Không nên đưa tư duy “san lấp mặt bằng” của người đồng bằng áp đặt cho vùng cao

Thứ Sáu, 11/10/2019, 18:43
Tòa nhà được xây dựng trái phép trên Mã Pí Lèng- Hà Giang một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề ứng xử với di sản ở nước ta.


Tuy nhiên, theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản, đó không chỉ là câu chuyện của di sản mà rộng lớn hơn, là câu chuyện của quy hoạch tổng thể để phát triển văn hóa, du lịch của một vùng đất mang vẻ đẹp đặc trưng của cao nguyên đá, một vấn đề mà ông nhấn mạnh rằng, mang tầm quốc gia.

- Tòa nhà được xây dựng trên đèo Mã Pí Lèng cho thấy sự can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên, di sản. Ông có quan điểm về vấn đề này như thế nào?

+ Câu chuyện ở Mã Pí Lèng làm tôi nghĩ đến vấn đề quy hoạch mang tính quốc gia, quốc tế chứ không chỉ của một tỉnh. Chúng ta phải nghĩ đến phát triển du lịch chứ không chỉ bảo vệ di sản.

Ngôi nhà xây dựng trái phép trên đèo Mã pí Lèng.

Di sản chỉ là vùng lõi của cao nguyên Đồng Văn nhưng nếu chỉ vùng đó thôi sẽ kém phần hấp dẫn. Hãy nhìn tổng thể cao nguyên đá Đồng Văn kéo dài từ Quản Bạ, đến Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc sang Bảo Lạc- Cao Bằng, nối với đường 4 về Lạng Sơn. Nó rộng hơn câu chuyện của di sản, đó là vấn đề quy hoạch tổng thể của một vùng đất mang những giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý đặc trưng. Hà Giang nghèo khó, cư dân nghèo khổ, điều kiện sinh sống vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh mở cửa hiện nay, Hà Giang có cơ hội phát triển du lịch, đó là một trong những đòn bẩy quan trọng cho vùng đất này phát triển, bứt phá. Vấn đề là chúng ta làm như thế nào. Mấy huyện vùng cao của Hà Giang gần như còn nguyên sơ, như tờ giấy trắng, chưa được công nghiệp hóa, chưa có các dịch vụ mới, các cơ sở sản xuất.

Vùng đất có khí hậu đặc biệt để phát triển dược liệu. Cảnh quan ai cũng biết rất đẹp, rất hùng vĩ, chắc chắn nếu chúng ta làm tốt sẽ rất hấp dẫn du lịch. (Bây giờ đã hấp dẫn rồi). Cho nên, với một vùng đẹp như thế, với một tờ giấy trắng như vậy, chúng ta xây dựng, quy hoạch như thế nào là điều rất quan trọng.

Và điều này được quyết định bởi quy hoạch cho toàn bộ vùng cao của Hà Giang. Không phải chỉ tính ở vùng lõi hay không lõi di sản cao nguyên đá và công viên địa chất toàn cầu mà cho cả Hà Giang. Phải có một đề án lớn của nhà nước để phát triển du lịch ở đó chứ không phải là sự manh mún của cấp địa phương, cấp tỉnh.

- Bàn về câu chuyện phát triển du lịch ở một vùng đặc thù như Hà Giang, có lẽ, không chỉ ngôi nhà được xây phản cảm trên đèo Mã Pí Lèng, mà trong thời gian qua, chính mảnh đất này đang bị "gặm nhấm" do phát triển du lịch, mà điều quan trọng là vì nó chưa có quy hoạch?

+ Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, vùng núi đá tai mèo, ruộng cũng chỉ có ít ở các thung lũng nhưng với tư duy của người Kinh lên miền núi thì những thung lũng làm ruộng của họ đang bị gặm nhấm xây thị trấn, thị xã rồi.

Hãy dừng ngay việc lấy ruộng ở các thung lũng. Ruộng trồng lúa không chỉ có ý nghĩa đảm bảo lương thực, mà đấy chính là cảnh quan du lịch của Hà Giang. Nhiều người chỉ nhìn thấy Mã Pí Lèng thôi, nhưng phải thấy Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ… đẹp như thế nào, sườn núi, các thung lũng và cư dân xung quanh đó tạo nên một cảnh quan sinh thái độc đáo.

Các thị trấn đang lấn chiếm ruộng lúa hãy nên dừng lại, tuyệt đối không được lấy đất ruộng của các thung lũng đó để mở rộng đô thị. Hãy xây dựng những thành phố trên núi, muốn thế các nhà quy hoạch, kiến trúc phải giúp vùng này làm thành phố trên núi như thế nào. Toàn bộ thung lũng Điện Biên cực kỳ đẹp biến thành thành phố hết rồi, nhưng trên núi không ai làm.

Vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển di sản nằm ở chỗ đó. Tôi đi một vài nơi, xem ở Đông Âu, châu Âu, Mỹ người ta phát triển thành phố trên núi. Chúng ta hãy nghĩ, những thung lũng xanh màu của ruộng lúa chín điểm trong khung cảnh núi đá tai mèo bao la sẽ hấp dẫn  du lịch biết nhường nào.

- Rõ ràng, Hà Giang không thể đóng cửa để giữ lại vẻ hoang sơ, nguyên bản như cách nhìn của một số người, nhưng giữa phát triển du lịch và gìn giữ bản sắc vẫn luôn là bài toán đau đầu? Theo ông, bài toán này sẽ được giải như thế nào ở Hà Giang?

+ Việc phát triển du lịch ở đó chắc chắn diễn ra và cần diễn ra, việc xây dựng chắc chắn cũng phải thực hành và nên có, không thể đóng kín nó được. Nhưng nó phải được đặt trong tâm thế chung của quốc gia trong vấn đề bảo tồn và quy hoạch. Chúng ta làm nhỏ giọt, xây cái nọ, cái kia, chắc chắn sẽ gặp sai lầm vì không có tầm nhìn xa cho 50 năm, 100 năm nữa cho vùng đất này như thế nào.

PGS, TS Nguyễn Văn Huy.

Quy hoạch đối với vùng cao núi đá Hà Giang rất đặc trưng, rất khó nhưng tiềm năng rất lớn. Nhưng để làm quy hoạch này cần xây dựng đề án tầm cỡ quốc gia, phải có và nên có các kiến trúc sư, những người làm quy hoạch quốc tế tham gia tư vấn, đặc biệt những người quen làm quy hoạch ở những vùng cao dạng như vậy mới phù hợp.

Nhiều khi bản thân chúng ta chưa thấy hết được tầm quan trọng của nó và cũng chưa hiểu hết các vấn đề phát triển du lịch, không đơn thuần chỉ là vấn đề du lịch, xây mấy tòa nhà mà liên quan đến các  mặt xã hội như thế nào, làm du lịch có giúp cho chủ thể ở đó như người Mông, Dao, người Pu Péo, Cơ Lao, Bố Y hưởng lợi không.

Họ ngàn năm bám trụ, giữ vững cuộc sống của họ ở đó, làm thế nào để họ được hưởng lợi chứ phát triển mà đẩy họ đi sâu vào trong thì không phù hợp với xu thế phát triển mang tính bình đẳng và có lợi cho chính các chủ thể. Điều thứ 2 và quan trọng hơn, khi phát triển du lịch phải tính đến sự phù hợp của vấn đề xây dựng, phù hợp với văn hóa của địa phương.

Văn hóa ấy, từ xưa được người dân thiết kế phù hợp với cảnh quan núi đá, những xóm, bản làng của người Mông, người Dao bám chặt vào núi đá như thế nào, tạo thành vẻ đẹp riêng. Chúng ta không được đưa tư duy  người đồng bằng, đó là tư duy mặt bằng, tất cả đều san bằng, sống trên mặt bằng lên áp dụng ở miền núi.

 Ở Hà Giang, chúng ta phải nghĩ đến kiến trúc nương vào núi, ở đó chúng ta không cần phải xây dựng những tòa nhà quá cao. Theo tôi chỉ cần nhà 1 tầng, mang dáng dấp của văn hóa Mông, văn hóa Dao nhưng rất đầy đủ tiện nghi, hiện đại…

Tất cả phải nương vào núi. Núi non trùng điệp như thế, các nhà quy hoạch phải tìm hiểu và lựa chọn điểm nào cho hợp lý chứ không phải cứ xây bất cứ đâu và bất cứ nơi nào, chọn những vị trí mà khi xây lên không phá cảnh quan và người làm quy hoạch phải nghĩ đến tương lai 10-15-20 năm nữa các điểm đó sẽ ra sao. Một vấn đề nữa rất quan trọng, phát triển các điểm cư dân, phát triển du lịch phải nghĩ ngay đến vấn đề bảo vệ môi trường, nếu không chúng ta sẽ phá môi trường.

Những người làm quản lý đô thị, phải tính lượng nước thải, rác thải sẽ được xử lý thế nào, nếu không sông Nho Quế tuyệt đẹp đấy, chỉ trong 10-15 năm nữa sẽ trở thành sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy, nó sẽ chết. Nhìn toà nhà trên đèo Mã Pí Lèng và nhìn xuống dòng Nho Quế là cả một sự nhức nhối.

