Kỳ bí về rắn thần khổng lồ trắng toát như rồng bạch báo ân cặp giếng tiên

Thứ Tư, 26/06/2013, 17:49

Xung quanh sự kỳ bí này còn rất nhiều điều khó lý giải mà hàng trăm nhà khoa học đã đổ công về nghiên cứu nhưng chưa tìm ra ngóc ngách cuối cùng một cách thuyết phục. Đặc biệt, sự tồn tại của “bạch thần xà” còn được vua triều Nguyễn chứng nhận, sắc phong danh hiệu “Vương hạ đẳng thần”, hiện cuốn gia phả sắc phong này vẫn còn lưu giữ tại nhà con cháu ông tổ nuôi rắn, sắc phong có đóng chiện đỏ bằng ngọc tỷ của nhà Vua.

“Từ khi bạch thần xà  nặng hàng trăm kilogam báo ân cho thôn Chiềng (xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) một cặp giếng tiên, một bên giếng nam, một bên giếng nữ thì cả vùng cao xứ Thanh này làm ăn rất phát đạt. Nước từ hai giếng tiên phun lên trong xanh quanh năm, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát lạnh, uống nước từ giếng này còn có vị ngọt hơn nước bình thường, hòn đá tảng trên đỉnh núi Ái Nàng cũng bốn mùa tuôn nước tưới tắm cho vạn vật xanh tươi, mấy đời nay vẫn thế, những kẻ gian ác cũng đã bị thần xà hành tội cho hóa điên, hóa dại, gia phả sắc phong thần xà cùng các hiện vật như kiệu rắn vẫn còn nguyên vẹn…” - Ông Cao Văn Nguyệt, cháu đời thứ 4 của ông chủ nuôi rắn thần ở thôn Chiềng và nhiều người dân Cẩm Quý khẳng định như vậy.

Ba ngày ròng rã quăng vó được duy nhất quả chứng khác lạ

Xung quanh sự kỳ bí này còn rất nhiều điều khó lý giải mà hàng trăm nhà khoa học đã đổ công về nghiên cứu nhưng chưa tìm ra ngóc ngách cuối cùng một cách thuyết phục. Đặc biệt, sự tồn tại của “bạch thần xà” còn được vua triều Nguyễn chứng nhận, sắc phong danh hiệu “Vương hạ đẳng thần”, hiện cuốn gia phả sắc phong này vẫn còn lưu giữ tại nhà con cháu ông tổ nuôi rắn, sắc phong có đóng chiện đỏ bằng ngọc tỷ của nhà Vua.

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa vượt qua gần 100km theo hướng Bắc sẽ đến thôn Chiềng. Từ đầu đến cuối xã Cẩm Quý ai ai cũng bàn chuyện về “bạch thần xà” báo ân, dường như câu chuyện này đã ăn sâu vào tiềm thức và nếp nghĩ của mỗi người.

Thấy tôi tỏ vẻ hoài nghi, TS văn hóa dân gian Bùi Hùng (đến từ ĐH Vinh) quả quyết: “Hỏi một người thì có thể không tin lắm, không thấy sự thật thì không tin chứ hỏi hàng trăm người và tận mắt chứng kiến sự thật thì sẽ tin thôi, tôi đã nghiên cứu mấy năm trời nhưng chưa tìm ra sự cắt nghĩa rõ ràng các hiện tượng sâu chuỗi với giếng tiên và rắn thần nơi đây. Bởi vậy, rất khó để bác bỏ sự linh thiêng của rắn thần này”.

Để có cái nhìn thuyết phục nhất về những hiện tượng kỳ diệu còn mang nhiều màu sắc huyền bí này chúng tôi cùng TS Bùi Hùng đã bỏ nhiều ngày gặp tất cả các cao niên, cán bộ trong thôn cũng như con cháu các đời của ông chủ “bạch thần xà” để tìm hiểu sâu sát sự việc này.

Nói về lý do nghiên cứu những hiện tượng kỳ bí này, ông Hùng cho hay: “Tôi vốn là một người dân tộc Mường sinh ra ở Thanh Hóa, làm sáng tỏ vấn đề kỳ bí này là khát vọng của tôi suốt nhiều năm qua”. Ông Cao Viết Hội, cháu đời thứ 4 của ông chủ nuôi thần xà kể: “Ngày đó cả vùng này đều hoang vu, đất đá lởm chởm, beo cọp và các loại thú dữ hoành hành khắp nơi, nhân dân gần như đói quằn quại ngày này qua tháng nọ. Cụ tổ của chúng tôi là Cao Thuật - khi đó là người lao động giỏi, thông minh và tháo vát nhất làng nhưng cũng đành bế tắc trước dịch bệnh và đói khát.

