Kiện tướng Nguyễn Quyền: Một thời vinh quang, một đời cay đắng

Thứ Năm, 06/06/2013, 15:29

Ông là cán bộ của ngành Công an nhưng lại nổi tiếng ở ngạch thể thao, đã từng là kiện tướng quốc gia các môn chạy việt dã, Marathon, và là VĐV vô đối trong nước từ năm 1976 đến năm 1980. Cũng trong thời gian này, ông là đại diện của thể thao Việt Nam tham dự nhiều đấu trường danh giá trên thế giới, trong đó có thế vận hội Olympic Moscow 1980.

Trở về sau vinh quang, ông đối mặt với cơm áo gạo tiền, cuộc sống mưu sinh dấm dẳng. Ít ai biết rằng, niềm tự hào một thuở của thể thao nước nhà và của ngành Công an, nay đang phải vật vã mưu sinh với cơm áo gạo tiền, chống chọi với đủ loại bệnh tật của tuổi già và mơ hoài một giấc mơ về ngôi nhà mới.

Đúng vào ngày nghỉ lễ 30-4 vừa qua, trên đường từ thị trấn huyện Đức Thọ về ngã ba Đồng Lộc, tôi tình cờ gặp lại ông, một Nguyễn Quyền gầy gò, xanh xao đang lom khom phụ giúp con trai dọn hàng chuẩn bị mở quán ở nhà riêng, thuộc thôn Đông Vĩnh, xã Song Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ông trước khi về nghỉ hưu theo chế độ, vốn là đồng đội cũ của một số vị tiền nhân trong cơ quan tôi đang công tác, nên cũng đã có đôi ba lần gặp nhau.

Ngót mấy năm không gặp, chẳng ngờ giờ lại chạm mặt ông trong hoàn cảnh trớ trêu như thế này. Một kiện tướng Nguyễn Quyền vô đối trên đường đua một thời, nay đang phải vật vã mưu sinh, chống chọi với đủ loại bệnh tật của tuổi già khi ở vào cái tuổi xấp xỉ 60 của đời người.

Vinh quang của một chiến sĩ cảnh vệ… trên đường đua

Nguyễn Quyền là học viên K17 của Học viện Cảnh sát nhân dân, đóng ở Suối Hai, thuộc Ba Vì (Hà Tây cũ). Năm 1974, khi đang học dở năm thứ 2, do yêu cầu công tác, anh được chuyển về công tác tại Cục Cảnh vệ, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ và cũng tại đây, tài năng của Nguyễn Quyền trong các môn thể dục thể thao được phát hiện. Từ đấy, cuộc đời của anh lính cảnh vệ Nguyễn Quyền đã gắn chặt với những cuộc thi thố tài năng trong và ngoài ngành, cả toàn quốc cũng như đấu trường quốc tế.

Ông cho biết, tài năng là bẩm sinh, thuở hàn vi 5 tuổi đã theo cha mẹ lên rẫy xuống ruộng mưu sinh, bản năng sinh tồn đã dạy cho cách biết chạy, biết bơi làm sao cho nhanh nhất. Lâu ngày thành quen. Từ khi vào ngành Công an, chính ông cũng không ngờ bản năng ấy đã được sử dụng và trở thành thế mạnh, vin vào sự nghiệp của ông từ khi được khoác trên mình chiếc áo của ngành Công an.

Cuộc thi đầu tiên mà Nguyễn Quyền tham dự là vào năm 1975, khi ấy ông là đại diện duy nhất của Cục Cảnh vệ đi thi toàn ngành khu vực miền Bắc. Trên đường đua 10km quanh vườn Bách Thảo cũ, ông đã nhanh chóng bỏ xa trên 60 VĐV khác để cán đích đầu tiên. Một năm sau đó, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối nên cả hai miền Nam Bắc đã tổ chức chung giải việt dã toàn quốc, tổ chức tại Nha Trang.

Nguyễn Quyền là một trong những VĐV đại diện cho thể thao Công an nhân dân dự giải. Năm đó, ông cũng ẵm luôn giải quán quân. Bắt đầu từ đấy cho đến năm 1981, Nguyễn Quyền tham gia mọi giải việt dã trong nước và gần như giải nào cũng đạt quán quân, đặc biệt là giải việt dã của Báo Tiền phong tổ chức hằng năm. Đã có thời điểm, mọi người suy tôn ông là VĐV vô đối trên các đường đua, và trong khoản thời gian ở đỉnh cao sự nghiệp ấy, Nguyễn Quyền được bầu chọn là một trong 10 VĐV xuất sắc nhất trong toàn quốc.

