Tập Cận Bình - những điều chưa biết:

Kỳ 2: Chức vụ mới, thử thách mới

Thứ Hai, 25/05/2015, 13:35
Những cố gắng không biết mệt mỏi của Tập Cận Bình cuối cùng cũng được đền đáp. Tại ĐH XIV Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) năm 1992, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương.

Năm 1999, ông được bước lên bậc thang mới, trở thành Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Phó Chủ tịch tỉnh và Phó Chính ủy quân khu Nam Kinh; một năm sau ông trở thành Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến. Chỉ chưa đầy 15 năm công tác, Tập Cận Bình đã gặt hái được nhiều thành công như vậy.

Tập Cận Bình làm việc tại thành phố duyên hải đẹp và giàu có Hạ Môn được 3 năm. Trong thời gian đó, ông đã tích lũy được không ít kinh nghiệm về nền kinh tế thị trường, về mối quan hệ với Hoa Kiều, xử lý các vấn đề liên quan tới Đài Loan. Năm 1987, Tập Cận Bình kết hôn lần thứ hai với ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Viện (Hiện Bành Lệ Viện là ca sĩ, Thiếu tướng đoàn Văn công Quân giải phóng nhân dân TQ). Tuần trăng mật của hai người chỉ kéo dài có 4 ngày; cô ca sĩ họ Bành quá bận rộn với công việc, khi thì tham gia hội diễn ở Bắc Kinh, khi thì đi lưu diễn tại Canada, Mỹ…

Có lẽ chính vì vậy mà ông thường thích đi dã ngoại. Cô đơn đã giúp ông lao động hăng say hơn và ông đi tới những làng vùng núi Ninh Hạ, gặp gỡ dân chúng, nghiên cứu tình hình. Thật là ngạc nhiên, trong một tỉnh lâu đời như Phúc Kiến lại có một huyện thuộc loại nghèo nhất đất nước. Ở một vài thôn thậm chí không có đường nhựa và ông Bí thư Ninh Đức phải đi qua những con đường bùn lầy để tới được với dân làng. Nhờ quyết tâm của Tập Cận Bình, hàng nghìn ngôi nhà mới đã được xây dựng dành cho những nông dân, ngư dân nghèo.

Tập Cận Bình bắt đầu xây dựng một hệ thống các mối quan hệ giữa bộ máy đảng với người dân với khẩu hiệu “đi xuống cơ sở”. Ông yêu cầu cán bộ phải trực tiếp tiếp dân, nhận đơn thư khiếu nại của dân và trả lời những thắc mắc của dân. Ông kiên quyết đấu tranh chống lại tệ lẩn tránh trách nhiệm. Trong vòng 5 năm lãnh đạo Ninh Đức, Tập Cận Bình đã tống giam hơn 400 cán bộ tham nhũng, gây tiếng vang lớn trong cả nước.

Năm 1990, Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Phúc Châu, trung tâm hành chính tỉnh Phúc Kiến, trung tâm công nghiệp lớn về hóa chất, sản xuất bột giấy, thực phẩm, dệt may. Ngay từ năm 1984, Phúc Châu đã nhận được qui chế “thành phố mở’ rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Phúc Châu có dân số 7 triệu người, gấp đôi Hạ Môn. Có thể nói Tập Cận Bình đã có đất dụng võ. 

Năm 1992, theo sáng kiến của ông, đề án “Phúc Châu 3-8-20” đã được thông qua với mục tiêu chiến lược phát triển thành phố trong vòng 3, 8, 20 năm và mục tiêu trên đã đạt được đúng kỳ hạn. Đã có nhiều dự án lớn được thực hiện với sự tham gia của các nhà sản xuất hàng đầu TQ trong lĩnh vực ôtô, điện tử, nhôm, tạo cho thành phố có một hạ tầng cơ sở công nghiệp mới, hiện đại. 

Theo quyết định của Thành ủy, 12 doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ được phép thu hút vốn tư bản nước ngoài. Tập Cận Bình dành tất cả thời gian cho cuộc chiến chống tệ quan liêu trong các cơ quan Đảng và chính quyền, soạn thảo những văn bản qui chuẩn nhằm giảm bớt các thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp TQ, Đài Loan và nước ngoài hoạt động trên địa bàn thành phố. 

