Kí ức của nữ trung tá bác sĩ về tình đồng đội Tây Tiến

Thứ Sáu, 12/04/2013, 10:39

Là một trung tá bác sĩ, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phú Thọ, tới tuổi nghỉ hưu, tôi tự thấy mình không hổ thẹn với nguyện vọng từ tuổi trẻ nguyện dành cả đời mình làm việc và cống hiến theo con đường Tây Tiến mà người anh của mình đã chiến đấu và hi sinh anh dũng. Sáu mươi năm đã qua, kể từ ngày người anh cả trong gia đình có mười một anh em của tôi hi sinh, hình ảnh, kí ức về anh luôn ở trong trái tim, thôi thúc chúng tôi sống và làm việc một cách có ý nghĩa nhất.

Anh tôi - người lính Tây Tiến anh dũng

Là một trung tá bác sĩ, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phú Thọ, tới tuổi nghỉ hưu, tôi tự thấy mình không hổ thẹn với nguyện vọng từ tuổi trẻ nguyện dành cả đời mình làm việc và cống hiến theo con đường Tây Tiến mà người anh của mình đã chiến đấu và hi sinh anh dũng. Sáu mươi năm đã qua, kể từ ngày người anh cả trong gia đình có mười một anh em của tôi hi sinh, hình ảnh, kí ức về anh luôn ở trong trái tim, thôi thúc chúng tôi sống và làm việc một cách có ý nghĩa nhất.

Gia đình chúng tôi có mười một anh chị em. Cha tôi - nhà giáo, nghệ sĩ Nguyễn Như Hoàn - người đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ Ngụ ngôn của Hội Khai Trí Tiến Đức. Mẹ tôi - người phụ nữ tài sắc đảm đang lo việc nội trợ, tề gia cho chồng tham gia công tác xã hội.

Những năm cả nước sục sôi trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi còn là một trẻ nhỏ. Như bao thanh niên trí thức yêu nước khác, anh trai tôi là Nguyễn Như Trang gia nhập hàng ngũ của những người bộ đội cứu quốc. Đồng đội của anh tôi kể rằng, trẻ tuổi, gan dạ, thông minh lại mưu trí, anh sớm được cấp trên tín nhiệm đề bạt chức danh Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô.

Cũng trong thời gian này, anh tôi vinh dự được kết nạp Đảng. Rồi tới đầu năm 1947, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, anh tình nguyện gia nhập đoàn binh Tây Tiến, hướng về chiến trường chiến đấu, bảo vệ biên cương. Vừa chiến đấu, với tâm hồn tài hoa của mình, giữa nơi chiến trận, anh đã sáng tác những nhạc phẩm diễn tả rõ ràng nhất khí thế, ý chí quyết tâm của người lính Tây Tiến quả cảm không quản ngại hi sinh gian khổ, quyết giữ gìn biên cương bình yên.

Rồi tại địa điểm làng Mu (nay là xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) trong một cuộc chiến đấu không cân sức, anh và đồng đội rơi vào phục kích của địch. Chiến đấu quả cảm, anh dũng, người anh thân yêu của chúng tôi đã hi sinh.

Trong chuyện kể của đồng đội cũ sau này, tôi được biết hình ảnh về anh mình - liệt sĩ Nguyễn Như Trang anh dũng mà hào hoa, lãng mạn biết bao nhiêu. Họ - đồng đội cũ của anh kể rằng người tiểu đoàn trưởng trong binh đoàn 52 Tây Tiến là đại diện tiêu biểu nhất cho lính Tây Tiến hào hoa, lãng mạn đã đi vào thơ ca và trở thành hình tượng bất tử. Cao một thước tám, khuôn mặt điển trai, trong chiến đấu thì anh dũng, mưu trí, trong đời sống sinh hoạt thì hào hoa, lãng mạn, tới đâu cũng được biết bao ánh mắt, trái tim ngưỡng mộ. Cho tới bây giờ, trong các cuộc gặp mặt của các cựu binh Trung đoàn 52 Tây Tiến xưa vẫn nhắc tới anh với biết bao tình cảm mến phục.

Khi anh hi sinh, đồng đội cũ đã thay anh chăm sóc mẹ già, em nhỏ

Năm 1948, anh Trang hi sinh. Khi đó, cả gia đình tôi còn ở Phú Thọ. Cha vừa dạy học, vừa cùng mẹ mở tiệm chụp ảnh nên ngoài anh Trang đã hi sinh nơi chiến trường Tây Bắc, cha mẹ vẫn lo được cho mười người con sau anh được ăn học đàng hoàng.

Mỗi dịp lễ Tết, sum họp gia đình, nhớ người con trai cả đã hi sinh anh dũng, cha tôi lại cầm cây đàn - di vật anh để lại tấu lên các ca khúc do anh sáng tác nơi chiến trường. Mỗi lúc như thế, chúng tôi ý thức rõ ràng hơn bao giờ hết rằng mình phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự hi sinh của anh.

Năm 1967, cha tôi qua đời. Một mình mẹ phải lo toan cho mười người con. Cuộc sống của gia đình chúng tôi khi đó gặp rất nhiều khó khăn.

Về thăm nhà, thắp nhang cho đồng đội, anh Tuyển kể chuyện cuộc sống - chiến đấu nơi biên cương sôi động, anh em chiến sĩ thương yêu nhau như tình thân, máu mủ ruột rà. Một người nằm xuống, những người còn sống đau như xé lòng và càng thêm quyết tâm nắm chắc tay súng, quyết giữ vững biên cương - nơi mảnh đất ông cha để lại, nơi máu xương đồng đội và chính mình đã đổ xuống. Hòa bình lập lại, được hưởng niềm vui tự do, thanh bình, không thể quên những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường.

