Chuyện ghi được ở Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an tại TP HCM:

Mở hướng phá án từ những dấu vết tại hiện trường (Kỳ 1)

Thứ Hai, 14/11/2016, 10:11
Họ là những bác sỹ pháp y, những giám định viên kỹ thuật hình sự truyền thống, kỹ thuật pháp lý, hóa pháp lý, giám định tài liệu... với đức tính cần cù, nhẫn nại, sáng tạo, luôn một lòng yêu nghề.


Họ âm thầm lặng lẽ làm việc trong sự bủa vây của các loại hóa chất độc hại, vật liệu cháy nổ, ma túy, tiếp xúc với xác chết đã bị phân hủy nặng… nhưng luôn khép kín về thông tin nghề nghiệp với những người xung quanh, thậm chí là cả con cái vì chưa nhận được cái nhìn đúng mực về nghề nghiệp.

Đó là tất cả những cảm nhận của tôi trong lần gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ chiến sỹ Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi đến Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam - Bộ Công an vào buổi chiều một ngày đầu tháng 11-2016. Những cơn mưa lớn cuối mùa ở vùng Nam bộ cứ ầm ầm trút xuống quyện với cuồng phong của áp thấp nhiệt đới làm cho thời tiết se lạnh.

Giám định ADN đối với những nạn nhân trong vụ tai nạn cháy xe ô-tô ở Bình Thuận.

Nhưng bên trong khu nhà H5, H6, H7 (trụ sở làm việc của đơn vị) vẫn hầm hập hơi nóng bởi mấy chục cán bộ chiến sỹ là những bác sỹ pháp y, những giám định viên đang miệt mài với hàng núi công việc.

Gạt vội dòng mồ hôi đang tuôn chảy trên gương mặt sạm nám do ảnh hưởng của nhiều năm tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Tiến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an - Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam kéo chúng tôi vào căn phòng làm việc rộng chừng chục mét vuông kể cho nghe những chuyện vui buồn trong cuộc đời làm nghề, nhưng căn dặn: "Chỉ nói về anh em cán bộ chiến sỹ trực tiếp làm việc và đăng ảnh tập thể chứ không nói gì về cá nhân mình nhé".

Theo lời kể của Đại tá, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Tiến, Phân viện Kỹ thuật hình sự được thành lập ngày 11-11-1986 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) với các thành viên nòng cốt là những cán bộ kỹ thuật hình sự chi viện cho chiến trường miền Nam trước và sau giải phóng.

Đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp khoa học hình sự giúp Công an các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào mở hướng đấu tranh trấn áp tội phạm các loại trong các vụ án thuộc loại khó khăn nhất.

Ngoài Phòng Tham mưu, 5 phòng còn lại đều phải trực tiếp tham gia các vụ việc từ khám nghiệm hiện trường để thu thập chứng cứ mở hướng điều tra vụ án cho đến giám định chữ ký, chữ viết, vân tay, súng đạn, dụng cụ mà bọn trộm cắp sử dụng để đục két sắt, giám định con dấu giả, các chứng chỉ hồ sơ nhà đất giả, bằng cấp giả các loại giúp cho cơ quan điều tra xác định được hình thức phạm tội của bọn tội phạm.

Phòng Giám định hóa kỹ thuật pháp lý chuyên thực hiện công việc giám định để định danh các loại ma túy cho cơ quan điều tra có thể thực hiện việc bắt và khởi tố đối tượng mua bán trái phép.

Bộ phận có nhiệm vụ nặng nề nhất là công tác giám định pháp y làm nhiệm vụ giải phẫu tử thi để tiến hành giám định, tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết để cơ quan điều tra có hướng điều tra các vụ án...

Với việc phải thường xuyên tiếp cận với xác chết đã bị phân hủy, lại đòi hỏi phải giỏi nghề và tinh thần nhẫn nại, sức chịu đựng cao nên không có nhiều bác sỹ trụ được với nghề.

Đã từng có một số bác sỹ trẻ được điều động về đây, mặc dù ở trường y khoa họ đã được đào tạo rất bài bản và được thường xuyên tiếp cận với các thi thể ngâm formol, nhưng khi tiếp cận với thi thể đã bị phân hủy, họ bị căng cứng và sau đó mất khả năng làm việc và đành phải chuyển sang làm các công việc khác.

Hàng ngày, cán bộ chiến sỹ phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại như formol, xylen, axit HCL, cồn có nồng độ cao, nên hầu hết anh em đều đã nhiều lần trải qua các bệnh viêm mũi dài ngày, viêm họng mãn, viêm kết mạc, ù tai, hoa mắt... đặc biệt có thể mắc bệnh ung thư vòm họng và các loại bệnh hiểm nghèo khác nếu làm việc lâu dài trong môi trường có nhiều hóa chất (khuyến cáo của ngành Y tế).

Mỗi khi làm việc, anh em không thể sử dụng mặt nạ chống độc hoặc quần áo bảo hộ đặc biệt được vì nó gây cản trở cho quá trình thực hiện công việc mà chỉ có thể sử dụng các loại đồ bảo hộ thông thường và các loại khẩu trang có than hoạt tính.

Tuy nhiên xác định đây là nhiệm vụ cao cả mà Đảng và ngành Công an giao phó, tập thể cán bộ chiến sỹ trong đơn vị đã vượi qua khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt công việc.

Có nhiều thời điểm trong năm, lượng mẫu trưng cầu giám định hàm lượng ma túy từ Công an các tỉnh gửi về tăng đột biến thì anh em còn phải làm thông nhiều ngày đêm liền để Công an các địa phương nhanh chóng lập hồ sơ đưa các vụ án ra xét xử trước pháp luật.