Dấu ấn Phúc Kiến

Tỉnh Phúc Kiến có 37 triệu dân, diện tích 121 nghìn km2 và 136 nghìn km mặt nước, truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, láng giềng với “con hổ châu Á” Đài Loan. Phúc Kiến còn được ca ngợi là một trong tám trung tâm ẩm thực tuyệt vời nhất TQ, có các đồi chè chất lượng cao nhất là giống chè Ô long, nhiều đền, chùa và công viên… 

Với tất cả những gì Phúc Kiến có, tỉnh không thua kém bất kỳ một quốc gia lớn nào ở châu Âu, châu Á hoặc nơi khác. Nhưng sau 12 năm thực hiện công cuộc “cải cách và mở cửa”, Phúc Kiến tồn tại không ít vấn đề. Ngay sau khi trở thành lãnh đạo tỉnh, Tập Cận Bình cho thành lập “Nhóm chỉ đạo nâng cao hiệu quả các cơ quan chính quyền”. “Nhóm chỉ đạo” thực chất là bộ tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh thanh toán tệ quan liêu và có thẩm quyền giải quyết các việc cụ thể. Chỉ chưa đầy một năm, 40% những thủ tục gây phiền hà của các cơ quan chính quyền đã được dỡ bỏ.

Hồi đó, lần đầu tiên xuất hiện ở TQ văn bản về thành lập “chính phủ mở”. Văn bản đề cập đến nguyên tắc công khai tại tất cả các cơ quan chính quyền các cấp, hệ thống khen thưởng và kỷ luật những cán bộ vi phạm qui định mới, thành lập trung tâm an toàn thực phẩm, thực hiện gắn nhãn mác “thực phẩm an toàn”. Tận dụng cương vị của mình, Tập Cận Bình đã đẩy nhanh chương trình số hóa Phúc Kiến, chương trình đã được ông kiến nghị từ 1999. 

Từ năm 2010, Phúc Kiến là tỉnh đầu tiên ở TQ áp dụng “một thẻ bảo hiểm y tế” cho tất cả các bệnh viện trong tỉnh. Một trong những thành tích quan trọng của Tập Cận Bình vẫn được người dân ca ngợi, đó là đã xây dựng Phúc Kiến trở thành “thiên đường sống”. Có lẽ đây là tỉnh duy nhất ở TQ có chất lượng nước sinh hoạt, không khí và môi trường được đánh giá “tuyệt vời”.

Cuộc sống của người lãnh đạo trẻ một tỉnh lớn như Phúc Kiến có biết bao nhiêu công việc bộn bề, nhưng ông vẫn không từ bỏ công việc nghiên cứu khoa học. Năm 1998, Tập Cận Bình làm nghiên cứu sinh khoa xã hội nhân văn, ĐH Thanh Hoa với đề tài “Học thuyết Mác xít và việc nghiên cứu chính trị-tư tưởng”. Năm 2002, Tập Cận Bình lấy bằng Tiến sĩ Luật.

Tháng 2/2000 , Tập Cận Bình cùng Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Phúc Kiến bị triệu về Bắc Kinh để báo cáo với Chủ tịch Giang Trạch Dân và Ủy ban Kiểm tra Trung ương vụ công ty “Quan Hoa” buôn lậu và sai phạm trong quá trình xây dựng tòa cao ốc 88 tầng ở thành phố Hạ Môn. Hàng trăm cán bộ các cấp của tỉnh đã dính líu và bị bắt giam. Lãnh đạo tỉnh tuy không bị lôi kéo vào vụ án này nhưng vẫn bị kiểm điểm trách nhiệm.

Dấu ấn Chiết Giang

Tháng 11/2002, tại Trung Quốc diễn ra sự kiện thay đổi toàn bộ thế hệ lãnh đạo Đảng. Trước đó, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra những qui định rất chặt chẽ; đại hội Đảng năm năm họp một lần; Tổng Bí thư chỉ được phép tái nhiệm một lần tức là tại nhiệm tổng cộng không quá 10 năm. Do vậy, Chủ tịch nước cũng bị hạn chế về thời gian như trên.

