Kì tích y học và câu chuyện thần kì về trái tim bên phải

Thứ Hai, 23/02/2015, 08:30
Cho đến nay, trên cả nước mới có hơn chục ca phẫu thuật ghép tim thì ông và các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức đã thực hiện 9 ca. Ca ghép thứ 9 cũng là một ca phẫu thuật đặc biệt trong lịch sử y học Việt Nam và trên thế giới, trái tim có dị tật rất phức tạp lại nằm bên phải. Một chiều cuối năm bận rộn với lịch khám chữa bệnh, ông vẫn dành cho chúng tôi một chút thời gian để chia sẻ về ca phẫu thuật đặc biệt này và những tâm huyết, những trăn trở mà cả đời ông miệt mài theo đuổi...

Ông không muốn nhắc nhiều đến bản thân, đến những khó khăn, gian khổ mà ông phải vượt qua để có ngày hôm nay. Với ông, quan trọng nhất là công việc, làm sao để cứu chữa được nhiều bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, để nhiều người biết đến một cơ sở chữa bệnh tim uy tín như Bệnh viện Việt - Đức và có cơ hội được sống với trái tim khoẻ mạnh, đó mới là điều ông muốn nhắc đến.

Gần 30 năm trong nghề, PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật tim và lồng ngực, Bệnh viện Việt - Đức, được bạn bè, đồng nghiệp yêu quý, kính trọng bởi tính cách quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hết lòng vì bệnh nhân.

Mỗi ca phẫu thuật là một kỉ niệm khó quên trong cuộc đời ông, nhưng có lẽ, ca phẫu thuật ghép tim cho một bệnh nhân có trái tim nằm bên phải kèm rất nhiều dị tật phức tạp là đặc biệt nhất. Kể lại câu chuyện, bác sĩ Ước vẫn chưa hết bồi hồi, xúc động: "Là bác sĩ, chúng tôi luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân. Với bệnh nhân Phan Thị T. ở Yên Bái, hoàn cảnh của em rất đặc biệt, nhưng trên hết, ý chí muốn được sống, khát khao được sống của T. và gia đình khiến cho chúng tôi càng cố gắng hết mình. Và có lẽ, chính nhờ khát khao ấy mà T. cũng hồi phục một cách thần kì sau ca phẫu thuật".

PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước trong một chương trình đồng hành cùng cộng đồng.

Khó khăn nhất của bác sĩ Ước khi thực hiện ca phẫu thuật này là bệnh nhân có trái tim nằm bên phải với tất cả những dị tật tim bẩm sinh phức tạp nhất, kèm theo lục phủ ngũ tạng đều bị đảo ngược hoàn toàn. Đây là trường hợp ghép tim rất hiếm gặp, trong lịch sử y học thế giới chưa từng được nhắc đến. Đặc biệt, do mang dị tật tim bẩm sinh rất nặng, nên sức khoẻ bệnh nhân đã hoàn toàn suy kiệt sau 26 năm giành giật sự sống. Vậy mà trong 26 năm ấy, mọi người luôn thấy ở T. nụ cười lạc quan, khát khao được sống và cống hiến.

Khi còn học trung học, sức khỏe T. đã kém đi nhiều, bố mẹ khuyên em ở nhà nghỉ ngơi, hi vọng quả tim dị tật sẽ đập lâu dài. Thế nhưng, T. không những không bỏ học, mà còn học rất giỏi. Rồi em thi đỗ Đại học Kinh tế quốc dân số điểm rất cao. Suốt thời gian học đại học, đã có lúc tưởng chừng T. không qua được, sự sống ngày một mong manh. Đến khi không thể đủ sức khoẻ trụ lại nữa, T. đành nghỉ học, nhưng về quê, em vẫn miệt mài dạy học trực tuyến cho học sinh, sinh viên.

Khi T. được đưa đến Trung tâm Phẫu thuật tim và lồng ngực  của Bệnh viện Việt - Đức, các bác sĩ đã chỉ định ghép tim cho em, đó là cơ hội duy nhất để cứu sống người bệnh. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đã nhiều lần làm công tác tư tưởng cho bệnh nhân và cả gia đình. Bệnh của T. quá nặng, nếu không phẫu thuật chắc chắn sẽ không qua khỏi, còn nếu phẫu thuật, tỉ lệ thành công là rất thấp, bởi đây là ca bệnh thế giới chưa từng gặp. Người có trái tim bên phải đã rất hiếm gặp, người có trái tim bên phải lại bị dị tật, phải ghép tim như T. lại càng hiếm gặp hơn. T. đồng ý biết mọi rủi ro có thể xảy ra, còn cha mẹ em cũng quyết tâm, dù chỉ còn 1% tia hi vọng sống cũng sẽ thực hiện ca phẫu thuật lịch sử này.

