Kỳ án 'khai khẩn đất hoang'

Thứ Sáu, 17/07/2015, 15:00
Phiên tòa xét xử vụ kỳ án "khai khẩn đất hoang" diễn ra giữa những ngày Huế nắng nóng như đổ lửa, vậy nhưng khán phòng lại chật kín người. Họ, ngoài những người thân, họ hàng của bị cáo thì hầu hết đều là những nông dân trồng rừng ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế.

Người nông dân và hai lần hầu tòa 

Họ, không đến dự tòa vì tò mò, không hề có tâm thế của những người đến xem tòa luận tội bị cáo, mà họ đến để được nghe một bài học rút ra cho chính bản thân và công việc của mình.

Hôm đó, đứng trước vành móng ngựa, đối diện với tội danh của mình, bị cáo Nguyễn Văn Quyền (55 tuổi, ngụ phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tiều tụy đến đáng thương. Xét về nhân thân, bị cáo chưa hề có tiền án, tiền sự, một người được địa phương đánh giá là hiền lành, sống hòa nhã và hăng say lao động.

Tại tòa, bị cáo Quyền lý giải trong nước mắt và nỗi ân hận, năm 2006, ông được 3 hộ dân chuyển nhượng 3 lô đất ở tiểu khu 113 thuộc dãy núi Kỳ Nam (phường Hương Hồ). Do khu đất này có độ dốc cao, lại không đủ kinh phí để khai hoang nên ông Quyền chỉ khai hoang và phủ xanh cây trồng được 2/3 diện tích. Số diện tích còn lại nằm phía trên đỉnh đồi, phải đến năm 2012, ông Quyền mới có tiền khai hoang tiếp.

Để trồng keo ở phần đất gần trên đỉnh ngọn đồi, ông Quyền bỏ tiền thuê người mở con đường dài hơn 2.000 mét từ chân đồi lên đỉnh, mất gần 40 triệu đồng. Sau đó thuê người phát thực bì, mổ lỗ trồng cây, mất thêm vài chục triệu. Thấy phía đỉnh đồi cạnh lô đất của mình có diện tích đất bỏ hoang, "tiếc của trời", ông Quyền thuê người khai khẩn. Quá trình khai khẩn, làm đường kéo dài gần cả năm trời, nhưng người dân địa phương lẫn chính quyền, không ai ngăn cản.

Cho đến ngày 21/3/2013, những người làm công của ông Quyền đốn hạ một số cây thông già cỗi, xiêu vẹo trên phần đất hoang ông lấn chiếm. Khi số gỗ thông này được chở xuống chân đồi, ngay lập tức bị cơ quan chức năng bắt giữ, có khối lượng gỗ thông được thẩm định là 8m3 gỗ, trị giá 12 triệu đồng.

Với hành vi "gây nguy hiểm cho xã hội" của ông Quyền, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) thị xã Hương Trà đã truy tố ông Quyền về tội "trộm cắp tài sản". Sau khi bị tạm giam gần một tháng, ông Quyền được tại ngoại với lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để chờ ngày ra tòa luận tội…

Lại nói đến người bị hại trong vụ án, phần đất ông Quyền lấn chiếm thuộc quyền sở hữu của ông Thuận. Năm 2008, UBND huyện Hương Trà (nay là thị xã Hương Trà) đã ra quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 32 hộ dân, thuộc xã Hương Hồ (nay là phường Hương Hồ), trong đó có hộ của ông Thuận, mục đích sử dụng là trồng rừng thương mại.

Bị cáo Quyền tại phiên tòa mới đây.

Khi ông Thuận nhận đất Nhà nước cấp, do không có điều kiện, nên bỏ hoang từ đó đến nay. Và khi số gỗ thông ông Quyền đốn nằm trên đất của ông Thuận, ông Thuận không có bất cứ khiếu nại gì thì HTX NN Hương Hồ II lại tự nhận số thông mọc hoang trên đất ông Thuận là của Nhà nước, do HTX này đứng ra quản lý.

Theo HTX NN Hương Hồ II thì năm 1983 UBND thành phố Huế giao đất, giao rừng cho HTX dùng để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. HTX NN Hương Hồ hoàn toàn không biết việc UBND huyện Hương Trà đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Thuận để trồng rừng vào năm 2008. HTX cho rằng lúc này đã có thông mọc tự nhiên trên đất nhưng lại không có quyết định thu hồi đất và xử lý tài sản trên đất là không đúng pháp luật.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện xét xử, tuyên phạt bị cáo Quyền 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Ông Quyền kháng cáo kêu oan mình không phải là kẻ trộm. Việc ông đốn hạ thông diễn ra "đường đường, chính chính" chứ không lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác, nên không thể xem là trộm cắp. Ông cũng không phải là kẻ "gàn dở", bỏ ra gần 100 triệu khai hoang, mở đường chỉ để "tha" 8m3 gỗ thông xuống núi có giá trị chỉ 12 triệu đồng.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 27/5/2014, TAND tỉnh nhận định không có tài liệu nào chứng minh cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã giao cho HTX NN Hương Hồ II quản lý, chăm sóc bảo vệ và sử dụng số cây thông trên. Mặt khác hồ sơ vụ án cũng thể hiện diện tích đất rừng này đã được UBND huyện Hương Trà cấp cho hộ ông Thuận làm đất rừng sản xuất từ năm 2008. Rừng thông trên đất rừng được cấp đã có trước năm 2008 và khi cấp đất rừng UBND huyện Hương Trà không đề cập gì về rừng thông này.