Sau 10 năm lãnh đạo, tại ĐH Đảng lần thứ XVI, Giang Trạch Dân đã phải chuyển giao chức vụ cao nhất về Đảng và nhà nước cho Hồ Cẩm Đào, thế hệ lãnh đạo thứ 4 của TQ (Ba thế hệ trước là Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân). Một thay đổi lớn lao trong tất cả hệ thống đảng và chính quyền TQ, nhưng những điều chỉnh nhân sự đã diễn ra từ trước Đại hội. 

Việc Tập Cận Bình được bầu Phó Bí thư Tỉnh ủy và Phó Chủ tịch tỉnh Chiết Giang một tháng trước Đại hội có nghĩa là ông ta đã được chọn vào hàng ngũ cán bộ nguồn của lãnh đạo đảng thế hệ thứ tư. Điều này đã được chứng thực tại ĐH XVI, Tập Cận Bình được bầu Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Kết thúc Đại hội và chỉ một thời gian ngắn sau, Tập Cận Bình trở thành người lãnh đạo cao nhất về Đảng và chính quyền tỉnh Chiết Giang.

Chiết Giang cũng là tỉnh duyên hải giàu có, nằm ngay phía Bắc Phúc Kiến. Tỉnh có dân số đông hơn Phúc Kiến (55 triệu) nhưng diện tích đất lại nhỏ hơn (10,55 triệu km20). Thu nhập bình quân đầu người của Chiết Giang cao thứ tư trong cả nước. Xưa kia, Chiết Giang nổi tiếng là quê hương của gạo, cá, lụa và chè ngon (nhất là chè Long tỉnh). Hiện nay, Chiết Giang sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp: dệt may, hóa chất, máy công cụ, vật liệu xây dựng, thực phẩm. 

Tỉnh có các cảng biển lớn tầm cỡ quốc gia như Ninh Ba, Chu Sơn, Ôn Châu. Với vẻ đẹp của mình, Chiết Giang thu hút nhiều triệu khách du lịch trong nước và quốc tế; Hàng Châu có lẽ là thành phố đẹp nhất TQ với hàng chục kỳ quan được lưu giữ từ nhiều thế kỷ trước, nằm rải rác dọc các con kênh đào; xưa kia gạo và muối được thương lái vận chuyển từ các nơi tới kênh đào lớn để đi tới Bắc Kinh. Ẩm thực đồ biển Chiết Giang nằm trong số 8 món ăn chính ở TQ, còn các cô gái Chiết Giang nổi tiếng là những người ăn mặc lộng lẫy.

Tập Cận Bình tới Chiết Giang khi đã là một lãnh đạo có kinh nghiệm. Ông đã trải qua giai đoạn công tác tại làng, xã, huyện, thành phố, tỉnh. Trong ông cũng đã xuất hiện một phong cách lãnh đạo mới. Ban đầu là nghiên cứu thực địa với các chuyến đi, gặp gỡ, chuyện trò. Tiếp đó là xây dựng một kế hoạch dài hạn. Kế hoạch 8 năm đầu – tám lợi thế.

Tận dụng những lợi thế truyền thống của tỉnh, phát triển mọi hình thức sở hữu trong đó công hữu giữ vai trò chủ đạo nhằm hoàn thiện nền kinh tế thị trường XHCN; trên cơ sở những lợi thế địa lý của Chiết Giang, tích cực hội nhập với Thượng Hải và các khu vực khác của đồng bằng Dương Tử, nâng cao tính công khai đối với thế giới bên ngoài; tận dụng những lợi thế của nền kinh tế địa phương thúc đẩy Chiết Giang trở thành trung tâm dẫn đầu về công nghiệp chế biến và công nghiệp hóa kiểu mới; tận dụng sự phát triển cân bằng các khu vực thành thị và nông thôn của tỉnh để gia tăng quá trình hội nhập thành thị và nông thôn; tận dụng lợi thế về môi trường xung quanh để xây dựng “Chiết Giang xanh”; trở thành đầu tầu kinh tế mới của cả tỉnh; tận dụng nguồn trí thức hiện có để phát triển tỉnh trên cơ sở khoa học và giáo dục, thu hút và ưu đãi nhân tài.

