Nhóm thiện nguyện “Chạm”:

Không ngừng thắp lửa yêu thương

Thứ Sáu, 07/08/2015, 14:00
"Chạm" - không ngừng thắp lửa yêu thương và mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ là tên một dự án thiện nguyện của các bạn trẻ 9X tại Hà Nội. Thông qua những buổi sinh hoạt mỹ thuật và âm nhạc, "Chạm" muốn chạm tới trái tim của các em nhỏ thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Từ ý tưởng "điên rồ" của cô sinh viên

Dự án khơi dậy tình yêu thương cho những em nhỏ có hoàn cảnh không may mắn trong cuộc sống mang tên "Chạm" bắt nguồn từ ý tưởng có phần "hơi điên" của Lê Minh Huyền, cô sinh viên năm nhất của Đại học Ngoại thương. Năm 2013, bố của Huyền phải điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Trong những ngày đi đi lại lại chăm sóc bố, Huyền đã tận mắt thấy những em nhỏ bị bệnh tật giày vò đang điều trị tại đây. Ám ảnh ấy đeo bám Huyền dai dẳng. Thế rồi, ý tưởng lập ra một nhóm tình nguyện đến đây chơi cùng các em nảy ra trong đầu Huyền. "Chạm" ra đời từ đó. "Chạm" muốn mang đến cho các em bệnh nhi ở các bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội niềm vui, tiếng cười, những món quà ý nghĩa giúp các em cảm thấy được chia sẻ yêu thương, được sống trong vòng tay chở che của toàn xã hội.

Nhóm thiện nguyện "Chạm" không ngừng mang yêu thương

"Chạm" ban đầu vỏn vẹn 2 thành viên là Huyền và cô bạn Trần Hương Lan. Một thời gian ngắn sau đó, tinh thần của "Chạm" chạm được đến nhiều bạn bè của chính 2 cô gái trẻ này. Nhóm tăng lên 10 thành viên rồi đông dần đông dần. Ở thời điểm hiện tại, Chạm có gần 100 thành viên lưu động, đa số là các bạn sinh viên của nhiều trường đại học, trong đó có 25 thành viên cố định, hoạt động ở những vị trí chủ chốt. Bạn trẻ nhất sinh năm 1996, "già" nhất sinh năm 1993. "Mẹ đẻ" của "Chạm" là bạn Lê Minh Huyền mặc dù đã lên đường du học nhưng vẫn dõi theo mọi hoạt động của "Chạm" thông qua mạng. Trưởng nhóm hiện tại là bạn Trần Thị Huyền Trang, một người bạn chung của Huyền và Lan.

Mới đầu, mỗi tuần một lần, các thành viên của nhóm gom đồ chơi, bánh trái rồi mang tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương và chơi với các em nhỏ cả ngày. Sau đó, dựa trên nguồn nhân lực là các bạn sinh viên có một chút năng khiếu về mỹ thuật và âm nhạc, "Chạm" mở ra các lớp mỹ thuật, âm nhạc, dạy các em bệnh nhi vào các ngày thứ ba, thứ tư hằng tuần.

Mặc dù là một nhóm thiện nguyện phi lợi nhuận nhưng không có nghĩa những hoạt động của "Chạm" thiếu chuyên nghiệp. "Chạm" cũng có "ban bệ" hẳn hoi. Có người đứng đầu điều hành, giám sát mọi hoạt động chung. Có cả các ban được chuyên môn hóa tối đa như ban chuyên môn (phụ trách đứng lớp, dạy cho các em bệnh nhi), ban truyền thông (phụ trách xây dựng và truyền thông hình ảnh của nhóm), ban đối ngoại (phụ trách việc liên hệ với các bệnh viện, dự án tài trợ), ban tổ chức (lo hậu cần cho các thành viên và tổ chức sự kiện gây quỹ)...

Mới đầu, nhân sự mỏng, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc vận hành "Chạm" gặp một số khó khăn. Các bạn phải làm quen với những việc mà trước giờ mình chưa bao giờ làm như soạn giáo án, kêu gọi nhà tài trợ, làm các thủ tục đề nghị sự hợp tác và giúp đỡ của bệnh viện… Đến nay, sau 2 năm, "Chạm" đã đi vào hoạt động một cách khá "nuột" - như một thành viên của "Chạm" nói. 

Nguyễn Thảo Ly, phụ trách ban truyền thông của nhóm chia sẻ: "Cái tên Chạm mang ý nghĩa tượng trưng. Qua những lớp học như vậy, chúng mình mong muốn chạm vào được tâm hồn các em, giúp các em có những giây phút vui vẻ, quên đi phần nào những cơn đau mà bệnh tật mang lại. Lúc đầu, đúng là bọn mình gặp khá nhiều khó khăn. Khó nhất là việc đứng lớp vì "học trò" của mình là những em nhỏ đang mang bệnh trong người. Các em vừa giống vừa không giống những em nhỏ bình thường khác. Khó chiều hơn. Hay cáu kỉnh (tất nhiên cũng có những em rất đáng yêu). Sau khi chúng mình tổ chức lớp học một thời gian, các em nhỏ điều trị dài ngày ở đó quen dần. Có nhiều lúc, các em rất háo hức chờ để được vào lớp học".

Nụ cười của một bệnh nhân nhí.

