Không thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:00
Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, một số đại biểu đặt vấn đề giai đoạn hiện nay nên coi người nghiện ma túy là tội phạm, chứ không chỉ là người bệnh để có các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện và ngăn chặn tội phạm ma tuý...


"Chúng tôi khẳng định, không thể coi người nghiện ma tuý là người bệnh. Những nước hợp pháp hoá ma tuý thì Chính phủ nhập ma tuý để cung cấp cho con nghiện. Liệu chúng ta có thể làm được không? Tôi khẳng định ngay là không có ngân sách để làm việc này. Vì nếu coi là người bệnh thì phải điều trị bệnh. Quan điểm của chúng ta là  xem xét lại, có biện pháp nghiêm khắc đối với người sử dụng ma tuý", đó là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khi phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ trong kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV về Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu khác cũng bày tỏ ý kiến tương tự.

Sử dụng ma tuý là vi phạm pháp luật

Trong dự thảo Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi), thì việc sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy (quy định tại khoản 4, điều 4, dự thảo Luật) là những hành vi cấm. Đây là một trong những quy định mới so với Luật Phòng chống ma tuý năm 2000, sửa đổi năm 2008 vì trước đây, chúng ta coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, cần được chữa bệnh.

Tuy nhiên, mặc dù đã chữa bệnh, cai nghiện bắt buộc cho hàng vạn người nhưng số người nghiện ma tuý không ngừng tăng lên, các vụ án do người sử dụng ma tuý cũng tăng và ngày càng có tính chất nghiêm trọng như trộm cắp, cướp, giết người cướp của, giết người thân trong gia đình, thậm chí giết nhiều người vì không kiểm soát được hành vi. Chính vì vậy, lần sửa đổi Luật này, Chính phủ đã quy định đây là hành vi bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an Thanh Hóa bắt giữ đối tượng buôn bán ma túy.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, hành vi sử dụng ma tuý rất nguy hiểm cho xã hội. Nhiều đối tượng sau khi sử dụng ma tuý đã gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, quy định hiện nay mới chỉ phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đen.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho biết theo thống kê số lượng người nghiện ma túy hằng năm không giảm, trung bình mỗi năm có 10.000 người nghiện ma túy được phát hiện, đó là chưa kể số lượng người nghiện ma túy tại cộng đồng chưa được thống kê. Tính đến cuối năm 2019 cả nước có 235.000 người nghiện ma túy nhưng các cơ sở cai nghiện công lập chỉ đủ đáp ứng gần 24.000 người.

Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, một số đại biểu đặt vấn đề giai đoạn hiện nay nên coi người nghiện ma túy là tội phạm, chứ không chỉ là người bệnh để có các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý người nghiện và ngăn chặn tội phạm ma tuý.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế khi người sử dụng trái phép chất ma túy không chấp hành yêu cầu xét nghiệm chất ma túy để đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất, kịp thời cưỡng chế khi đối tượng sử dụng chất ma túy chống đối hoặc không hợp tác thực hiện xét nghiệm.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn.

Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với người sử dụng ma túy không xác định được nơi cư trú hoặc không có nơi cư trú, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện nhưng dự thảo Luật chưa đề cập.

Về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị cần có quy định nhằm khuyến khích người sử dụng trái phép chất ma túy chủ động, tự nguyện khai báo. Từ đó thực hiện các chính sách hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng khác.

Phát biểu tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, cũng khẳng định không thể coi đối tượng nghiện ma tuý là người bệnh. "Hiện nay, có một số nước hợp pháp hoá ma tuý. Việc này đang tác động đến nhiều nước khác. Ở nước ta, trước đây chúng ta coi người sử dụng ma tuý là người bệnh, phải chữa bệnh, không coi là tội phạm. Nhưng trên thực tế, người nghiện tăng lên rất nhiều dẫn đến chúng ta trở thành điểm có nhu cầu về sử dụng ma tuý nên nguồn cung sẽ tập trung về nước ta. Chúng ta đã chặn những đường dây hàng nghìn bánh heroin nhưng vì trong nước có nguồn cầu nên ma tuý vẫn lọt vào. Chính vì vậy, chúng ta xử lý người nghiện tức là giải quyết nguồn cầu", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng chia sẻ việc có nhiều người đã trực tiếp nhắn tin, gọi điện cho ông cầu cứu vì lo sợ con em mình bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an xác định tội phạm ma tuý là tội phạm của mọi tội phạm, là nguyên nhân gây ra hầu hết các tội phạm khác nên đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm này.

"Từ nghiện ma tuý sinh ra trộm cắp, cướp tài sản, thậm chí giết người, cướp; sử dụng ma tuý gây ảo giác giết cả gia đình... Mới đây nhất vụ giết nữ sinh viên Học viện Ngân hàng cũng do đối tượng nghiện ma tuý gây ra vì khi nghiện, chúng không điều  khiển được hành vi, không chấp hành pháp luật, không còn đạo đức, ít nhất cũng không có lối sống thông thường. Chính vì vậy, phải tính toán xử lý hành vi sử dụng ma tuý", Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và cho biết, sử dụng ma tuý không chỉ ảnh hưởng đến trước mắt mà còn lâu dài, trong các trại giam có hơn 50% phạm nhân là đối tượng liên quan đến ma tuý.

Cũng khẳng định quan điểm này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý áp lực với ma tuý rất lớn, kể cả đường bộ, đường không, đường thuỷ đều phải đương đầu với ma tuý. Trong khi việc xử lý người nghiện ma tuý lại chưa được coi là tội phạm dẫn đến số người nghiện tăng nhanh. Số người nghiện này đã gây ra hàng nghìn vụ án; đề nghị xử lý nghiêm khắc hơn để tạo tính răn đe.

Đề nghị cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi

Một trong những quy định mới của dự án Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi) đó là áp dụng biện pháp cai nghiện đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; trách nhiệm của người sử dụng trái phép ma túy phải tự khai báo hành vi của mình với cơ quan, tổ chức, nơi làm việc hoặc Công an xã.

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) nêu quan điểm: Hiện nay, đang có khoảng trống pháp luật về nội dung áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã quy định cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là điểm mới cần thiết. Đề nghị quy định cụ thể về các biện pháp cai nghiện phù hợp với đặc điểm, yêu cầu riêng của các đối tượng này về thể chất, sự phát triển tâm sinh lý và mục đích chăm sóc, giáo dục đối tượng này.

Bà Trinh đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy. Đặc biệt, cần cân nhắc đối với nhóm đối tượng trong độ tuổi trẻ em (từ đủ 12 đến dưới 16 tuổi) phù hợp với các quy định của Luật Trẻ em. Còn đối với nhóm đối tượng trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cần có biện pháp cai nghiện phù hợp, kết hợp với giáo dục, lao động, rèn luyện thể chất tinh thần và hướng nghiệp sau khi cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế khi người sử dụng trái phép chất ma túy không chấp hành yêu cầu xét nghiệm chất ma túy để đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất, kịp thời cưỡng chế khi đối tượng sử dụng chất ma túy chống đối hoặc không hợp tác thực hiện xét nghiệm. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với người sử dụng ma túy không xác định được nơi cư trú hoặc không có nơi cư trú, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì giao UBND cấp xã nơi phát hiện nhưng dự thảo Luật chưa đề cập.

Về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho cần có quy định nhằm khuyến khích người sử dụng trái phép chất ma túy chủ động, tự nguyện khai báo. Từ đó thực hiện các chính sách hỗ trợ cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng khác.

Theo dự thảo Luật, ba chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Phương Thủy
.
.
.