Không phải trò đùa

Thứ Hai, 23/11/2015, 15:30
Câu chuyện một số bạn trẻ Việt lập trang Facebook giả phiến quân IS là một biểu hiện của sự vô văn hóa, kém hiểu biết, thờ ơ với nỗi đau của đồng loại khi vụ khủng bố đẫm máu vừa xảy ra ở thủ đô Paris.

Tệ hơn, nó gây ra tâm lý hoang mang bất an cho nhiều người dân và có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cho dù một thành viên ảo đã lên tiếng, đây chỉ là một trò đùa câu like, nhưng chắc chắn trò này là cực kỳ tai hại. Bộ Công an thông báo sẽ vào cuộc điều tra để tìm ra chủ nhân của những trò đùa dại tai hại này.

Mạng xã hội là nơi ai cũng có quyền tham gia, chỉ cần lập ra một tài khoản cá nhân. Phát ngôn những gì, ứng xử ra sao cũng là quyền của họ. Nhưng mạng xã hội không phải là nơi một người thích gì nói nấy, ví dụ như xúc phạm ai đó, mạo danh chửi bậy, đe dọa người khác hoặc kích động cộng đồng dẫn đến những cảm xúc tiêu cực cho nhiều người. Rất ít người sử dụng mạng xã hội hiểu rằng, có những chế tài pháp luật mà nếu họ vi phạm, họ hoàn toàn có thể bị truy tố trước pháp luật.

Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính nêu rõ: "Người nào sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, cũng như đưa vào mạng máy tính những thông tin trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội trong các trường hợp như có tổ chức và gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng  thì phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm".

Theo ý kiến của các chuyên gia, hành vi của những Facebooker giả danh IS gây tâm lý hoang mang trong nhân dân sẽ bị xử lý hình sự. Việc đùa vui kiểu này của một số người trẻ cho thấy họ là những người có suy nghĩ nông cạn, tò mò hiếu kỳ một cách ngu xuẩn, thiếu hiểu biết.

Một cư dân mạng nhận xét: "Không có thanh niên nào được cha mẹ giáo dục đàng hoàng, được học hành tử tế lại có thể nghĩ ra một trò đùa vô liêm sỉ như vậy. Họ luôn phải biết rằng, cả thế giới, không trừ một quốc gia nào, một người dân nào không lo lắng trước nạn khủng bố đang hoành hành. Họ biết rằng IS là bóng đen của thế giới hiện đại và "đừng đùa với lửa". Nếu họ có lòng trắc ẩn và yêu thương con người, họ sẽ chẳng bao giờ đùa thế, dù cho trò đùa đó có làm họ trở nên nổi tiếng, thu hút sự chú ý của hàng triệu người hay được nhiều hơn thế những cái like".

Bằng cách sử dụng mạng xã hội, mỗi người chơi sẽ bộc lộ văn hóa cá nhân của chính họ. Bên cạnh những người sử dụng nó hiệu quả bằng cách đăng tải những status có ý nghĩa nhân văn hay truyền cảm hứng tốt đẹp cho nhiều người khác để nhân lên sự tử tế trong cộng đồng, vẫn còn không ít người biến mạng xã hội trở thành nơi để khoe khoang sự thiếu văn hóa, sự kệch cỡm, thậm chí sự độc ác hay thói thờ ơ vô cảm của mình mà câu chuyện mạo danh Facebook IS vừa qua là một ví dụ.

Facbook mạo danh IS hiện đã bị chủ nhân xóa đi.

Với tốc độ lan truyền chóng mặt và với hiệu ứng tức thì, sự nhân lên của một thông tin tiêu cực sẽ có thể tạo ra những hệ lụy mà kẻ đưa ra thông tin vì thiển cận sẽ không thể lường hết được. Theo đó, việc làm kém hiểu biết của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến sự an nguy của cả một cộng đồng. Không một cư dân đàng hoàng nào trên mạng xã hội có thể dung thứ, bỏ qua, hay chấp nhận được những hành vi đó.

Và một khi các cơ quan chức năng vào cuộc, rất cần phải làm đến cùng để đưa những kẻ đó ra xử lý trước pháp luật. Những vụ việc như vậy là tiếng chuông cảnh tỉnh những người tham gia mạng xã hội cần phải ý thức mạnh mẽ về hành vi của mình. Không hiếm những trò đùa lố bịch và ngu xuẩn trên mạng xã hội của một số người trẻ Việt khiến cho chúng ta rất lo ngại.

Nguyên nhân là do thiếu suy nghĩ và sự tỉnh táo, hoặc là do sở thích điên rồ, mục đích cá nhân mà có người đã không ngần ngại đưa những thông tin không đúng sự thật hoặc cố tình bóp méo sự thật của tổ chức, cá nhân, thậm chí là nói xấu chế độ, kích động cộng đồng mạng, gây nên nhưng tổn thương và tổn hại nghiêm trọng.

Không hiếm ví dụ người chơi Facebook lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo hoặc trục lợi cá nhân, tô vẽ cho mình, hạ uy người này, dìm hàng kẻ khác, ném đá lẫn nhau. Từng có những vụ từ ném đá trên mạng mà dẫn đến ném đá, thậm chí là sử dụng cả hàng nóng để "xanh chín" với nhau ngoài đời thực gây thương tích thậm chí là thiệt mạng, làm mất an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Người sử dụng mạng xã hội cần phải hiểu rằng, việc đưa thông tin hay bình luận thông tin, dù thế nào đi nữa luôn cần được thể hiện bằng thái độ văn minh và khôn khéo, không làm tổn thương và xúc phạm người khác, xúc phạm cộng đồng. Muốn vậy người chơi phải có sự hiểu biết trong việc lựa chọn thái độ, cách chơi nghiêm túc và cẩn trọng, đừng vội lao vào như thiêu thân theo trào lưu a dua đua đòi làm mất đi những tác dụng tích cực và tính nhân văn của mạng xã hội.

Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu người sử dụng không có một phông nền văn hóa tốt, không biết tiết chế những gì nên chia sẻ và không nên chia sẻ, thì chính họ một lúc nào đó sẽ tự mình rước họa vào thân.

Trịnh Đình Nghi
.
.
.