Không để tiền tỷ phơi sương

Chủ Nhật, 01/07/2018, 16:34
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TP HCM, hiện trên địa bàn thành phố đang khai thác tổng cộng 22 cầu bộ hành. Mục đích chính của các công trình cầu vượt bộ hành là nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ có nhu cầu băng ngang đường. Tuy nhiên, do cách thiết kế, lắp đặt chưa hợp lý nên một số công trình tiền tỷ đang phơi sương, nắng…


Đi nhanh… về tắt

Hiện có 7 cầu vượt trên đường Võ Văn Kiệt; 5 cầu vượt trên đường Phạm Văn Đồng; cầu bộ hành Gò Dưa thuộc quận Thủ Đức; cầu bộ hành trên quốc lộ 1, đoạn trước Trường Đại học Kinh tế - Luật và Siêu thị Co.op...

Thực tế khai thác thời gian qua cho thấy, chỉ 1/3 trong số 22 cầu vượt bộ hành này có người đi bộ thường xuyên, thường nằm trước bệnh viện. So với những năm 2009, 2010, khi một số cầu vượt được bắt đầu đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố thì hiện nay đều có mái che mưa nắng.

Cầu vượt trên đại lộ Phạm Văn Đồng vắng người đi.

Cầu vượt trước Bệnh viện Từ Dũ, mỗi ngày đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân và người thân. Thế nhưng, dù có cầu vượt, người dân vẫn không chịu sử dụng mà đi băng qua đường cho nhanh, thành ra cầu vượt luôn vắng bóng người.

Chính sự thiếu ý thứ đó đã làm kẹt xe liên tục, bắt đầu từ ngã 3 Bùi Thị Xuân - Cống Quỳnh dẫn tới ngã 4 Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai - Cao Thắng (quận 1).

Bên cạnh đó, chính vì cách thiết kế lối lên cầu vượt quá nhiều bậc thang, theo kiểu dựng đứng, dốc nên người có tuổi thường ngán ngại khi leo lên.

Bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, ngụ quận 9, TP Hồ Chí Minh) đưa con gái đi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ thở than: "Vẫn biết băng ngang qua đường là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ở tuổi tôi mà leo lên cầu vượt thì rất khó khăn khi khớp gối đã "lao xao", lối đi quá dốc". Tương tự như vậy, các bà bầu và người thân đành "liều mình" băng qua đường vì sức đâu mà leo cầu vượt (?!).

Tương tự, ngay ngã 3 Nơ Trang Long - Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) thường xảy ra kẹt xe dù có cầu vượt đặt trước Bệnh viện Ung Bướu hay trước Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Trãi (quận 5).

Lí do là người bệnh thường mệt mỏi khi leo cầu vượt nên băng sang đường là nhanh nhất. Mấy hôm nay khi có trời mưa thì lượng khách bộ hành leo lên cầu vượt có tăng nhưng cũng chưa tương xứng với giá trị đầu tư của nó. Bằng chứng là trước các cổng bệnh viện dù có cầu vượt nhưng cũng liên tục ùn tắc cho đến kẹt xe. 

Cầu vượt trước Bệnh viện Ung Bướu.

Ngoài lí do là cầu xây quá dốc, ý thức của dân mình còn kém thì cách đặt vị trí cầu vượt chưa hợp lý. Rõ ràng nhất mà ai cũng thấy là cầu vượt trước chợ Văn Thánh (phường 25, quận Bình Thạnh) rất hiếm người đi.

Trong khi đó, hàng nghìn sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ (đường điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh) và các trường lân cận phải "liều mình" băng qua đường mỗi ngày để đón xe buýt vì không có cầu vượt, gieo rắc nguy hiểm cho bản thân và thậm chí cả người đi đường.

Một số cầu bộ hành khi đêm đến còn trở thành "bãi đáp" của dân xì ke, hút chích ma túy lén lút nên cũng là một trong những nguyên nhân làm người dân ngán ngại khi leo lên đây.

Cải tiến cầu vượt

Trong năm 2018, sẽ có thêm một số cầu bộ hành được xây dựng ở nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo thuận lợi, an toàn tối đa cho người sử dụng. Ngoài việc thiết kế thêm mái che mưa nắng, mảng xanh để tạo cảnh quan thẩm mỹ trên cầu, còn bố trí trạm hoặc điểm dừng xe buýt ở ngay 2 đầu lên xuống cầu bộ hành…

Đầu tháng 5 vừa qua, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở GTVT) vừa hoàn thành cầu vượt bộ hành nối giữa hai khu của công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp).

Đây được xem là cầu vượt bộ hành đẹp nhất TP Hồ Chí Minh. Cầu dài 37,1m, có vòm thép trang trí, cây xanh, hệ thống chiếu sáng. Đây thuộc hạng mục dự án cải tạo, chỉnh trang công viên Gia Định.

Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, các tuyến đường xung quanh như: Hoàng Minh Giám, Đặng Văn Sâm... thường xuyên ùn tắc mà một trong những nguyên nhân là do người đi bộ băng qua đường. Do đó, việc cầu bộ hành này đi vào hoạt động sẽ giúp người dân đi lại an toàn hơn, đồng thời giúp giao thông tại khu vực này thông thoáng hơn.

Một loạt dự án cầu bộ hành cũng đang trong quá trình chuẩn bị triển khai trong năm 2018 như: cầu bộ hành trên đường Quang Trung (phường 11, quận Gò Vấp); cầu bộ hành trên QL1, đoạn trước chợ đầu mối Thủ Đức; cầu bộ hành trên đường Lê Văn Việt (quận 9), đoạn trước Cơ sở 2 Trường Đại học GTVT…

Sở GTVT định hướng sẽ phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố và các phương tiện truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc sử dụng cầu bộ hành khi có nhu cầu băng ngang qua đường.

Theo chúng tôi, việc xây dựng thêm cầu vượt ở các địa bàn đông dân cư là xác đáng. Tuy nhiên, phải tính tới kĩ thuật xây dựng bằng cách tạo độ ngắt quãng, nghỉ ngơi giữa các bậc thang khi leo lên, không tạo độ dốc vì người lớn tuổi khó mà leo lên.

Thứ hai là bố trí cầu vượt hợp lý, không nên có một cầu vượt đặt sai vị trí như trước khu Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Thứ ba là tạo nên mảng xanh thân thiện thay vì một khối bê tông khô khốc giữa trời nắng nóng như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu -  Chủ tịch Trung tâm trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cho biết, trước thực trạng các thành phố lớn phải gánh áp lực ngày càng lớn về mật độ giao thông thì giải pháp xây hầm, cầu vượt bộ hành là một trong những giải pháp tối ưu.

Giải pháp này sẽ góp phần tích cực làm giảm áp lực giao thông tại một số khu vực trọng điểm, giảm thiểu tắc đường và tai nạn giao thông cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi qua đường, việc xây dựng các đường hầm, cầu vượt bộ hành là vô cùng cấp thiết.

Để đáp ứng nhu cầu đó, tại các thành phố đã xây dựng nhiều hầm, cầu bộ hành, tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, người dân vẫn chọn qua đường giữa làn xe đang lưu thông thay vì sử dụng hầm, cầu bộ hành, bởi khi sử dụng hầm, cầu đi bộ rất bất tiện cho người dân, tốn thời gian hơn.

Hơn nữa, tại cái khu vực này lại là nơi thường xuyên tập trung các tệ nạn xã hội (như bài bạc, sử dụng ma túy,…), một số người sử dụng chân cầu bộ hành để đỗ xe, buôn bán hàng rong, vấn đề vệ sinh trong các khu vực này cũng không được đảm bảo.

Cầu vượt qua công viên Gia Định.

Do đó, gây bất tiện lớn cũng như không được đảm bảo an toàn cho người dân khi có nhu cầu sử dụng các lối đi này.

Nhằm phát huy hiệu quả tốt nhất thì cầu vượt bộ hành cần phải đặt ở đúng vị trí phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người tàn tật, tránh trường hợp lãng phí không cần thiết, đồng thời khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên để khuyến khích người dân sử dụng cầu bộ hành. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng cầu bộ hành kết hợp với nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề tuân thủ đúng quy định an toàn giao thông, thực hiện nghiêm quy định xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định.

Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, Nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương khẳng định, việc xây dựng cầu bộ hành tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là rất cần thiết, nhất là tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, phải đặt ở vị trí phù hợp, lối lên không quá dốc để người già, khuyết tật… lên được. Ngoài ra, phải có mảng xanh để tăng sức sống cho đô thị. Người dân cũng nên tăng cường đi lại bằng cầu bộ hành thay vì thói quen cố hữu là băng ngang sang đường như hiện nay.

2.268 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội gần 180 tỷ đồng

Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, tính đến 31-5-2018, có 2.268 doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) từ 6 tháng đến 12 tháng với tổng số tiền nợ là gần 180 tỷ đồng của 14.421 lao động. BHXH Hà Nội cũng đã công bố danh sách 500 doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với 131 tỷ đồng của hơn 10 nghìn lao động. Trong số đó có 25 doanh nghiệp nợ trên 1 tỷ đồng.

Theo BHXH Hà Nội, mặc dù số nợ hiện nay đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2017, nhưng số tiền nợ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn lên tới 460 tỷ đồng. Ngoài việc phân loại nợ, xác định nguyên nhân nợ, phối hợp kiểm tra liên ngành việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT.

Những doanh nghiệp có số tiền nợ lớn nhất là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Hà Đông) nợ 11,277 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích (Sơn Tây) nợ 8,375 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tường kính TID (Ba Đình) nợ 4,034 tỷ đồng; Công ty TNHH EH GLOBAL (Phúc Thọ) nợ 3,144 tỷ đồng… (XQ)

An Hòa
.
.
.