Nỗi đau mang tên bom mìn giữa thời bình:

Cuộc chiến đầy máu và nước mắt của những cô gái tuổi đôi mươi - Kỳ 2

Thứ Tư, 26/09/2018, 15:26
Trong số những "chiến sĩ" thầm lặng với công việc rà phá bom mìn tại Quảng Trị có cả những cô gái trẻ mới chỉ ngoài đôi mươi. Dẫu biết công việc vất vả,  nhưng với họ mang lại bình yên quê hương là động lực để họ tiếp tục.


Khi chiến tranh kết thúc, tỉnh Quảng Trị nhanh chóng mở chiến dịch rà phá bom, mìn, huy động cả nghìn người tham gia. Chiến dịch làm sạch quê hương ấy đã chịu tổn thất bởi không ít người đã mất mạng khi làm nhiệm vụ. Thế nhưng, những người con ở miền đất nắng lửa này chưa khi nào vơi đi quyết tâm đem lại bình yên cho quê hương. 

Trong số những "chiến sĩ" thầm lặng ấy có cả những cô gái trẻ mới chỉ ngoài đôi mươi. Dẫu biết công việc vất vả, đầy nguy hiểm, nhưng với họ mang lại bình yên, làm sạch quê hương là động lực để họ tiếp tục công việc đầy cao cả này.

Thấy khó khăn mà từ chối thì ai sẽ là người làm?

Cùng với nỗ lực của người dân Quảng Trị, bắt đầu từ năm 1996, Chính phủ cho phép hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. 

Để có một Quảng trị hồi sinh từ cõi chết, với 84% diện tích dày đặc bom mìn sau chiến tranh, với những cánh đồng xanh bát ngát là bao nhiêu công sức, thậm chí cả xương máu của những người ngày đêm lặng lẽ với nhiệm vụ "làm sạch quê hương".

Cô gái trẻ chỉ ngoài đôi mươi cất giọng mạnh mẽ: "Bà con chú ý, chúng tôi chuẩn bị hủy nổ vật liệu cực kỳ nguy hiểm. Đề nghị bà con ở cách xa 200m, tìm nơi ẩn nấp an toàn…" , tất cả mọi người dừng xe quay đầu, ai nấy cùng tìm cho mình một chỗ ẩn nấp, căng thẳng chờ đợi. "1...2…3" , sau hiệu lệnh của người đội trưởng là tiếng nổ đinh tai nhức óc của quả đạn M79, khắp nơi nơi đất cát tung tóe, khói xám phủ kín một vùng trời. 

Sau tiếng nổ ấy, các cô gái lại thay nhau cầm loa tay chạy dọc đường làng thông báo với bà con đã hết nguy hiểm.

Để hồi sinh mảnh đất chết, nhiều người đã phải đánh đổi cả máu và nước mắt.

Nguyễn Thị Thủy - đội trưởng đội khảo sát bom chùm 17 thuộc Dự án NPA Renew lau vội mồ hôi, nở nụ cười hạnh phúc khi đội vừa phá thành công một quả đạn lớn. Chị bảo, chị hạnh phúc khi phá được bom mìn, đem lại bình yên cho nhân dân. 

Cách đây 5 năm, chị Thủy tham gia vào dự án mà không suy nghĩ quá nhiều. Khi ấy, Thủy là người con gái đầu tiên tham gia rà phá bom mìn nên chị đã vướng phải không ít sự phản đối kịch liệt từ gia đình và bạn bè. Ai cũng lo cho chị, lo cho thân con gái vốn yếu mềm lại làm công việc nặng nhọc và đầy nguy hiểm. 

Khi đã quyết định dấn thân, Thủy bỏ ngoài tai tất cả, chị chỉ tâm sự với người thân rằng: "Ai cũng nghĩ rằng công việc khó khăn mà từ chối thì ai sẽ là người làm. Thử thách chắc chắn sẽ có nhưng điều quan trọng là mình vượt qua nó thế nào". Và rồi, Thủy chính thức trở thành "nữ chiến sĩ" đầu tiên trong Dự án rà phá bom mìn NPA Renew.