Năm gần 70 tuổi, ông phải suốt ngày đêm đi kéo vó kiếm cá cho dân làng và dòng họ sống cầm hơi qua ngày. Bỗng một hôm trời tối đen như mực, mây đen vần vũ khắp nơi, mấy ngọn núi đã đổ ập xuống làng, người dân phải dựng cây rừng làm lán ở và ăn trái cây dại, mặc thời tiết, ông tổ Cao Thuật vẫn vác vó ra sông đánh cá”.

Theo ông Hội, lạ thay, không như mọi lần, hôm đó suốt ba ngày ròng rã ông Cao Thuật chỉ kéo duy nhất được một quả trứng. Lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba ông đều cầm quả trứng ném đi nhưng lần thứ 4 thả vó xuống quả trứng kia vẫn quay trở lại. Vỏ trứng lấp lánh lên một màu ánh kim, rất kỳ lạ, nhìn lấp thấy bừng sáng lên như bóng đèn điện bây giờ ấy. Thấy hiện tượng khác lạ, ông Thuật đành mang về, bỏ vào ổ gà cho gà ấp.

“Bạch thần xà” lớn nhanh như thổi và tha thiết nhận gia chủ làm cha

Quả trứng lạ kia sau khi được đưa vào cho gà ấp đúng 25 ngày đêm thì bỗng nứt đôi ra, gà cục tác, chạy nháo nhác, nhìn vào ổ gà thì thấy một con rắn nhỏ màu trắng bệch, trên thân rắn thì có 3 chữ nho là Phúc – Đức – Tín, phía đầu rắn thì có một chiếc mào dựng đứng lên y như mào gà chọi.

Quá hốt hoảng trước hiện tượng lạ này, ông Cao Thuật lại đem rắn ra bìa rừng cách xa nhà hàng chục kilomet để thả. Nhưng, lạ thay, cứ ban ngày mang vào rừng thả thì ban đêm gia đình ông Cao Thuật lại thấy chú rắn này đang nằm vắt vẻo trên trần nhà. Quyết định lần thứ 5, ông Thuật mang con rắn đến một khu hoang vu cách nhà mình ở 30km nhưng khi ông chưa về đến nhà thì lại thấy chú rắn này đang đứng đợi ở cổng. Thấy vậy, ông Thuật quyết định để rắn lại nuôi nhưng trong lòng vẫn mơ mơ hồ hồ với nhiều nỗi xáo trộn khó cắt nghĩa.

Bia thờ thần rắn nằm giữa giếng nam và giếng nữ, quanh năm nghi ngút khói.

Cũng là cháu đời thứ 4 đồng thời là người chịu trách nhiệm bảo quản gia phả sắc phong thần rắn cũng như kiệu rắn, ông Cao Văn Nguyệt kể rành rọt rằng: “Bố tôi bảo, ngày nào ông tổ Cao Thuật đi làm đồng, rắn thần cũng bò theo sau, có hôm thì nằm vắt vẻo trên vai ông tổ. Sau 2 năm nuôi nấng thì kích thước của thần rắn to lên một cách thần kỳ, nặng 30kg, nuôi đến năm thứ 3 thì nặng gần 50kg. Mọi buồn vui của gia đình ông tổ Cao Thuật ngày ấy, rắn thần đều biết và quay về báo mộng cho người thân.”

“Có lần ông tổ tôi nằm mơ thấy rắn rập đầu lia lịa nhất quyết muốn ông tôi phải nhận rắn làm con và thương như con, vừa lạy, rắn vừa khóc tơi tả, khi tỉnh dậy ông tổ cao Thuật thấy rắn đang quấn chặt lấy người mình, mắt rắn lệ đang tuôn. Trong cơn mộng, ông Thuật và rắn nói chuyện với nhau như hai cha con bình thường vậy.

Có lần ông tổ cứ nhất quyết muốn lên đỉnh núi Ái Nàng đào củ mỳ nhưng rắn cứ quấn chặt lấy chân và rỏ nước mắt lên mặt ông tổ suốt đêm với ý bảo không đi, có nguy hiểm. Y như rằng mấy ngày sau, tại vị trí ông tổ định đi, xuất hiện mấy con cọp dữ nuốt sống mấy người trong làng đi rẫy”- Ông Nguyệt quả quyết. Không giống như rắn bình thường, chú bạch xà này đến bữa thì bò vào mâm cơm, khi cơm xới ra bát thì mới chịu ăn chứ rất ít khi ăn các loại côn trùng.

