Nơi "xuất khẩu" cô dâu lớn nhất miền Bắc:

Không phải tất cả đều màu hồng

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:32
Hai mươi năm trở lại đây, xã Đại Hợp (Kiến Thụy, Hải Phòng) nổi tiếng với những cái tên "làng xuất khẩu cô dâu", "làng Việt kiều", "Phố Tây"… Chỉ với hơn 10 nghìn nhân khẩu nhưng ở đây đã có gần 900 cô gái lấy chồng nước ngoài, chưa kể những người đi theo diện du học, xuất khẩu lao động.


Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt, tuy nhiên không phải tất cả đều là màu hồng. Nhiều cô gái muốn đổi đời đã phải đánh đổi tuổi thanh xuân, nước mắt, thậm chí còn phải trả cả bằng máu.

Ồ ạt lấy chồng ngoại

Trước những năm 90 của thế kỷ trước, xã Đại Hợp được liệt vào một trong những xã khó khăn nhất nhì Hải Phòng. Người dân chủ yếu dựa vào đồng ruộng và những tháng ngày lênh đênh trên biển. Thế nhưng, đến Đại Hợp những ngày này, ai cũng phải ngỡ ngàng với những ngôi biệt thự bề thế, phương tiện đi lại, đời sống nhân dân chẳng thua kém gì thành phố.

Các cô dâu ngoại quốc tham dự một lớp học tiếng Hàn tại Trung tâm Nhân quyền của Phụ nữ nhập cư tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Bà Bùi Thị Út, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng nụ cười đầy tự hào: "Rõ ràng thì các cháu lấy chồng nước ngoài là nguyên nhân chính làm thay đổi bộ mặt kinh tế ở xã chúng tôi.

Rất nhiều nhà nghèo nay đã trở nên khá giả, việc có vài tỷ đồng gửi ngân hàng là rất bình thường. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, đường sá, các công trình phúc lợi cũng được các cháu đóng góp, xây dựng khang trang hơn".

Sau những chuyến lênh đênh đánh cá cùng gia đình, các cô gái vùng biển này bắt đầu tò mò về cuộc sống bên kia biên giới. Nghĩ tới cuộc sống ở quê nhà quá vất vả, làm căng sức mà không đủ ăn, các cô gái bắt đầu nảy ra ý định vượt biên để tìm cuộc sống mới.

Họ theo tàu vượt biên sang Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Không biết tiếng, giấy tờ tùy thân không có, ban đầu các cô gái phải trốn chui trốn lủi, nhưng rồi họ cũng biết cách sinh tồn nơi đất khách, dần dần cũng có của ăn của để.

Sau những tháng ngày vật lộn bên xứ người, khi trở về làng, họ được đón nhận bằng sự ngưỡng mộ của những cô gái trẻ. Cứ như thế bao thế hệ gái làng muốn thay đổi cuộc sống nhanh chóng đã rời bỏ quê hương theo chân những đàn chị đi trước - lấy chồng ngoại.

Khoảng năm 2000, lấy chồng ngoại quốc thực sự trở thành phong trào của các cô gái tại xã Đại Hợp. Các trung tâm môi giới hôn nhân thi nhau mở ra, trung tâm dạy tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc nhiều không đếm xuể, nhiều người còn nói: "Không thể cản nổi gái Đại Hợp lấy chồng ngoại quốc".

Thời điểm như năm 2005, có đến 173 cô gái xuất ngoại lấy chồng, năm 2006 là 100 cô. Theo thống kê năm 2016 của UBND xã Đại Hợp thì xã có đến 15,3% gia đình có 2 con gái lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 3 con lấy chồng nước ngoài, 1,4% gia đình có 4 con gái lấy chồng nước ngoài.

Phong trào lấy chồng ngoại quốc ồ ạt cũng là vấn đề khiến cán bộ địa phương đau đầu. Nhưng các vị này đều phải thừa nhận việc đó là không thể cấm cản, bởi luật của Nhà nước cho phép.

"Chúng tôi đến các gia đình tuyên truyền thiệt hơn, có cháu thì nghe, có cháu nói lại là pháp luật cho phép, đó là quyền của chúng cháu, rồi chúng cháu lấy chồng đều xuất phát từ tình yêu. Quả thực chúng tôi chẳng biết nói gì hơn" - bà Út chia sẻ.