Nhớ một lần hành quân, nghỉ chân nơi một con dốc dài, tiểu đoàn trưởng kể về gia đình, anh nói mình còn bố mẹ già và mười người em nơi quê nhà Phú Thọ. Những người chiến sĩ trên chặng đường hành quân chia sẻ chuyện gia đình cho đôi chân đỡ mỏi. Anh Trang hi sinh, người đồng đội cũ là Đặng Quốc Tuyển (Đại tá, nguyên Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Tây Bắc vinh dự cùng đoàn đại biểu BTTM Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia dẫn đầu chuyến hội đàm về vấn đề Trung Quốc giúp bộ đội Việt Nam hoạt động ở Thượng Lào năm 1966) coi lời tâm sự nơi đỉnh dốc của cuộc hành quân năm xưa là một lời thác gửi thiêng liêng.

Người anh trai anh dũng hào hoa của tôi - liệt sĩ Nguyễn Như Trang.

Với gia đình đồng đội, Đại tá Đặng Quốc Tuyển tự thấy mình như một người con cả, thay phần bạn cùng có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với mẹ già và mười người em nhỏ.

Anh Tuyển đã đề nghị mẹ đưa mười người em về Hà Nội để tiện bề chăm sóc. Một người mẹ với đàn con mười người, không dễ gì đi xa nơi quê hương với cuộc sống quen thuộc để tới một nơi khác sinh sống. Bao nhiêu lo lắng, bộn bề. Nhưng trước nghĩa tình đồng đội của con trai đã hi sinh, mẹ cũng nghe anh Tuyển chuyển về Hà Nội sinh sống. Tại đây, anh Tuyển cùng với mẹ và anh chị em trong gia đình tôi tiếp tục mở tiệm chụp ảnh.

Anh Tuyển đã vẽ sơ đồ mộ chí nơi anh tôi hi sinh, nhờ vào đó, chúng tôi đã đưa được hài cốt anh về Hà Nội yên nghỉ. Sau này, khi công tác tại khu vực Tây Bắc, anh đưa theo bốn người anh em trong gia đình chúng tôi lên đó, cùng xây dựng phòng nhiếp ảnh Quân khu Tây Bắc.

Sau này, mẹ tôi không may bị bạo bệnh, mắc chứng liệt nửa người, anh lại cùng các em lo việc chăm sóc mẹ. Như một người con cả trong gia đình, khi mẹ mất, anh cùng chúng tôi lo tổ chức tang lễ báo hiếu mẹ thay anh Trang.

Với chúng tôi, anh không chỉ là người đồng đội cũ nghĩa tình của người anh trai cả đã hi sinh. Với tình cảm sâu sắc, chân thành, anh thực sự trở thành người anh thứ hai trong gia đình được mười anh chị em chúng tôi hết mực kính quý.

Tiếp bước những người anh nơi miền Tây Bắc

Năm 1972, tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, tôi về làm giảng viên Trường Trung cấp Quân y I tại Sơn Tây, và sau đó chuyển về Bệnh viện Y học dân tộc Quân đội với cương vị một trung tá - bác sĩ. Chồng tôi, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên - Phó Giám đốc Học viện Quân y 103 nay đã nghỉ hưu đã gắn bó trọn vẹn cuộc đời của mình trong binh nghiệp. Cùng chia sẻ mọi tâm nguyện của nhau.

Vào những năm chín mươi, khi hai con gái còn nhỏ, vợ chồng chúng tôi đều nhiệt thành tham gia hoạt động tại các tuyến đường Tây Tiến xưa. Dấu mốc đầu tiên chúng tôi ghi cho bước chân tâm nguyện của mình là năm 1991 khi chồng tôi là Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên tham gia công tác nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe công nhân trồng chè Nông trường Cửu Long (huyện Lương Sơn - Hòa Bình).

Sau đó, hai vợ chồng và các chuyên gia là Giáo sư, tiến sỹ Lê Thế Trung; Giáo sư, tiến sỹ Lê Hồng Lâm cùng tham gia dự án Wishh thuộc Trường Đại học Illinois, Hoa Kỳ tài trợ về sản phẩm chiết suất protein từ đậu tương nhằm nâng cao dinh dưỡng bữa ăn trưa học đường cho học sinh miền núi. Năm 2004- 2005, nhờ thành công của dự án đó mà 2.000 học sinh của sáu trường tiểu học thuộc thị xã Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình được hưởng các suất ăn trưa trọn một năm học có thêm protein như trên.

Chúng tôi tự biết, những gì mình đã làm so với sự hi sinh gian khổ của người chiến sĩ năm xưa là không thấm vào đâu. Nhưng với chúng tôi, ngoài trách nhiệm, lòng say mê với công việc còn là mối gắn kết với một tình cảm thiêng liêng khi người anh cả trong gia đình - một chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến đã hi sinh anh dũng trong mặt trận Tây Bắc nhiều gian khổ.

Vui hưởng hạnh phúc cá nhân, chúng tôi vẫn hướng về Tây Tiến với những tình cảm khắc cốt, ghi tâm. Mặc dù nghỉ hưu, con cái trưởng thành, chúng tôi vẫn sẽ cùng làm việc nơi miền Tây Bắc. Dự án công viên điều dưỡng người già đang được thành lập tại thành phố Hòa Bình là một tâm nguyện khi về hưu của chúng tôi đang được hoàn thành.

Chúng tôi luôn tự nhắc mình trong hạnh phúc cá nhân hiện tại luôn có một phần công lao to lớn của thế hệ đi trước đã làm nên. Tôi luôn tự nhắc mình như thế để sống và làm việc!

Trong hạnh phúc cá nhân luôn có một phần công lao to lớn của thế hệ đi trước đã làm nên

Minh Việt
.
.
.