Kỳ án "Con bò lạc" và câu chuyện đòi xét nghiệm ADN tìm "chính chủ" cho bò

Thứ Năm, 10/10/2013, 12:01

Hai ông già, người ngoài 64, người đã 75 tuổi từng thân thiết, láng giềng gần có nhau ở khối phố Đà Sơn (phường Hòa Khánh Nam, Đà Nẵng). Ấy vậy mà, mấy hôm nay dư luận lại xôn xao, bàn tán không ngớt chuyện kỳ cục án đòi quyền "chính chủ" của hai ông.

Chả là có con bò lạc, bi hài thay lần đầu tiên ở Đà thành có chuyện đòi xét nghiệm ADN để tìm "mẹ ruột" cho một con bò. Ngày 24/9/2013 vừa qua là lần thứ 2 UBND phường Hòa Khánh Nam mời hai cụ già ra giải quyết tranh chấp, nhưng xem ra hòa giải bất thành…!

Vác đơn đi kiện "Con bò"

Câu chuyện bắt đầu vào giữa tháng 4/2013, Ban Tư pháp và Công An  phường Hòa Khánh Nam nhận được lá đơn trình báo của ông Nguyễn Văn Phẩm (75 tuổi, trú tổ 134, khối phố Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) về việc người hàng xóm là ông Trần Văn Toan (64 tuổi) đã tự ý "chiếm đoạt" và xẻ thịt con bê đực của cụ.

Rằng gần núi Đà Sơn có một khu đất rộng hàng chục ha tên Rẫy Bò (tên khu đất do dân địa phương tự đặt - PV) thuộc sở hữu của Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia (TTHLTTQG) - Đà Nẵng. Để bảo vệ đất khỏi hoang hóa và chờ kinh phí xây dựng, TTHLTTQG - Đà Nẵng đã tiến hành tạm xây tường rào dài hàng km bao quanh khu đất rộng lớn, cỏ dại mọc um tùm này.

Nhiều năm qua, Rẫy Bò cũng trở thành một địa điểm lý tưởng cho 9 hộ cá thể ở Đà Sơn sử dụng để chăn thả đàn gia súc. Trong số đó có hai đàn bò của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phẩm và Trần Văn Toan. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi tại đây có truyền thống nuôi thả rông bầy gia súc, chứ không hề quây rào chắn hay làm chuồng trại để tự quản lý.

Vì thế bò đực của đàn này "gửi gắm" cho bò cái của bầy kia sinh con đẻ cái. Hoặc bê con lạc mẹ, nhầm bầy là chuyện rất thường ngày ở Rẫy Bò. Cũng chính do vậy, đã dẫn đến câu chuyện kỳ cục, rất bi hài "vác đơn đi tranh kiện con bò" giữa 2 ôngå già vừa là bạn hàng xóm, vừa "đồng nghiệp" của nhau.

Bấy giờ, vào ngày 10/4/2013, khi được thương lái tên Cường ngã giá hời một con bê thịt giá 8,2 triệu đồng, ông Toan đồng ý ngay. Ông Toan vội dắt lái Cường lên Rẫy Bò và chỉ ngay vào một con bê đực, rất béo khỏe đang gặm cỏ cùng với đàn bò lố nhố 6 - 7 con của ông. Nhưng đám trẻ chăn bò ở gần thấy ông Toan cho lái Cường dắt con bê đực đi thì vội chạy lại can ngăn, bảo con bê này là của nhà ông Phẩm…

Ngay sau khi xảy ra vụ tranh chấp "con bò lạc", ông Phẩm và các hộ chăn nuôi gia súc đều lập tức dùng nhiều phương pháp để "đánh dấu bò", bảo vệ tài sản.

Vừa nhận được tin báo bê nhà bị dắt, ông Phẩm cũng hộc tốc sai thằng cháu nội chở ngay lên rẫy để "đòi lại tài sản". Vậy là hôm đó, trên Rẫy Bò một trận cãi cọ, ẩu đả tranh giành bất phân thắng bại đã diễn ra.

- Ông Phẩm: "Răng ông bắt bê của tui?"

- Ông Toan khăng khăng: "Con bê đực này là của đàn nhà tui. Bê tui, tui bán chẳng liên can tới ông"…

- Cụ Phẩm phản bác: "Ông không được bán. Con bê ni do con bò cái đàn tui sinh ra. Tui đã đánh dấu sơn đỏ vào mông nó để cho thằng cháu nội sắp cưới vợ làm của hồi môn".