Năm 1979, Nguyễn Quyền được cử sang Liên Xô tập huấn để chuẩn bị tham dự đấu trường Olympic thế giới. Tại thế vận hội Olympic Moscow năm 1980, ông cùng với VĐV Trần Thị Soa là hai đại diện của Việt Nam tham dự bộ môn Marathon tại thế vận hội. Dù đã rất nỗ lực, song Nguyễn Quyền cũng chỉ xếp thứ 50 trong tổng số 76 VĐV tham dự.

Kiện tướng  Nguyễn Quyền (trái).

Trở về từ sau cuộc thi này, ông tham gia thêm một vài cuộc thi khác trong nước. Bộ sưu tập huân, huy chương của ông cũng thật đáng nể, khi có tới 24 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Ðồng.

Quên lãng, đói nghèo và bệnh tật

Năm 1982, phần vì thấy sức khỏe giảm sút, phần vì hoàn cảnh gia đình nên ông đã xin được chuyển công tác về quê để đỡ đần gia đình. Lúc này, Nghệ An và Hà Tĩnh đang chung tỉnh nên Nguyễn Quyền được chuyển công tác về Phòng Chính trị thuộc Sở Công an Nghệ Tĩnh, làm tổ trưởng phụ trách thể dục thể thao.

Gần 10 năm công tác tại đây, kiện tướng Nguyễn Quyền đã có nhiều đóng góp trong phong trào khơi dậy tinh thần thể thao thượng võ trong Công an nhân dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đến năm 1991, bệnh tật hành hạ vì những cố gắng trên đường đua thời kỳ đỉnh cao, ông xin về nghỉ hưu theo chế độ bệnh binh, mất sức. Cũng từ đấy, “Ðại úy Công an Nguyễn Quyền” với những thành tích vô đối trên đường đua đã dần chìm vào quên lãng trong sự vô tâm của người đời.

Nguyễn Quyền là con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Thực, hi sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), khi ông mới 4 tuổi. Sau này, mẹ ông tái giá, ông có thêm 6 người em cùng mẹ khác cha. Năm 1972, Nguyễn Quyền lập gia đình với nữ thanh niên xung phong Trần Thị Lộc. Hai vợ chồng có được 4 người con. Cuộc sống của anh lính cảnh vệ với những bước chạy miệt mài trên đường piste vốn đã khó khăn nay lại càng túng bấn hơn. Lương ba cọc ba đồng, nuôi bản thân chưa nổi, huống hồ còn một người vợ không nghề nghiệp và mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi chơi.

Cựu kiện tướng lừng danh một thời nhớ lại, ngày đó vinh quang luôn bủa vây, đỉnh cao sự nghiệp cứ vin vào ông hết năm này đến năm khác, nhưng giải thưởng thì chẳng có gì ngoài biểu tượng của chiếc Cúp vô địch có khi là bình hoa bằng nhôm, khi thì vỏ đạn cối có khắc tên của cuộc thi mình tham gia. Tuy vậy, lúc bấy giờ, vật chất là điều gì đó xa xỉ, tinh thần “fair play” mới là yếu tố tiên quyết nên có nhiều hôm phải nhịn đói, nhưng đã ra đường đua là phải gắng chạy ở mức tốt nhất có thể.

Trong nghiệp Marathon của mình, đã không ít lần Nguyễn Quyền tiểu tiện ra máu vì cố gắng quá sức. Và sự lao lực ấy đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho đến ngày hôm nay, ấy là hai quả thận của ông đã bị sỏi, trong đó thận trái bị ứ nước độ 2. Cách đây 2 năm, chịu không thấu nên ông phải vay mượn tiền bạc để đi mổ. Hiện, thận trái còn 1 viên sỏi có đường kính 16mm. Ngoài ra, ông còn phải chung sống với căn bệnh tá tràng và gan nhiễm mỡ. Đôi chân của ông cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ những lao lực của thời trai trẻ, giờ đây mỗi khi trái gió trở trời, khớp gối lại đau nhức ghê gớm. Vậy nên, không ngoa khi nói rằng, Nguyễn Quyền giờ đây như cái ống đo nhiệt biểu, thời tiết thay đổi là cơ thể ông lại run bần bật như lò xo, đau đớn vô cùng.

