Kiên trì đấu tranh với nạn nhập lậu thuốc tây, thực phẩm chức năng

Thứ Năm, 28/07/2016, 15:15
Trong thời gian vừa qua, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc Tây, thực phẩm chức năng không rõ nhãn mác hoặc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ được bán tràn lan trên thị trường. Các loại thuốc nhập lậu này không những gây hại cho người bệnh, mà còn làm nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến những nhà sản xuất và xuất nhập khẩu tân dược trong nước.


Cuối năm 2015, khi các lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá các đường dây mua bán, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tân dược nhập lậu kém chất lượng do các đối tượng Phạm Huyền Trang - Giám đốc Công ty Huyền Trang, sinh năm 1969 tại phường Cầu Kho, quận 1 với các nhãn hiệu Body Whitening Sasakai, Whitening Hikato.

Cùng thời điểm đó là sản phẩm thực phẩm chức năng được nấu bằng các loại bột được mua ở chợ Kim Biên, quận 6, TP. Hồ Chí Minh do đối tượng Đỗ Thị Thân - Giám đốc Công ty Phú Thịnh đạo diễn cũng bị ngăn chặn, tình hình nhập lậu các loại tân dược và thực phẩm chức năng đã tạm lắng xuống.

Tuy nhiên do trào lưu "nghiện" thực phẩm chức năng của số đông chị em phụ nữ cùng sự xuống cấp trong đạo đức kinh doanh của một số người mà gần đây tình trạng nhậu lậu các loại tân dược và thực phẩm chức năng lại bùng phát như những cơn sóng ngầm thách thức các cơ quan chức năng.

Trung tá Trần Thanh Hiển - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) - Bộ Công an cho biết: Trước thực trạng các loại  tân dược và thực phẩm chức năng lậu liên tục được tuồn ra thị trường, lãnh đạo Cục đã chỉ đạo cho cán bộ chiến sỹ Phòng 6 vào cuộc và chỉ trong vòng một tháng từ đầu tháng 7-2016 đến nay đã khám phá hai vụ nhập lậu tân dược.

Các trinh sát Cục C74 phối hợp với quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh lập biên bản thu giữ một lô hàng tân dược lậu.

Cụ thể vào lúc 5h ngày 4-7-2016, các trinh sát Phòng 6, Cục C74 phối hợp với Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra 13 kiện hàng được vận chuyển theo đường ký gửi hành lý trên chuyến bay JL79 từ Nhật Bản về Việt Nam của 3 đối tượng Vũ Thị Hương Huyền, SN 1965; Vũ Thị Ngọc Diệp SN 1967 và Vũ Thị Ngọc Thảo, SN 1979, ngụ quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trong 13 kiện hàng có giấu 300 hộp thuốc dạng bột (sau khi kiểm nghiệm xác định là thực phẩm chức năng) nhãn hiệu Dr.Select Placeta 300.000 loại 9mg/gói mà không được chủ hàng khê khai trong tờ khai hải quan.

Bị phát hiện hành vi buôn lậu tân dược với số lượng lớn, nhưng do đã từng nhiều lần thực hiện chuyện này nên ba chị em Huyền, Diệp, Thảo chỉ mất một thoáng bối rối rồi thản nhiên cho rằng 3 chị em đi du lịch chứ không quen biết ai bên Nhật để thực hiện việc buôn lậu và do có mấy kiện hàng được đóng gói giống với những gói có chứa thực phẩm chức năng mà lực lượng Công an vừa phát hiện nên đã lấy nhầm của người khác, đồng thời cả ba định mang những gói hàng này ném trở lại băng chuyền.

Trước tình huống này, các trinh sát Cục C74 và Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất buộc phải tiến hành tra cứu trên hệ thống, lật lại toàn bộ quá trình từ lúc ba chị em Huyền, Diệp, Thảo làm thủ tục lên máy bay tại Nhật Bản cho đến lúc những người này tiếp cận hàng hóa trên băng chuyền tại sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời kiểm tra so sánh tất cả các dữ liệu trên thẻ ký gửi và vé của 3 đối tượng này để chứng minh số hàng hóa trên chính là của họ.

Trước tình hình trên Huyền, Thảo, Diệp lại quay sang đổ thừa rằng đã nhận vận chuyển giúp cho một người bạn mới quen và được người này trả công một số tiền nhất định nếu mang số hàng này về giao tận nơi theo yêu cầu. Đến đây thì các trinh sát buộc phải đưa ra bằng chứng về việc đã nắm chắc được những hành vi của ba đối tượng này từ trước đó cùng hành trình di chuyển và địa điểm nhận hàng trước khi chuyển lên máy bay mang về nước thì Huyền, Diệp, Thảo mới chịu ký nhận vào biên bản phạm pháp quả tang.

Theo lời khai của các đối tượng Huyền, Diệp, Thảo, thời gian gần đây rất nhiều chị em phụ nữ, nhất là những người đã có gia đình rất ưa chuộng sử dụng các loại thực phẩm chức năng nhằm làm cho mịn da, trẻ lâu… và đặc biệt các loại thực phẩm chức năng có xuất xứ từ các nước Mỹ, Nhật được ưa chuộng nhất.

