Kích hoạt bầu cử Mỹ bằng những lá phiếu qua thư

Thứ Ba, 08/09/2020, 19:45
Lo lắng về đại dịch COVID-19 đã khiến hàng chục triệu người Mỹ tính đến việc bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử Tổng thống chính thức được tổ chức vào ngày 3-11. Và Bắc Carolina đã trở thành bang đầu tiên khi bắt đầu gửi 643.000 phiếu bầu cho cử tri.

Thay đổi quan điểm

Việc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ ở bang Bắc Carolina đã được thực hiện từ hôm 4-9. Theo Reuters, 643.00 lá phiếu đã được gửi đi cho các cử tri. Các bang "chiến trường" quan trọng khác trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden như Wisconsin dự kiến cũng hoạt động bầu cử trong những tuần tới. 

"60 ngày tới sẽ là thời gian để kiểm tra năng lực tổ chức bầu cử của nền kinh tế lớn nhất thế giới", hãng AP nhận định và cho hay, nhu cầu bỏ phiếu qua thư đang gia tăng trên toàn nước Mỹ bởi cử tri muốn có một cách an toàn hơn để bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành. Con số 643.000 lá phiếu cao gấp hơn 16 lần số lượng mà bang Bắc Carolina đã gửi cùng thời điểm 4 năm về trước.

Giới phân tích đánh giá năm nay, cử tri Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi cách thức bầu cử cũng như tiến hành kiểm phiếu và chuyện này lại được đảng Dân chủ cổ vũ nhiệt tình. Thống kê cho thấy, năm 2016, chỉ 1/4 cử tri Mỹ bỏ phiếu qua đường bưu điện. Nhưng lần này, bang Wisconsin đã nhận được thêm gần 100.000 yêu cầu so với cuộc bầu cử năm 2016. 

Tại Florida, nếu 3.347.960 người đã yêu cầu bỏ phiếu qua email trong cuộc bầu cử năm 2016 thì nay con số là 4.270.781 yêu cầu. Và trong khi các lá phiếu sẽ được phân phát hết qua đường bưu điện trong 2 tuần nữa ở các bang chiến trường khác như Minnesota, Pennsylvania và Wisconsin thì hiện mọi con mắt đều đổ dồn vào Bắc Carolina.

Hôm 3-9, tức 1 ngày trước khi các lá phiếu được gửi đi, hàng ngàn công nhân mặc áo ghi lê vàng và đeo khẩu trang ngồi tại các bàn xếp cách nhau trong các nhà kho khác nhau để dán nhãn địa chỉ vào phong bì và sau đó bỏ phiếu vào trong. Giám đốc điều hành Hội đồng bầu cử bang Bắc Carolina Karen Brinson Bel cho biết, đại dịch này đặt ra những thách thức mới cho người lao động, bao gồm cả việc sống tách biệt và sử dụng thuốc sát trùng tay càng nhiều càng tốt. 

"Chúng tôi đã có gấp hơn ba lần số lượng yêu cầu mà chúng tôi từng có trong một cuộc bầu cử. Vì vậy, điều đó đã khiến chúng tôi phải thay đổi một số quy trình kiểm soát của mình", Karen Brinson Bel nói. 

Chưa hết, Giám đốc điều hành Hội đồng bầu cử bang Bắc Carolina còn khẳng định, gian lận bỏ phiếu qua thư là cực hiếm gặp ở Mỹ. Khi tiến hành nghiên cứu về các trường hợp gian lận phiếu bầu trên khắp nước Mỹ từ những năm 1970, Tổ chức Di sản (thuộc Viện Brookings) đã đưa ra tỷ lệ chưa đến 1/740.000 phiếu bầu - tức khoảng 0,0001%. Còn ở Oregon, nơi chuyển sang bỏ phiếu qua đường bưu điện vào năm 1998, trong hơn 20 năm qua, tỷ lệ này là chưa đến 1 trên 1 triệu phiếu bầu.

Bắc Carolina là bang đầu tiên thực hiện hình thức bỏ phiếu qua thư từ hôm 4-9.