Nói về chuyện con cái, kiện tướng một thuở buồn rầu, vợ chồng ông có 4 đứa con, nhưng bố mẹ quá nghèo nên chẳng cho con cái được ăn học đến đầu đến cuối. Con gái đầu Nguyễn Thị Huyền (SN 1985) tha phương vào Lâm Đồng lập nghiệp, rồi lấy chồng và định cư luôn trong ấy. Hai anh em Nguyễn Mạnh Dũng (SN 1977) và Nguyễn Thị Trang (SN 1985) quanh quẩn ở quê, cùng chung tay mở quán cháo lòng để mưu sinh. Niềm an ủi lớn nhất trong cuộc đời của Nguyễn Quyền có lẽ là ở đứa con thứ ba, cháu Nguyễn Văn Dũng (SN 1982), hiện đang công tác tại Trại giam Xuân Hà (Tổng cục VIII, Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Nguyễn Quyền xa xăm, chuyện đời ông, thôi thì không buồn nhắc lại nữa. Mấy chục năm qua, ông đã quen với sự quên lãng của mọi người, quen với những khốn khổ và cả lo lắng tủn mủn, tầm thường về vật chất mỗi ngày. Thế nhưng, mỗi khi đến ngày lễ truyền thống của ngành, hay đơn giản chỉ là quá khứ bất chợt ùa về, ông lại thấy chạnh lòng. Những lúc như vậy, Nguyễn Quyền lại len lén lấy chiếc bình hoa là Kỷ niệm chương cho phần thưởng giải nhất chạy việt dã giải Báo Tiền phong tổ chức năm 1978 ra lau chùi cho đỡ nhớ. Kỷ vật này cùng với tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký tặng là tất cả những gì còn giữ lại được. Còn bao nhiêu huy chương trên đường đua, ông đã mang cho con chơi, một số khác ông tặng cho mọi người, đến nay thất lưu hết.

Chỉ cho tôi căn nhà cấp 4 đã xuống cấp nghiêm trọng, kiện tướng Nguyễn Quyền cho biết, ngôi nhà được làm từ năm 1984. Đến nay, đã mục nát, xuống cấp, ngày nắng nằm bên trong có thể nhìn thấy mây bay ngoài trời. Ngày mưa bà nhà đưa đủ thứ vật dụng để hứng dột. Ông ước có ít tiền để sửa sang lại, sống những ngày cuối đời trong yên bình mà sao ước mơ ấy cứ mãi chơi trò bắt bóng với ông.

“Bệnh tật, đói nghèo thì bản thân có thể chịu đựng được. Chứ cảnh nhà dột, ngẫm mà thấy tủi phận ghê gớm. Cả chục năm nay, tính chuyện chắt bóp để sửa nhà mà góp hoài không đủ. Lương hưu của hai ông bà, gộp lại mỗi tháng chưa đầy vài triệu bạc, nên muốn làm cái chi cũng thật khó”, ông Quyền thở dài trong bất lực.

Nhìn hai ông bà lặng lẽ trong căn nhà rách, bất lực với ước mơ giản dị mà đi gần hết đời người vẫn chưa thực hiện được, người viết bài này cũng không nén được tiếng thở dài. Đại úy Nguyễn Quyền, người đã một thời là niềm tự hào của ngành Công an nói riêng và của bộ môn điền kinh, đã mang về không ít vinh quang cho thể thao nước nhà nay đang sống trong bệnh tật, nghèo khổ và gần như bị quên lãng.

Trên đường về lại thành phố, hình ảnh vị kiện tướng năm nào đang lom khom bưng bê đồ ăn thức uống cho khách nhậu tại quán ăn của hai đứa con cứ ám ảnh người viết. Đành rằng, cuộc sống của mỗi người là do mình tự quyết định, nhưng một người như Nguyễn Quyền, sau bao đóng góp thầm lặng, nay đang phải tự mình vật vã với mưu sinh, bệnh tật như vậy, liệu có công bằng?

Thiên Thảo
.
.
.