Bên cạnh những cô gái tự nguyện lấy chồng nước ngoài thì không ít người bị gia đình ép uổng, coi đó là một cách thoát nghèo, một hình thức xuất khẩu lao động. Họ sẵn sàng vay mượn, thậm chí vay nặng lãi để lo cho con một tấm chồng nước ngoài. Có những ông bố, bà mẹ thở phào nhẹ nhõm khi khuyên nhủ được con gái mình đồng ý lấy chồng ngoại quốc.

Hệ lụy không nhỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên, đến năm 2010, toàn xã có 741 cô gái lấy chồng ngoại, nhiều nhất là Đài Loan (482 người), Hàn Quốc (216 người). Cho đến hết năm 2016, con số này đã là gần 900 trường hợp. Đa số những trường hợp này vẫn đang định cư ở nước ngoài, có cuộc sống tương đối ổn định.

Bà Bùi Thị Út trước đây là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Hợp nên rất hiểu những tâm tư của chị em khi lấy chồng ngoại quốc.

Đặc biệt lại có sự kết nối, liên hệ rất thường xuyên với gia đình tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải tất cả những cô gái bước chân ra đi đều được như mong đợi. Đã có trường hợp phải trả giá cho những quyết định vội vàng.

Khi người ta coi lấy chồng ngoại là một hình thức xuất khẩu lao động, để đổi đời thì việc gặp mặt người đàn ông chuẩn bị lấy làm chồng không còn quá quan trọng.

Có những đám cưới khi mà nhà gái đến đông đủ, còn nhà trai chỉ có chú rể và người môi giới. Thay vì những thủ tục lễ hỏi trang trọng, đám cưới với chồng ngoại ở Đại Hợp diễn ra chớp nhoáng, người ta vẫn nói vui với nhau rằng, quan trọng nhất là màn chú rể trao phong bì cho bố vợ.

Một điều đặc biệt nữa, đám cưới nhà gái lấy chồng ngoại ở đây không ai được lấy tiền mừng, bởi theo suy luận của họ, đã xuất ngoại lấy chồng là sẽ được đổi đời, tiền mừng không còn là điều đáng suy nghĩ.

Trước khi làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp, bà Bùi Thị Út là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Hơn ai hết bà hiểu những tâm tư của chị em lấy chồng ngoại. Bên cạnh vẻ hào nhoáng ấy còn bao nhiêu bi kịch mà các cô gái ở đây phải hứng chịu. Có người phải lấy chồng hơn cả vài chục tuổi, thậm chí chồng bị down, bại liệt, vô công rồi nghề, nghiện rượu…

"Như cháu Vũ Thị H, lấy chồng người Hàn Quốc qua môi giới, chỉ gặp nhau đúng 1 lần. Ngày cưới người chồng này mới lộ ra mình là người có thần kinh không bình thường, ai hỏi cũng đần mặt ra. Khi trao nhẫn cưới còn phải nhờ cả người môi giới làm giúp.

Ai cũng lo lắng nhưng người môi giới cho rằng vì bất đồng ngôn ngữ nên mới vậy. Khi sang bên Hàn Quốc, cháu H mới ngã ngửa ra chồng mình bị down. Quá chán nản, cháu H đã làm đơn xin ly dị, may mắn gia đình chồng hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng. Hiện nay cháu đã kiếm được người chồng tử bế bên đó rồi"- bà Út chia sẻ.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Nh, cũng chịu cảnh bất hạnh không kém. Ngày cưới gia đình bà rất vui sướng khi nhận được phong bì mấy chục triệu đồng từ con rể, ai nấy cũng hy vọng cho một tương lai tươi sáng. Sau 1 năm dài đằng đẵng không thấy con gái gửi tiền về, cũng chẳng tin tức.

Bà Nh lo lắng và quyết định sang thăm con. Sang tới nơi, bà bàng hoàng khi biết cuộc sống con gái mình khổ cực hơn cả khi ở Việt Nam. Con gái bà làm công nhân cho một công ty, mỗi ngày làm hơn 10 tiếng, về nhà không được nghỉ ngơi, phải phục vụ bố mẹ chồng ốm đau, rồi 2 ông anh, em chồng ăn bám.

