Kiếm tiền tỷ bằng lừa chạy chế độ chính sách

Thứ Hai, 05/10/2020, 08:03
Ngày 28-9 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Bùi Xuân Dư (SN 1953), trú tại xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện để điều tra về tội chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng nhu cầu làm chế độ chính sách, đối tượng này đã lừa hàng trăm người và chiếm đoạt số tiền 3,5 tỉ đồng.


Nguồn cơn từ lá đơn tố cáo

Sự việc được bắt nguồn từ lá đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn T, trú tại phường Phả Lại, TP Chí Linh, gửi đến Phòng CSHS Công an tỉnh Hải Dương. Trong đơn ông T trình bày rằng mình đại diện cho 22 nạn nhân nữa bị ông Lê Thái Loạn, SN 1951, trú tại xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương, lừa đảo, chiếm đoạt 600 triệu đồng để chạy chế độ chính sách người có công... Sau 2 năm nhận tiền, ông Loạn đã không lo được chế độ chính sách cho bất kỳ người nào trong số họ nhưng cũng không trả lại tiền cho các nạn nhân.

Cơ quan cảnh sát điều tra đọc lệnh bắt Bùi Xuân Dư.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Nguyễn Văn T, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng tiến hành xác minh vụ việc. Ngay sau đó, ông Lê Thái Loạn được triệu tập đến Cơ quan điều tra để làm rõ nội dung lá đơn tố cáo của ông T. Trước những tài liệu thu thập được ông Loạn đã phải thừa nhận nội dung viết trong lá đơn tố cáo là đúng sự thật. Từ lời khai của ông Loạn, Cơ quan CSĐT Công an đã triệu tập đối tượng Bùi Xuân Dư để điều tra về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, vào năm 2013, trong những lần đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và Bệnh viện quân y 7, Bùi Xuân Dư chứng kiến thấy nhiều người đã từng tham gia quân ngũ đang có nhu cầu làm chế độ, chính sách nhưng làm thủ tục khó khăn. Từ đó, đối tượng này đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu.

Thủ đoạn của Dư là chủ động đến làm quen, bắt chuyện với những người đang đi làm chế độ chính sách. Sau đó đối tượng tự giới thiệu mình có mối quan hệ thân thiết với người ở Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) nên việc nhờ vả làm các chế độ, chính sách rất dễ dàng. Nghe Dư “chém” vậy nhiều người đã không chút nghi ngờ mà ngay lập tức nhờ ông ta bắt mối để việc của mình được thuận lợi. Về phần Dư, biết chắc là mình khó có thể làm việc đó nhưng đã nhận lời tất cả những lời nhờ cậy kia. Sau đó đối tượng này cũng tìm cách móc nối với người có khả năng để nhờ vả còn mình chỉ cần nhận phần trăm hoa hồng.

Thông qua các mối quan hệ xã hội, Dư biết ông Lê Thái Loạn là cựu chiến binh (trước năm 1997, ông Loạn được hưởng chế độ Bệnh binh 3/4, từ năm 1997 đến nay ông Loạn bị cắt chế độ). Ban đầu gặp nhau, Dư cũng giới thiệu với ông Loạn mình có quan hệ mật thiết với người làm ở Cục Chính sách Bộ Quốc phòng nên có thể dễ dàng làm lại các thủ tục để ông Loạn tiếp tục được hưởng chế độ. Khi ông Loạn đã tin lời mình, Dư tiếp tục gợi ý ông Loạn là nếu biết ai đang có nhu cầu thì cứ gom hết hồ sơ ông ta làm cho. Dư “chém gió” mình có thể làm tất các loại chế độ như: Chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh, chất độc màu da cam, chế độ mất sức, chế độ thân nhân đối với liệt sĩ và chế độ nâng hạng thương binh.

Đốt hồ sơ để xoá dấu vết

Khi móc nối với ông Loạn, Bùi Xuân Dư đã đưa ra các mức tiền như sau: Hưởng chế độ chất độc da cam; trợ cấp mất sức là 25 triệu đồng/người; nâng hạng thương binh, trợ cấp thân nhân liệt sĩ, chế độ thương, bệnh binh là 30 triệu/người; trợ cấp với người có công là 12 triệu/người, thời gian làm thủ tục từ 6 tháng đến 18 tháng là được hưởng chế độ, nếu không sẽ hoàn trả tiền và hồ sơ.

Một điều khoản khác trong thoả thuận đối với những người có nhu cầu làm chế độ, chính sách là mỗi trường hợp thành công sẽ phải đóng thêm số tiền 5 triệu đồng cho Dư để ông ta hỗ trợ cho những người trong “đường dây”. Sau đó, Dư hướng dẫn ông Loạn cách thức để làm hồ sơ và thu tiền của những người có nhu cầu.

