Kiên trì đấu tranh với tội phạm ngoại giả danh

Thứ Hai, 25/04/2016, 10:00
Thời gian gần đây, tình trạng một số đối tượng người Đài Loan cấu kết với các phần tử xấu ở trong nước giả danh cán bộ điều tra trong lực lượng Công an Việt Nam tìm cách giăng bẫy, hù dọa người dân để lừa đảo với số tiền lớn.


Không thể để cho người dân tiếp tục bị lừa, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP. Hồ Chí Minh đã vào cuộc và chỉ trong thời gian từ trước Tết Nguyên đán trở lại đây đã triệt phá được hàng chục vụ, truy bắt nhiều đối tượng lừa đảo người Đài Loan và người Việt để xử lý theo pháp luật.

1. Sáng ngày 17-4-2016, các trinh sát Đội 8, PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh đã đồng loạt xuất kích thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở đối với 11 đối tượng trong đường dây lừa đảo do Liu En Hsiang, 26 tuổi, quốc tịch Đài Loan cầm đầu.

Ngoài ra còn các đối tượng là tay chân của Liu bao gồm Peng Kang Yu, 24 tuổi; Lu Shih Wei, 24 tuổi; Hsieh Chia Chun, 38 tuổi; Huang I Jen, 30 tuổi cùng có quốc tịch Đài Loan; Giáp Thúy Diễm, 35 tuổi; Giáp Thành Đạt, 31 tuổi; Đoàn Quốc Hiếu, 26 tuổi; Nguyễn Thanh Bình, 22 tuổi cùng ngụ tỉnh Đồng Nai và Châu Vĩnh Huy, 22 tuổi; Nguyễn Huy Hoàng 21 tuổi ngụ quận 5, TP. Hồ Chí Minh.

Các đối tượng người Đài Loan trong vụ giả danh Công an lừa đảo bị bắt ngày 17-4-2016.

Theo lời khai của Liu, sau một lần phạm tội tại Đài Loan, hắn được một đại ca dang tay cứu vớt và đưa đi nước ngoài lẩn trốn. Trước thịnh tình ấy, Liu tỏ ra rất cảm kích và tình nguyện về đầu quân cho đại ca này sau khi hiệu lực truy cứu của Cảnh sát Đài Loan kết thúc.

Thời gian này, Liu được đại ca hướng dẫn sử dụng điện thoại VOIP trên mạng internet và các phần mềm hỗ trợ để thực hiện các vụ lừa đảo. Đến năm 2015, khi đại ca yêu cầu qua Việt Nam tìm cách kết nối với một số đối tượng cò trình độ về công nghệ thông tin để thâu nạp vào đường dây, Liu đã xung phong đi đầu. Khi sang Việt Nam theo đường du lịch, Liu dắt theo Giáp Thúy Diễm, một người Việt lấy chồng Đài Loan và có nhiều năm sinh sống ở TP. Đài Bắc.

Thông qua Diễm, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đặt chân đến TP. Hồ Chí Minh, Liu đã thu nạp được các tay chân là Đạt, Hiếu, Bình, Huy, Hoàng và một đối tượng tên Tuấn tham gia hoạt động dưới trướng của mình. Có được đường dây, Liu thuê dài hạn hai phòng của một khách sạn ở quận 5 để lắp đặt các loại máy móc, thiết bị có kết nối với máy chủ của đại ca bên Đài Loan và tiến hành huấn luyện cho các thuộc hạ học cách sử dụng. Đến khi tất cả các công đoạn đã hoàn chỉnh, Liu sử dụng điện thoại VOIP gọi đến bất kỳ số điện thoại bàn nào đó để thăm dò rồi tung chiêu hù dọa.

Nếu chủ máy điện thoại nào cứng cựa, hắn giả bộ nói thân nhân trong gia đình của chủ điện thoại đó bị vướng vào vòng pháp luật khi thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa, hiện đang bị Hải quan Đài Loan bắt giữ và hứa sẽ chạy án giúp nếu chịu chi một số tiền lớn. Trong trường hợp chủ máy điện thoại tỏ ra lo sợ, chúng giả danh là Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh nói rằng số máy điện thoại của gia đình đã nhiều lần liên lạc ra nước ngoài với một số đối tượng phạm tội hoặc gia đình đang mua bán hàng hóa do một tổ chức tội phạm ở nước ngoài đang bị Công an Việt Nam theo dõi.

Các loại thẻ ngân hàng mà đối tượng dùng để rút tiền lừa đảo.

Để chứng minh việc có phạm tội hay không, đề nghị gia đình chuyển ngay một lượng tiền vào tài khoản của Công an (thực chất là tài khoản mà chúng nhờ người Việt sử dụng CMND giả mở tại các ngân hàng) để kiểm tra, nếu trong sạch sẽ chuyển trả ngay trong vòng 3 ngày, nếu số tiền đó có liên quan đến việc phạm tội thì chúng sẽ tìm cách chạy cho nhưng phải chi một số tiền lớn.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản, chúng lập tức cho chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác rồi rút ra, chuyển vào tài khoản của đại ca bên Đài Loan và chia phần trăm cho các tay chân tại Việt Nam. Với các chiêu trò này, từ đầu năm 2015 đến nay, Liu và đồng bọn đã thực hiện trót lọt hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 5 tỷ đồng.