Ông Thuận cũng xác nhận, số thông bị cưa không phải là của ông. Cấp phúc thẩm nhận định bản án sơ thẩm còn nhiều mâu thuẫn và vi phạm về thủ tục tố tụng nên đã hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại. Vậy là, gần 1 năm sau ngày bị tuyên hủy án sơ thẩm, sáng 30/6/2015, vụ án được đưa ra xét xử lần thứ 3 cùng với việc thay đổi tội danh của bị cáo Nguyễn Văn Quyền, từ "trộm cắp tài sản" sang "hủy hoại tài sản"...

Nỗi lòng những người dự khán

Phiên tòa phúc thẩm lần hai diễn ra, không chỉ gia đình bị cáo mà cả dư luận đều chờ đợi một bản án khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp oan sai cho người vô tội. Từ sáng sớm, phiên tòa đã đen kín người dự khán. Ngoài người thân của bị cáo còn có người dân địa phương, những người làm thuê cho bị cáo và cả những người hiếu kỳ cũng đến dự khán.

Những người dự khán đã cho rằng: "Để định tội cho kẻ đã phá hoại 12 triệu tiền gỗ thông của Nhà nước, cơ quan chức năng phải mất 2 năm ròng bổ sung, tìm chứng cứ, tổ chức 3 phiên tòa, thiệt hại về tài sản gấp cả trăm lần so với 12 triệu đó. Khi đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đọc bản luận tội, khép bị cáo vào tội "hủy hoại tài sản", vợ ông Quyền cũng đã giơ tay xin phát biểu: "Chồng tui có tội, tội của chồng tui là hăng say lao động, muốn tạo ra tài sản cho cái xã hội ni. Người nông dân không muốn đất đai bỏ hoang, đi khai khẩn nay thành ra kẻ có tội sao? Tại sao những kẻ kẻ bỏ hoang đất đai, gây thiệt hại cho Nhà nước thì không khép tội?".

Những người nông dân chân lấm đất đến dự tòa đã bày tỏ: "Ở làng ở xã, ông Quyền tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người từ việc trồng rừng, ươm trồng cây giống. Từ ngày ông "vô phúc đáo tụng đình", công việc làm ăn bị trì trệ, khiến khối người làm thuê cũng mất đi chén cơm, manh áo".

Hơn 20 năm qua làm nghề trồng rừng, bị cáo có trong tay đến 40ha rừng keo tràm, bầu gió. Hễ sáng sớm, bất kể nắng mưa, ông Quyền lại mang theo cây rựa, cùng gói cơm với vài hạt muối trắng lặng lẽ đi vào rừng cặm cụi khai phá đất hoang. Ít ai biết, ông Quyền còn là một kỹ sư lâm nghiệp, vì vậy mà rất mê rừng.

Có trong tay hàng chục hécta rừng, nhưng nhà của ông vẫn xiêu vẹo, mái nhà bây giờ còn thủng lỗ chỗ, được che ngang che dọc bằng ni lông, bởi bao nhiêu tiền bạc có được, ông đổ hết vào mua giống, trồng rừng. Nhưng bên cạnh đó, hầu hết người tham dự phiên tòa đều công nhận, việc bị cáo Quyền khai thác đất hoang không phải thuộc quyền sở hữu của mình là phạm pháp.

Đất nếu không thuộc quyền sử dụng của người khác, đều do Nhà nước quản lý, vì vậy muốn khai thác, cần phải xin phép chính quyền các cấp.  Tội thì rõ rồi, nhưng cũng phải xem xét đến tinh thần lao động của người nông dân như ông Quyền, làm thế nào để có được bản án vừa mang tính răn đe, nhưng cũng không để những người nông dân hăng say lao động, khai khẩn đất hoang cảm thấy nhụt chí".

Nguyên đơn dân sự trong vụ án là HTX NN Hương Hồ II, do ông Nguyễn Văn Uẩn - Chủ nhiệm HTX làm đại diện. Khi vị luật sư bào chữa cho bị cáo Quyền tham gia đặt các câu hỏi để làm rõ hơn về số tài sản trên đất, ông Uẩn một mực từ chối trả lời, nhắc lại đến hai ba lần rằng lời khai của ông đã có đầy đủ trong hồ sơ nên không trả lời câu hỏi của luật sư.

HĐXX phải nhiều lần nhắc nhở ông Uẩn, rằng tòa đã cho phép luật sư tham gia đặt câu hỏi, và nghiêm khắc yêu cầu ông Uẩn phải có trách nhiệm trả lời. Thấy không "né tránh" được, ông Uẩn đành phải trả lời chất vấn của luật sư. Theo ông Uẩn, từ khi ông làm Chủ nhiệm HTX, được Nhà nước giao đất từ năm 1983, nhưng do không có kinh phí, nên không có người bảo vệ rừng, HTX cũng không thường xuyên kiểm tra rừng.

Ông Uẩn cũng thừa nhận số thông trên là thông mọc hoang do gió tự phát tán hạt giống... Sau thời gian tranh luận và nghị án, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm 9 tháng tù giam đối với bị cáo Quyền với tội danh "hủy hoại tài sản".

Hoài Thu - Thiên Phúc
.
.
.