Nhân viên y tế 5 bệnh viện TW "nói không" với phong bì:

Không đưa thì... không nhận

Thứ Bảy, 26/11/2011, 14:45

Việc 5 bệnh viện TW là Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản, K, E thí điểm "nói không" với phong bì hơn 1 tháng qua khiến dư luận nổ ra cuộc tranh cãi nảy lửa. Thôi thì đủ luồng ý kiến, nào là: Đây chỉ là phong trào mang tính chất hình thức, không có tính khả thi; y, bác sỹ nếu không có nguồn thu nhập từ phong bì thì có mà... chết đói; tại bệnh nhân đưa nên các "từ mẫu" mới phải cầm; cấm cửa trước, phong bì sẽ luồn cửa sau. Và có cả bác sỹ bày tỏ sự dằn vặt mỗi khi cầm phong bì của người bệnh nghèo hơn mình...

Rớt nước mắt khi đọc thư của một người bệnh

9 ngày, mới qua được vòng khám bệnh và có chỉ định mổ nhưng rồi ông Lê Tuấn Nhựa, 73 tuổi đành ngậm ngùi rút hồ sơ về quê. Ngay sau đó, ông đã viết một lá đơn trình bày hành trình "gian nan" khi đi khám bệnh tại một bệnh viện đầu ngành tuyến TW ở Hà Nội (đây là 1 trong 5 bệnh viện đang thực hiện "nói không với phong bì").

Ông Nhựa sơ qua sơ yếu lí lịch của mình là: Lê Tuấn Nhựa, trú tại đội I, làng Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Thương binh 4/4, số sổ CK 1074; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ba; Kỷ niệm chương chiến sỹ Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; thẻ bảo hiểm y tế số CK2/38/00/010/01293. Được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh; sống độc thân, mỗi tháng được hơn 500.000 đ/tháng tiền trợ cấp. Để bạn đọc tiện theo dõi hành trình đi khám chữa bệnh của ông Nhựa, chúng tôi xin đăng tải gần như toàn bộ nội dung trình bày của ông.

"Ngày 19/7/2011, tôi được Bệnh viện S tiếp nhận vào khám ở Khoa Tiết niệu. Sau 9 ngày khám, tôi được khoa cho vào viện để mổ niệu đạo + u sơ tiền liệt tuyến với điều kiện phải nộp năm triệu đồng (khi vào khám, tôi đã nộp 500.000 đ) ở bộ phận Tài chính - Nơi cấp phiếu tiếp nhận vào khám). Tôi thấy đây là một quy định hết sức ngặt nghèo của Bệnh viện đối với những người thuộc đối tượng như tôi nên đành phải ra về (rút giấy tờ ra về), không vào viện để mổ nữa. Hơn nữa, trước khi vào nằm viện, tôi có thăm dò một số người đã mổ thì được biết, trước khi mổ phải "bồi dưỡng" cho bác sỹ mổ, ít nhất cũng phải có 500.000 đ... Ngoài ra, từ khi vào khám cho đến lúc được vào viện, tôi đã phải chịu bao "tủi nhục"...

Ngày 19/7/2011, tôi được hướng dẫn tới phòng khám Tiết niệu, phòng số 54. Tôi được các bác sỹ ở đây cho đi làm các xét nghiệm: Siêu âm, máu, nước tiểu, chụp tim phổi và vùng bụng (vùng tiết niệu). Sau đó, tôi được giới thiệu đến phòng khám số 55 để khám và chụp niệu đạo. Tôi bắt đầu bị "hành" từ đây.

Đợi chờ khám chữa bệnh ở bệnh viện K.

Thoạt vào tôi trình giấy cho cô bác sỹ "già già" (ở phòng này có 2 cô, một cô già, một cô trẻ - vì họ không đeo thẻ nên tôi không biết tên và tạm gọi như vậy). Cô trẻ thì đôn hậu hơn, cô còn đỡ tôi khi tôi bị choáng. Cô già thì nét mặt luôn hằm hằm. Khi nhận giấy chuyển đến, cô già già chìa tay hỏi tôi, "tiền đâu?". Tôi nói, tôi đã nộp 500.000 đ cho Bệnh viện, có giấy biên nhận đây. Thấy thế, cô già già hung tợn hơn, cô bảo tôi: "Ông ra gọi người nhà ông vào đây, tôi nói cho mà nghe".

Đến lúc này, tôi rất lo, vì tôi sống độc thân, nên đi viện chỉ có một mình. Tôi đành đi ra, may mà nhờ được một bà trông hiền lành phúc hậu đồng ý theo tôi vào phòng khám, nhận là người nhà. Và khi thấy "người nhà" của tôi ăn mặc không lành lặn, cô này liền bảo tôi: "Ông bà ra đi, thứ Hai tuần sau đến khám".