Tuy làm việc trong môi trường độc hại nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cho đến nay Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định là trung tâm khoa học đầu ngành của Bộ Công an ở phía Nam trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Sau khi nghe anh Tiến nói sơ qua về công việc của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, chúng tôi trực tiếp đến phòng làm việc của bộ phận Hóa kỹ thuật pháp lý.

Mặc dù đã được trang bị quần áo, mặt nạ, khẩu trang chống độc nhưng khi vừa bước vào phòng chưa đầy một phút tôi đã bị tức ngực, khó thở bởi luồng hóa chất cứ xộc thẳng vào người.

Độc hại như vậy nhưng những con người bằng da bằng thịt ở đây vẫn hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt, hít thở thứ không khí nhiễm đặc hóa chất để tiến hành các phân tích hóa học từ những mẫu vật thu thập được tại hiện trường, nhằm xác định nguyên nhân của các vụ án.

Cảm phục trước sức chịu đựng phi thường của các anh, tôi quyết định tiếp cận một vài bác sỹ để hỏi chuyện, nhưng ai cũng lắc đầu rồi nói cùng một câu: "Mình ngại lắm". Năn nỉ mãi, tôi mới được một đồng chí Thượng úy - Kỹ thuật viên tên Trí (do yêu cầu riêng nên anh đề nghị không nêu họ và tên đệm) bật mí cho một ít chuyện đời, chuyện nghề.

Theo lời kể của anh Trí, năm 2006 sau khi tốt nghiệp đại học ngành công nghệ sinh học, anh được nhận vào làm việc ở một công ty khá nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh với lương khá cao.

Giám định tỷ lệ thương tật nạn nhân trong một vụ án.

Tuy nhiên, với mơ ước được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nên cuối năm 2010, khi Phân viện Khoa học hình sự tuyển dụng, nhận thấy đúng ngành nghề, anh liền nộp đơn và trúng tuyển vào làm công tác giám định pháp y. Vừa về đơn vị chưa được bao lâu thì vào đầu năm 2011 anh được điều động đi khám nghiệm hiện trường vụ một người bị đốt xác tại tỉnh Bình Phước.

Lần đầu tiên làm công việc này nên lúc đầu Trí cũng thấy run và phải mất gần 15 phút lấy lại bình tĩnh, anh mới bắt tay vào công việc được. Sau nhiều giờ phơi mình dưới cái nắng lên đến gần 40 độ C, quần thảo với đám xương người đã được đốt cháy thành tro mà anh em trong tổ công tác vẫn chưa tìm ra được dấu hiệu nghi vấn của vụ việc.

Đang trong lúc khó khăn nhất thì Trí tìm được một miếng mô nhỏ xíu chỉ hơn đầu tăm một chút nhưng chưa bị cháy hết. Bằng tri thức học được trong những năm đại học cùng linh cảm nghề nghiệp, Trí mang mẫu mô ấy về giám định và đã cho ra kết quả chính xác về tên tuổi của người chết giúp cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước nhanh chóng xác định được nguyên nhân dẫn đến tử vong của nạn nhân và truy nguyên thủ phạm gây án.

Một vụ việc khác không những khiến cán bộ chiến sỹ Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam phải tốn nhiều mồ hôi công sức mà còn làm cho các anh đau quặn từng khúc ruột.

Chiều ngày 23-5-2016, trực ban của đơn vị nhận điện thoại từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thông báo có một vụ tai nạn xảy ra giữa 3 xe ô-tô tại Km 1731+500m khiến cho hai chiếc xe ô-tô khách ngập chìm trong ngọn lửa, nhiều người bị đốt cháy nhiều phần trên cơ thể, đồng thời đề nghị Phân viện cử cán bộ, bác sỹ ra hỗ trợ công tác giám định gen để làm rõ tên tuổi, quê quán của từng người.

Ngay sau khi nhận tin báo, lãnh đạo Phân viện đã cử một tổ công tác (trong đó có Thượng úy Trí) đến ngay hiện trường nhanh chóng bắt tay vào việc.Nhưng vừa đến nơi, Trí đã cảm thấy hết sức lo lắng bởi những tử thi đều đã bị cháy và biến dạng hoàn toàn.

Việc xác định danh tính các nạn nhân đã khó, nhưng khó khăn hơn cả là làm sao phải tìm ra những phần tro cốt của riêng từng nạn nhân trong sự mong mỏi của hơn chục thân nhân những người xấu số.

Không thể phụ lòng mong đợi của bà con, sau khi thu thập các mẫu vật tại hiện trường, ngay trong đêm, cán bộ chiến sỹ Phân viện Khoa học Hình sự phía Nam - Bộ Công an đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện ngay công tác giám định và đến đầu giờ sáng hôm sau đã xác định chính xác kiểu gen của 12 nạn nhân có quan hệ huyết thống với 12 người được mời đến và trao cho họ chính xác hài cốt của người thân mang về quê hương an táng.

Nút thắt của các vụ việc đã được tháo gỡ giúp cho cơ quan điều tra Công an các tỉnh thành phía Nam xác định được hướng điều tra vụ việc, nhưng các cán bộ chiến sỹ Phân viện Khoa học Hình sự tại TP Hồ Chí Minh không cho phép mình được nghỉ, họ tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ để giúp cơ quan điều tra mở hướng điều tra, truy bắt tội phạm trong những vụ án khác.

(Còn nữa)

Đức Cương
.
.
.