Khủng hoảng tâm thần của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch

Thứ Năm, 25/06/2020, 08:55
Một báo cáo mới được công bố hồi đầu tháng 6 cho thấy, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại cho tâm lý người Mỹ, với 1/3 người có dấu hiệu trầm cảm hoặc lo lắng lâm sàng, tỷ lệ cao gấp đôi so với trước đại dịch.

Các số liệu thống kê nghiệt ngã thậm chí còn khủng khiếp hơn đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe trên tuyến đầu của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Phớt lờ sức khoẻ tâm thần

Có rất nhiều nguy cơ xấu tác động không tốt đến sức khoẻ tâm thần của các nhân viên y tế nói chung và các bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở Mỹ nói riêng. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, trong hơn 1.200 nhân viên y tế được phỏng vấn, gần 1/2 cho thấy các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng. 

Dẫn báo cáo của JAMA Network Open, tờ ABCNews khẳng định, hơn 2/3 các bác sĩ trên khắp thế giới khi trả lời các câu hỏi đều báo cáo về hiện tượng mất ngủ hay thiếu ngủ. 70% trong số đó thậm chí nói rằng họ đã đau khổ. Nghiêm trọng nhất là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại những khu vực được cho là tâm dịch. 

Hồi tháng 4, bác sĩ Lorna Breen, Giám đốc y tế của Trung tâm cấp cứu thành phố New York – nơi tràn ngập bệnh nhân COVID-19, đã tự tử ở tuổi 49. Bà không có tiền sử bệnh tâm thần nhưng lại quá mệt mỏi trước áp lực công việc và số bệnh nhân chết hàng ngày vì virus SARS-CoV-2.

Các nhân viên y tế đã bật khóc khi chứng kiến sự ra đi hàng ngày của các bệnh nhân COVID-19.

GS.TS tâm thần học Samantha Meltzer-Brody, Giám  đốc Chương trình chăm sóc sức khỏe tại Đại học Bắc Carolina nói: "Chúng ta phải xem hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tinh thần là quan trọng, quan trọng như các thiết bị bảo hộ cá nhân về phòng chống dịch COVID-19. Mỗi bệnh viện và cơ sở y tế nên tự hỏi, "chúng ta đang làm gì để ngăn chặn tác động cảm xúc của việc trở thành nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong môi trường đầy nguy hiểm và chết chóc này?”.

Trong khi đó, GS.TS Jessica Gold thuộc Đại học Washington ở St. Louis giải thích: "Các nhân viên chăm sóc sức khỏe không bắt đầu với mức cơ bản bằng 0. Họ đã bị trầm cảm siêu cao, tỷ lệ tự tử và kiệt sức trước dịch COVID-19. 

Trầm cảm, kiệt sức và tự tử đang là vấn nạn của ngành y trong mùa dịch. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu gần đây đánh giá tỷ lệ tự tử của bác sĩ ở Mỹ, nhưng các nghiên cứu từ những năm 1990 cho thấy nguy cơ tự tử ở các bác sĩ nam cao hơn 40% so với nam giới trong dân số nói chung. Đối với các bác sĩ nữ, nguy cơ đó cao hơn 130%. 

Nghiên cứu mới hơn cũng tiếp tục chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử trong số các bác sĩ vượt quá tỷ lệ trong cộng đồng. Nằm trong top những công việc vốn đã căng thẳng, nay lại là trường hợp khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng mà Mỹ và thế giới chưa từng chứng kiến, những rủi ro về sức khỏe tâm thần hiện có của các bác sĩ càng bị đẩy lên ở mức cao”. 

Cũng theo GS.TS Jessica Gold, danh sách các yếu tố gây căng thẳng cho nhân viên chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch COVID-19 thậm chí còn quá dài để đọc. Họ lo lắng về việc không có đủ thiết bị phòng hộ để bảo vệ bản thân khỏi virus. Họ đau đớn trước viễn cảnh hết máy thở và phải giữ sự chăm sóc cẩn trọng đối với người sắp chết, giành giật sự sống từng giờ, từng phút…. 

Họ phải thực hiện các ca làm việc căng thẳng, mệt mỏi, không biết khi nào thì dịch bệnh hết hoặc bùng phát trở lại. Sau đó là sự bất lực cố hữu khi không thể cứu hàng chục ngàn bệnh nhân.

Theo thống kê của CDC Mỹ, con số bác sĩ tử vong vì virus SARS-CoV-2 đã lên tới hơn 300 người. Chưa kể là phần đông bác sĩ, nhân viên y tế sau khi hết ca trực lại được đưa về các nơi cô lập, cách ly để nghỉ ngơi và không được về nhà, bảo vệ gia đình mình. Nỗi cô đơn, sự lo lắng về việc người thân có thể gặp nguy hiểm cũng khiến họ thêm đau lòng và rút nốt những sức lực cuối cùng.

Một y tá đang đeo găng tay để chuẩn bị kiểm tra bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hạt Kearny, ở Lakin, Kansas, Mỹ.

Triền miên sống trong lo lắng

"Ngay từ đầu, cảm xúc chiếm ưu thế là sự lo lắng", Tiến sĩ Michael Devlin chuyên nghiên cứu về tâm thần học lâm sàng tại Đại học Columbia, người dẫn đầu các phiên họp nhóm trên Zoom cho nhân viên y tế trong đại dịch nói. Tại các bệnh viện ở New York, số y bác sĩ và nhân viên y tế bị trầm cảm đang tăng mạnh và điều họ không yên tâm hơn cả là về gia đình và việc tiết lộ với gia đình về nỗi sợ hãi của mình.

