Không có “vùng cấm” trong chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Sáu, 27/10/2017, 14:39
Sau nhiều lần trì hoãn khiến dư luận nghi ngại, cuối cùng, Thanh tra Chính phủ cũng đã thông báo Kết luận thanh tra việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng tại “biệt phủ” ở Yên Bái do bà Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Yên Bái) đứng tên.


Trước đó, khi xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra sự việc trên, một vị lãnh đạo ở Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ đã trả lời báo chí rằng: Ông Phạm Sỹ Quý kê khai trung thực nhưng chưa đầy đủ khiến không ít người thắc mắc, hoài nghi về sự khách quan của kết luận bởi sự giải thích có phần vòng vo, ngụy biện.

Thế nhưng, khi những sai phạm của vị giám đốc này được thể hiện chi tiết trong bản kết luận thanh tra mới đây, dư luận tỏ ý hài lòng và mong muốn những sai phạm phải được xử lý nghiêm khác.

Minh họa của Lê Tâm.

Cụ thể, trong bản kê khai của mình, ông Quý kê khai thiếu hàng nghìn mét vuông đất, không kê khai một ngôi nhà và khoản vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng. Chắc chắn, đây không phải do lỗi vô ý của người kê khai bởi họ đã biết tận dụng những “kẽ hở” cần thiết để “thoát hiểm” và có lợi cho mình.

Bản kết luận cũng chỉ rõ sai phạm của những cá nhân, cơ quan có liên quan mà trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND TP Yên Bái. Cùng với đó, Chi cục Thuế TP Yên Bái không thông báo, không xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ. Điều này là không thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Hàng loạt vi phạm trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở cũng như các vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặc dù bà Huệ đứng tên các giao dịch, song không vì thế mà ông Quý là người ngoài cuộc. Ông đã vi phạm quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, vì theo Luật này thì ông không được để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.

Từ sự kê khai thiếu minh bạch, từ những vi phạm nghiêm trọng của một lãnh đạo đứng đầu một ngành của tỉnh, rõ ràng nó đã tạo dư luận không tốt đối với cán bộ trong bộ máy của Nhà nước. Điều đáng buồn là những sai phạm đó diễn ra một cách công khai, có sự tiếp tay của những người lãnh đạo cấp trên. Rất may báo chí đã vào cuộc và mọi việc được sáng tỏ.

Vậy bài học sâu sắc gì được rút ra từ những sai phạm của vị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái? Rất nhiều điều, song có hai điều khiến chúng ta thật sự quan tâm, mong mỏi ở các cấp lãnh đạo, đó là việc bổ nhiệm cán bộ và sự nghiêm minh không có ngoại lệ đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ nhất, trong thời gian qua, dư luận đã nói rất nhiều đến việc bổ nhiệm cán bộ ở các địa phương, về nạn “con ông cháu cha”, về tình trạng “một người làm quan, cả họ cũng làm quan”… Tất nhiên, dư luận là vấn đề cần nghiên cứu, xem xét, nhưng việc bổ nhiệm những cán bộ không xứng đáng, bổ nhiệm “thần tốc” hay làm sai quy trình không phải là không có ở nhiều địa phương như đã thấy.

Trong số những cán bộ được bổ nhiệm đó, không ít cán bộ năng lực còn hạn chế, kinh nghiệm chưa nhiều, bản thân không chịu tu dưỡng, rèn luyện nhưng lại phát ngôn những điều to tát và sớm có những biểu hiện suy thoái, vi phạm phẩm chất, đạo đức, đó chính là “chân dung” một bộ phận cán bộ trẻ hiện nay.

Tất nhiên những sai phạm của họ sẽ bị xử lý và buộc họ phải nhường vị trí đó cho những ai xứng đáng hơn, nhưng rõ ràng, những người có liên quan trong việc bổ nhiệm “nhầm” đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Đó là sự cần thiết để làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong thời điểm hiện nay.

Và thứ hai, đó là mọi vi phạm pháp luật cần phải được xử lý một cách triệt để, không thể có những ngoại lệ hay “vùng cấm”. Một xã hội công bằng, kỷ cương phép nước luôn được giữ vững chính là xã hội mà ở đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân luôn được coi trọng.

Mặt khác, các cơ quan chức năng luôn vận hành một cách minh bạch, hiệu quả. Đó là những nền tảng quan trọng để tạo niềm tin với nhân dân và người dân cũng có trách nhiệm hơn trong việc xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại.

Tuấn Nguyễn
.
.
.