Thứ Hai tuần sau, tôi đến sớm nhất, xếp giấy đầu tiên - hy vọng sẽ được khám trước. Nào ngờ, cô già già nhận giấy, rồi xếp lại đó không hề gọi đến chúng tôi, trong khi đó cô ta đi ra, đi vào ba lần, mỗi lần ra vào cô lại đưa một người ăn mặc sang trọng vào khám. Tôi rất bất bình, nói vài câu với cô già già. Cô già già liền thách tôi: "Lên mà báo cáo Giám đốc, đây làm thế đấy!".

Tôi đành sang phòng 54 báo cáo với bác sỹ đã chuyển tôi đến phòng 55. Tôi thật bất ngờ, bác sỹ này (vì không đeo thẻ, tôi không biết tên) vừa thấy tôi đã nói: "Ông lên mà báo cáo Giám đốc". Rồi sau đó ông ta sang phòng 55 nói gì với cô già già, cô ấy ra bảo tôi: "Ông về đi đúng 11h trưa mai tới". Tôi đành im lặng ra về.

Đúng 11h trưa hôm sau, tôi tới. Cô già già đưa cho tôi một tờ giấy liệt kê các tên thuốc, rồi bảo tôi đem xuống phòng tài vụ họ hướng dẫn tiếp. Tôi liền cầm giấy tờ, xuống phòng Tài vụ, họ thu 10.000 đ, ký và đóng dấu đưa cho tôi. Tôi lại đem về, sáng hôm sau tôi mang đến đưa cho cô già già. Cô cầm tờ giấy hậm hực nói: "Không lên Giám đốc à?", rồi tiếp "11h trưa mai ông tới". Tôi lại ra về. Đúng 11h trưa hôm sau, tôi tới. Lúc này, cô già già đưa đi chụp niệu đạo.

Chiều 28/7/2011 (sau 9 ngày bị "hành") để khám, tôi được Khoa Tiết niệu gọi vào phòng hội chẩn. Một bác sỹ nói: "Ông là người mất trật tự, ngày mai ông vào viện. Nộp 5 triệu thì ngày 2/8/2011, ông mới được mổ. Nhưng tôi báo trước, bệnh của ông chỉ khỏi 50% và phải đeo "sông" suốt đời ("sông" là một dây cao su để dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Nghe vậy, tôi đành về tính sau.

Sau khi nhận giấy vào viện, tôi xin lại hồ sơ và không vào mổ nữa. Mọi người ái ngại cho tôi nhưng họ hiểu sao nỗi lo lắng của tôi lúc này, nhất là tôi lấy đâu ra 5 triệu để nộp cho viện. Tôi đành xuống nơi tiếp nhận ban đầu, xin lại thẻ Bảo hiểm y tế. Đến đây, tôi lại sững sờ hơn nữa - phòng Tài vụ giữ lại của tôi 199.000 đ. Tôi hỏi lý do, họ trả lời: "Về gặp Khoa Tiết niệu họ giải thích cho". Bỗng dưng bị mất 199.000 đ, tôi lên phòng Giám đốc. Cô thư ký Giám đốc gọi điện xuống phòng Tài vụ, rồi trả lời tôi: "Ông phải trả tiền cho dịch vụ". Thật vô lý - Không làm bất cứ loại dịch vụ nào mà bị kê khống để lấy tiền.

Nhân đây, tôi xin đề nghị với các cơ quan y tế và pháp luật: Bệnh viện S phải trả lại 199.000 đ cho tôi (gửi qua đường bưu điện, theo địa chỉ nơi cư trú); ngành Y tế cần mở đợt học tập chính trị về đạo đức người thầy thuốc (như thời đánh Pháp, đánh Mỹ) mà Đảng và Nhà nước ta vẫn làm, nên làm thường xuyên. Mỗi học viên phải viết một bản thu hoạch, trong đó phải có lời cam đoan. Nếu làm sai (hoặc bị phát giác) sẽ chịu kỷ luật tước bằng thầy thuốc và khai trừ ra khỏi ngành...".

Hình ảnh đẹp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Ý Yên (Nam Định).

Thế là, mất  9 ngày ăn chực nằm chờ ở Hà Nội để khám, được xác định bệnh và có chỉ định phẫu thuật nhưng ông Nhựa lại "đầu hàng" bằng cách rút hồ sơ ra về.

Nhân viên y tế đã "nói không" với phong bì thật chưa?

"Đưa phong bì lộ liễu không chỉ bị trả lại ngay mà còn bị "ăn mắng" ấy chứ", cô Nguyễn Minh T., có chồng đang điều trị ở một trong 5 bệnh viện tuyến TW đang thực hiện "nói không với phong bì" nói. Thế nhưng chính cô cũng bật mí cách đưa mà vừa "được" nhân viên y tế nhận, vừa không bị mắng. Đó là, "phải đưa thật khéo léo".