Vẫn theo ông Nguyệt thì năm ông Cao Thuật tròn 75 tuổi thì bị bệnh phổi nặng nên có tháng phải nằm uống thuốc liên tục 20 ngày, trong 20 ngày đó, “bạch thần xà” đêm nào cũng trò chuyện động viên cha nuôi thông qua giấc mộng. Dường như bạch xà cũng biết nôn nao lo lắng và buồn bã nên khi ông Thuật qua khỏi cơn bạo bệnh thì rắn cũng sụt mất gần 10kg.

Cuộc chia tay đẫm đầy nước mắt của cha là người – con là rắn

Khi rắn thần lên 10 tuổi thì trọng lượng đã lên đến 80kg, chiếc mào trên đầu to như chiếc tai voi. Thỉnh thoảng rắn thần còn rung mào và phát lên tiếng gáy vào mỗi buổi sáng mai như tiếng gà vậy. Ông Nguyệt tâm sự rằng: “Ông tổ tôi truyền lại rằng, có nhiều lần rắn bị ốm, ông tổ bế mãi cũng chẳng được vì nặng quá. Lúc này, ông Thuật tuổi đã cao không còn đủ sức nuôi rắn thần. Hơn nữa ông lại trộm nghĩ rắn đã trưởng thành thì nên đưa về thần sông, thần rừng để cư ngụ và cai quản, như thế sẽ thuận tiện hơn.

Sau nhiều đêm trằn chọc, đắn đo, ông Cao Thuật quyết định giãi bày ý nguyện của mình với con nuôi là “thần xà”, ông nói: Cha thương con chẳng khác gì khúc ruột của mình rứt ra. Nhưng cha già rồi chắc chẳng còn sống được bao lâu nữa để sát cánh bên các con. Giờ con đã lớn, bố đưa con ra sông Mã để con chọn nơi đậu lại và cai quản. Nói ít, hiểu nhiều rắn gục đầu vào lòng ông Thuật liên tục nhiều cái. Ngay trong đêm đó, cha con ông Thuật tức tốc vào rừng chặt gỗ đóng một chiếc kiệu để cung tiễn thần rắn về rừng, về sông cho trang trọng.

Chiếc kiệu rắn vẫn được lưu giữ như báu vật trong nhà ông Nguyệt.

Sau khi đóng xong kiệu, cả nhà ông Thuật mở một bữa tiệc rượu, hôm đó “thần xà” hút rượu như hút nước. Tuy nhiên khi phải mất nhiều ngày và một số nơi, rắn mới chọn được vực Cả để ở lại. Theo ông Nguyệt thì đêm đó rắn về báo mộng là sở dĩ chọn vực Cả để sinh sống vì ở đó chưa có vị thần nào cai quản cả nên “thần xà” sẽ cai quản và phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt. Thần rắn bảo nơi chọn là lãnh địa xấu nhất tuy nhiên phước lành sẽ được ban phát nhiều nhất.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Cao Văn Nguyệt kéo chúng tôi đến bên chiếc kiệu rắn, đã được đóng cách đây rất lâu nhưng chưa hề có dấu hiệu mục dã. Ngay trên trần nhà của ông Nguyệt treo lơ lửng chiếc đế kiệu, ông Nguyệt bảo nhiều đêm bỗng thấy nhà sáng choang và “thần xà” ghé thăm nằm vất vưởng trên đế kiệu đó. Mà lạ thay, cả kiệu lẫn đế chỉ để im vậy, không cần bảo quản nhưng vẫn không có dấu hiệu cũ kỹ đi.

Lới hứa báo ân linh nghiệm và cặp giếng tiên kỳ lạ

Lật cuốn gia phả, con cháu nhà họ Cao chỉ cho chúng tôi xem những dòng Hán tự xưa cũ và diễn giải: “Chúng tôi nhờ người giỏi tiếng Hán họ dịch rằng: “Rắn tồn tại và làm được mọi việc như một người bình thường, có mọi khả năng cảm nhận cuộc sống cũng như suy nghĩ của con người”.

