Sập cầu 9 người tử vong tại Lai Châu:

Không bao giờ dám đưa quan tài qua suối!

Thứ Sáu, 28/02/2014, 16:00

Người dân tộc Mông có tang không chít khăn màu trắng, không có nhiều hương khói hay tiếng trống kèn da diết. Nhưng đau đớn bội phần khi lần lượt những người vợ trẻ, những đứa con thơ tiếp nối nhau tiễn đưa 9 người đàn ông của bản bị tử nạn trong vụ sập cầu treo kinh hoàng vừa qua tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Họ được người dân trong bản an táng trên những ngọn đồi phía sau hay trong khuôn viên nương rẫy của gia đình, thay vì đến nghĩa trang buộc phải đi qua con suối còn vương màu tang tóc.

Nước mắt khóc chồng tử nạn

Có mặt tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu sau hai ngày xảy ra vụ sập cầu treo kinh hoàng, người dân ở bản vừa an táng xong thi thể cuối cùng của anh Vàng A Chư, một trong 9 người đàn ông tử nạn trong không khí đau thương, mệt mỏi và chưa hết bàng hoàng trước vụ tai nạn thảm khốc. Trong 3 ngày, 9 đám tang liên tiếp của 9 người đàn ông trong bản, trong đó có 5 người là thanh niên trẻ khiến cho nỗi đau trùng tang tăng lên gấp bội. Những ruộng bậc thang trơ gốc rạ không một bóng người, người dân bản Chu Va không một ai làm nương rẫy vì phải xắn tay lo ma chay cho những gia đình có người thiệt mạng...

Cầu Chu Va 6 cũ.

Người dân ở đây theo đạo Tin lành, quan niệm người chết là được về bên Chúa nên đám ma được tổ chức cực kì đơn giản, không khăn tang, không trống kèn, nói đúng hơn rằng có muốn cũng không thể chuẩn bị chu đáo kịp khi cả bản có quá nhiều cái tang bất ngờ ập đến cùng một lúc. Chiếc cầu treo bắc qua con suối của bản Chu Va 6 bị sập khi đoàn người đưa tang anh Vàng A Súa đi qua, hầu hết là họ hàng, là người thân, là anh em ruột thịt, tang thương không thể nào kể hết.

Buổi chiều muộn, bên cây cầu treo bị gãy sập, Vàng Thị Sung cùng bố chồng chị ngồi thần thờ bên những tảng đá hộc mới được người dân khiêng về làm cầu mới. Dưới lòng suối trơ ra những tảng đá lớn, là nơi hai ngày trước những người dân bản cùng nhau đưa thi thể của người anh rể Giàng A Nênh và người anh chồng Hàng A Khoa của gia đình Sung bị tử nạn. Những ngày này, mẹ Sung và chị gái Vàng Thị May khóc cạn nước mắt vì mất đi người đàn ông duy nhất trong gia đình. Anh Giàng A Nênh vừa tròn 21 tuổi, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên ở rể nhà vợ, hai vợ chồng chưa kịp sinh con đẻ cái. Buổi chiều định mệnh đó, anh cùng với những thanh niên trai trẻ khác đi khiêng quan tài trong lễ tang của anh Vàng A Súa.

Đi đến đầu cầu, vừa vào thế chân cho một thanh niên khác, mới được vài bước, anh Nênh rơi theo đoàn người xuống suối cạn. Nỗi đau đến dồn dập, người cậu ruột trong gia đình chị Vàng Thị Sung là Chẩu A Sênh cũng đang nằm ở Bệnh viện tỉnh Lai Châu vì chấn thương cột sống trong vụ sập cầu vừa qua. Những người đàn ông của bản Chu Va 6 tử nạn, gương mặt của những người phụ nữ tái tê đi, bước chân như muốn ngã quỵ khi vừa mất hết hoa màu vì giá rét, vừa mất đi người đàn ông trụ cột. Người anh chồng của Sung cám cảnh hơn khi chết đi để lại người vợ trẻ và 5 đứa con còn nhỏ. Đứa lớn 5 tuổi, đứa 3,4 tuổi và hai đứa nhỏ nhất sinh đôi chưa đầy một tuổi. Người vợ khóc không ra nước mắt, lũ trẻ chưa nhận thức được vẫn chơi đùa như thường lệ, chúng chưa tưởng tượng được tương lai sắp tới sẽ ra sao khi nhà đã nghèo lại không có cha bên cạnh.

