Kỳ bí những ngôi mộ chôn tập thể và lễ hội có một không hai của người Jrai

Thứ Bảy, 01/09/2012, 10:52
Mỗi ngôi mộ trung bình đào sâu khoảng 2 mét, đặt quan tài xuống đất rồi lấp lại. Khi có người tiếp theo trong làng chết, họ lại đào ngôi mộ này lên để chôn người mới chết vào trong. Nếu xác của người chôn trước da thịt đã bị thối rữa chỉ còn lại xương thì họ sẽ dồn tất cả xương cốt lại một chỗ...

10 ngôi mộ chôn 200 người

Mùa mưa, đường lên Iapiar khó khăn. Những con dốc quanh co, ven hai bên đường chỉ toàn đá cuội mấp mô như sáp ong. Lối đi duy nhất là lối mòn với đường kính chỉ tính bằng gang tay, ướt nhẹp. Đến đây chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về người Jrai. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là tục lệ mai táng. Người Jrai quan niệm rằng người chết cũng có cuộc sống riêng, nó đang tồn tại song song như lúc con người còn sống. Trên trần gian người ta được sống chung nhà, chung làng thì khi chết đi cũng sẽ được chôn chung một mồ… Vì vậy người Jrai có những phong tục rất kỳ lạ đối với người chết.

Tục lệ này có từ bao giờ thì người dân ở đây không ai biết nổi. Những người già trong bản cũng chỉ biết rằng khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy có tục ấy rồi. Điều đó chứng minh qua những lần trong bản, xã có người chết thì tất cả đều được dân làng làm lễ mai táng sau đó mang đến khu nhà mả của làng Plei Trang để chôn cất.

Trước đây khi chưa có nhà mả, người Jrai vẫn có thói quen chôn tập thể. Tuy nhiên hình thức chôn cất rải rác, tự phát không theo quy củ. Thậm chí những ngôi mộ đã được chôn từ lâu đến đời con cháu lớn lên lấy vợ gả chồng khi tách ra ở riêng lại làm nhà ngay trên ngôi mộ của ông bà tổ tiên mình mà không biết.

Khu nhà mả được ra đời từ năm 1980, đến nay việc chôn cất được quy củ hơn. Theo thống kê của ông trưởng bản Plei Trang Rahlan Djel, đến nay khu nhà mả đã có hơn 200 người về “sống” ở đây. Điều đặc biệt là tất cả số người chết đó chỉ được chôn vỏn vẹn trong 14 ngôi mộ. Hình thức chôn cho người chết cũng rất kỳ lạ.

Ông Djel giới thiệu về khu nhà mả.

Theo ông Rahlan Djel, trong số 14 ngôi mộ có ngôi mộ chôn nhiều nhất là khoảng 20 người. Mộ ít cũng vài người. Mỗi ngôi mộ được đào sâu khoảng 2 mét. Phương thức chôn cũng rất rõ ràng. Lần lượt ai chết trước chôn trước. Người đầu tiên chôn xuống, rồi lần lượt trong làng có ai chết sẽ mang đến chôn tiếp vào ngôi mộ đó, cho đến khi ngôi mộ này đầy xác người chết rồi mới đào một ngôi mộ khác. Ông Djel kể cho chúng tôi tưởng đùa, nhưng đó là sự thật 100%.

Rót chén nước lá rừng mời khách, ông tặc lưỡi thanh minh: “Đó là tục lệ của làng rồi. Ai mới lên đây nghe kể thì khó mà tin nổi. Các anh chỉ ở đây chơi ba ngày nữa là bản tôi tổ chức lễ Bâng thi cho người chết ở khu nhà mả”. Nói đến đây chúng tôi không thể không tin, có điều vẫn có cái gì đó làm cho chúng tôi hơi tò mò.

Thấy chúng tôi có vẻ chưa tin lắm về câu chuyện, ông trưởng bản dẫn chúng tôi xuống gầm sàn nhà mình chỉ vào bốn chiếc quan tài đã đẽo sẵn chuẩn bị lo hậu sự cho người nhà chẳng may chết. Nhà ông Djel có bảy người con, tính cả vợ chồng nữa cũng lên tới con số chín tròn trĩnh. Ông bảo, lẽ ra nhà tôi phải chuẩn bị đủ cả chín cái quan tài, có điều giờ mình không còn sức khoẻ nữa nên bảo mấy đứa con tranh thủ vào rừng chặt gỗ về nhà dần.