Có lẽ dự án vĩ đại nhất của nhà lãnh đạo mới của Chiết Giang là chiếc cầu dài 35,7km qua Vịnh Hàng Châu. Chiếc cầu đã rút ngắn đoạn đường từ Thượng Hải tới Ninh Ba từ 800km còn 80km và thời gian đi lại từ 4 tiếng còn 1 tiếng. Câu cầu, khởi công từ 2003 và hoàn thành vào năm 2008, không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân đạo. 

Tập Cận Bình đã mất nhiều công sức cho dự án này để có thể nhận được kinh phí từ Bắc Kinh, thu hẹp bất đồng với Thượng Hải, phản ứng tiêu cực từ phía cảng Ninh Ba. Chiếc cầu ngay lập tức được xếp vào hạng 10 cây cầu đẹp nhất thế giới, nhiều năm là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới. Từ vũ trụ có thể nhìn rõ cây cầu này.

Với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, năm 2003, ông bắt đầu thực hiện chương trình “một nghìn ngôi nhà mẫu, mười nghìn ngôi nhà định cư”. Năm 2007, bắt đầu xuất hiện dịch vụ công cộng thành phố, một phần ba làng xã có dịch vụ vệ sinh, hai phần ba làng xã có dịch vụ thu gom rác và xử lý rác. 

Năm 2005, tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số trong sạch môi trường. Ngoài ra, tỉnh cũng là một trong những khu vực an toàn nhất TQ và đứng thứ tư về tiềm năng phát triển. Thu nhập đầu người đã tiến sát mức 4000 USD/năm. Đối với Tập Cận Bình, kế hoạch năm năm của Chiết Giang là một thành công ngoạn mục. Tháng 3/2007, Tập Cận Bình bất ngờ được điều động tới Thượng Hải công tác.

Thử thách Thượng Hải

Việc Tập Cận Bình được điều động tới Thượng Hải, thành phố quan trọng thứ hai của TQ có liên quan đến những biến cố bất thường. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trần Lương Vũ bị khai trừ khỏi các chức vụ vào tháng 9/2006 và bị Ủy ban kiểm tra Trung ương điều tra. 

Trong quá trình chuẩn bị cho EXPO-2010 tại Thượng Hải, Trần quyết định xây dựng một số dự án khổng lồ như đường đua ôtô Công thức 1 trị giá 300 triệu USD, tổ hợp sân tennis tầm cỡ thế giới trị giá 209 triệu USD... Khu đất dự án rơi vào tay người em ruột của Trần và rồi người này bán lại cho chủ đầu tư với giá cao gấp mười lần. 

Nguyên nhân Trần bị kỷ luật còn liên quan tới tham nhũng quĩ hưu trí của thành phố. Còn có nguyên nhân sâu xa về chính trị. Trần là trợ thủ đắc lực của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và nằm trong “băng nhóm Thượng Hải”; ông ta dám tranh luận công khai với Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các ủy viên Bộ Chính trị khác, đòi các thành phố và tỉnh giàu có được quyền tự chủ về tài chính. Thậm chí, Trần còn công khai bày tỏ nghi ngờ chủ nghĩa Mác.

Quyết định chọn Tập Cận Bình thế chỗ Trần Lương Vũ không phải là ngẫu nhiên. Tập Cận Bình rất nổi tiếng trong cuộc chiến chống tham nhũng tại Phúc Kiến trước đây. Ông mạnh dạn tận dụng lợi thế của kinh tế thị trường nhưng không hề tư lợi, vun vén cho gia đình và bạn bè. Ngoài ra, ông cũng giữ khoảng cách với ban lãnh đạo đương nhiệm và nghỉ hưu ở Bắc Kinh. Có thể vì “những người bảo trợ” cho ông trước đây, nay đã không còn hoặc đã xa rời chính trị, nên ông hoàn toàn không bị ràng buộc.