Một vụ lừa đảo tương tự diễn ra vào cuối năm 2015 đã gây cho không ít người dân bị lừa với số tiền lớn. Hôm ấy là buổi sáng ngày 17-11 bà Trần Thị Nên, ngụ quận 3, TP. Hồ Chí Minh nhận được một cuộc điện thoại do một người người phụ nữ gọi đến từ số 004439424244 thông báo bà nợ 8 triệu đồng tiền cước điện thoại. Khi bà Nên trả lời từ trước đến nay không hề nợ cước điện thoại thì đầu dây bên kia khẳng định thông tin cá nhân của bà đang bị người khác lợi dụng để đăng ký mở tài khoản và nợ tiền.

Ngay sau đó người phụ nữ này chuyển máy cho một người đàn ông tự xưng tên là Minh, hiện là Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội. Sau màn giới thiệu, tên này nói bà Nên có liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo và yêu cầu bà phải cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản ngân hàng.

Những đối tượng bị bắt tại quận 3, TP. Hồ Chí Minh trong một vụ lừa đảo liên quan đến người nước ngoài.

Sau khi kiểm tra nhanh, biết bà Nên có khoảng hơn 1 tỷ đồng đang gửi tại một số ngân hàng khác nhau, tên Minh đã yêu cầu bà rút toàn bộ số tiền trên nộp vào tài khoản số 251002720928 đứng tên Dương Thị Hướng tại ngân hàng Vietcombank để tiến hành kiểm tra xem đây có phải là số tiền do phạm tội mà có hay không và hứa sẽ chuyển lại ngay trong ngày nếu đó là tiền sạch.

Ngoài ra, bọn chúng còn yêu cầu bà Nên phải thực hiện việc chuyển tiền ngay trong ngày thì mới hy vọng có hướng giải quyết thuận lợi cho bà và yêu cầu bà trên đường đi chuyển tiền phải liên lạc với bọn chúng qua số điện thoại di động nhằm tránh bị kẻ xấu theo dõi.

Tin lời kẻ lừa đảo, bà Nên giấu gia đình, đến ngân hàng Vietcombank, chi nhánh 13-13Bis, đường Kỳ Đồng, phường 9, quận 3 rút toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm gửi vào tài khoản mà tên Minh yêu cầu trước đó. Trở về nhà nằm ngẫm nghĩ thấy tự nhiên đi chuyển tiền cho một kẻ mà mình chưa biết mặt, hơn nữa ngay sau khi bà chuyển tiền thì người kia tắt luôn điện thoại nên có thể mình đã bị đối tượng kia lừa.

Suy đi tính lại, bà Nên quyết định đến cơ quan Công an trình báo sự việc và đến ngày 22-11, kẻ cầm đầu tên Dương Thị Nguyệt, ngụ tỉnh Bạc Liêu cùng các đối tượng người Đài Loan tên Liu Wei Chun và một đối tượng khác tên A Cường đã bị tóm gọn.

2. Trung tá Nguyễn Thành Nhân - Đội trưởng Đội 8, PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và tài khoản ngân hàng gây thiệt hại cho nhân dân số tiền rất lớn. Cầm đầu các đường dây này hầu hết là các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia.

Các tổ chức tội phạm này thường sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao để thực hiện các cuộc gọi qua internet, giả mạo số thuê bao của Công an Hà Nội, Công an tỉnh Tây Ninh, Công ty Viễn thông Việt Nam… bằng hình thức ngẫu nhiên thực hiện cuộc gọi vào các thuê bao cố định giả danh nhân viên thông báo nợ cước với số tiền lớn. Khi chủ thuê bao phản ứng, các đối tượng này lập tức đề nghị bấm vào các phím số 0 hoặc số 9 để được giải đáp.

Thực tế các số này được bọn chúng kết nối sẵn với thiết bị viễn thông mà chúng cài đặt từ trước nên khi chủ thuê bao bấm số 0 hoặc số 9, đầu dây bên kia sẽ xưng danh… Thiếu tá này… Trung tá kia hiện đang điều tra vụ án rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy hoặc buôn lậu và chủ nhân của số điện thoại có liên quan đến các vụ án.

Khi chủ nhân các số điện thoại tỏ ra dao động, lo lắng, chúng liền dò hỏi về các thông tin cá nhân, đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng để khi gia chủ tiết lộ, chúng liền hù dọa tiền đó do phạm tội mà có rồi yêu cầu chuyển vào tài khoản của chúng với lý do kiểm tra xem có liên quan đến các vụ án hay không. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, bọn chúng cho chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau bằng internet Banking rồi rút ra ngay trong ngày bằng thẻ ATM.

Cũng theo Trung tá Nguyễn Thành Nhân, mặc dù thủ đoạn không có gì mới nhưng do sự nôn nóng và thiếu cảnh giác của một số người dân nên đến nay bọn tội phạm đã thực hiện trót lọt rất nhiều vụ lừa đảo. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã triệt phá hàng trăm vụ, bắt trên 100 đối tượng (trong đó có nhiều đối tượng là người Đài Loan - Trung Quốc), phong tỏa trên 400 tài khoản ngân hàng, thu hồi cho người dân trên 10 tỷ đồng.

Đức Cương
.
.
.