Khu đô thị mới vắng trường học, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Bảy, 13/07/2019, 15:20
Thêm một khu đô thị là có thêm hàng nghìn hộ sinh sống với hàng loạt nhu cầu về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, trong đó đặc biệt là trường học. Tuy nhiên, chuyện các chủ đầu tư chỉ lo xây nhà bán mà “quên” xây trường học đã trở thành câu chuyện tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự…


Gần 10 năm nay, Hà Nội có thêm hàng loạt các khu đô thị mới ở cả nội và ngoại thành với hàng trăm nghìn căn hộ. Thêm một khu đô thị là có thêm hàng nghìn hộ sinh sống với hàng loạt nhu cầu về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, trong đó đặc biệt là trường học. Tuy nhiên, chuyện các chủ đầu tư chỉ lo xây nhà bán mà “quên” xây trường học đã trở thành câu chuyện tuy không mới nhưng luôn mang tính thời sự…

Đất bỏ hoang nhưng không xây trường

Khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm có diện tích 76 ha, với quy mô dân số khoảng 8.000 người. Theo quảng cáo của chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (Bộ Xây dựng), trong tổng số 76 ha này, đất dân dụng là 512.800m², đất ở là 301.000m², phần còn lại dành cho bãi đỗ xe, đường giao thông, cây xanh và các công trình công cộng khác. 

Diện tích xây nhà ở và cao tầng chiếm 10% quy mô dự án. Tại đây, sẽ hình thành các công trình xã hội như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, văn hoá, câu lạc bộ, thư viện, vườn hoa, cây xanh, bãi đỗ xe... Nghĩa là theo thiết kế này thì đây thực sự là khu đô thị kiểu mẫu vì đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Tuy nhiên, thực tế thì tại đây quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học nhưng đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Còn 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất (NT1 và TH1) cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đất (NT2, HT2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) đang vướng mắc, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. 

Thiếu trường học, nhưng khi đã mua nhà ở đây thì không thể để con thất học, vậy là các bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ học cho con. Trường tư thì học phí cao nên không phải ai cũng có đủ tài chính để cho học, vậy là vẫn phải tìm tới trường công. 

Thế mới có chuyện, đầu năm học 2018- 2019, vì học sinh quá đông, Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) đã phải cho học sinh học theo lịch học không giống ai là tổ chức học 4 ngày/tuần (tương ứng 8 buổi/ngày), có học luân phiên thứ 7…

Về đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị trên địa bàn thành phố, có nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án. 

Như khu đô thị mới Phùng Khoang; khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì; khu đô thị Xuân Phương – Viglacera; khu đô thị Thành phố giao lưu; khu đô thị Đoàn Ngoại giao; khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh; dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế; khu nhà ở để bán nhà ở Vĩnh Hoàng; khu chức năng đô thị Ao Sào; khu đô thị mới Cầu Bươu; khu nhà ở Thạch Bàn; khu đô thị Đặng Xá; khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; khu đô thị mới Việt Hưng...

Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp quy hoạch 6 lô đất xây dựng trường học, gồm 3 lô đất xây dựng trường mầm non, 1 lô đất trường tiểu học, 1 lô đất trường THCS, 1 lô đất trường THPT, trong đó có 1 lô đất đã hoàn thành xây dựng trường mầm non, 1 lô đất đang thực hiện chuẩn bị đầu tư xây dựng trường tiểu học. 

Lô đất xây dựng trường THPT vướng nghĩa trang thôn Văn Điển. HUD đang tiến hành thực hiện lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quy hoạch phân khu được duyệt, 2 lô đất trường mầm non và 1 lô đất trường THCS, HUD đã chuyển nhượng hạ tầng cho các nhà đầu tư thứ phát để xây dựng công tình; tuy nhiên đến nay các nhà đầu tư chưa xây dựng.

Trong khi những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát trong các khu đô thị thì trường học lại bị bỏ quên.

Chính quyền không mạnh tay, đất xây trường sẽ còn bỏ hoang

Theo đoàn giám sát đánh giá, công tác giám sát, đánh giá của chủ đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, công tác kiểm tra, giám sát của các Sở, ngành và địa phương có nơi, có lúc chỉ đạo thực thiện chưa tập trung quyết liệt. Các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã có khu đô thị chưa thường xuyên cập nhật số liệu, tình hình đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ quản lý được giao.

Mặc dù có chủ trương sau khi di dời các cơ sở sở sản xuất và trụ sở các Bộ, ngành Trung ương ra khỏi khu vực nội đô sẽ bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên sau khi di dời tại các địa điểm này lại xay dựng các khu đô thị, công trình thương mại, nhà ở dẫn đến khó khăn về quỹ đất để xây dựng trường học theo quy hoạch được duyệt.

Vì vậy, Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND thành phố thu hồi các dự án xây dựng trường học trong khu đô thị với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, chậm trễ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và bàn giao cho UBND quận, huyện để thực hiện các phương án xây dựng trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, cân đối hợp lý việc xây dựng trường công và trường tư thục tại các dự án khu đô thị, đặc biệt tại các quận đang thiếu trường lớp học.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những kiến nghị ấy có thành hiện thực hay không thì vẫn còn phải chờ, vì đây không phải làn đầu tiên HĐND thành phố giám sát về vấn đề này.

Tân Lương
.
.
.