Nắm bắt được thị hiếu này, hơn nữa lại có thời gian dài làm nghề mua bán  tân dược nên cả 3 chị em bàn nhau sang Nhật Bản mua thực phẩm chức năng giá rẻ mang về quảng cáo bán với giá cao. Để đối phó với cơ quan chức năng, Huyền đề nghị trong mỗi chuyến đi sẽ mua một lượng thuốc tây nhất định làm vỏ bọc bên ngoài rồi giấu những gói thực phẩm chức năng vào giữa và khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất thì chỉ kê khai số thuốc tân dược trong tờ khai hải quan để làm thủ tục nộp thuế thông thường, còn thực phẩm chức năng là loại bị đánh thuế cao hơn sẽ không khai báo.

Với hình thức này, ba chị em Huyền, Diệp, Thảo đã nhiều lần vượt qua được các công đoạn kiểm tra của cơ quan chức năng, tuồn một lượng không nhỏ thực phẩm chức năng vào bán ở trong nước. Cũng theo lời khai của Hiền, mỗi lần đi như vậy, 3 chị em sẽ mua từ 400-500 triệu tiền hàng và nếu mang về trót lọt sẽ bán được từ 800-900 triệu đồng và nếu trừ chi phí thì mỗi người kiếm được trên 100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi.

Tiếp tục tấn công tội phạm buôn lậu, vào lúc 11h ngày 18-7-2016, các trinh sát Phòng 6 - Cục C74 phối hợp với Đội 4A - Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tiến hành kiểm tra một xe taxi tại địa chỉ 71/12, đường số 5, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân khi chiếc xe này đang chuẩn bị chở một lô hàng  tân dược đi giao cho một số cửa hàng thuốc tại TP. Hồ Chí Minh.

Các loại thuốc kích dục giả bị trinh sát Đội 7, Phòng PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh thu giữ hồi tháng 12-2015.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định toàn bộ lô hàng trên gồm trên 4.000 hộp với trên 243.000 đơn vị sản phẩm tân dược các loại, trong đó chủ yếu là loại thuốc hiệu Diamicron 30mg (loại thuốc trị bệnh tiểu đường) và Plavix75MG14TABS trị nhồi máu cơ tim đều mang nhãn mác nước ngoài, nhưng chủ lô hàng là bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đã không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, không được đóng dấu của Cục Quản lý dược và không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt Nam.

Ngược thời gian, vào tháng 12-2015, Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt một lô hàng tân dược được khai là thuốc hỗ trợ khả năng "đàn ông". Tuy nhiên sau khi kiểm nghiệm đã cho kết quả hoàn toàn là loại thuốc kích dục mà thành phần của nó có chứa loại chất cấm sử dụng trong bào chế tân dược. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, sau đó chủ lô hàng này khai nhận là đã nhập lậu các loại thuốc kích dục từ một số thương lái bên Trung Quốc, nhưng nhái các nhãn hiệu Longtime, Stud 200, Maxman của Tây Ban Nha mang vào trong nước bán kiếm lời.

Dược sỹ Lê Ngọc Châu, hiện là tư vấn cho một công ty dược có cửa hàng ở chợ thuốc Tây trên đường 3-2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Từ đầu năm 2016 đến nay, cứ mỗi khi ra chợ thuốc là bà phải tiếp không ít những người đến mời chào mua thuốc Tây trôi nổi mà không có nhãn mác và xuất xứ với giá thấp hơn các loại thuốc cùng loại từ 40-50%.

Là người lâu năm hoạt động trong nghề, vấn đề đạo đức kinh doanh phải đặt lên hàng đầu nên bà thường từ chối cách làm ăn theo kiểu chụp giật đó. Cũng theo bà Châu, những loại  tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ thì không thể xác định được hàm lượng chính xác, hơn nữa với giá thấp hơn tân dược cùng loại được sản xuất bởi các hãng uy tín trên thế giới là điều bất hợp lý và chỉ có chất lượng sẽ không được đảm bảo hoặc là thuốc giả thì mới có giá bán như vậy.

Nếu dính vào việc mua bán các loại tân dược trôi nổi này, sẽ có ngày bị các lực lượng chức năng sờ gáy và chuyện phải đóng cửa công ty là điều chắc chắn. Đối với người bệnh khi sử dụng các loại thuốc kém chất lượng này cũng rất nguy hiểm bởi nếu sử dụng thuốc kém chất lượng thì bệnh tình sẽ khó thuyên giảm và nếu có chữa trị khỏi bệnh thì cũng phải tốn kém hơn rất nhiều so với sử dụng thuốc chính hãng.

Trường hợp mua phải loại thuốc giả để sử dụng thì bệnh tình của người bệnh không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn và có thể gây nguy hại đến tính mạng của chính người bệnh đó. Chính vì vậy mà mỗi người khi có bệnh nên tìm đến các bác sỹ chuyên khoa để khám và sử dụng thuốc theo toa của các bác sỹ này, hoặc đến những nhà thuốc có uy tín để được tư vấn, tránh tự mình đi mua các loại thuốc trôi nổi mà tự gây nguy hại cho mình.

Đối với thực phẩm chức năng, người mua cũng cần phải nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ, công dụng, nếu là hàng nhậu khẩu thì cần phải có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt để tiện tìm hiểu. Nếu không chú ý đến các yêu cầu trên mà mua phải thực phẩm chức năng kém chất lượng hoặc hàng giả thì khi sử dụng không những không thể cải tạo sức khỏe mà có khi còn tác dụng theo chiều hướng xấu.

Đức Cương
.
.
.