Ngoài những món quà nho nhỏ, "Chạm" còn mang đến thật nhiều niềm vui không chỉ cho các em, mà còn cho các vị phụ huynh tham gia chương trình cùng tất cả các thành viên trong gia đình nhà "Chạm". Bỏ qua rào cản ngôn ngữ và sự rụt rè ban đầu, các em đều hết mình trong các trò chơi tập thể như: kéo co, mèo đuổi chuột... với những tiếng cười vang lên giòn giã. Hay từ những nguyên liệu vô cùng đơn giản, các em còn được tự tay mình làm những con vật gần gũi như con cá, con cú, con ong, … Những thành quả này sau đó được gắn lên một bức tranh tạo thành một sở thú khổng lồ vô cùng ngộ nghĩnh. Hai ngày thứ ba, thứ tư trong tuần trở thành ngày hò hẹn, ngày các em nhỏ vui nhất.

…Chạm tới những mảnh ghép

Thường thì các nhóm thiện nguyện hay hoạt động dưới dạng kêu gọi quyên góp rồi đi phát quà, còn "Chạm" thì khác. Xen lẫn những hoạt động thiện nguyện như nhiều nhóm khác, Hải Ly cho biết, "Chạm" muốn mang một sắc màu khác về âm nhạc, mỹ thuật và không khí lớp học đến cho các em nhỏ khó khăn không chỉ ở các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội mà còn các em nhỏ ở những nơi xa xôi như miền núi, xa hơn nữa là hải đảo. Vì thế mà sau 2 năm hoạt động, đối tượng hướng đến của "Chạm" đã mở rộng dần. Phạm vi hoạt động của nhóm cũng không bó hẹp ở TP Hà Nội mà ở những vùng miền khác nữa. Ngoài hoạt động thường niên, vào những dịp đặc biệt như Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu…, nhóm cũng tổ chức nhiều chương trình giao lưu cho các em nhỏ.

Và trong quá trình mang yêu thương không ngừng lan tỏa ấy, "Chạm" còn có những người bạn đồng hành khác nữa. Đó chính là các ban nhạc sinh viên như Hub, The Random7…  "Dù bạn có là bất cứ ai, dù bạn được học hay không, nhưng nếu đã đam mê âm nhạc thì hãy sống và cháy hết mình với đam mê"… Các em nhỏ sẽ được dẫn dắt đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác thông qua những câu chuyện được cụ thể hóa bằng tình yêu thương của các thành viên nhà "Chạm".

Dù mới 2 tuổi nhưng "Chạm" đã mang niềm vui tới cho rất nhiều bệnh nhân nhí trên địa bàn Hà Nội: Dạy học ở Bệnh niện Nhi Trung ương, chào mừng Tết thiếu nhi ở Bệnh viện Việt - Đức, đón Tết cùng các em nhỏ ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nhân dịp Xuân Giáp Ngọ 2014, cùng các em nhỏ quây quần trong Xuân Ất Mùi 2015 tại Bệnh viện Tai Mũi Họng…  "Chạm" còn "Chạm tới Sơn La", "Chạm tới Bắc Kạn", "Chạm tới vũ trụ", "Chạm vào mùa hạ", "Chạm tới hy vọng"… - đều là những chương trình mang tên "Chạm". Và ở đâu, các bạn nhà "Chạm" cũng mang tới tiếng cười, niềm hạnh phúc của các em nhỏ.

"Chạm" tới Bắc Kạn.

"Chỉ nhìn các em qua những tấm hình chụp vội: N hững đôi chân trần bước trên bùn đất nhưng ánh mắt vẫn sáng trong đầy ước mơ. Đó là lý do thôi thúc "Chạm" cố gắng thật nhiều để mang đến cho các em không chỉ những món quà vật chất mà còn nhiều niềm vui về tinh thần. Con đường lên xã Suối Bau gập ghềnh sỏi đá, vươn tay ra là chạm đến bầu trời nhưng tràn đầy những nụ cười. Bởi trên tất cả món quà "Chạm" mang tới là sự sẻ chia và mang lại niềm vui đến với tất cả các em nhỏ. Và nụ cười của các em đã khiến mùa hè của "Chạm" trở nên đẹp hơn bao giờ hết". Đó là một đoạn trong Nhật ký "Chạm tới Sơn La" mà "Chạm" đã chia sẻ. Qua những chuyến đi như thế, không chỉ mang lại hạnh phúc tới các em nhỏ thiệt thòi, các thành viên của "Chạm" thêm gắn kết, hiểu nhau hơn.

Nguyễn Thảo Ly cho biết, mặc dù là sinh viên năm cuối, Ly có nhiều công việc cá nhân cũng như lo lắng về nghề nghiệp cần thu xếp nhưng cô vẫn luôn gắn bó với "Chạm" nhiều nhất có thể. Đó cũng là cách Ly "chạm" vào chính mình, vào tuổi trẻ của mình.

Thảo Ly cho biết, những ngày này, các bạn nhà "Chạm" đang ngược xuôi chuẩn bị cho chương trình "Chạm tới cung trăng" nhân ngày Tết Trung thu sắp đến, giúp các bé bệnh nhi cùng vui Đêm hội Trăng Rằm. "Chạm mang gió mát/ Mang cả tiếng hát/ Mang cả tiếng cười/ Niềm vui rạng ngời/ Chạm ơi đến nhé!".

Cuộc sống giống như một bức tranh được xếp từ những mảnh ghép riêng biệt. Những mảnh ghép ấy đôi khi đối lập nhau, nụ cười - nước mắt, sướng - khổ, bất hạnh - hạnh phúc... Và chúng ta không thể chọn được mình sẽ là mảnh ghép nào. Song, chúng ta có thể giúp những mảnh ghép "không vui" ấy trở nên hài hòa hơn để bức tranh cuộc sống luôn là bức tranh đẹp nhất. Các thành viên của "Chạm" đã thủ thỉ như thế.

Đậu Dung
.
.
.