- Ông Toan nổi cáu: "Nói như thiệt. Đã là bê thì phải theo bò mẹ. Nếu bê của đàn ông, răng hắn không theo bò mẹ nhà ông mà lại theo bò mẹ nhà tui?".

- Ông Phẩm tức giận: "Tại trời mưa to, gió lớn nên nó hoảng sợ, nó lạc mẹ, lạc qua bầy của ông chứ. Tui sẽ kiện ông tội chiếm đoạt tài sản riêng của người khác"... 

Ông Phẩm kiện ông Toan thật. Cũng từ hôm đó hai ông không thèm nhìn mặt nhau. Thậm chí trong lúc giận dữ, 2 ông thề chỉ gặp mặt nhau tại Công an phường lúc giải quyết vụ "con bò".

Đòi xét nghiệm ADN để tìm "chính chủ" cho bò

Sự việc đâu chỉ dừng ở đấy. Ngày 9/5/2013, Ban Tư pháp của UBND phường Hòa Khánh Nam mời 2 ông Phẩm, Toan ra để giải quyết lá đơn khiếu nại và tranh chấp giữa 2 nguyên, bị đơn. Mặc dù trực tiếp Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, ông Bùi Trung Khánh cùng các đơn vị chức năng đã nỗ lực hòa giải. Đồng thời có biên bản đề nghị rất cụ thể: "ông Toan (bị đơn) tạm thôi giữ con bê trong quá trình tranh chấp để chờ hướng xử lý tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Phẩm và những lá đơn đòi xét nghiệm ADN để tìm "chính chủ" cho bò.

Còn theo yêu cầu của ông Phẩm (nguyên đơn), sẽ chịu trách nhiệm mời cơ quan chức năng để giám định ADN cho con bê trên, nhằm tìm ra mẹ bò cho bê. Nếu sau khi xét nghiệm ADN, bên nào thua sẽ phải chịu bồi hoàn toàn bộ chi phí làm xét nghiệm, cũng như trả lại con bê cho "chính chủ" của nó…

Nhiều ngày sau đó, ông Phẩm đã huy động các con cháu trong nhà, nhờ cậy khắp nơi dò hỏi để tìm chỗ xét nghiệm ADN cho bê. ông Phẩm cũng chịu không ít lời gièm pha, xì xầm bàn tán của người dân khắp khu Đà Sơn về việc làm "dở hơi", kỳ cục có một không hai của ông.

"Lâu nay, chỉ có con người mới đi xét nghiệm ADN để tìm người thân. Chứ làm gì có chuyện dắt bê đi xét nghiệm ADN, để tìm mẹ ruột cho bê"?! Thậm chí câu chuyện "xét nghiệm ADN cho bê" còn bị thêu dệt, thành vè cho mấy đứa trẻ chăn trâu ở Rẫy Bò nghêu ngao làm quà buôn chuyện. Mà muốn xét nghiệm ADN cho bò cũng đâu phải là việc đơn giản như phân biệt "bò đực bò cái".

Lúng túng không biết phải như thế nào, thì ông Phẩm được một vài người tỏ ra am tường tư vấn: "Cứ mua một silanh (ống kim tiêm - PV), è cổ con bê ra chích lấy máu. Sau đó lại vật bò mẹ của ông Toan và cả bò mẹ của ông Phẩm ra, cũng lấy máu. Phải đủ 3 mẫu này đem đi xét nghiệm thì mới biết mẹ đích thực của con bê…

Điều lạ, cũng do chuyện tranh chấp "con bò lạc" này của 2 ông Phẩm, Toan mà từ hôm đó cả 9 hộ nuôi bò ở Rẫy Bò không ai bảo ai tự động người thì bấm lỗ tai, người bấm đuôi, kẻ bôi sơn đánh dấu, hay giăng dây quây đàn bò của mình lại…

Nhưng điều ông Phẩm nẫu ruột nhất, là chắc gì Trung tâm giám định ADN của miền Trung đồng ý làm giám định ADN cho bò của ông?. Chi phí xét nghiệm ADN nghe đâu lên đến 15 - 16 triệu đồng, trong khi giá trị thật của bê quá lắm thì chỉ 8 triệu. Thêm vào đó ông Phẩm đã già, phải trông cậy vào con cháu cấp dưỡng. Đàn bò ông nuôi trên Rẫy Bò cũng con được con mất, con bị bệnh, bị sa chân xuống hố mà chết, nên 2 năm nay đàn bò chỉ còn lại 1 cặp bò mẹ đang kỳ động đực và 5-6 con bê non chưa thể bán. Thì ông Phẩm lấy tiền đâu mà dắt bò đi xét nghiệm…?!