Đại tá Vừ A Chía, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu; Thiếu tá Nghiêm Xuân Luận, Phó Trưởng ban Pháp luật – Bạn đọc, Báo CAND cùng đại diện Công ty Duy Lợi thăm hỏi, tặng quà nạn nhân trong vụ tai nạn sập cầu treo ở xã Sơn Bình đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Đường.

Anh Hàng A Khoa là người cáng đáng tất cả mọi việc trong gia đình, là người làm nương rẫy giỏi nhất bản Chu Va. Nỗi đau của những người phụ nữ Mông khóc chồng không biết đến khi nào nguôi ngoai. Sau đám tang của anh Vàng A Súa, 9 người tử vong kế tiếp không một ai được đưa ma qua suối, như một nỗi kinh hoàng với tang thương khủng khiếp vừa xảy ra vẫn còn nguyên vẹn.

31 chiếc cầu treo như thế

Với địa hình núi đồi, sông suối, để đi lại nơi đây khoảng 100 hộ dân bản Chu Va phải qua những cây cầu treo vắt vẻo. Cầu treo Chu Va 6 là chiếc cầu bắc qua dòng suối nhỏ, người dân bản Chu Va đã quen với việc rủ nhau đi qua cầu vào mỗi ngày chủ nhật đi lễ nhà thờ. Chị Sung cho biết: Chỉ có xe máy qua cầu thì phải nhường một xe qua trước, còn trước nay người dân vẫn đi qua cầu theo tốp đông người cùng một lúc. Tải trọng ghi trên cầu hầu như chỉ có trẻ con đi học biết chữ mới đọc được, thanh niên cũng vài ba người đọc được, còn hầu hết người dân ở đây đều không biết chữ. Từng là nơi hò hẹn của trai làng, gái bản, nhưng sau vụ tai nạn thảm khốc, cây cầu treo là nơi mỗi người dân bản Chu Va nhớ về kí ức kinh hoàng có thể không bao giờ thôi ám ảnh.

Chỉ cách cầu này một đoạn ngắn là cầu Chu Va 8 được thiết kế rộng hơn nối bắc qua hai bản Chu Va 6 và 8. Chiếc cầu lớn này có tải trọng ghi trên cầu là 5 tấn, xe ôtô tải trọng nhẹ có thể qua cầu. Theo chị Thu, một người dân ở mặt đường quốc lộ 4D đối diện cầu Chu Va 8 cho biết: Hàng ngày xe cộ qua lại nườm nượp trên cầu, có khi cả chiếc xe tải to chở đầy gạch đá cũng đi qua rầm rập trông rất sợ. Từ khi xây dựng cũng chưa thấy có ai bảo dưỡng hay sửa chữa vì cầu vẫn đi lại tốt. Cầu Chu Va 6 gãy sập gây ra tai nạn kinh hoàng khiến người dân trong xã rất ngại đi qua những chiếc cầu treo, nhất là qua cầu Chu Va 8 để vào bản Chu Va 6 mua bán như thường ngày. Mọi việc ở xã Sơn Bình dường như bị đình trệ hết.

Gia đình Sung mất đi người thân duy nhất.

Theo thông tin từ người dân ở đây, cầu Chu Va 8 và cầu Chu Va 6 vừa bị sập đều do một đơn vị thiết kế, thi công. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Tam Đường có tới 31 cầu treo như thế. Sau vụ tai nạn, người dân ở xã Sơn Bình thường chọn cách đi bộ qua lòng suối cạn vì nỗi sợ một chiếc cầu khác cũng sẽ đổ sập kinh hoàng như vậy. Số cầu treo của cả tỉnh Lai Châu là xấp xỉ 100 chiếc. Mỗi chiếc cầu treo mới đều được xây dựng bên cạnh cầu treo cũ mà trước đây người dân tự dựng nên để đi lại. Cầu mới to hơn, cao hơn, khi xảy ra tai nạn lại là mối nguy hiểm không thể nào lường trước được. Hiện nay, tất cả mọi nguồn lực đều đang đổ dồn vào việc xây dựng lại cầu Chu Va 6 mới cho người dân đi lại, việc kiểm tra độ an toàn hết tất cả 31 cây cầu treo của huyện Tam Đường dường như chưa được bất cứ một cơ quan nào bàn đến. Tâm lý nơm nớp lo sợ mỗi khi bước chân lên những chiếc cầu treo qua suối dường như làm người dân ở đây mất ăn mất ngủ, chỉ biết động viên nhau rằng: "sống chết là do trời định".

