hàng chục người tụ tập vây kín cổng VFF để gây sức ép đòi VFF bán thêm vé theo "diện thương binh". Những người này định xông vào trụ sở VFF một lần nữa nhưng lực lượng Công an đã kịp thời ngăn chặn. 

Chứng kiến cảnh những người đàn ông đều đã có tuổi tự nhận mình là thương binh nhưng bao vây, trèo rào, ngồi ngả ngốn ăn uống trong trụ sở VFF, nhiều người bức xúc cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được và cần phải bị xử lý về hành gây rối trật tự công cộng.

Trụ sở VFF không phải là nhà hàng, nơi kinh doanh nên nếu xác định không có cán bộ, nhân viên nào mời mà tự nhiên xông vào cơ quan, chiếm giữ một khu vực để ăn uống, nghỉ ngơi là hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi hành vi tụ tập đông người, hò hét, xông vào trụ sở VFF ăn nhậu như vậy đã có dấu hiệu của việc gây rối trật tự công cộng; những người ở nhà đều là bậc cha chú như vậy đáng ra phải là những người nêu gương cho thế hệ đi sau thì ở đây họ đang biến mình thành những kẻ quá khích.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến cho rằng: "Chủ trương dành một lượng vé nhất định theo sự thống nhất để bán cho thương binh của VFF là nhân văn, nhưng cũng cần có biện pháp kiểm soát có phải thương binh thật hay giả vào mua vé để tuồn ra chợ đen hay không.

Nếu không quản được, tốt nhất đừng ưu tiên nhóm đối tượng nào kẻo gây ra tai tiếng cho chính VFF. Đông thế này cầm thẻ thương binh vào mua xong quay ra, vài giờ sau vào mua lại liệu VFF có kiểm soát được không?".

Trên một tờ báo điện tử, một bạn đọc đã bức xúc viết rằng trong hàng trăm người "làm loạn" tại trụ sở VFF vừa qua, có bao nhiêu người là thương binh thật, có bao nhiêu người muốn vào sân thật, hay chỉ muốn sở hữu tấm giấy thông hành để bán đi kiếm lời? Dù thế nào, hành động này cũng là hành động quá khích, không thể chấp nhận trong xã hội hiện đại, khiến hình ảnh chung của cộng đồng cổ động viên bị nhếch nhác, méo mó theo.

Trả lời báo chí, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội cho biết, Hội không bao giờ ủng hộ việc xưng thương binh để gây rối, cố thủ đòi mua vé, ăn nhậu ngay tại trụ sở của VFF.

"Quan điểm của chúng tôi cho rằng, những hành vi đó là không chấp nhận được và Hội không bao giờ ủng hộ tinh thần như thế. Bởi, chế độ chính sách là một chuyện, còn không nên lợi dụng việc bị thế này, thế kia để làm những việc không hay, gây mất trật tự nơi công cộng", ông Nghinh khẳng định.

Thương binh luôn là đối tượng được nhà nước quan tâm, có chính sách ưu đãi. Nhưng mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, không ai được phép đứng trên pháp luật.

Tân Lương
.
.
.