Tới Thượng Hải, việc làm thường xuyên đầu tiên của ông là tìm hiểu tình hình, đi các nơi, gặp các tầng lớp dân chúng. Trong vòng 7 tháng Tập Cận Bình đã kịp đi thăm tất cả các khu vực của thành phố. Ông làm tất cả để “vụ xì-căng- đan Thượng Hải” không ảnh hưởng đến công việc chuẩn bị cho EXPO-2010. Ông không can thiệp vào công việc điều tra vụ án, vấn đề có thể dẫn đến những xung đột giữa các phe nhóm trong Bộ Chính trị trước thềm Đại hội Đảng.

Phẩm chất công tác của Tập Cận Bình đã được khẳng định qua các vị trí công tác tại Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Tại ĐH Đảng lần thứ XVII tháng 11/2007, ông không những được bầu vào Bộ Chính trị mà còn trở thành một trong 9 ủy viên thường trực BCT TQ. Ông cũng được bầu vào Ban bí thư và là Hiệu trưởng trường Đảng.

Thử thách Bắc Kinh

Vào tuổi 54, Tập Cận Bình đã trở thành Ủy viên thường trực BCT, có thể gọi là một kỳ tích. Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (52 tuổi) là những ứng cử viên sáng giá vào các chức Tổng bí thư và Thủ tướng cho nhiệm kỳ Đại hội Đảng tới. Sự thực mà nói thì Tập Cận Bình được qui hoạch sớm hơn Lý Khắc Cường. Quá trình xét duyệt nhân sự cho qui hoạch diễn ra khá chặt chẽ. Những người trong diện qui hoạch phải bổ sung những kiến thức và kinh nghiệm công tác còn thiếu.

Tập Cận Bình được đưa vào Ban Bí thư, cơ quan giải quyết các công việc hàng ngày kể cả công tác nhân sự của Đảng. Ông được phân công theo dõi công việc của Đặc khu hành chính Hong Kong và Ma Cao, việc chuẩn bị và tổ chức Olimpiques Bắc Kinh 2008, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền tư tưởng một số lễ lớn của năm 2009 như kỷ niệm 60 năm thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, 20 năm sự kiện Thiên An Môn.

Tháng 3/2008, Tập Cận Bình được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước TQ, 18/10/2010 Hội nghị Trung ương Đảng TQ bầu ông làm Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, mười ngày sau Thường vụ BCT bầu ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng nước TQ.

Thử thách ngoại giao

Theo các nguồn tin TQ thì trong thời kỳ công tác tại các địa phương, Tập Cận Bình đã đi thăm hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đón tiếp nhiều khách nước ngoài. Ông có nhiều cuộc tiếp xúc với người nước ngoài hồi còn công tác ở Phúc Kiến và Chiết Giang, trong quá trình chuẩn bị cho EXPO Thượng Hải và Olympiques Bắc Kinh. Nhưng trên cương vị mới, ông cần có nhiều chuyến đi nước ngoài và tiếp đón các nguyên thủ quốc gia tại Bắc Kinh để tích lũy thêm kinh nghiệm. 

Chuyến ra nước ngoài đầu tiên của ông là CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ, Saudi Arabia, Qatar và Yemen diễn ra vào tháng 6/2008. Tháng 8/2008 Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ G. Bush. Tháng 2/2009, ông đi thăm Mỹ La Tinh (Mehico, Jamaica, Columbia, Venezuela và Brazil (có ghé qua Malta). 

Tại Mehico, trong cuộc gặp kiều bào của mình, ông có bài phát biểu nổi tiếng bác bỏ những chỉ trích của phương Tây đối với TQ, ông nói: “Đóng góp lớn nhất của TQ cho loài người đó là ngăn chặn nạn đói của 1,4 tỷ người. Trong khi có những kẻ ngoại quốc no bụng lại không biết làm gì ngoài việc chỉ trích chúng ta. Thứ nhất, TQ không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, TQ không xuất khẩu nghèo đói. Thứ ba, TQ không đến nhà họ và làm họ đau đầu. Vậy thì họ cần gì ở chúng ta?”.

Tháng 10/2009, Tập Cận Bình có chuyến đi thăm một số nước châu Âu: Bỉ, Đức, Bulgaria, Hungaria và Rumania. Tháng 12/2009, ông tiếp tục đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia và Myanmar. Năm 2010, tại Moskva, ông gặp Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin; ông cũng có cuộc gặp với lãnh đạo Đảng “Nước Nga thống nhất” và tham gia khai mạc “Năm tiếng TQ ở Nga”. Trong năm 2010, Tập Cận Bình còn đi thăm Singapore, Nam Phi, Angola và Boswana.