Nổi tiếng "gan lì" nhưng lần đầu rà bom, Thủy không tránh được sự hoảng sợ. Đó là lần chị đào được một viên rocket có kích thước 2,75 inch. "Dù mình được đào tạo, tập huấn và có kiến thức cơ bản nhưng không khỏi giật mình. 

Sau bao nhiêu tháng ngày "là bạn" với bom đạn, đến nay mình đã quen hơn với công việc. Nhìn thấy bom không còn sợ hãi nữa, coi nó là công việc thường nhật mỗi ngày. Thậm chí còn vui sướng khi phát hiện một quả bom nằm trong lòng đất. Khi phát hiện bom tức là mình đã làm giảm đi nguy cơ tai nạn cho người nông dân khai hoang đất đai" - chị Thủy tâm sự. 

Xác định bước vào nghề là đối diện với nguy hiểm nhưng người phụ nữ kiên trung ấy luôn lấy sự an toàn của người dân làm động lực cho công việc. Vì thế, lần mang thai đứa con đầu, chị vẫn không nghỉ việc. Sau này được đồng đội động viên, mãi đến khi thai nhi bước sang tháng thứ 7 chị mới quyết định nghỉ để sinh con. 

Cứ làm, cứ lao động rồi đến một ngày Thủy nhận ra rằng niềm vui, niềm hạnh phúc không chỉ là cống hiến cho công cuộc đẩy lùi bom mìn cho bà con mà còn là tình cảm của những đồng đội dành cho nhau. 

Thủy luôn coi NPA Renew như gia đình thứ 2 của mình, nơi mà bạn bè, đồng đội luôn ở bên cạnh, động viên, chia sẻ và cả những kỷ niệm không thể nào quên. 

"Có lần mấy chị em đang mải mê rà mìn thì phát hiện một tổ ong, chúng lao vào vây đốt. Thế là mấy chị em bỏ hết cả đồ đạc, cắm đầu cắm cổ chạy. Chạy thoát bầy ong, mấy chị em ôm nhau cười sung sướng" - chị Thủy kể. 

Nhắc tới kỷ niệm, chị Thủy như không cầm được nước mắt… bởi trong những kỷ niệm vui ấy các chị đã chứng kiến kỷ niệm buồn. Vào năm 2015,  đó là lần anh Ngô Thiện Khiết, đội trưởng trong nhóm, khi khảo sát bom chùm tại thôn Cổ Lũy, đã hy sinh. 

"Thế mới thấy bom đạn là quá kinh khủng, dù ở thời bình hay chiến tranh thì chúng có thể giết người bất cứ lúc nào. Dù anh Khiết đã hy sinh nhưng tất cả anh em đều không chút sợ hãi, nó lại là động lực để mọi người chiến đấu. Phải cố gắng để đẩy lùi những hậu quả khủng khiếp mà chiến tranh để lại"- chị Thủy nghẹn ngào.

Chúng tôi có hỏi về những dự định trong tương lai, Thủy cười nhẹ nhàng nói: "Sẽ vẫn tiếp tục, tiếp tục công hiến sức trẻ để đẩy lùi những nguy cơ chiến tranh để lại. Và, đến khi nào hết mình mới dừng rà bom, phá mìn".

Dẫu gian nan, nguy hiểm nhưng những người phụ nữ này chưa khi nào đầu hàng.

Dành cả tuổi thanh xuân để rà phá bom mìn

Có chứng kiến công việc hàng này nơi đây mới thấy các cô gái mới chỉ ngoài đôi mươi gan dạ thế nào. Nếu như không có ý chí, sự can đảm và hết lòng vì lý tưởng chắc chắn họ không thể chiến thắng được bản thân mình. 

Trong số đó chúng tôi ấn tượng với Ngọc Anh, cô gái vừa mới bước qua tuổi 25 nhưng đã có 3 năm rà phá bom mìn. Là y sĩ đa khoa, chuyên hỗ trợ y tế và kiêm luôn trách nhiệm rải dây điện hỏa để đội trưởng kích nổ khi phát hiện vật nổ. 

Ngay từ khi còn nhỏ, chứng kiến bao cái chết đau thương, nữ y sĩ trẻ này đã thấy yêu nghề rà phá bom mìn. Rồi cô đã thần tượng những nhân viên rà phá bom mìn ở nơi mình sinh sống, ước mơ được làm công việc giống của họ. 

