Cái roi và dấu hỏi

Thứ Tư, 31/05/2017, 18:26
Thực tế thì những "ngôi sao" điểm 10 cả văn và toán khi học lớp 6 đã đuối hơn "mặt bằng" học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh. Giáo sư Cương buộc phải đặt dấu hỏi với những hồ sơ toàn 10 và các giải thưởng văn nghệ thể thao có phải là thực chất không? Một số phụ huynh đã nói riêng với giáo sư rằng các giải thưởng đã mua hoặc xin được.

Chuyện khó tin nhưng có thật. Giáo sư Văn Như Cương kể rằng: "Mỗi năm Trường THCS Lương Thế Vinh nhận được khoảng 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6. Nhưng tôi hoảng quá, có đến 1.000 hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối cả hai môn Toán, Tiếng Việt suốt 5 năm tiểu học. Những năm trước học sinh đỗ qua kỳ thi tuyển sinh vào trường chúng tôi dù điểm học bạ cao, nhưng không quá nhiều điểm 10 hai môn suốt 5 năm như thế. 

Do có hàng nghìn hồ sơ đạt điểm tuyệt đối mà chỉ tiêu tuyển sinh chỉ được 600, chúng tôi buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…".

Minh họa của Tả Từ.

Thực tế thì những "ngôi sao" điểm 10 cả văn và toán khi học lớp 6 đã đuối hơn "mặt bằng" học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh. Giáo sư Cương buộc phải đặt dấu hỏi với những hồ sơ toàn 10 và các giải thưởng văn nghệ thể thao có phải là thực chất không? Một số phụ huynh đã nói riêng với giáo sư rằng các giải thưởng đã mua hoặc xin được.

Câu chuyện giáo dục bắt đầu bị méo mó. Trẻ em chưa kịp hình thành đầy đủ nhân cách thì phụ huynh đã “biểu diễn” việc gian dối ngay trước mắt các em rồi. Nếu bố mẹ cứ hành xử như vậy thì đừng trách các con mình nói dối chuyên nghiệp. Như vậy, triết lý giáo dục đã bị phá vỡ ngay từ nền tảng gia đình, không nhà trường nào cứu được.

Chuyện khác. Những năm gần đây, kết quả PISA (xếp hạng học sinh quốc tế) Phần Lan nổi lên vào hàng đầu châu Âu và thế giới. Cùng hạng này có một số nước Đông Á, nhưng điểm khác biệt là học sinh Phần Lan không hề bị nhồi kiến thức mà thực sự là học sinh đi học như đi chơi. Bà Krista Kiuru, Bộ trưởng Giáo dục nói: "Trẻ em Phần Lan không có bài tập về nhà. Bọn trẻ cần nhiều thời gian chơi đùa tận hưởng cuộc sống".

Nhà giáo Anna Hart chia sẻ rằng học sinh học trung bình mỗi ngày 3 tiếng. Một tuần khoảng 20 tiếng.

Tất nhiên chẳng có ai đi học thêm làm gì. Học sinh ở đây hoàn thành công việc nhanh và tốt hơn học sinh các nước khác bằng cách dùng thời gian ở trường ngắn hơn. Điều quan trọng nhất là học sinh độc lập hơn. Ngoài tiếng Anh, các em thường biết vài ngoại ngữ khác như tiếng Đức, Thụy Điển. Một giáo viên cho rằng: "Khi cho trẻ em dành nhiều thời gian chơi, tiếp xúc với bạn bè, chúng sẽ trở thành con người nhân văn".

Hầu hết trường học ở Phần Lan là công lập và miễn phí toàn bộ. Người Phần Lan không coi việc giáo dục là các gói kinh doanh. Điều này làm nhà giáo dục Mỹ hết sức kinh ngạc.

Không ai phải vất vả chọn trường vì các trường bình đẳng với nhau về trang bị. Với phụ huynh Phần Lan, trường tốt nhất là trường gần nơi sinh sống nhất. Các môn học cũng bình đẳng. Đặc biệt các môn học mà một số nước phát triển như Mỹ đã xem nhẹ thì ở Phần Lan lại được chú ý. Đó là các môn nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca.

Sự thay đổi giáo dục ở nhà trường có thể nhanh nhưng nếp giáo dục gia đình mới lâu. Chúng ta quen hiểu dạy là nghiêm khắc với các loại hình phạt. Ông đồ không thể thiếu cái roi. Thậm chí việc "ăn roi" để "nên người" với một số phụ huynh laiå là điều phấn khởi tự hào, đi đâu cũng khoe. 

Muốn học mà cứ phải ra roi thì khác nào con trâu. Cứ thế cho đến khi chúng ta giật mình thấy "sản phẩm" của chúng ta không hề biết tự lập. Ngày Tết Thiếu nhi sắp đến, kỳ nghỉ hè bao nhiêu em được nghỉ ngơi? Bao nhiêu em lo lắng tiếp tục lao vào hành trình học thêm bất tận? Trẻ em trước hết cần được là trẻ em chứ không phải những chiến binh đèn sách.

Còn bạn. Bạn có thích dùng roi trong giáo dục không?

Lê Tâm
.
.
.