Tháng 8/2011, Tập Cận Bình tiếp đón Phó TT Mỹ G. Biden và tháp tùng ông ta đi thăm nhiều thành phố của TQ. Tháng 2/2012, ông có chuyến thăm Mỹ, Ailen và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Washington, Tập Cận Bình được Tổng thống Obama tiếp tại Nhà Trắng. Phó Tổng thống Mỹ Biden tháp tùng ông đi thăm Californie và Iowa, nơi năm 1985 Tập Cận Bình đã “phát hiện ra nước Mỹ” và thăm lại ngôi nhà của một người bạn cũ.

Trong vòng 5 năm kể từ khi lên làm việc tại Trung ương, Tập Cận Bình đã đi khắp 5 châu, thăm hơn 40 nước và vùng lãnh thổ, gặp gỡ nhiều tầng lớp nhân dân của cac quốc gia. Các chuyến đi nước ngoài và các cuộc tiếp khách nước ngoài tại Bắc Kinh đã giúp cho Tập Cận Bình tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối ngoại.

Càng tới gần ĐH Đảng XVIII, tình hình nội bộ TQ càng phức tạp. Tại tất cả các cấp bắt đầu thảo luận về tình hình chính trị nội bộ, đối ngoại của đất nước trong bối cảnh không có lợi cho TQ. Tốc độ phát triển kinh tế giảm sút, môi trường ngày càng xấu đi, dân chúng bất bình trước tình trạng cách biệt giàu-nghèo, tệ nạn tham nhũng tràn lan… 

Trong khi đó, ở bên ngoài, Mỹ gia tăng chiến lược kiềm chế TQ, căng thẳng với Nhật ở biển Hoa Đông, với các nước Đông Nam Á ở biển Đông. Trung Quốc cần một người lãnh đạo đủ dũng khí và tỉnh táo để lèo lái con thuyền TQ trước dông bão. Tập Cận Bình là người có đủ phẩm chất để vào vị trí đó. 

Nhưng sau mười năm “cải cách và mở cửa” trong lãnh đạo TQ đã xuất hiện một số “nhóm lợi ích” tác động và chi phối các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, các tập đoàn doanh nghiệp, quân đội và các cơ quan an ninh. Không ít nhóm không muốn Tập Cận Bình ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước vì ông làm việc nguyên tắc, kiên định, biết rõ những thói hư tật xấu của nhiều lãnh đạo Bắc Kinh và địa phương và mối quan hệ của họ với các thế lực ngầm và tội phạm. 

Việc ĐH XVIII Đảng Cộng sản TQ chậm đưa ra quyết định lựa chọn Tập Cận Bình có liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai, ủy viên BCT, người được “nhóm lợi ích” âm mưu đưa vào vị trí Tổng Bí thư. Rồi có tin đồn về việc Tập Cận Bình vắng mặt đột ngột tại cuộc gặp hàng năm lãnh đạo Đảng tại Bắc Đới Hà có liên quan đến tình trạng sức khỏe của ông.

Nhưng cuối cùng đã đạt sự đồng thuận. Ngày 15/11/2012, tại phiên họp lần thứ nhất sau ĐH XVIII, Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản TQ và Bí thư Quân ủy Trung ương. Ngày 14/3/2012, Quốc hội TQ bầu ông làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng. Như vậy, Tập Cận Bình trở thành vị lãnh đạo thế hệ thứ năm của TQ, nắm trong tay mọi quyền lực cao nhất trong Đảng, chính quyền và quân đội.

Sau hai năm trên cương vị cao nhất của Đảng, nhà nước, Tập Cận Bình quyết tâm đẩy lùi tệ nạn tham nhũng trong đảng và chính quyền; chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” bước đầu đã lấy lại niềm tin của nhân dân. Nhưng phía trước của Tập Cận Bình là cả một chặng đường dài, là khát vọng thực hiện một “Giác mở Trung Hoa”.

Nguyễn Đình (Theo tạp chí Zavtra 5/2/2015)
.
.
.