Thương con mà đành bất lực, bà Nh chỉ biết khóc trở về Việt Nam. Bà chỉ còn biết tự trách mình, vì muốn đổi đời mà đưa con gái vào nơi khổ cực, bất hạnh.

Ở Đại Hợp, đã có không ít cô gái phải trở về làm lại cuộc đời từ những cuộc hôn nhân ngắn ngủi không tình yêu như thế. Có những thôn có ả hơn chục cô gái trở về quê lấy chồng hoặc lấy một người chồng khác ngay tại nước ngoài.

Chuyện của bà M cũng là một minh chứng cho việc lấy chồng ngoại không hẳn đã đổi đời. Sau nhiều tháng không thấy con gái gửi tiền về, thậm chí tin tức cũng không. Linh tính mách bảo, con gái mình đang chịu khổ cực bên xứ người, bà M quyết định sang Đài Loan để thăm con.

Đúng như dự cảm, con gái bà sống ở một ngôi nhà tiêu điều, xung quanh cỏ mọc um tùm như rừng. Người chồng là kẻ nghiện rượu, không chịu làm ăn, thậm chí sau mỗi trận rượu say mềm là về hành hạ, đánh đập vợ.

Những ngôi biệt thự thế này không phải là ít tại xã Đại Hợp.

Không thể chấp nhận được tình cảnh ấy, bà M chỉ thẳng vào mặt con rể, nếu không bỏ rượu, tu tâm dưỡng tính thì sẽ mang con gái trở về Việt Nam. Anh con rể hoảng sợ, quỳ sụp xuống xin lỗi và hứa sẽ từ bỏ.

Chỉ được 2 ngày, con rể bà M lại tiếp tục đâm đầu vào rượu… không thể chịu đựng thêm, bà M thu dọn hết quần áo của hai mẹ con để trở về Việt Nam. Từ lần đó anh con rể đã tu tỉnh, hiện hai vợ chồng đang làm công nhân cho một nhà máy gần nhà. Thương con, thương cháu, bà M đã quyết định ở lại sống cùng con gái.

Việc phụ nữ ở Đại Hợp ồ ạt lấy chồng ngoại vẫn để lại những hệ lụy đến tận bây giờ. Thời điểm nhiều nhất (2006-2007) thì cứ 1 đàn ông lấy vợ cùng xã thì có 2 người phải lấy vợ nơi khác, trong khi đó phụ nữ lấy chồng ngoại cao gấp 3 lần lấy chồng trong xã. Rất nhiều đàn ông trên 40 tuổi nhưng vẫn không lấy được vợ, việc phải đi thiên hạ kiếm vợ là điều đương nhiên.

Bà Bùi Thị Út, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Hợp cho biết:

Hiện nay, việc tìm vợ của đàn ông trong xã có phần dễ dàng hơn, bởi có rất nhiều công ty được mở ra trên địa bàn xã và các xã lân cận. Ở đây có rất nhiều nữ công nhân nên nam thanh niên có thêm lựa chọn cho mình. Hơn nữa, thời gian gần đây, con gái Đại Hợp cũng không còn ra nước ngoài lấy chồng ồ ạt như mấy năm trước nữa.

Trước đây vì kinh tế các hộ gia đình đều khó khăn, các em, các cháu được cha mẹ hướng ra nước ngoài lấy chồng để đổi đời. Bây giờ kinh tế cũng ổn hơn, các gia đình đầu tư cho con học hành, tìm kiếm cơ hội làm việc ở địa phương. Hơn nữa những thế hệ trước có nhiều người lấy chồng nước ngoài không được may mắn, chính đây là những bài học để các gia đình và các bạn trẻ nhìn vào.

Để hạn chế tình trạng "xuất khẩu cô dâu" ồ ạt, UBND xã Đại Hợp đã liên tục tuyên truyền đến các em học sinh, từ cấp II đến cấp III. Riêng Hải Phòng đã kiên quyết không làm thủ tục cho những người lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới. Những năm gần đây, mỗi năm trung bình chỉ có trên dưới 10 trường hợp lấy chồng ngoại quốc.

Song Anh
.
.
.