Bà Nguyễn Thị Linh, một trong những già làng chỉ vào hai chiếc giếng tiên khẳng định: “Nhà tôi cũng đào một cái giếng bên cạnh giếng tiên nhưng không bao giờ có nước cả. Mùa khô năm 2001 và 2004, khắp đồng ruộng vùng cao xứ Mường này đều lâm cảnh hạn nặng, dân làng cầu thần rắn thế là bỗng nhiên suốt 3 đêm liền giếng tiên phun nước ào ạt tưới tắm cho khắp các cánh đồng tươi xanh trở lại”.

Chính hai chiếc giếng tiên cũng được nứt ra từ hai tảng đá vào những ngày khô khốc khi ông Thuật gượng hết sức mình, thắp nhang báo hiệu cho con biết cần sự giúp đỡ. Thấu hiểu câu chuyện và nỗi khó khăn dân làng đang gặp phải. Ngay trong đêm đó “thần xà” về hỏi ông Thuật: “Công cha trả mãi cũng chẳng bao giờ hết được. Vậy, giờ đây cha cần trả ơn hay có ước nguyện gì trước lúc nhắm mắt thì con sẽ đáp ứng ngay”. Nghe con trai “thần xà” nói vậy, ông Thuật giãi bày ngay là muốn có hai cái giếng quanh năm nước tuôn trào lên và trong xanh ngăn ngắt.

Hiện nay, trong cuốn gia phả họ Cao vẫn còn ghi rõ, sau khi rắn nhận lời thì về đào một con đường hầm thông từ sông Ngang (sông Bưởi) để dẫn nước về làng. Hôm đó, làng Chiềng tự nhiên tối sầm, giữa hai tảng đá lớn nhất ở trung tâm làng bỗng nhiên phun lên hai vòi nước. Nước chảy ngày càng mạnh, lỗ phun nước ngày càng rộng ra, cá tôm tuôn theo dòng nước, khắp làng trên, xóm dưới ra vớt về ăn cả tuần mới hết.

Ngày ông Cao Thuật trút hơi thở cuối cùng, trời bỗng tối lại. Mây kéo đến, gió giật mạnh làm rung chuyển khắp các cánh rừng già. Trong đêm khâm liệm ông Thuật, tất cả người nhà và dân làng đều thấy rắn nằm trên kèo nhà, nước mắt chảy ròng ròng đỏ như máu. Vừa khóc rắn vừa gục đầu lạy cha. Từ đó, chiếc giá đỡ kiệu khiêng rắn được để ngay trên trần nhà, chỗ rắn nằm. Mỗi dịp giỗ cha, rắn lại về đó nằm khóc thâu đêm.

Các cụ cao niên làng Chiềng cũng cho biết, mới đây năm 2009, hạn hán kéo dài, dân làng đói khổ, xin thần rắn thì ngay lập tức đêm đó giếng tiên phun nước mãi không ngớt. Cũng trong một buổi kêu cầu thần rắn năm 2012, cả làng Chiềng bỗng giật mình khi thấy thần xà nằm trên khung kiệu nhà ông Nguyệt lúc mất điện.

Gia phả sắc phong thần rắn đóng ngọc tỷ của vua Nguyễn được lưu giữ ở làng Chiềng.

Ông Cao Viết Cẩm (64 tuổi), người phụ trách cai quản hai chiếc giếng tiên hơn 30 năm nay khẳng định: “Lạ lắm, trước thì tôi không biết nhưng từ khi tôi sinh ra đến nay, hai cái giếng này không bao giờ cạn nước cả. Mà nước trong giếng ngọt một cách lạ thường, có hàng ngàn hộ dân chỉ việc ra giếng gánh nước về uống mà chẳng cần phải đun sôi gì. Mùa đông, nước bốc hơi ấm, mùa hè mát rượi.

Trung bình mỗi buổi sáng sớm mùa đông có hàng ngàn người làng ra múc giếng tắm. Nhiều người đang bệnh nặng sau khi tắm nước giếng tiên đã khỏe ra, ví dụ như ông Nam, ông Biểu… Để nhớ ơn rắn, chúng tôi đã cho xây một miếu thờ quanh năm khói nhang cho “thần xà”.

Câu chuyện trên của ông Cẩm được ông trưởng thôn Chiềng và các cao niên trong làng xác nhận là đúng sự thật, giếng không bao giờ cạn, dẫu chỉ sâu hơn 1m, rộng chưa đầy 3m2

Bổ sung cho ý kiến của ông Cẩm, ông Nguyễn Biểu nói thêm: “Năm 2010 tôi và đứa cháu ngoại bị bệnh viêm dạ dày, sau khi ra giếng này kêu cầu và múc nước về uống suốt một tháng thì bỗng nhiên bụng không còn đau nữa”.