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã khẩn cấp ra công điện giao cho Tổng cục Đường bộ khẩn trương xây dựng quy trình vận hành, sử dụng và bảo trì cầu treo; Chỉ đạo các địa phương có hướng dẫn cụ thể về tải trọng cầu theo hướng dễ hiểu, không ghi tải trọng chung chung mà quy ra số lượng người cụ thể được phép đi trên cầu, có ghi bằng tiếng dân tộc ở nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Thông qua Báo CAND, Công ty Duy Lợi hỗ trợ 53 triệu đồng tới các gia đình có người thân gặp nạn trong vụ sập cầu treo tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu)

Trước hoàn cảnh bi thương mà nhiều gia đình ở Sơn Bình đang gặp phải, Đại tá Vừ A Chía, Thiếu tá Nghiêm Xuân Luận đã thăm hỏi, sẻ chia mất mát, hỗ trợ các gia đình có người thân bị tử nạn (8 trường hợp), mỗi gia đình 2 triệu đồng. Thiếu tá Nghiêm Xuân Luận tâm sự, số tiền trên là sự sẻ chia của Công ty Duy Lợi, của những người làm Báo CAND tới các gia đình, những mong bà con sớm vượt qua cơn bĩ cực trước mắt, trở lại cuộc sống thường nhật. Chứng kiến nghĩa cử thiện nguyện của Đoàn công tác, bà Úy Thị Sơn – Phó Bí thư Huyện ủy Tam Đường (Lai Châu) thay mặt chính quyền địa phương, các gia đình có người bị nạn trong vụ sập cầu treo vừa qua bày tỏ sự cảm ơn tới tấm lòng hảo tâm mà Đoàn công tác gửi tới địa phương.

Đại tá Lò Văn Bích, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, ngay sau khi có kết quả từ cơ quan chuyên môn thực hiện công tác giám định cầu, cơ quan Công an sẽ vào cuộc để điều tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lai Châu. Theo thông tin từ tổ điều tra vụ tai nạn gồm các cán bộ của Bộ GTVT và UBND tỉnh Lai Châu, công việc đầu tiên trước khi đưa ra kết luận là xem xét chất lượng của cầu treo Chu Va 6, sẽ đưa chiếc tăng đơ bằng sắt đi kiểm nghiệm về sức bền vật liệu, độ chịu lực theo những phán đoán ban đầu nguyên nhân chính là từ bộ phận tăng đơ.

Ông Hoàng Thọ Trung, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, hiện nay UBND huyện đang tích cực chỉ đạo làm cầu tạm cho người dân bản Chu Va 6 đi lại. Phòng Công thương huyện Tam Đường là chủ đầu tư trực tiếp đảm nhiệm việc này. Đất đá, mố dầm cầu đã được tập kết tại vị trí cầu treo bị đổ sập, huyện đang tập trung toàn bộ lực lượng hoàn thành cầu trong vòng 5 ngày tới. Cầu mới có nền đường rộng 2 mét, lòng suối ghép sắt phi 400, rải đá dăm trên nền chống trượt. Theo ông Đồng Xuân Trường - cán bộ giám sát Phòng Công thương huyện Tam Đường: cầu tạm được xây dựng với kinh phí dự trù là 100 triệu đồng. Chất lượng là vấn đề huyện đặt lên hàng đầu. Đường tạm cách cầu cũ khoảng hơn 10m để đảm bảo sau này có sửa lại cầu treo Chu Va 6 cũng không ảnh hưởng. Con đường đang được làm thấp hơn cầu Chu Va 6 với dốc thoải hai đầu.

H.Cẩm
.
.
.