Nỗi đau phía sau nạn buôn người

Nỗ lực trong cuộc chiến lâu dài (Kỳ cuối)

Thứ Hai, 18/07/2016, 15:25
Nhận diện được thực trạng, đánh giá được mức độ nguy hiểm của vấn nạn buôn người qua biên giới, các cơ quan chức năng đã tích cực nhập cuộc. Song với nhiều khó khăn, vướng mắc thì cần lắm những cái bắt tay thật chặt từ phía các cơ quan hữu trách nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân vùng cao các tỉnh vùng núi phía Bắc. Đặc biệt là những địa bàn nóng.


Tìm rõ nguyên nhân

Từ thực tế tìm hiểu các gia đình nạn nhân, dõi theo các chuyên án lớn của Công an tỉnh Lai Châu, Sơn La, cho thấy việc tìm ra nguyên nhân để từ có có những biện pháp giải quyết vấn nạn buôn người là vô cùng cần thiết.

Cơ quan chức năng xác định, xuất phát từ vấn đề lợi nhuận lớn từ hoạt động mua bán người, nên các đối tượng phạm tội đã tìm đủ cách len lỏi, lợi dụng người dân ở vùng núi cao để hoạt động. Các đối tượng phạm tội, thực chất là những kẻ thiếu việc làm, gặp bất hạnh trong cuộc sống nên nảy sinh tà tâm.

Thiếu nữ vùng cao dễ bị lừa bán qua biên giới.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội còn nhiều bất cập, sơ hở, cụ thể là quản lý khu vực biên giới, xuất nhập cảnh, lao động còn nhiều sơ hở. Lực lượng chức năng phòng chống tội phạm mua bán người đang còn thiếu, kinh phí phương tiện còn hạn chế.

Đối với các nạn nhân, do trình độ dân trí thấp, nhận thức lạc hậu, phong tục tập quán, nhẹ dạ cả tin nên dễ bị bọn tội phạm lừa bán sang Trung Quốc. Đó là chưa kể đến công tác hợp tác với Công an Trung Quốc đang còn hạn chế nên công tác phòng chống tội phạm mua bán người, bảo vệ, giải cứu, hồi hương nạn nhân hiệu quả chưa cao.

Đại tá Nguyễn Văn Hiện - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) - Công an Lai Châu thống kê từ năm 2005 đến nay tỉnh đã xảy ra 127 vụ mua bán người, 203 đối tượng, 214 nạn nhân (phụ nữ 144, trẻ em 70). Hiện trên toàn tỉnh có 940 phụ nữ, trẻ em vắng mặt khỏi địa bàn không rõ đi đâu, nghi bị sang biên giới lấy chồng Trung Quốc.

Hay tại Điện Biên, thống kê 5 năm gần đây, lực lượng chức năng phát hiện 48 vụ mua bán người với 115 nạn nhân, chủ yếu số nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và bán sang Trung Quốc.

Vụ mua bán người sang Trung Quốc với 15 nạn nhân bị mua bán. Qua làm việc với các điều tra viên, nhận thấy nhiều đối tượng phạm tội đã tái phạm nhiều lần, hành xử theo lối "ngựa quen đường cũ".

Cũng bởi trong quá trình hoạt động, chúng còn câu kết với các đầu nậu bên kia biên giới, thường là chủ các động mại dâm. Có đối tượng còn được đầu nậu ứng trước tiền, khuyến khích để quay về nước tìm nguồn đưa sang.

Nhận thấy rõ những điều ấy, Thiếu tá Hà Thái Hoàn, Phó trưởng Phòng PC45 Công an Lai Châu cho rằng: "Lực lượng Công an cần triển khai nhiều mặt công tác trong nghiệp vụ, quản lý và lập đường dây theo dõi các đối tượng chuyên mua bán phụ nữ, trẻ em. Một khi đã nhận diện được nguyên nhân, thì cần tìm phương án để khắc phục một cách tốt nhất".

Đồng quan điểm ấy, Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng Phòng PC45 Công an tỉnh Sơn La cho biết thêm, nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán đều sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhận thức cũng như trình độ dân trí hạn chế, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm, hoàn cảnh éo le... Họ cũng nhẹ dạ, cả tin nên dễ bị bọn tội phạm lừa gạt mua bán ra nước ngoài.

Vô vàn khó khăn

Dẫu đã biết được nguyên nhân, và phải khẳng định nỗ lực từ các cơ quan chức năng, mà nòng cốt là lực lượng Công an, Biên phòng, nhưng hiệu quả còn khiêm tốn. Theo tìm hiểu của phóng viên, công tác đánh án phải trải qua vô vàn khó khăn. Ở các vùng núi cao, đường biên giới dài với nhiều đường tiểu ngạch, sông suối, địa bàn giao thông đi lại khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế.

Cuộc sống nghèo khổ, nhiều phụ nữ ở Lai Châu là nạn nhân của nạn buôn người.

Tình hình xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp; lượng lớn phụ nữ trong độ tuổi lao động không có công việc làm ổn định; sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là sức hút cho bọn tội phạm hoạt động; Công tác quản lý đối tượng lạ mặt từ nơi khác đến hoặc đối tượng người người địa phương đi nơi khác lừa mang phụ nữ, trẻ em đi bán còn nhiều bất cập, hạn chế. Thậm chí, nhiều bản phụ nữ cứ sểnh ra là mất tích.

