Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học:

Không nên đưa cách tổ chức truyền thống vào xã hội văn minh

Thứ Hai, 29/02/2016, 10:14
Câu chuyện lễ hội vẫn đang làm nóng các phương tiện truyền thông. Nhưng thực tế, những lễ hội biến tướng chỉ đếm trên đầu ngón tay và cơn cớ tạo nên những cơn sốt đó, một phần do sự khuếch trương quá đà của truyền thông.

Phóng viên chuyên đề CSTC đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Nguyễn Văn Huy, người trăn trở, tâm huyết với những giá trị truyền thống của ông cha. Theo Giáo sư, điều quan trọng là những giải pháp quyết liệt, không nên đưa cách tổ chức truyền thống vào xã hội văn minh.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy.

- Thưa giáo sư, câu chuyện lễ hội đang làm nóng các phương tiện truyền thông những ngày đầu năm. Theo ông thì gốc gác của các lễ hội ngày xưa như thế nào ạ?

+ Đất nước chúng ta có những giá trị văn hóa phong phú là những hội làng từ Bắc đến Nam. Cả một thời gian dài bị đứt đoạn do chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, rồi một thời gian bị hạn chế vì hội làng bị coi là mê tín dị đoan, là lãng phí… mãi đến những năm 80-90 của thế kỷ trước, phong trào đổi mới thì hội làng mới được trở lại và được nhận thức là một di sản. Chính vì thế mà hội làng nở rộ.

Tôi nghĩ rằng, đó là những sinh hoạt văn hóa cơ bản ở nông thôn, những người nông dân có nhu cầu tổ chức và sinh hoạt hội làng, ở đó thể hiện nhu cầu về mặt tâm linh, ở đó cũng thể hiện nhu cầu giao lưu của những con người trong làng với nhau và với các làng khác, để tạo ra mối liên hệ cộng đồng. Với một xã hội như hiện nay, đời sống tốt hơn, việc tổ chức lễ hội, hội làng là một hoạt động bình thường của chúng ta.

Không nên nâng cấp lễ hội từ làng lên huyện, lên thành phố, vì điều đó sẽ làm hỏng những lễ hội vốn dĩ bình yên và vui vẻ.

Tôi cho rằng, chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trước hết hãy bảo tồn các hội làng và giúp cho các hội làng phát triển. Hôm qua tôi vừa dự hội làng Liêu Xá ở Chương My, chỉ cách trung tâm Hà Nội 40km, một hội làng vô cùng thanh bình, mọi người đều tham gia một cách tự nhiên, vui vẻ. Nếu hội làng nào cũng như thế là một may mắn và hạnh phúc cho đất nước chúng ta.

- Nhưng bây giờ người ta đang phản ánh rằng các lễ hội đã bị biến tướng, phản cảm. Liệu có đúng thế không thưa giáo sư, hay truyền thông đang quá đà?

+ Tôi vẫn thích gọi đó là hội làng, thuật ngữ "lễ hội" là một thuật ngữ chỉ mới có khoảng 30 năm lại đây. Những hội làng có vấn đề trên thực tế không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay, một phần do truyền thông đẩy lên quá mức và du khách thập phương tham gia quá tải, tạo ra những sự cố chưa tốt.

Tôi đi lễ hội ở địa phương, mới thấy người dân cần văn hóa như thế nào, lễ hội đối với họ như hơi thở của cuộc sống, tạo cho họ một sức sống, giúp họ nạp thêm năng lượng, niềm tin tâm linh và họ sống như thế cả năm. Nó quan trọng vô cùng, chúng ta đừng đổ ụp tất cả vì một vài câu chuyện không hay. Những nơi nào bạo lực phải tìm giải pháp cho tốt, chứ không phải vì thế mà cấm, hay bỏ lễ hội.

- Vậy những biến tướng trong một số lễ hội là do đâu thưa giáo sư? Chúng ta đã nói rất nhiều nhưng rồi năm nào cũng xảy ra hiện tượng tranh cướp ở đền Trần, Hội Gióng…? Do chúng ta có quá nhiều lễ hội không kiểm soát được, do cố tình làm sai để trục lợi hay do chính ý thức của người dân?