Chính sự quyết tâm của bệnh nhân và gia đình khiến bác sĩ Nguyễn Hữu Ước càng vững tin vào tay nghề và kinh nghiệm của mình. Mặc dù không có một tài liệu hay một công trình khoa học nào nghiên cứu về trường hợp này, nhưng với kinh nghiệm gần 30 năm đứng bên bàn mổ, ông cùng ekip mổ đã nghiên cứu kỹ mọi qui trình mổ trên lý thuyết, vẽ lại các bước mổ bằng sơ đồ cụ thể.

Quả nhiên, trong ca phẫu thuật, mọi thứ đều đúng với 90% dự kiến, duy nhất có một điều là quả tim mới của T. to hơn so với lồng ngực của em, bởi người hiến tim là nam giới. Ekip mổ nhanh chóng thiết kế khoang ngực bên trái rộng hơn để đủ chỗ chứa quả tim. 9 tiếng đồng hồ "cân não" căng thẳng, 12 tuần ròng rã sau mổ có bác sĩ, điều dưỡng viên túc trực riêng bên người bệnh, tổng lực 90 con người dồn sức trong 3 tháng cho ca ghép tim đặc biệt có một không hai này, có lúc tưởng chừng bệnh nhân không qua khỏi.

Và rồi niềm vui, niềm hạnh phúc của cả gia đình và các bác sĩ Bệnh viện Việt - Đức như vỡ oà khi T. hồi phục một cách thần kì sau 3 tháng đằng đẵng sống chung với đủ các máy móc, kỹ thuật hiện đại. Ngày chúng tôi đến Bệnh viện Việt - Đức gặp bác sĩ Ước, ông cười rất tươi khoe bệnh nhân T. vừa mới từ Yên Bái xuống kiểm tra, em cũng đã đi lại được bình thường dù còn yếu.

Với Bệnh viện Việt - Đức nói riêng và nền y học Việt Nam nói chung thì đây là một kỳ tích chưa từng có. Trong nhiều buổi hội thảo y học quốc tế, các chuyên gia đến từ nhiều nước khi nghe đến ca phẫu thuật này đều không khỏi ngạc nhiên, bất ngờ, bởi với một điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như nước ta, lại có thể thực hiện được một ca ghép tim dị tật đặc biệt chưa từng ghi trong lịch sử y học thế giới.

Với bác sĩ Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật, thì đây là sự thành công của cả một kíp mổ và toàn thể các bác sĩ, y tá Bệnh viện Việt - Đức. Thành công trước hết là từ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm dạn dày của các bác sĩ hàng đầu và từ sự quyết tâm, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu bệnh viện.

Bệnh viện Việt - Đức với những bác sĩ giỏi, hết lòng với bệnh nhân đã và đang viết nên những kì tích trong y học, đem lại sự sống cho nhiều bệnh nhân bị bệnh tim nặng. Với trình độ và thiết bị y tế hiện đại, mỗi năm, Bệnh viện Việt - Đức có khả năng thực hiện từ 150 đến 200 ca phẫu thuật ghép tim, đem lại cơ hội sống cho những người bệnh nặng. Tuy nhiên vì thiếu người hiến tạng, chi phí cho một ca phẫu thuật tim khá tốn kém, hoặc vì một vài lí do nào đó mà số bệnh nhân tìm đến Bệnh viện Việt -Đức để được ghép tim không nhiều.

Một người bị bệnh ung thư có thể tiêu tốn hàng chục, hàng trăm triệu để trị xạ, truyền hoá chất, chỉ để kéo dài sự sống thêm một vài năm thì tại sao một người bị bệnh tim lại không thể bỏ ra một số tiền như thế để sống một cách mạnh khoẻ thêm nhiều năm nữa? Trong khi nếu người bệnh biết quý trọng sức khoẻ, biết cách chăm sóc, giữ gìn bản thân tốt sau khi ghép tim thì sự sống còn kéo dài hàng chục năm.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Ước và những người làm nghề như ông luôn hy vọng rằng trong tương lai, sẽ thực hiện được nhiều ca ghép tim hơn nữa, gieo mầm sống mới đến với nhiều bệnh nhân.

Ngọc Trâm
.
.
.