Khi nghe chúng tôi hỏi, "khéo léo" như thế nào thì cô T. cười, còn anh Trần Văn S., một người vừa được nhân viên y tế làm các thủ thuật y khoa cho biết, " tôi không kẹp vào sổ y bạ, không đưa lúc họ đang khám chữa bệnh. Tôi cho vào hồ sơ rồi tìm đến phòng riêng". Anh S. cũng tiết lộ, "tính cả đợt điều trị rồi đưa luôn, không được mỗi ngày đưa một ít vừa lắt nhắt, vừa tốn thời gian".

Nghe cách nói của anh S., chúng tôi vừa thấy rõ sự "khéo léo" của người bệnh và cả thành ý với những người đang giúp anh trị bệnh. Anh bảo rằng, tất cả mọi chi phí đều do Bảo hiểm y tế chi trả rồi, khi vào viện chỉ còn mỗi khoản tiền bồi dưỡng nhân viên y tế nên cố lo cho tròn.

Cô Nguyễn Minh T. cũng có quan niệm giống anh S.. Cô T. bảo rằng, lần trước chồng cô phẫu thuật ở bệnh viện tỉnh. Khi biết chi phí ca phẫu thuật hết 5 triệu (số tiền này Bảo hiểm y tế trả), vợ chồng cô đều thống nhất sẽ bồi dưỡng hết cho nhân viên y tế. Lần này, điều trị ở bệnh viện TW cũng chẳng mất đồng viện phí nào nhưng lại phải ở nhà trọ, ăn uống bên ngoài cũng rất tốn kém.

"Bệnh viện này là nhất nước rồi (ý là bệnh viện tốt nhất nước ta - PV), nên bác sỹ cũng rất giỏi. Được điều trị ở đây chúng tôi rất yên tâm", cô T. giãi bày. Cũng bởi đặt niềm tin rất lớn vào tay nghề của y, bác sỹ bệnh viện này nên cô cũng tìm mọi cách để gặp gỡ, cảm ơn họ bằng vật chất. "Người dân quê chúng tôi rất quý ai giúp mình, thế nên việc chúng tôi có đồng quà tấm bánh cho bác sỹ cũng là lẽ bình thường", cô T. nói.

Quy tắc ứng xử nhân viên y tế được Bộ Y tế xây dựng từ năm 2008, trong đó có 5 tiêu chí cơ bản: Thân thiện với người bệnh, người nhà người bệnh; chỉ dẫn cụ thể, chu đáo; thăm khám, tư vấn kỹ càng; không nhận phong bì; không trục lợi từ bệnh nhân. Trước thực trạng của nạn phong bì, Công đoàn ngành Y tế đã chọn 5 bệnh viện tuyến TW tại Hà Nội là: Bệnh viện Bạch Mai, K, E, Phụ sản TW, Việt Đức để thực hiện điểm "nói không với phong bì". Có rất nhiều ý kiến hoan nghênh việc làm này song cũng có những ý kiến cho rằng, khó thực hiện.

Cuộc trò chuyện của phóng viên với bệnh nhân Trần Văn S. và người nhà bệnh nhân - cô Nguyễn Minh T. ngày 14/11, sau một tháng rưỡi triển khai việc "nói không với phong bì" cho thấy một thực tế rằng: Nhân viên y tế có từ chối nhận phong bì; người bệnh vẫn "quyết tâm" đưa phong bì; vẫn còn trình trạng "cố đưa" phong bì và "đành nhận"...

Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng nêu ra giải pháp để giải quyết tiêu cực trong ngành Y tế song cũng mong muốn, qua phản ánh trường hợp của ông Lê Tuấn Nhựa, bạn đọc làm và không làm trong ngành Y tế thấm thía nỗi niềm của người bệnh nghèo và nhìn thấy một góc khuất trong lối hành xử của nhân viên y tế. Còn việc "nói không với phong bì" có thực hiện được hay không còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức người bệnh, người nhà bệnh nhân. Nếu họ cứ tiếp tục đưa và tìm mọi cách để đưa thì thật khó để dẹp nạn phong bì. Lúc đó, áp lực phong bì lại đè nặng lên vai những người bệnh nghèo.

5 tiêu chí cơ bản về Quy tắc ứng xử của nhân viên y tế:

Thân thiện với người bệnh, người nhà người bệnh; chỉ dẫn cụ thể, chu đáo; thăm khám, tư vấn kỹ càng; không nhận phong bì; không trục lợi từ bệnh nhân.

Thương binh được Bảo hiểm tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh:

Theo qui định tại Thông tư Liên tịch số 06/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 12 tháng 4 năm 2007 hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2006/TTLT-BLĐTBXH-BTC-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2006 của Liên Bộ Lao động Thương binh và xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Y tế hướng dẫn chế độ chăm sóc khoẻ đối với người có công với cách mạng, "Đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt nam Anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên: Quĩ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí của dịch vụ".

(Nguồn: Website Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)   

Thái Tuấn
.
.
.