Gia đình ông Djel cũng như những hộ dân ở trong làng, để lo hậu sự cho bản thân và gia đình, những người đàn ông khoẻ mạnh khi còn trẻ tuổi đã phải vào tận rừng sâu tìm những cây gỗ tốt và to nhất, mang về nhà đẽo thành chiếc quan tài để dưới gầm nhà sàn chờ đến khi có người chết sẽ đặt vào quan tài, rồi mang ra khu nhà mả để chôn.

Mỗi ngôi mộ trung bình đào sâu khoảng 2 mét, đặt quan tài xuống đất rồi lấp lại. Khi có người tiếp theo trong làng chết, họ lại đào ngôi mộ này lên để chôn người mới chết vào trong. Nếu xác của người chôn trước da thịt đã bị thối rữa chỉ còn lại xương thì họ sẽ dồn tất cả xương cốt lại một chỗ. Thông thường, người lớn tuổi sẽ được để xương cốt lên đầu quan tài, người ít tuổi hơn sẽ được gạt xuống phần cuối theo một trình tự thừ thấp tới cao và cuối cùng là người ít tuổi nhất được đặt ở phần cuối của quan tài. Sau khi làm xong công đoạn trên, rồi mới bắt đầu đặt xác người mới chết vào trong quan tài ngay ngắn.

Nếu khoảng cách giữa hai người chết quá gần nhau, xác của người đã chôn trước vẫn còn da thịt, thì người trong làng sẽ cắt bỏ hết da thịt của người nằm trong quan tài để lên trên mặt đất cho chim cờ reng á (kền kền) ăn, rồi dồn xương lại đặt người mới chết vào trong quan tài. Với cách này họ tin rằng, chim cờ reng á là loài chim của trời, khi ăn xong “thức ăn” của làng thì cả làng sẽ gặp may mắn.

Những vật dụng được lấy lên sau những lần có người mới chôn xuống.

Cứ như vậy, họ sẽ chôn chung người chết trong làng cho đến khi chiếc quan tài đó đầy xương cốt thì sẽ làm lễ bỏ mả. Lễ bỏ mả được người Jrai coi là lễ chính của làng. Có điều lễ bỏ mả này không làm to như lễ Bâng thi mà chỉ cần mâm xôi, con gà và đĩa hoa quả để thầy mo làng cúng coi như xong thủ tục của lễ bỏ mả. Sau khi làm lễ xong xuôi, người dân mới được đào thêm một cải mả mới theo hướng dẫn của thầy mo khi có người trong làng chết.

Không chỉ chôn chung tập thể với quan niệm “sống cùng nhà, cùng làng chết cũng sẽ được chôn cùng mồ”, thì người Jrai luôn tin rằng người chết vẫn có cuộc sống riêng của họ không khác gì người còn sống. Chính vì vậy, họ sẽ chia tài sản cho người đã khuất để cho họ làm ăn ở thế giới mới của mình: “Mỗi người sẽ được chia hai chiếc ghè Yàng, đàn ông sẽ có nỏ, gùi… đàn bà có khung cửi…”, ông Djel cho biết.

Lễ Bâng thi

Với người Jrai, lễ Bâng thi được tổ chức to không khác gì Tết Nguyên đán của người kinh. Trong ngày lễ Bâng thi người dân trong làng ăn mặc chỉnh trang, mọi người đều tạm gác mọi việc nhà nườm nượp kéo nhau ra khu nhà mả cùng góp thịt, gạo… để làm lễ. Sau đó cả dân làng quây quần ăn uống no say bên những ngôi mộ người của chết. Những trò chơi dân gian đồng thời được tổ chức. Theo ông Djel từ bâng có nghĩa là ăn, thi là thi thố tức bâng thi là ngày ăn chơi thi thố. Vừa là lễ hội vừa là ngày để tưởng nhớ đến người đã chết, để gọi họ cùng lên ăn uống chung vui với người còn sống.

Mỗi tháng người Jrai sẽ tổ chức lễ Bâng thi một lần tại khu nhà mả, tuỳ theo từng làng chọn ngày. Vào ngày này, tất cả người dân trong làng sẽ tập trung tại khu nhà mả của làng. Mỗi gia đình sẽ mang theo một ghè rượu, và tuỳ từng hoàn cảnh giàu nghèo của mỗi gia đình. Nhà nào giàu sẽ góp heo, dê, bò, nhà nghèo sẽ góp gà, gạo… nếu nhà nào góp nhiều nhất, con vật to và giá trị nhất, nhà đó sẽ được cả làng trọng vọng và đồng nghĩa với việc gia đình đó được người âm phù hộ về sức khoẻ, tiền bạc...