Tôi không phản đối toà nhà xây dựng ở đó, nhưng tôi rất cần biết quy hoạch ở đó ra sao, tại sao cho phép làm như thế và khi làm đã có phương án bảo tồn, kết hợp văn hóa của địa phương với khu vực chưa, đã giải quyết tốt vấn đề môi trường, cảnh quan, sinh thái chưa. Chúng ta đừng nhìn vào một tòa nhà rồi chúng ta phê phán mà hãy nhìn vào tổng thể, rộng hơn, xa hơn, 10, 15 năm trên đó sẽ là gì, rác thải sẽ đi đâu. Chúng ta cứ vẽ sai đến đâu sửa đến đó rất nguy hiểm.

- Như ông phân tích, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế ứng xử cho từng vùng đất khác nhau, tùy vào văn hóa, đặc điểm của từng vùng. Nhưng có vẻ như, tư duy "trưởng giả học làm sang" đang  lấn chiếm sang cả vấn đề phát triển văn hóa, du lịch?

+ Đúng vậy, đó là vấn đề quan trọng, chúng ta đã chuẩn bị thế ứng xử cho vùng du lịch tuyệt vời đó chưa, chắc là chưa. Đó là vấn đề quốc gia, giúp tỉnh xây dựng đề án, nếu không chúng ta sẽ gặm nhấm dần dần và phá dần dần. Tâm thế quy hoạch rất quan trọng, làm bây giờ đã là muộn rồi nhưng phải làm ngay.

Phải xây dựng đề án ngay để phát triển vùng đó hài hòa du lịch, hài hòa thiên nhiên, hài hòa văn hóa, giúp cho chủ thể ở đó phát triển, dân cư phát triển. Đó là mục tiêu của  chúng ta. Chúng ta kêu gào kìm hãm, đóng kín cũng không được. Phải làm, nhưng làm một cách khoa học bài bản, có tầm quốc tế, chúng ta chưa có tầm nhìn về vấn đề đó, nên thời gian qua, chúng ta phá rất nhiều.

Tôi thấy phải thay đổi tâm thức của người Việt, không thể mang tâm thức xây dựng làng xóm đồng bằng mang lên núi hay xuống biển mà phải xây dựng một tâm thức như người Dao, người Mông, người Mường, tựa vào núi, nương vào núi để xây dựng làng bản xóm làng. Đó là những đồ án kiến trúc quy hoạch làng xóm tuyệt vời. Họ đã trải nghiệm hàng ngàn đời để tạo ra cái đó. Họ không làm mất những thửa ruộng của họ ở thung lũng, đó là nguồn sống của họ, họ quý từng tấc đất ruộng nho nhỏ.

Và họ sống trên đồi. Tại sao chúng ta không xây dựng thị trấn, thành phố trên đồi. Lúc nào ta cũng nghĩ phải xây lớn, phải hoành tráng. Ở Úc, nhiều nơi, người dân sống thành từng chòm xóm nhỏ trên những sa mạc nhưng bên trong đời sống của họ rất hiện đại. Tôi có dịp đi thăm một núi đá sa mạc ở Mỹ, ở đó họ có các quy định ngặt nghèo về xây dựng, về an toàn để giữ an toàn cho hệ sinh thái của khu vực.

Người ta quy định đường đi bộ riêng, cách đấy mấy ki-lô-mét, họ cấm khách du lịch không được mang nước uống đi, để giảm rác thải. Khách đến đó đông đúc, người ta phải xử lý các vấn đề môi trường, mọi thứ sạch sẽ, an toàn, ai đến đó cũng tự mình chưa có ý thức phải có ý thức giữ gìn, bảo tồn.

- Chúng ta đã có một số sai lầm trong cách ứng xử với di sản, với thiên nhiên, trong quy hoạch đô thị. Vậy theo ông, vì sao các sai lầm này lại luôn bị lặp lại?

+ Vấn đề của chúng ta là không rút ra bài học kinh nghiệm. Những người làm công tác xây dựng, quy hoạch, môi trường phải thấy những thất bại để dừng lại. Những câu chuyện như Hà Giang, nhiều khi do tư duy manh mún, chưa đủ tầm, trình độ để quyết đáp những vấn đề như thế.

Trong mấy năm vừa rồi họ chỉ quy hoạch để giữ gìn, bảo tồn thôi, mời mãi không có người lên đầu tư vì khó khăn. Chúng ta phải trá giá nhiều khi rải thảm đỏ mời nhà đầu tư rồi, giờ phải rút kinh nghiệm thành những bài học phổ biến cho xã hội. Từ bài học đó phải biến thành quy định của luật pháp để phòng ngừa những điều xảy ra trong tương lai.

Dù chậm, Hà Giang phải thực hành ngay, có luật, mới bắt đầu triển khai theo hệ thống quy hoạch, hai cái này phải đi song song với nhau. Nếu không sẽ manh mún, tùy tiện, ai muốn làm gì thì làm.  Và rồi, chúng ta không chỉ có một tòa nhà trên đèo Mã Pí Lèng mà còn rất nhiều điều khác có thể xảy ra ở vùng cao…

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.