+ Theo tôi ở đây có 3 vấn  đề cần lưu ý. Đầu tiên là nhận thức của những người đi lễ, đi hội về những vị thần linh phù hộ mình như thế nào. Họ nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, thậm chí nông cạn, chỉ cầu lợi trước mắt cho bản thân. Cho nên việc nâng cao nhận thức cho người tham gia lễ hội rất quan trọng. Việc thứ hai, các lễ hội lộn xộn vì chúng  ta tổ chức chưa khoa học.

Lễ hội vốn của từng làng, hay vài ba làng, giờ chúng ta đẩy nó lên thành quốc lễ, chúng ta đang bị vỡ trận. Chúng ta vẫn đem cách tổ chức truyền thống vào xã hội hiện đại và nó không còn phù hợp. Như ở lễ hội đền Trần, chúng ta thấy một mâu thuẫn rất lớn là không gian hữu hạn mà số người đến thì vô cùng đông đảo. Cách tổ chức như thế không còn hợp lý.

Phối hợp giữa các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong mùa lễ hội.

Ta phải tổ chức lại một cách khoa học thì mới thành công. Trong đền Trần, ở khu vực phát ấn chỉ chứa được 50 người, mà cao điểm lên tới 200 người, sẽ xảy ra xô xát. Nên chăng làm một con đường zíc zắc, tính toán lượng người vào, ra để xếp hàng. Chúng ta không thể thỏa mãn tất cả mọi người, anh đi lễ hội phải tôn trọng kỷ cương của lễ hội.

Thứ 3 là vấn đề pháp luật. Làm gì cũng phải có pháp luật. Nếu anh tranh cướp lộc, phá bàn thờ là phá hoại, gây rối trật tự, thì sẽ bị xử lý. Chúng ta coi đó chỉ là những hành động bột phát, nông nổi mà không xử lý nghiêm khắc thì câu chuyện đền Trần sẽ mãi mãi không giải quyết được.

- Một vấn đề được nói đến, đó là bạo lực ở một số lễ hội. Theo giáo sư, có phải do tâm thế của người tham gia lễ hội bây giờ đã khác, họ đi không phải để tìm niềm vui, để thưởng thức văn hóa mà để tranh giành, cầu cạnh?

+ Một trong nguyên cớ gây ra bạo lực trong lễ hội chính là đội hộ tống, họ rất hung hăng, gây ra một không khí căng thẳng cho lễ hội. Chúng tôi có đề xuất nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp phải tổ chức tập huấn cho cộng đồng, cho những người bảo vệ lễ hội, để họ hiểu và ứng xử một cách văn minh hơn, chứ không phải họ có quyền đánh, vụt người khác. Rồi cách thức tổ chức lễ hội của chúng ta có vấn đề phải thay đổi để phù hợp với  cuộc sống hiện nay.

Vừa rồi, tôi xem lại tổ chức lễ hội kéo co ở Hàn Quốc, rất thú vị.  Họ đặt lễ hội đó trong điều kiện văn minh. Niềm tin về sự may mắn của chiếc dây thừng kéo co, mỗi người có một cái kéo cắt một đoạn dây thừng để lên bàn thờ, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của xã hội văn minh. Từ câu chuyện đó, tôi nghĩ nhiều về việc chúng ta phải tổ chức như thế nào cho văn minh, khoa học.

Thực tế, chúng ta đã có những cách tổ chức văn minh như lễ hội kéo co ở Vĩnh Phúc, tính đối kháng rất ghê, họ xây một sân vận động hình elip, trước hàng ghế cuối cùng là hào nước, sau hào nước là bãi kéo co. Trong 3 ngày liền lễ hội diễn ra rất hồ hởi, phấn khởi, không cần công an nhiều. Đây là một bài học mà các lễ hội khác cần rút ra. Nó thực sự văn minh và hiệu quả, khiến cả một lễ hội dễ gây ra tranh chấp lại diễn ra trong yên bình và vui vẻ.

- Theo ước tính, hiện nay chúng ta có chừng 8.000 ngàn lễ hội, vậy theo ông, có nên duy trì một số lượng lớn các lễ hội như thế hay không, để gây ra rất nhiều bất cập trong khâu quản lý?