Cây cối quanh giếng cũng mang hình thần rắn

Ông Nguyễn Nội (năm nay 80 tuổi) cũng như ông Cẩm hầu như đêm nào cũng ra bên giếng ngồi để xem thêm cái sự lạ suốt bao đời nay. Ông Nội tâm sự rằng: “Mới mùa hè năm 2011 chúng tôi đang hóng mát bên giếng thì bỗng nhiên giếng phun lên một ngọn nước cao 5m suốt đêm vậy. Mùa hè năm ngoái cũng là một mùa khô khủng khiếp của Cẩm Quý. Tất cả các giếng khác trong làng đều không có hiện tượng này bao giờ hết. Có đợt tất cả các giếng trong làng cạn khô nhưng giếng tiên vẫn phun nước ào ào”.

Ông Trần Văn Năm, Đội sản xuất HTX dịch vụ nông nghiệp Cẩm Quý xác nhận thêm rằng: “Thường mỗi khi đồng ruộng khô hạn thì dân làng lại lập đền thờ kêu cầu thần rắn. Người đứng ra lên đồng và kêu đều là con cháu dòng họ nhà ông tổ Cao Thuật cả. Nếu là người khác kêu thì nhất định nước giếng đêm đó sẽ không tuôn trào như bình thường”.

Ông Năm nhớ lại, năm 2005, một người không phải họ Cao kêu cầu thần rắn suốt đêm nhưng không hề có linh nghiệm, trời vẫn nắng chang chang, nước giếng tiên thì im lìm. Đến khi ông Cao Nguyệt lên xin phép mộ tổ và ra xin thì ngay trong đêm đó nước phun ào ạt”.

Theo lời những bậc cao niên thôn Chiềng cũng như các thế hệ dòng tộc họ Cao kể thì tự nhiên bốn góc quanh hai chiếc giếng tiên mọc lên những cây si, cây đa có hình giáng giống y hệt con rắn khổng lồ đang uốn lượn. Trực tiếp mục sở thị chúng tôi thấy quả không sai, bốn cây si quanh giếng có tuổi thọ hơn 200 năm, mỗi một nhánh cây đều cuộn hình rắn lượn.

Chị Nguyễn Thị Lụa nhà ngay cạnh giếng tiên khoe: “Cả họ nhà tôi đều múc nước ở đây về uống chứ không bao giờ cần nước lọc như ở phố. Bão có mạnh đến mấy thì những chiếc cành hình rắn trên cây si cổ thụ này cũng không tài này gãy được. Lạ lắm, những buổi trưa hè, nhìn xuống giếng thấy long lanh huyền ảo như đang nhìn vào cặp mắt rắn khổng lồ vậy.

Xác thực thêm vấn đề trên, ông Bùi Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý cho hay: “Chỉ sâu hơn 1m nhưng nguồn nước ở hai cái giếng này là vô tận. Ngày xưa địa hình còn cách trở, cầu cống ít, mỗi lần qua đò, người Cẩm Quý cứ kêu cầu thần rắn là chẳng bao giờ lo thuyền đắm nữa. Các tài liệu đang lưu giữ tại nhà ông Cao Văn Nguyệt thì đúng là thần rắn được sắc phong “Vương hạ đẳng thần” vào ngày 8-11 năm thứ 3 đời Vua Duy Tân Thuận Trị”.

Hành người tàn ác hóa điên, hóa dại.

Tiến đến bên bàn thờ tổ tiên gia tộc và thần rắn, bà Bùi Thị Tuyết, vợ ông Cao Văn Nguyệt tâm sự rằng: “Tôi là cháu dâu đời thứ 4 của ông tổ Cao Thuật. Chỉ có một năm do bận rộn quá quên không lấy nước từ giếng thần về cúng trong đêm giao thừa mà năm đó làm ăn thất bát, con cháu ốm mãi, đến một ngày thần rắn về báo mộng kêu nước giếng đó là sự kết tinh của đất trời, nhất là trong đêm 30 Tết, uống nước sau khi cúng đó, cơ thể sẽ khỏe mạnh quanh năm”.