"Em sinh ra khi đất nước đã hòa bình nên không hiểu được sự nguy hiểm trực tiếp của bom mìn. Sinh ra ở vùng đất lửa miền Trung, hàng ngày chứng kiến những vụ việc đau lòng do bom mìn gây ra em thấy vô cùng đau lòng. Từ rất lâu rồi em đã mong muốn mình sẽ trở thành những người làm sạch quê hương, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân" - Ngọc Anh chia sẻ.

Rà phá bom mìn luôn là công việc nặng nhọc và nguy hiểm, đặc biệt là với phụ nữ.

Trái với dáng vẻ mảnh mai, rụt rè của Ngọc Anh, nguyễn Thị Thu Vân (25 tuổi) tỏ ra khá cứng cỏi. Nhiệm vụ của Vân là đi khắp các thôn, gặp gỡ người dân rồi ghi chép để thu thập thông tin, xác định vị trí của bom mìn và vật liệu nổ. Với cô gái trẻ, những lần đi, tiếp xúc với bà con, chứng kiến, nghe những đau thương, mất mát khiến cô càng quyết tâm, gắn bó hơn với công việc này. 

"Mỗi vùng em đến, mỗi câu chuyện đều khiến em không thể cầm được nước mắt. Có trường hợp cả gia đình gặp nạn, không ai sống sót. Hay có trường hợp cả mẹ lẫn con đều chết khi đi cuốc đất, cuốc phải bom, để lại mẹ già đau ốm. Chính vì thế mỗi lần rà được bom mìn, kích nổ an toàn khiến em vô cùng hạnh phúc. 

Mặc dù đa số người dân rất nhiệt tình chia sẻ thông tin nhưng không ít khu vực dân trí còn thấp, sợ bị lừa nên không chia sẻ bất cứ thứ gì. Những lần đó chúng em phải thể hiện hết khả năng thuyết phục, đưa ra những hình ảnh, thậm chí cả giấy tờ tùy thân người dân mới tin đấy" - Vân vui vẻ chia sẻ với chúng tôi.

Chị Thủy là thành viên nữ đầu tiên của dự án NPA Renew.

Với những nhân viên rà phá bom mìn, dường như họ không có thời gian nghỉ, bởi với họ khi người dân nghỉ ngơi là lúc phù hợp nhất cho công việc của mình. 

Giữa cái trưa nắng gay gắt của đất lửa Quảng Trị, thấp thoáng sau những bụi cây lưa thưa trên triền cát trải dài là những bóng người thấp thoáng, họ cặm cụi, tỉ mẩn bên chiếc máy rà kim loại. Chỉ khi những quả bom được tìm thấy và kích nổ mới phá tan đi không khí căng thẳng. 

Trong phút giải lao hiếm hoi, những cô gái trẻ luôn tỏ ra ngượng ngùng và khá kiệm lời. Nhắc đến những câu chuyện gia đình, cuộc sống thì câu chuyện giữa chúng tôi mới cởi mở hơn. Dù là phụ nữ trẻ nhất đội nhưng Nguyễn Thị Thu Trang (24 tuổi) luôn tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán. 

Mới sinh em bé chưa lâu nhưng người mẹ trẻ này luôn hoàn thành nhiệm vụ. Cô dậy từ 4h30 sáng, vỗ về con nhỏ rồi đi làm một mạch đến đêm mới trở về nhà. 

"Em dậy sớm ôm con cho cháu đỡ nhớ hơi mẹ, sau đó dọn dẹp nhà cửa rồi chuẩn bị nấu cơm để mang theo. Nhiều hôm vào tận rừng sâu làm nhiệm vụ, nếu không chuẩn bị cơm là sẽ bị đói" - Trang chia sẻ.

Cứ như thế, công việc của những nhân viên rà phá bom mìn nơi đây như được lập trình sẵn. Dù trời nắng như cháy da thịt, hay trời mưa xối xả, họ vẫn lặng lẽ, âm thầm công việc rà bom, phá mìn trên từng tấc đất quê hương.
Phong Anh
.
.
.