“Đại dịch đang đặt mọi người vào giữa hai thứ mà họ quan tâm nhất - công việc và gia đình. Thật khó khăn cho nhiều người. Theo thời gian, sự lo lắng đã nhường chỗ cho nỗi đau buồn khi nhìn thấy quá nhiều chết chóc. 

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ và y tá là những người cầm iPad khi bệnh nhân nói lời tạm biệt với người thân qua màn hình. Có tất cả sự khủng khiếp của mọi người khi không thể nói lời tạm biệt với những người thân yêu nhưng lại phải chứng kiến những điều đó”, Tiến sĩ Michael Devlin phân tích.

Theo truyền thống và nguyên tắc làm việc, các nhân viên y tế đã dựa vào chủ nghĩa khắc kỷ và sự hy sinh bản thân để hoàn thành nhiệm vụ của mình. Điều này là cần thiết bởi họ đã được đào tạo để cố gắng không bị cảm xúc chi phối hay can thiệp vào phán đoán, chẩn đoán bệnh. Nhưng điều này cũng vô tính khiến họ có nguy cơ không được chăm sóc hoặc tự làm tổn thương mình. 

Donald Parker, Chủ tịch Viện sức khoẻ Hackensack Meridian ở New Jersey, người đã làm việc về lĩnh vực sức khoẻ hành vi trong hơn 40 năm qua  New Jersey cho biết: “Mọi người muốn bác sĩ trung lập trong cảm xúc và có chuyên môn vững. 

Điều đó tạo ra một môi trường nơi các nhân viên y tế cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ cảm xúc. Không có lối thoát, ngay cả những người bình tĩnh và dè dặt trong suốt sự nghiệp cũng có thể trở nên bị quá tải. Và khi sự quá tải bùng nổ, họ bị bỏ lại với một cường độ mạnh trong phản ứng trở nên rối loạn chức năng”.

Các nhân viên y tế tại Bệnh viện hạt Kearny, ở Lakin, Kansas.

Nhắc đến câu chuyện về bác sĩ Jo Shapiro, người suýt chết vì COVID-19, Donald Parker kể: “Bác sĩ Jo Shapiro đã có 30 năm làm bác sĩ phẫu thuật trong đó 10 năm làm tại bệnh viện ở Massachusetts, chỉ đạo một chương trình đào tạo bác sĩ để hỗ trợ lẫn nhau khi gặp phải chấn thương trong công việc. 

Bà cũng đã tham gia chương trình đào tạo hỗ trợ đồng đẳng tại hơn 50 tổ chức ở Mỹ và trên toàn thế giới. Nhưng khi bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 từ rất sớm, bà đã từ chối việc tự chăm sóc và nhận những lời khuyên chữa bệnh mà hy sinh bản thân mình vì công việc. 

Bà ấy còn nói bà đã không phải vào bệnh viện, và chưa bao giờ bị bệnh nên không nên quá lo lắng. Khi sức khoẻ ngày càng suy kiệt, Jo Shapiro vẫn tiếp tục tham gia các chương trình hỗ trợ đồng đẳng trực tuyến nhưng chính việc này đã khiến bà ngày càng ốm yếu đi. 

Cuối cùng, bà phải thừa nhận rằng mình đang làm chính xác những gì mà bà nói mọi người không nên làm. Sự kỳ thị kèm theo khi yêu cầu hỗ trợ có thể khiến các bác sĩ phải chịu đựng nỗi đau của mình trong im lặng hoặc sử dụng các cơ chế đối phó tiêu cực, như rượu hoặc ma túy để tự điều trị”.

Nghĩa là, nhiều khi các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế thậm chí không thể nhận ra những gì họ đã trải qua và những nguy cơ bệnh tật đến với họ. Ban đầu họ có thể sẽ sốc và sau đó là cảm thấy đau đớn. 

“Không phải tất cả mọi người trải qua chấn thương hoặc kiệt sức sẽ phát triển các tình trạng như lo lắng hoặc trầm cảm, nhưng có một số dấu hiệu ban đầu để đề phòng”, Donald Parker nhấn mạnh: “Điều quan trọng là các bác sĩ phải chú ý đến mức độ căng thẳng, cảm xúc của họ và những ảnh hưởng của công việc. Có những người rất ý thức điều này nhưng trong mùa dịch COVID-19 thì phần lớn là không. 

Chúng tôi đã đưa ra các chiến lược đối phó tích cực như: tập thể dục, kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, ăn uống tốt và nghỉ ngơi về thể chất và tinh thần. Nếu những chiến lược đối phó tích cực đó thất bại và bác sĩ vẫn cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc không thể ngủ, đó là dấu hiệu họ có thể cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần chính thức hơn”. Và đến nay, trong khi một số nhân viên y tế có dấu hiệu hồi phục thì nhiều người khác vẫn đang phải chịu hậu quả lâu dài về sức khoẻ tâm thần.

Khi được hỏi về khả năng các bác sĩ chết vì tự tử, Donald Parker khẳng định: "Dịch COVID-19 có khả năng tác động tàn phá đến sức khỏe tâm thần của cả tập thể bác sĩ, nhân viên y tế Mỹ. Nhưng nó cũng có thể là chất xúc tác cần thiết để thực hiện các chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần dự phòng và gia tăng sự quan tâm đối với chương trình này. 

Có nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau, nhưng những chương trình tốt nhất thường có nhiều mặt, trong đó chúng tôi chủ động liên hệ với các bác sĩ, thay vì mong đợi họ yêu cầu giúp đỡ khi họ cần”. 

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.