Chia rẽ chính trị

Tuy nhiên, cái mà người ta quan tâm nhất lại là sự chia rẽ đảng phái trong việc lựa chọn hình thức bỏ phiếu. Trong lịch sử, đảng Cộng hòa đã thực hiện rất tốt việc bỏ phiếu qua thư ở Bắc Carolina, nhưng năm nay, những người yêu cầu bỏ phiếu qua thư lại thường không phải là đảng viên đảng Cộng hòa. 

Ngược lại, đảng Dân chủ đã yêu cầu hơn 337.000 phiếu bầu và 200.000 phiếu bầu cho những người theo chủ nghĩa độc lập, trong khi chỉ có 103.000 phiếu bầu được đảng Cộng hòa tìm kiếm. Các cử tri trong tiểu bang có thể tiếp tục yêu cầu các lá phiếu cho đến 27-10, mặc dù có thể quá gần với cuộc bầu cử 3-11 để họ nhận được lá phiếu và gửi lại cho văn phòng bầu cử địa phương cho kịp thời gian.

Còn tại Maine, 60% cử tri yêu cầu bỏ phiếu qua thư được thực hiện bởi thành viên đảng Dân chủ (gấp 3 lần so với đảng Cộng hoà) và 22% bởi những người độc lập. Tại Florida, nơi đảng Cộng hòa từng thống trị bỏ phiếu bằng thư, 47,5% yêu cầu đến từ các đảng viên Dân chủ và 32% từ các đảng viên Cộng hòa. 

Một cuộc thăm dò gần đây của USA Today và Đại học Suffolk cho thấy 56% cử tri đảng Cộng hòa được khảo sát cho biết họ sẽ bỏ phiếu trực tiếp, trong khi chỉ 26% cử tri đảng Dân chủ dự định làm như vậy. Trong số các cử tri Đảng Dân chủ, một trong 4 người cho biết sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử là công bằng nếu ứng cử viên Joe Biden thất bại. 

Còn ở đảng Cộng hoà, 20% cử tri có cùng câu trả lời này nếu Tổng thống Donald Trump không thể tái đắc cử. Michael McDonald, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Florida, người theo dõi các cuộc bỏ phiếu sớm, cho biết: "Những con số này là lạ thường và trên hết là những khác biệt rõ ràng về đảng phái". 

Cũng theo ông Michael McDonald, sự chia rẽ này diễn ra khi Tổng thống Donald Trump cho rằng các lá phiếu gửi qua thư dễ bị gian lận trong khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) lại khuyến nghị đây là giải pháp thay thế an toàn hơn cho việc bỏ phiếu trực tiếp trong thời kỳ đại dịch. Những con số ở Bắc Carolina và những nơi khác cho thấy đảng Cộng hòa đang lắng nghe ông Donald Trump, tránh xa các lá phiếu gửi qua thư trong khi đảng Dân chủ vội vàng sử dụng chúng.

Chuẩn bị các thùng phiếu để đi gửi cho cử tri tại Raleigh, Bắc Caronlina.

Song, lợi thế của đảng Dân chủ trong việc bỏ phiếu qua thư sẽ không nhất thiết chuyển thành lợi thế trong cuộc bầu cử. Các lá phiếu bầu vào ngày bầu cử dự kiến chủ yếu là của đảng Cộng hòa. 

Michael McDonald nhận định: "Ngay cả khi đảng Dân chủ giành được lợi thế lớn trong cuộc bỏ phiếu sớm, vẫn cần phải xem số phiếu trong ngày bầu cử, bởi vì đó sẽ là làn sóng đỏ". Đồng quan điểm này, Tom Bonier, Giám đốc điều hành của công ty dữ liệu Target Smart của đảng Dân chủ, thừa nhận ông đã nhìn thấy một chỉ số đầy hy vọng cho đảng của mình - 16% yêu cầu bỏ phiếu qua thư là từ những cử tri đã không bỏ phiếu vào năm 2016. Họ cũng trẻ hơn so với những cử tri gửi thư điển hình. 