Dư rất tỉnh táo và xảo quyệt khi dặn ông Loạn mỗi khi nhận tiền của nạn nhân thì chỉ ghi nội dung là vay nợ chứ nhất định không được ghi với lý do chạy thủ tục làm chế độ, chính sách. Việc này sẽ khiến Dư và ông Loạn giảm thiểu rủi ro nếu chẳng may đến ngày hẹn mà chưa làm xong thủ tục thì vẫn có thể tiếp tục khất nợ và đồng thời tránh kiện cáo.

Vì là người có vai trò gom hồ sơ nên gặp ai đang có nhu cầu làm chế độ, chính sách nên ông Loạn cũng giới thiệu mình có mối quen biết với người làm ở Bộ Quốc phòng và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương nên có thể làm chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng. Việc làm này dường như đã tạo niềm tin tuyệt đối đối với những nạn nhân đang mong mỏi được giải quyết chế độ, chính sách.

 
Mặc dù biết mình không có khả năng chạy chế độ chính sách nhưng Dư vẫn cố tình lừa đảo hàng trăm người..

Khi các “con mồi” cắn câu, ông Loạn sẽ thu của mỗi người từ 10-30 triệu đồng. Mỗi lần nhận tiền của người bị hại xong, ông Loạn dẫn những người này đến Bệnh viện quân y 7 hoặc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khám sức khỏe về điện não đồ. Khi khám xong, ông Loạn bảo mọi người về nhà đợi chế độ.

Thông thường mỗi lần nhận tiền cùng hồ sơ của các cựu chiến binh xong, ông Loạn chuyển ngay cho Dư. Địa điểm giao nhận tại xã Tân Phong (cùng huyện Ninh Giang). Đến nay những người nộp tiền, hồ sơ cho ông Loạn và Dư chưa ai được hưởng chế độ chính sách như hứa hẹn. Hầu hết những người này đều đòi lại số tiền mà mình đã đưa nhưng tới thời điểm này mới chỉ 18 người may mắn được nhận lại toàn bộ số tiền mà mình đã đưa cho Dư, với tổng số tiền là 306 triệu đồng. Ngoài ra còn 7 người khác được trả lại 82/118 triệu đồng mà họ đã đưa cho Dư. 98 nạn nhân này đã bị Dư và ông Loạn lừa trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2017.

Ngoài số hồ sơ và tiền nhận từ ông Loạn thì bản thân Bùi Xuân Dư cũng nhận tiền và hồ sơ của nhiều người khác. Tổng số tiền mà Dư lừa đảo chiếm đoạt được là 3,5 tỷ đồng. Theo lời khai của đối tượng này tại Cơ quan Cảnh sát điều tra thì tất cả hồ sơ của những người chạy chế độ, chính sách đều được Dư đem về nhà mẹ đẻ là bà Khương Thị Oanh cất. Được biết ngôi nhà này chỉ có Dư và bà Oanh sinh sống. Đến năm 2018, khi đã nhận tiền, hồ sơ của nhiều nạn nhân nhưng chưa tìm được người có thể làm chế độ, chính sách, do đó nhiều nạn nhân đã tìm Dư đòi tiền. Biết chuyện, đối tượng bỏ nhà đi theo đoàn xiếc của 1 người cùng xóm. Đồng thời, toàn bộ số hồ sơ này đã bị Dư đốt hết.

Cũng theo lời khai của Dư, toàn bộ số tiền đối tượng nhận của những người làm chế độ chính sách được Dư sử dụng chi tiêu cá nhân và chăn nuôi lợn gà tại nhà chị Th. (người sống như vợ chồng với Dư, trú tại xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện). Tuy nhiên do tình hình dịch tả lợn châu Phi khiến việc chăn nuôi của Dư lâm vào cảnh thua lỗ. Số tiền lừa đảo được cũng “bay hơi” theo đàn lợn chết. Đến nay, Dư không còn khả năng chi trả, khắc phục số tiền đã nhận của nhiều nạn nhân.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng cho biết: “Từ trước tới nay, đối tượng Bùi Xuân Dư chưa từng gây ra điều tiếng xấu gì ở địa phương. Mặc dù là thương binh loại 1 nhưng ông Dư lại rất hay di chuyển. Đối tượng này ít khi có mặt ở nhà mà thường đi đâu đó khi tới vài tháng mới trở về”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hơn một năm trước, Dư có làm đơn ly hôn vợ nhưng không được vợ chấp thuận. Tuy vậy, người này vẫn dọn đến ở và sống như vợ chồng với nhân tình.

Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Song Anh
.
.
.