Kỳ bí "thần dược" huyết hầu trong động đá

Thứ Ba, 14/06/2016, 20:58
"Thần dược", "máu khỉ" hay còn gọi là huyết lình thường mọc trong các động đá nơi có nhiều khỉ sinh sống. Theo kinh nghiệm của người dân tộc, loại thần dược này chữa được bệnh cam sài, cầm máu, vô sinh, điều hòa kinh nguyệt cực tốt. Chính vì lý do đó nên bà con dân tộc sống trên các vùng núi cao thường mua về để chữa bệnh.


Tuy nhiên để săn được loại thần dược này đòi hỏi phải là một người có kinh nghiệm, thậm chí đánh đổi cả sinh mạng của mình. Để khám phá "thần dược" này, chúng tôi đã vượt lên vùng núi tìm hiểu.  

Mục sở thị "thần dược" huyết hầu

Trong cuộc sống hiện nay, "thần dược" huyết lình hay còn gọi là "huyết hầu" được đồng bào dân tộc Mông thuộc các vùng núi phía Bắc tin dùng. Theo người dân nơi đây, huyết lình có tác dụng tăng cường sinh lực, kéo dài tuổi thanh xuân, chữa được bệnh vô sinh cho nữ giới.

Tuy nhiên để săn được loại "thần dược" bậc nhất này phải là người can đảm. Để hiểu sâu về "thần dược" hiếm có này, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện cùng anh Nguyễn Hải Quan (SN 1964) thôn Tân Thành, xã Yên Hoa, huyện Nà Hang (Tuyên Quang). Anh Quan là người chuyên đi săn huyết lình rồi đem bán khắp nơi trên các chợ phiên vùng cao cho bà con dân tộc. 

Nói về quá trình săn "thần dược" huyết hầu, anh Quan cho biết: "Thực tế có nhiều người cho rằng đây là máu khỉ nhưng không phải. Đây chính là khoáng chất của đá, nó tự ngấm qua các kẽ đá rồi chảy ra ngoài. Theo kinh nghiệm thực tế của các cụ, cứ đến mùa sinh sản, khỉ lại tự tìm đến các hang động để ăn loại thuốc này. Khỉ ăn huyết lình sẽ có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, tăng sức đề kháng. Bởi vậy, cứ đến mùa khỉ sinh sản, vào tháng 6, tháng 7 là tôi lại đi săn loại "thần dược" này".

Anh Nguyễn Hải Quan giới thiệu với chúng tôi “thần dược” của mình.

Theo anh Quan, để săn được thần dược quý hiếm này phải là người có kinh nghiệm nhiều năm. Khỉ thường tập trung trong các vùng núi đá hoặc các khu rừng tự nhiên, chúng thích sống gần nguồn nước và hang động. Mỗi lần đi săn thần dược, anh Quan thường đi một mình hoặc cũng có thể đi từ ba đến bốn người. Do địa hình đồi núi phức tạp nên những người chuyên săn "thần dược" như anh Quan phải ăn rừng ngủ rú cả tháng trời. Để biết vùng núi có nhiều khỉ hay không, anh Quan phải quan sát, thăm dò người dân bản địa về các hang động. Khi phát hiện ra hang động có huyết lình, anh Quan phải kết hợp thuê thợ giỏi cùng leo trèo mới lấy được. 

Cũng theo anh Quan, trong nhiều lần đi săn, nếu thấy khỉ tập trung, chạy tán loạn bên ngoài cửa hang, y như rằng sẽ có "thần dược". Huyết lình thường mọc ở những vách đá cao, hiểm trở nơi mà khỉ thường xuyên đi lại. Cũng có nhiều chỗ "thần dược" mọc ra cheo leo, anh Quan ở dưới nhìn lên thấy rồi nhưng không tài nào lấy được. 

Hiện tại huyết lình có giá bán 1,2 triệu đồng/một lạng, chính vì nó có giá đắt nên không riêng gì anh Quan mà tất cả các thợ săn khác cũng đều phải liều lĩnh mới lấy được, thậm chí phải cược mạng sống của mình. Theo anh Quan, để lấy được "thần dược", tối thiểu phải có ba người. Một người ở dưới quan sát để chỉ địa điểm, một người ở phía trên cửa hang để thả dây thừng, người còn lại sẽ theo dây thừng để đục huyết lình.

Trong bộ ba này, người theo dây thừng sẽ là người phải gánh chịu rủi ro và mạo hiểm nhất. Dụng cụ để lấy huyết lình chính là đục, người thợ sẽ phải đu dây trong các hang động, tìm chỗ vững chân, có điểm tựa mới đục được huyết lình. Sau khi đục được huyết lình, người thợ sẽ cho vào một cái túi để thả xuống đất.

"Thần dược" sau khi lấy về sẽ được anh Quan đem ra phơi khô, rồi hai vợ chồng lại đem đi bán khắp nơi trên các phiên chợ vùng cao. Đối với đồng bào dân tộc họ rất thích mua huyết lình. Bao đời nay mỗi khi bị bệnh họ cũng chỉ dựa vào những vị thuốc của đá núi. Khi lao động chẳng may bị ngã rách thịt, họ chỉ cần dùng huyết lình để cầm máu, hoặc chữa bệnh cam sài, chữa vô sinh, điều hòa kinh nguyệt…

Thực hư tác dụng của huyết hầu

Cũng theo anh Quan, hàng năm huyết hầu chỉ ra một lần nên mình phải nhớ, đến năm sau lại quay về hang để lấy. Anh Quan bảo: "Do huyết lình là "thần dược", lại mọc cheo leo trên các hang động nên một năm cũng chỉ lấy được nửa lạng thôi". Chị Hoàng Thị Lan, vợ anh Quan góp chuyện: "Thuốc này cầm máu cực kỳ tốt, chỉ cần bôi vào vết thương chừng khoảng ba ngày là liền lại rồi, thậm chí không để lại sẹo".

