Kiệt sức vì một mùa xét tuyển

Thứ Năm, 27/08/2015, 07:12
Chiều muộn, nắng nóng vẫn hầm hập. H ghé nhà tôi vì như lời H nói, đang đi trên đường thấy chóng mặt, người tự nhiên ớn lạnh, vã mồ hôi, may mà phóng xe kịp tới nhà tôi.
H. là bạn thân với vợ tôi từ ngày phổ thông, thỉnh thoảng vẫn rủ nhà tôi ăn uống hay picnic cuối tuần. H. thuộc loại dễ ăn dễ ngủ, ruột để ngoài da nên thân hình đẫy đà, nói cười xởi lởi. Vậy mà mới 3 tuần không gặp, cả nhà tôi đã trố mắt khi H. lảo đảo bước vào nhà.

H. gầy hẳn, mặt tái nhợt, mắt thâm quầng. Sau khi trấn tĩnh, H. nói chua chát: Chẳng cần giảm ăn, đi bộ, uống dấm, dưỡng sinh, thanh lọc mà em ngót liền 4 cân thịt đấy anh ạ. Bình thường mà giảm được như thế thì mừng hú, giờ nhẹ được mấy cân mà em vẫn cứ sống dở chết dở. Thi với chả cử, sao ngày trước mình thiếu thốn mà học hành nghiêm túc, thi cử nhẹ tênh anh nhỉ. Còn bây giờ, thi cử cứ như là đánh bạc, chơi chứng khoán. Khó chịu nhất là lúc nào cũng cảm thấy bồn chồn, bất an.

Thì ra thế. Cậu con trai duy nhất của H. năm nay vừa làm... chuột bạch cho một kỳ thi quốc gia. Lấy nhau mấy năm vợ chồng H mới sinh được thằng cu nên quý nó hơn vàng. Càng đến ngày thi, vợ chồng H. càng lo lắng hơn. Không lo sao được khi đó là tương lai của nó.

Minh họa: Tả Từ.

Rồi đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học. Tất nhiên, cả nó và bố mẹ đều mong muốn nó sẽ được vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân nên rất hồn nhiên nộp hồ sơ ngay từ ngày đầu tiên. Lần thông báo danh sách xét tuyển đầu tiên, cả nhà vui vì thấy nó trong vùng an toàn. Lần thông báo thứ 2 niềm vui giảm bớt khi nó bị đẩy xuống 50 bậc. Đến lần thứ 3 thì nó nằm trong diện chấp chới và đến lần thứ 4 thì bị hất văng khỏi nhóm an toàn.

Cả nhà sốc nặng. Suốt ngày hôm đó, vợ chồng H. và con trai buồn như đưa đám. Tội nhất là thằng con. Nó như bị trầm cảm, cả ngày chẳng thiết nói năng, ăn uống gì. Sau khi trấn tĩnh, "hội đồng" gia đình quyết định đến trường rút hồ sơ rồi chờ đến ngày cuối cùng đợt xét tuyển nguyện vọng 1 mới nộp cho chắc ăn. H. bảo cô quá mệt mỏi, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Tinh thần như thế thì rộc đi vài cân là phải.

H chỉ là một trong hàng triệu người có cùng nỗi lo khi bị cuốn vào vòng xoáy của việc "nộp - rút, rút - nộp hồ sơ" suốt những ngày qua. Đỉnh điểm là vào tối trước 2 ngày khóa sổ nhận hồ sơ xét tuyển, khi nhiều trường công bố điểm chuẩn trúng tuyển tạm thời, nhiều gia đình có con, em bị trượt đã suy sụp hoàn toàn. Vậy là còn sức còn rút - nộp hồ sơ, khi thời gian chỉ còn tính bằng giờ, khi niềm hy vọng còn le lói và khi canh bạc sắp đến hồi kết thúc. Không ít người chấp nhận buông xuôi cho số phận.

Mệt mỏi, thấm đòn, kiệt sức, hoang mang, bấn loạn, tháo chạy… đó là những từ được nhắc đến nhiều trong những ngày vừa qua. Một vị trưởng phòng đào tạo của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội thở dài: Quá nhiều bất ổn từ một kỳ thi quốc gia. Và tất nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy mà chúng ta không thể lường trước được.

Cùng với mệt mỏi là sự tốn kém, lãng phí. Với các thí sinh tỉnh xa, họ phải về thành phố vạ vật trong nhiều ngày. Sự tốn kém đó sẽ trở nên nhỏ bé khi họ nhìn thấy đích cuối con đường. Song, tất cả đều mù mịt, rối như canh hẹ và cay đắng khi biết những ước mơ của mình sớm tan thành mây khói. Vâng. Trong cuộc chơi này, phần thua luôn thuộc về các thí sinh.

Cả cán bộ, sinh viên tình nguyện các trường đại học cũng vậy. Họ phải vắt sức mình làm từ sáng sớm đến tối mịt và càng đến ngày cuối, áp lực công việc càng lớn. Chắc chắn những chi phí và sức lực bỏ ra trong những ngày này là con số không thể tính nổi.

Đổi mới, cải cách giáo dục là vô cùng cần thiết trong cuộc sống hôm nay. Vẫn biết mỗi lần đổi mới, cải cách, bên cạnh những ưu điểm sẽ bộc lộ những hạn chế nhất định. Song, nếu chúng ta không vội vàng mà dành thời gian nghiên cứu, khảo sát để có cái nhìn sâu hơn, lường trước những tình huống xấu rồi vạch ra những giải pháp kịp thời có phải tốt hơn không?

Và đôi khi cái mới còn quá nhiều bất ổn thì tốt nhất hãy giữ nguyên những ưu việt của cái cũ. Đó cũng là một vấn đề mang tính triết lý và nhân văn.

Tuấn Nguyễn
.
.
.