Không cá nhân nào cải tiến được tiếng Việt

Thứ Tư, 15/04/2020, 09:25
Bộ chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS4.0) vừa được cấp bản quyền sau 27 năm nghiên cứu của Kiều Trường Lâm - Trần Tư Bình bị phản ứng dữ dội từ độc giả. Khá nhiều ý kiến cho rằng đọc loại chữ này trẹo cả mồm. Có ý kiến cho rằng đây là "Một công trình biến 99,999% dân số thành mù chữ"; "27 năm đó mà dùng để làm khoa học thì chắc COVID - 19 giờ đã có thuốc chữa rồi. "Phần lớn ý kiến lo chữ sẽ làm hỏng tiếng Việt vốn đang rất trong sáng.


Không yêu cũng đừng nói lời cay đắng! Tác giả đâu có cải tiến tiếng Việt. Họ chỉ cải tiến chữ Việt mà thôi. Bởi di sản này được bồi đắp từ hàng chục triệu dân và bề dày hàng ngàn năm. Không có bất kỳ cá nhân nào có thể thay đổi được tiếng Việt, kể cả các tác giả chữ Quốc ngữ như Francesco De Pina, Alexander Rhodes cũng không thể làm được.
Minh họa Lê Tâm

Bởi các ông chỉ sáng chế ra bộ chữ mới biểu âm tiếng Việt mà thôi. Tóm lại, thay nghìn bộ chữ thì tiếng Việt vẫn không thay đổi. Để tiện hình dung, cần đặt mình vào vị trí người mù chữ. Không có người mù chữ nào lại không nói được tiếng Việt cả. Có mù chữ chứ không có mù tiếng.

Bộ chữ VNSS 4.0 chỉ là một cải tiến cách ghi mà thôi. Theo tác giả thì sẽ là một dạng tốc ký, bớt được những lỗi phiền toái khi gõ text từ những dấu thanh điệu. Đừng quá lo việc công trình được cấp chứng nhận bản quyền! Là tác giả của bất kỳ công trình hay đến đâu, dở đến mấy thì bản quyền hiển nhiên thuộc về tác giả. Việc phổ cập hay không lại là chuyện khác.

Chữ Quốc ngữ, từ khi khởi tạo cho tới khi phổ cập thành công cũng mất tới hơn 300 năm. Mãi tới nửa đầu thế kỷ 20, với yêu cầu bắt buộc xóa mù chữ bằng các lớp bình dân học vụ của chính quyền cách mạng thì chữ Quốc ngữ mới thực sự đi vào đời sống.

Việc đổi chữ không có gì mới? Theo GS. Ngô Như Bình, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Harvard, Mỹ, một số quốc gia đã cải cách chữ viết của họ thành công như Indonesia (1972), Hà Lan (1980 và 2005), Pháp (1990), Na Uy (1981 và 2005), Đức (1996), Áo (1996) và Thụy Sĩ (1996).

Sau khi Liên Xô tan rã, có 3 quốc gia độc lập tách ra đã thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết của họ, gồm có: Azerbaijan (1991), Turkmenistan (1991) và Uzbekistan (1992). Trước đó, chữ viết của họ dùng chữ Cyrillic (Dạng chữ Đông Âu hay dùng), nay chuyển hẳn sang hệ thống chữ viết Latin. "Ngoài 3 nước trên ra, Kazakhstan đang thực hiện cải cách theo hướng này. Kyrgystan đang bàn để đi vào thực hiện. Ba nước Azerbaijan, Turkmenistan và Uzbekistan đã chấp nhận chi phí tốn kém nhằm mục đích thực hiện triệt để cải cách chữ viết".

Cũng có độc giả ủng hộ bộ chữ VNSS 4.0 rằng "Bộ chữ VNSS 4.0 này nhìn rất gọn gàng, nếu có quy tắc chuyển đổi từ chữ đang dùng thành chữ "song song" này mà cấu trúc chặt chẽ, không gây hiểu lầm thì đây sẽ là phát minh rất lớn trong lưu trữ dữ liệu số (chúng ta không phải dùng hệ thống UTF8 nữa thì sẽ rất nhẹ nhàng trong xử lí, tìm kiếm thông tin). Khả năng truyền tải dữ liệu trên các hạ tầng số mà gửi dạng dữ liệu này có lẽ cũng nhẹ hơn đáng kể…".

Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ta cũng như nhà nước đương nhiên hiểu rõ lợi hại của việc áp dụng rộng rãi. Ngày 8-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông cáo nêu rõ Bộ không có chủ trương thay đổi chữ viết tiếng Việt.

Đơn giản là lo thôi đừng lo quá! Dù cấp chứng nhận hay không thì các học sinh vẫn chế ra và sử dụng loại teen code rối rắm điên đầu. Có cậu ấm cô chiêu nào kêu toáng lên đâu.

Bạn còn lo chữ làm hỏng tiếng không?

Lê Tâm
.
.
.