Đến mùa sinh sản, khỉ thường tập trung vào các động đá để ăn huyết lình.

Theo chị Lan, huyết lình khác với thuốc tây. Trước đây da của chị Lan thường sần sùi, có rất nhiều tàn nhang. Sau khi uống huyết lình khoảng chừng vài tháng, bỗng nhiên làn da của chị Lan trở nên dịu hồng, những vết chai sạm cũng lặn hết. Ngoài tác dụng trên, huyết lình còn tăng cường sức khỏe cho những người gầy còm. Thuốc thường được pha lẫn với nước ấm hoặc rượu với tỉ lệ 1/10. Do bản chất của huyết lình chứa kháng sinh, nên khỉ mẹ sau khi sinh chúng rất thích ăn loại thuốc này.

Theo quan niệm trong dân gian, huyết lình thường được dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau khi sinh con. Có người bảo, khi uống huyết lình chừng khoảng 9 đến 10 ngày, ngực của phụ nữ sẽ đỏ au. Ngoài ra,  huyết lình còn giúp cho phụ nữ chữa được vô sinh, nám, điều hòa kinh nguyệt, bổ dưỡng cho người bị suy nhược, trẻ con còi xương, kém ăn, chậm lớn. Đặc biệt huyết lình còn chữa được bệnh đường ruột mãn tính… Đồng bào dân tộc Mông thường lấy huyết lình sấy khô nấu cháo cho trẻ con ăn, hoặc pha với nước ấm để uống vào buổi sáng.

Đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang, nhiều người thường hay bị bệnh thiếu máu, trẻ con hay bị cam sài, còi xương, tiêu chảy, phụ nữ không đều kinh, thậm chí có nhiều người vô sinh nên vợ chồng anh Quan thường long đong lận đận khắp các phiên chợ vùng cao để rao bán thuốc. Nhiều gia đình còn mua cho cả trâu bò uống.

Để kiểm chứng, chị Lan, vợ anh Quan còn pha huyết lình cho chúng tôi uống thử. Theo sự cảm nhận, huyết lình có vị tanh, hôi, nếu những ai mới uống thử thì sẽ rất khó uống. Ngoài việc bán huyết lình, anh Quan còn mua xương ngựa nấu cao rồi đem bán khắp các phiên chợ vùng cao cho bà con dân tộc chữa bệnh xương khớp. Cũng theo anh Quan, xương ngựa thường được anh mua trong các đám cưới rồi mang về sơ chế nấu trong khoảng năm ngày năm đêm thì thành cao.

Anh Quan tâm sự: "Có một lần tôi bị các anh Công an huyện Bắc Mê bắt giữ hàng, họ tưởng huyết lình là thuốc phiện. Sau khi kiểm tra, các anh Công an xác minh thấy không phải, mới trả lại cho tôi. Vì biết đây là thuốc quý nên các anh Công an còn mua vài lạng. Huyết lình thường có màu đen, những ai mới nhìn sẽ khó phát hiện và phân biệt được". 

Chị Hoàng Thị Lan nói về tác dụng chữa nám, chữa tàn nhang bằng huyết hầu.

Ngoài những công dụng thực tế được lưu truyền trong dân gian, đồng bào dân tộc còn quan niệm rằng huyết lình chính là "thần dược", nếu thường xuyên uống thì sẽ "trường sinh bất tử". Chính vì quan niệm đó khiến cho việc săn tìm "thần dược" trở nên rầm rộ. Những người trên núi cao thường hiểu nhầm đây là thuốc tráng dương, "trường sinh bất tử" nên họ đã tạo ra một cuộc mua bán huyết hầu rầm rộ. Nhiều thợ săn huyết hầu không quản ngại núi non hiểm trở, họ băng rừng, trèo hang để tìm bằng được huyết lình thật. Hiện cơn lốc săn tìm "thần dược" vẫn chưa dừng lại, thậm chí có nhiều con khỉ hoang đã bị giết hại lấy máu để làm huyết lình.  

Trong cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng có nhắc đến và cắt nghĩa về bài thuốc này. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, huyết lình còn gọi là "lục linh", trong đó linh là tên tiếng Thổ của con khỉ, lục là nhau thai. Vì thế huyết lình chính là máu chảy ra của con khỉ sau khi đẻ, phơi khô.

Thực ra huyết lình chỉ được coi là một vị thuốc có trong dân gian, chứ chưa có một công trình nào nghiên cứu về loại thuốc kỳ quặc này. Cũng chưa có một tài liệu nào ghi nhận công dụng bổ thận, tráng dương hay kéo dài tuổi thanh xuân. Khi soi kính hiển vi, Giáo sư Đỗ Tất Lợi cũng chỉ thấy toàn hồng cầu có lẫn các chất bẩn khác.

Vẫn biết rằng việc săn huyết lình là một nghề để mưu sinh, tuy nhiên để săn được "thần dược" là một điều rất khó khăn, thậm chí phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Chẳng biết loại "thần dược" này có công dụng đến cỡ nào, nhưng để cược mạng sống của mình trên những vách đá cheo leo luôn là mối ẩn họa chết người, không thể lường trước được. Có lẽ đã đến lúc phải trả lại loại thuốc này về với đúng công dụng thực của nó, nếu người dân vẫn hiểu nhầm đây là thuốc "trường sinh bất tử" thì cơn lốc săn huyết lình trên các vách đá sẽ vẫn còn tiếp diễn mãi mãi.

Minh Phượng
.
.
.