Không biết tín ngưỡng và niềm tin này hình thành từ khi nào nhưng suốt bao nhiêu năm qua, cứ đợi đến đêm 30 Tết là tất cả nhân dân Cẩm Quý ra múc một ít nước ở giếng tiên mang về cúng. Trước khi múc, tất cả dân làng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa hát hò, nhảy múa. Sau đó một đại diện của họ Cao cùng với các bậc cao niên trong làng dâng một mâm cỗ gồm một con gà, xôi, hoa quả, một chai rượu làm lễ cúng giếng. Sau khi nước được mang về cúng, qua giây phút giao thừa, khoảnh khắc đầu tiên của năm mới sẽ mang nước xuống để cả gia đình cùng uống  để cả năm đó được khỏe mạnh, thần rắn phù hộ cho đẩy lùi bệnh tật.

Bà Nguyễn Thị Lưu và Nguyễn Thị Chắt, hai người già nhất trong thôn Chiềng kể thêm rằng, hơn 60 năm trước, trong làng này có hai kẻ rất ác ôn, chuyên đi cướp bóc và hãm hiếp dân lành. Có một ngày chúng còn mang cả sự ô uế và những thứ cướp bóc được ra giếng tiên để hả hê, nhảy ùm xuống giếng tắm, từ hôm đó trở đi hai kẻ gian ác kia bỗng nhiên hóa điên, hóa dại cứ lột hết quần áo chạy quanh làng gào thét mấy năm trời. Dân làng mềm lòng rủ tình thương nên đã dâng lễ cầu thần rắn xá tội nên hai kẻ đó khỏi bỏ đi biệt xứ.

Nhớ như in ngày bố mình chết, ông Cao Văn Nguyệt cùng các con, cháu của mình khẳng định với chúng tôi thêm một hiện tượng lạ nữa là: “Năm 2001, bố tôi qua đời trời đang nắng chang chang bỗng đổ mưa xối xả, nước từ giếng tiên phụt lên cao mấy mét, cứ thế nước mưa trên trời lẫn nước giếng trào dâng làm cho cả vùng cao này bị ngập nước cục bộ, sự việc này từ ngàn đời nay chưa từng xảy ra. Lạ hơn nữa, cái huyệt để chôn bố tôi đào từ trước khi trời trút nước nhưng trong lòng huyệt vẫn khô reng, không một giọt nước trong khi xung quanh đều ngập hết.

Cũng giống như ông tổ Cao Thuật, mộ bố tôi sau khi chôn cất thì cứ càng ngày càng to lên, hiện nay giống như một quả đồi nhỏ vậy nên chúng tôi chẳng cất bốc làm gì mà cứ để yên vậy”. Câu chuyện này của ông Nguyệt được các bậc cao niên thôn Chiềng xác nhận là đúng sự thật.

Để minh chứng cho lời mình nói, ông Nguyệt dẫn chúng tôi ra một tổ và mộ cha của mình. Đúng như lời ông nói, cả hai ngôi mộ này đều to lên như một quả đồi nhỏ. Bà Tuyết, vợ ông Nguyệt cũng khẳng định rằng: “Cả làng Chiềng này chỉ có một nhà tôi là khác thường, càng ngày càng to ra”. Ông Cao Viết Cẩm cũng bảo: “Nhiều lần, lúc nửa đêm đi qua nghĩa trang tôi thấy rất rõ hình rắn thần nằm vắt vẻo trên mộ tổ nhà họ Cao. Năm 2009 cái mộ bố ông Nguyệt chỉ nhỏ bằng một nửa thế này thôi”.

Giao thừa năm 2008, người làng Chiềng còn thấy cảnh hai ngôi mộ này bỗng nhiên sáng rực lên suốt hàng giờ đồng hồ sau đó thì rắn thần nhảy múa trên đó. Cháu đời thứ 6 của ông Cao Thuật cùng nhóm thợ xây tu bổ, sửa chữa giếng thần hồi đầu năm 2007 kể tiếp rằng: “Ban đầu chưa làm lễ xin thần rắn, lắp 10 cái máy bơm hút nước cũng không kịp. Sau khi xin thần rắn nước bỗng nhiên không phun lên nữa. Sau khi báo cáo với thần rắn đã tu sửa xong giếng chúng tôi quan sát thấy hầu hết các mạch nước của giếng nam lẫn giếng nữ đều nằm gần trên phía miệng giếng nhưng khi nước phun ra lại không phun thẳng lên mà uốn lượn giống y hình một con rắn vậy”.

Theo người thôn Chiềng, cũng năm 2007, có một đứa trẻ con vô tình tiểu tiện xuống giếng tiên, giếng bỗng nhiên phun lên đục ngầu, cho đến khi cả làng ra xin, nước mới trong xanh trở lại

Hà Văn Đạo
.
.
.