Trong lúc ông Phẩm đang rối bời, thì vào giữa tháng 9-2013, ông Phẩm tiếp tục nhận được hung tin: "Con bê đang tranh chấp đã bị ông Toan không giữ cam kết, xẻ thịt bán mất rồi.."!. Ngay lập tức, ông Phẩm lụm khụm chạy qua nhà ông Toan giận dữ trách móc. Lần này, mặc cho Đà Nẵng đang chuẩn bị đón bão số 8, mặc cho ông Toan kêu oan, ông Phẩm vẫn quyết "vác đơn đi kiện thắng thua tới cùng"…!.

Vì truyền thống nuôi thả rông gia súc của người dân, nên bê con lạc mẹ, nhầm bầy là chuyện rất thường ngày ở Rẫy Bò.

Tôi gặp ông Phẩm vào sáng 24/9/2013, ngay sau cuộc hòa giải lần thứ 2 bất thành giữa ông Phẩm và ông Toan tại UBND phường Hòa Khánh Nam. ông Phẩm buồn bực lắm, cứ nhắc đi nhắc lại câu: "Ở đời của nả thấm chi, trọn tình, nghĩa xóm mới hay", nguyên do là "nguyên đơn" có mặt, nhưng "bị đơn" lại không đến.

"Thật ra tui chẳng muốn làm lớn chuyện này đâu cô cháu à. Ai đúng, ai sai, ai là chủ thật sự của bò tui chưa khẳng định. Tui chỉ cần ông Toan hiểu chuyện qua xin lỗi lấy một câu là thôi. Hơn tý nữa thì ông ấy với tui cùng bắt tay khắc phục hậu quả, cưa đôi giá trị con bò, mỗi người chịu thiệt lấy một nửa đã sao.

Chứ giờ cả tui và ông Toan đều ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, đều là thành viên tích cực, gương mẫu của Hội Người cao tuổi ở phường. Để xảy ra cãi cọ, tranh chấp như thế này con cháu nhìn vào nó không vui. Cũng rất xấu hổ với bà con lối xóm, lại bị chê cười. Giá trị một con bê tuy không đáng là bao, nhưng đối với gia cảnh của tui bây giờ thì cũng không phải nhỏ. Tuy nhiên, tui vì tức giận trước thái độ "bất hợp tác" của ông Toan mà nên chuyện.

Giờ lãnh đạo UBND, Công an phường Hòa Khánh Nam giải quyết việc tranh chấp của tui không được. Tui phải làm đơn kiện tới Tòa án quận Liên Chiểu, quyết đưa vụ này ra pháp luật. Và nhất định, cho dù còn "khúc xương bò khô" tui cũng đem đi xét nghiệm ADN để lấy lại chút danh dự tuổi già…!

Chuyên đề CSTC sẽ tiếp tục cập nhập và đăng tải thông tin vụ việc đến bạn đọc quan tâm.

Trao đổi với PV CSTC, ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam ngao ngán cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi phải xử lý một vụ kiện kỳ cục và đành bế tắc vì không thể xác định được "chính chủ" của "tài sản" đặc biệt này như thế nào.

Đang tiếp tục hòa giải, thì vật chứng "con bê" lăn đùng ra chết. Rồi "bị đơn" lại tự ý mổ thịt đem bán, khiến căng thẳng giữa 2 gia đình hàng xóm lớn tuổi như thêm dầu vào lửa. Qua đây cũng thấy rõ, ý thức tự quản và bảo vệ tài sản của người dân rất kém, chỉ đến khi "mất bò mới lo làm chuồng".

Đã vậy, cả 2 công dân ai cũng có lý lẽ và đưa ra bằng chứng cho rằng con bê là của mình!. Nhưng khi hỏi, thì cả 2 chủ bê còn không phân biệt nổi đâu là bò, bê của đàn mình thì làm sao chúng tôi có đủ cơ sở để phân giải? Chỉ còn cách cuối cùng như tâm nguyện của ông Phẩm, đưa bò đi xét nghiệm ADN thì may ra…!

Hoài Thu
.
.
.