+ Với những con số thống kê 7.000-8.000 lễ hội, tôi vẫn nghĩ nó là những di sản văn hóa. Với những lễ hội mới thì chúng ta nên cẩn trọng, còn những lễ hội có gốc gác từ xưa, nếu người dân có nhu cầu tổ chức thì vẫn nên bảo tồn và tổ chức. Chúng ta không nên nâng cấp nó từ hội làng thành hội của huyện hoặc khu vực, nhà nước, chúng ta sẽ làm hỏng lễ hội. Hãy để cho cộng đồng làng ấy tự tổ chức lễ hội của mình, để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa của họ, thì rất hay.

Còn việc phát ấn ở các đền, hay việc đưa ra nhiều huyền thoại về các lễ hội để thu hút du lịch là không nên. Chúng ta tạo cho nó những giá trị mới, kích thích cả xã hội lao theo nó như thế là không tốt. Theo tôi được biết, ban di tích Hoàng thành Thăng Long còn thử nghiệm phát ấn, chúng ta phải tính cho kỹ. Bản thân đó có phải là ấn không, và tại sao có cái ấn đó.

Phải nghiên cứu kỹ, di tích Hoàng thành là một Di tích Lịch sử Văn hóa của Quốc gia, được UNESSCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của thế giới. Chúng ta đừng biến di tích đó trở thành một cái đền hay chùa, đừng biến nó là một nơi hội tụ những yếu tố tâm linh, biến Hoàng thành thành nơi phát ấn. Đó là một cách đi sai lầm, không phải là cách đi văn hóa.

Hoàng thành Thăng Long là một di sản văn hóa, chúng ta nên ứng xử với những hiện vật tìm được ở đó như những di sản văn hóa chứ không phải như những hiện vật tâm linh.

- Theo giáo sư, như vậy chúng ta có nên đi bằng con đường tâm linh để phát triển văn hóa, lễ hội và du lịch hay không?

+ Không nên đi theo con đường tâm linh để thu hút khách du lịch, mà phải đi bằng con đường văn hóa. Đưa tâm linh vào dễ biến con người thành mù quáng. Ở những nơi không phải tâm linh, đừng dựng nên câu chuyện tâm linh. Họ nghĩ rằng tâm linh là giáo dục truyền thống là sai. Điều đáng kể là chúng ta đã đẩy tâm linh lên quá mức mà người dân họ không hiểu, không nhận thức được vấn đề. Như việc dâng sao giải hạn là công việc của Đạo giáo chứ không phải của Phật giáo mà các nhà sư đang làm.

Tôi đi ở các Thiền viện Trúc Lâm, một nhánh của Phật giáo, thấy mọi thứ đều có trật tự, thắp hương cũng phải có quy tắc, không có chuyện thắp quá nhiều hương. Không có chuyện nhét tiền vào tay thánh, các lễ vật đưa lên tay Phật. Tại sao thế? Cũng người Việt, đi sang Thiền viện Trúc Lâm thì khác, sang chùa này thì khác. Như vậy không phải người Việt xấu, họ được đặt trong môi trường đúng thì họ đúng, còn đặt vào những môi trường tranh cướp sẽ gây ra những tranh cướp.

- Vậy ai sẽ tạo ra những môi trường đó thưa giáo sư?

+ Đó chính là những nhà quản lý, ở đền, chùa, quản lý tốt là tạo dựng được môi trường tốt. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh cốt lõi vấn đề là phải tổ chức cho tốt và khoa học. Đó không chỉ là công việc của nhà văn hóa, mà phải là sự liên ngành các nhà toán học, điều khiển học cùng tính toán, giải quyết.

Bên cạnh môi trường là hệ thống pháp luật văn minh thì đâu sẽ vào đó, rồi từ đó sẽ nâng cao dần ý thức của người dân. Còn đòi hỏi ý thức ngay thì rất lâu. Tất cả những người chen lấn đó đi ra sân bay đều phải xếp hàng, người Việt ra nước ngoài cũng phải tuân thủ luật pháp của nước họ đấy thôi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của giáo sư.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.