Thượng tá Nguyễn Văn Thành cho biết: "Trên địa bàn Sơn La hiện nay còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em có thông tin đang ở bên Trung Quốc, nhưng không có địa chỉ cụ thể nên không giải cứu được. Có trường hợp nạn nhân đã bị đưa sâu vào lục địa nên không có điều kiện để giải cứu.

Một số nạn nhân tuy đã được giải cứu trở về nhưng họ lại không biết rõ đối tượng lừa họ vì các đối tượng đã sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả nên không xác minh được. Việc đấu tranh mở rộng án, thu thập tài liệu chứng cứ trong các vụ mua bán người cũng khó khăn do việc mua bán giữa các đối tượng với nhau nạn nhân không biết".

Cũng nhận định công tác đấu tranh với tội phạm ngày càng trở nên phức tạp, cam go, Trung tá Lù Văn Thưởng, Phó trưởng Công an huyện Mường Chà (Điện Biên) cho rằng, các đối tượng phạm lợi dụng, câu kết với nhiều người khác là anh em trong họ mạc.

Từ các mối quan hệ phức tạp đó, nhiều đối tượng đóng giả là nam giới chưa vợ đi sâu vào các bản vùng sâu để "tìm vợ", lợi dụng những người phụ nữ nhẹ dạ vào lừa đảo.

Một trong những điển hình ở Lai Châu mà chúng tôi tìm hiểu được, là ba đối tượng Tòng Thị Xuân, Tòng Thị Giót, Lù Thị Sinh (đều trú tại huyện Tân Uyên) đã đưa hai em gái là họ hàng đi lấy chồng bên kia biên giới để được hưởng từ các em, mỗi người 20 triệu đồng. Song hành vi của kẻ phạm tội đã bị bại lộ và bị bắt giữ.

Trước vấn nạn này, Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu thốt lên: "Qua thực tiễn đấu tranh, chúng tôi nhận thấy việc lợi dụng họ hàng, câu kết các nhóm đối tượng để lừa gạt xảy ra nhiều, gây khó khăn cho công tác điều tra. Thậm chí có người từng là nạn nhân, sau đó đã bị lợi dụng, trở thành người tiếp tay cho kẻ phạm tội".

Tăng cường công tác đấu tranh

Tội phạm mua bán người sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến lực lượng chức năng ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La đã phải liên tục xốc lại công tác tuyên truyền, đánh án. Đại tá Nguyễn Văn Đức, Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La cho rằng: "Cần chủ động nắm chắc tình hình, tích cực lập các chuyên án đấu tranh với các đối tượng này trên địa bàn biên giới.

2 đối tượng Hoàng Thị Liên và Tẩn Thị Mủi (từ phải qua trái) tại cơ quan CSĐT.

Chúng tôi phối hợp với các cấp, ngành, các lực lượng tổ chức xét xử lưu động đối với các đối tượng mua bán người tại khu vực biên giới để bà con nắm được phương thức và âm mưu của bọn tội phạm, vừa giáo dục răn đe. Đồng thời cũng tổ chức tuyên truyền bà con nêu cao cảnh giác".

Trong Hiệp định song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, về công tác tăng cường phòng chống mua bán người giai đoạn (2011-2015), Thiếu tướng Lê Văn Bảy, Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cũng thừa nhận nhiều khó khăn phức tạp, đòi hỏi lực lượng Công an phải chủ động hơn nữa trong công tác tuyên truyền, đấu tranh, phối hợp với lực lượng Biên phòng, Công an các tỉnh lân cận để có hiệu quả nhằm giảm thiểu số nạn nhân bị đưa qua biên giới. Đây là cuộc chiến cam go đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ.

Một trong những động thái tích cực, là trong thời gian gần đây, nhiều đường dây buôn người lớn bị bóc gỡ. Tiêu biểu như đầu tháng 6-2016, một đường dây buôn người xuyên quốc gia đã bị lực lượng Công an Quảng Ninh triệt phá.

Hai nạn nhân là hai cô gái trẻ, đẹp người đẹp nết Lò Thị Xong (SN 1995) và Lò Thị Môn (SN 1996, cùng ở xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn La). Các đối tượng bị bắt gồm Lường Văn Nọi và Lò Văn Chươi cùng ở xã Chiềng Sinh (Tuần Giáo, Điện Biên); Lò Văn Hải, ở xã Phiêng Pằn (Mai Sơn, Sơn la). Theo các trinh sát, vụ án mở ra từ tiếng kêu cứu của hai cô gái trẻ trên một chuyển xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh).

Hai cô gái trẻ đã được giải cứu, các đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý nghiêm minh. Nhưng điều đó cho thấy nguy cơ phụ nữ, thiếu nữ xinh xắn bị "bốc hơi" khỏi bản làng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Từ thực tiễn, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần nhập cuộc vừa tạo việc làm, dạy nghề cho lao động địa phương, nhất là chị em phụ nữ. Mặt khác, cần tuyên truyền, phối hợp với Hội phụ nữ giúp chị em nâng cao nhận thức, không mắc bẫy bọn tội phạm.

Nỗi đau nơi các bản làng chưa vơi cạn. Những ánh mắt của những người phụ nữ lâm vào hoàn cảnh éo le đầy ám ảnh nhìn khi chúng tôi về xuôi. Mong rằng, sự nỗ lực của các lực lượng chức năng trong thời gian tới sẽ giúp các bản làng trở nên bình yên, để nhiều bậc cha mẹ không phải uất nghẹn trước nỗi đau mất con. Những người chồng không phải vò võ nuôi con một mình vì mất vợ.

Lộc Quang
.
.
.