Tom Bonier phân tích: "Nhìn thấy các đảng viên Dân chủ trẻ thích nghi với kỹ thuật này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy khoảng cách nhiệt tình tiềm ẩn". Đồng thời, Giám đốc Target Smart cũng lưu ý rằng sẽ không thể biết liệu đảng Cộng hòa có bắt kịp cho đến ngày 3-11 hay không.

Thực tế, những người lên kế hoạch các chiến dịch tranh cử thường muốn cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện vì họ có thể có thông tin về những phiếu bầu sớm đó và tập trung nguồn lực vào việc thu hút sự ủng hộ những cử tri còn lại đến các cuộc bỏ phiếu vào ngày bầu cử. 

Trớ trêu là Tổng thống Donald Trump lại đang làm phức tạp nỗ lực đó của đảng Cộng hòa bằng cách liên tục lên án việc bỏ phiếu bằng thư, mặc dù ở 5 bang thường xuyên gửi phiếu bầu cho tất cả cử tri, không có gian lận quy mô lớn nào. 

Thậm chí, khi ở Bắc Carolina, ông Donald Trump còn đề nghị những người ủng hộ mình bỏ phiếu một lần qua thư và lần thứ hai là đi bỏ phiếu trực tiếp để kiểm tra xem hệ thống có thể loại bỏ hành vi gian lận hay không. Ngày hôm sau, Giám đốc điều hành hội đồng bầu cử Bắc Carolina buộc phải cảnh báo rằng, bỏ phiếu hai lần ở tiểu bang là một trọng tội.

Chuẩn bị phiếu bầu để gửi cho các cử tri ở Bắc Carolina.

Và nỗi lo chậm trễ

Bên cạnh việc sợ gian lận, một mối lo khác trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là sự chậm trễ của những lá phiếu được gửi qua thư. Hôm 15-8, tờ The Washington Post đưa tin Cơ quan Bưu chính Mỹ (USPS) đã gửi thư đến 46 tiểu bang và vùng đô thị thủ đô Washington D.C cảnh báo rằng cơ quan này không thể đảm bảo toàn bộ phiếu bầu gửi qua thư được đưa đến địa điểm kiểm phiếu đúng thời hạn, dẫn đến lá phiếu không được tính. 

Một trong những nguyên nhân khác được nêu ra là ngành bưu chính thời gian qua cắt giảm nhân lực của bộ phận đưa thư nhằm tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất. Ngay sau đó, một cuộc chiến đã nổ ra giữa Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ đổ lỗi cho Tổng giám đốc USPS Louis DeJoy, một người thân tín của ông Trump và là người đóng góp tài chính cho đảng Cộng hòa, đã ra các chính sách làm dịch vụ thư tín chậm lại trong vài tháng qua. 

Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cùng một nhóm nhà lập pháp khác của đảng Dân chủ thậm chí còn yêu cầu thanh tra bưu chính điều tra ông Louis DeJoy về những thay đổi chính sách kể từ khi ông làm Tổng Giám đốc từ tháng 6-2020, cũng như liệu ông có "đáp ứng tất cả những quy định về đạo đức hay không". Một điểm đáng chú ý nữa là trong khi USPS cảnh báo về khả năng bị chậm trễ thì các công ty chuyển phát nhanh khác của tư nhân lại có vẻ khá rụt rè và không nhiệt tình tham gia khi nhận được gợi ý từ nhiều quan chức Mỹ.

Được biết, việc bầu cử qua thư hay hình thức "phiếu vắng mặt" không phải là mới ở Mỹ. Hình thức bỏ bầu qua thư đã xuất hiện trong nội chiến Mỹ (1861-1865). Sau đó, một số bang đã bắt đầu mở rộng hình thức này để tạo điều kiện cho những người bỏ phiếu ở xa hay bị ốm. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, cũng có vài chục bang cho phép tất cả mọi đối tượng được đề nghị bỏ phiếu vắng mặt.
Khánh Chi
.
.
.