Đúng như nghi thức của lễ Bâng thi. Sau lễ dâng hương là cuộc thi nấu ăn. Thông lệ, trong cuộc thi này cũng là để cho người dân tranh tài. Cuộc thi này nó cũng được người Jrai coi như một sự kiện. Không chỉ mang tính chất thi thố, mà sau cuộc thi người chiến thắng sẽ vang danh ai cũng biết đến. Bên cạnh đó là được già làng công nhận và cũng được làng trọng vọng hơn những người khác. Sau khi những cuộc thi này được công nhận, cả làng sẽ tập trung bên những ngôi mộ ăn uống no say và ngủ lại cho đến sáng hôm sau ai lại về nhà nấy và lên rẫy làm việc cật lực để chuẩn bị cho ngày lễ Bâng thi tháng sau.

“Người được giải nhất trong cuộc thi nấu ăn sẽ là “đầu bếp” của làng. Mỗi khi làng có công to việc lớn đều được mời đến nấu nướng. Ở trong làng, dù đám ma, đám cưới… đều được mời đến để làm bếp trưởng. Bếp trưởng có trách nhiệm phân công, sắp xếp mâm cỗ, món ăn cho phù hợp. Vì vậy trong lễ Bâng thi này người dân dù già, trẻ, gái trai đều tham gia thi tài”, ông Djel cho biết.

Ông Djel cho biết thêm, thông thường cứ mỗi tháng sẽ diễn ra lễ Bâng thi. Nhưng đối với người mới chết, tính từ ngày người đó chết thì đúng một tháng người dân trong làng cũng sẽ tổ chức lễ Bâng thi cho người đó. Không cần biết đó là người nào, họ chỉ biết rằng được trưởng bản thông báo ngày này, ngày nọ có lễ Bâng thi thì người dân trong làng đều chuẩn bị đồ cúng như rượu, thịt để đóng góp cho ngày lễ.

Lễ Bâng thi tròn tháng của người mới chết nó cũng tương tự như việc cưới hỏi, hay lên nhà mới của người kinh. Hôm nay nhà này có lễ dân làng đi, hôm sau nhà mình có dân làng đi lại. Lễ Bâng thi cũng vậy, người Jrai cho rằng, ngoài việc hàng xóm phải đến với nhau thì đây cũng là hình thức dân làng làm lễ cho người chết được siêu thoát, để linh hồn của người chết lúc nào cũng nghĩ rằng họ không lạnh lẽo, cô đơn vì có dân làng bên cạnh.

Không chỉ mai táng người chết theo phương pháp kỳ dị, mà phong tục làm lễ Bâng thi của người Jrai theo kiểu “làm cả tháng ăn một ngày”, để nhớ đến người đã mất, không thể không nói đến mặt trái của nó. Vốn là dân tộc ít người, người Jrai lại quanh năm nghèo đói, chính vì vậy đã làm cho đời sống kinh tế của người dân nơi đây đã nghèo lại thêm kiệt quệ.

“Năm 2001 mẹ mình mất, năm 2004 bố vợ mình lại mất tiếp, đều chôn chung một chỗ. Từ việc tổ chức chôn cất cho đến lễ Bâng thi hằng tháng đã làm cho kinh tế nhà mình càng khó khăn hơn. Những lần như vậy người dân đều phải nghỉ lên nương, lên rẫy, bán lúa để mua heo, gà, rượu chuẩn bị cho lễ Bâng thi hằng tháng”.

Không có tiền, những người như gia đình ông Djel còn phải đi vay mượn, nợ nần chồng chất. Mình làm khổ cực như con trâu đi cày mà vẫn khổ cực, thấy vậy nên mấy năm nay mình không tham gia lễ Bâng thi nữa nên nhà mình mới đỡ hơn. “Mình cũng thấy tổ chức ăn uống ở nhà mả cũng không tốt, rất mất vệ sinh vì ăn cạnh chỗ chôn người chết vi khuẩn và mùi hôi thối bốc lên sẽ không tốt cho sức khoẻ nhất là lễ Bâng thi đúng trong giai đoạn xác người đang phân huỷ thì mùi thối nồng nặc”

Trên trần gian sống thế nào thì chết người Jrai xã Iapiar, huyện Phú Thiện, Gia Lai cũng quan niệm phải như lúc sống. Chính vì vậy, người Jrai khi chết đều được chôn chung mồ. Những ngôi mồ chung đó người ta gọi là khu nhà mả. Thông lệ, hằng tháng người dân nơi đây lại tổ chức cho người chết một cái lễ gọi là lễ Bâng thi

Mai Hạ
.
.
.