Kỳ lạ làn điệu 36 năm được hát một lần

Thứ Ba, 25/02/2014, 11:00

Ít ai biết từ xa xưa giữa lòng Thủ đô đang tồn tại một làn điệu dân ca nghi lễ cổ cực kỳ độc đáo. Là một thể loại ca cung đình nhưng phải 36 năm, làn điệu này mới được vang lên một lần và tất cả những người hát phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Trong đời mỗi con người may mắn cũng chỉ được hát hoặc nghe hát nhiều nhất là 2 lần. Vì lời nguyền, vì chiến tranh loạn lạc tưởng chừng làn điệu độc đáo này đã biến mất. Thế rồi người phụ nữ ấy đã dũng cảm bước qua lời nguyền, vượt mọi khó khăn để hồi sinh làn điệu độc đáo có một không hai này.

Món quà thánh 36 năm chỉ hát một lần

Ở xứ Đoài này ai mà không biết ngôi làng nhỏ Liệp Tuyết nằm lặng lẽ bên dòng sông Tích thơ mộng. Bao đời nay họ nghèo. Họ chỉ được người ta biết đến bởi nét văn hóa độc đáo là hội Dô và nghệ thuật hát Dô. Hội Dô đặc biệt bởi chỉ 36 năm mới tổ chức một lần và nghệ thuật hát Dô cũng chỉ được vang lên trong những ngày lễ hội ấy.

Xưa kia, Đức Thánh Tản ngao du dọc sông Tích, từ Sơn Tây, qua Thạch Thất rồi đến Lạp Hà (Liệp Tuyết ngày nay). Ngài thấy đây là vùng đất trù phú, dân cư lại thưa thớt, còn chưa biết cày cấy. Ngài bèn ngự lại, cho dân hạt giống và dạy cày cấy. Khi nhân dân đã thuần thục, ngài bỗng dưng ra đi chỉ để lại lời nhắn "khi nào lúa chín sẽ quay trở lại". Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống ngày một sung túc nhưng hết mùa lúa này sang mùa khoai khác không thấy Đức Thánh Tản trở lại.

Đúng 36 năm sau Ngài trở lại và tập hợp nam thanh nữ tú chưa dựng vợ gả chồng để dạy hát (gọi là hát Dô). Nhân dân vui mừng, mở hội tưng bừng đàn ca suốt 5 ngày. Khi những màn múa hát còn chưa kết thúc, trai gái trong làng vui đùa bỏ phân cò vào miếng trầu của Ngài giả làm vôi. Sau khi biết ngài bèn nổi giận bỏ đi từ đó không bao giờ trở lại. Để tỏ lòng biết ơn, sự thành kính nhân dân trong làng cứ 36 năm lại tổ chức lễ hội một lần. Điều đặc biệt những lời hát Dô được cất giữ vô cùng cẩn thận. Toàn bộ được ghi chép và khóa chặt trong một chiếc hòm tại đền thờ của làng. Và 36 năm sau đến ngày lễ hội nhân dân mới làm lễ mang ra tập và hát.

Một buổi tập hát Dô cuả câu lạc bộ xã Liệp Tuyết.

Cụ Nguyễn Văn Thắng (80 tuổi) kể: "Từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng (Âm lịch) của 36 năm kế tiếp hội hát Dô bắt đầu rộn ràng. Cuộc đời con người may mắn lắm mới được xem hội Dô và hát Dô 2 lần, có những người chẳng bao giờ được thưởng thức cả. Giai điệu, lời bài hát và hội Dô chúng tôi cũng không biết rõ chính xác từ bao giờ. Chỉ biết nó như một truyền thuyết". Trong buổi lễ Đám rước đi thành một đoàn dài gồm các thôn nối tiếp nhau theo thứ tự đã sắp xếp trước.

Đại Phu là thôn anh cả đi đầu, rồi đến thôn anh hai là Vĩnh Phúc, sau là các thôn Bái Nội, Bái Ngoại, Thông Đạt, Đồng Sơn. Đám rước đi trong rừng cờ, cầm lọng là một người trạc tuổi 17 - 18, đầu quấn khăn lượt, trong áo trắng, ngoài áo the đen, quần trắng, chân quấn xà cạp mầu đỏ, hoặc giày vải.

Thanh nữ cũng mặc quần áo như những người khênh kiệu rước cờ rước lọng, nhưng chân không quấn xà cạp. Nội dung hát Dô phản ảnh nhận thức của con người Lạc Việt về thiên nhiên và cả những mơ ước về một cuộc sống ấm no. Nó còn là những làn điệu trữ tình về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc gia đình và cả lễ giao thời phong kiến.

Điều đặc biệt những ngày bình thường không ai được mang lời hát Dô ra tập, thậm chí người thuộc cũng không được hát. Người trong làng truyền nhau rằng, nếu có ai đó chỉ nghêu ngao hát vài ba câu cũng là phạm phải lời nguyền. Những người này sẽ mắc bệnh mà chết, không thì cũng bị câm, điếc hay sống đời vô cảm. Chính vì vậy hát Dô được truyền tụng như "món quà thánh", nhưng gắn liền với làn điệu đẹp ấy lại là lời nguyền chỉ 36 năm mới được hát một lần đã khiến đôi lúc tưởng chừng nó đã bị thất truyền.

Người xóa bỏ lời nguyền

Đến Liệp Tuyết những ngày đầu xuân du khách thập phương lại được đắm mình vào những làn điệu hát Dô mượt mà nhưng rất đỗi mộc mạc. Hát Dô tồn tại cho đến ngày nay, công đầu phải nhắc đến là bà Nguyễn Thị Lan. Câu chuyện khôi phục, tìm kiếm lời hát cổ, và xây dựng Câu lạc bộ hát Dô của bà cũng thật gian truân.

Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục các bạn trẻ này mới dám bước qua lời nguyền năm xưa.

Lần tổ chức Hội hát Dô cuối cùng vào năm 1926, vì vậy bà Lan chưa một lần chứng kiến hội hát Dô nhưng đồn đại về lời nguyền hay người dân vẫn gọi là "lời hèm" của làn điệu này thì bà đã chứng kiến nhiều. Thế mới hiểu tại sao người dân Liệp Tuyết sợ lời nguyền đến vậy, không ai đủ can đảm bước qua lời nguyền để phổ biến làn điệu đặc biệt nơi xứ Đoài này. Thế mới biết vì sao hát Dô lại có những lúc tưởng như biến mất.

Những năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước hát Dô gần như mất hút. Niềm đam mê nghệ thuật, ước mơ giữ được nét đặc sắc cho quê hương bà Lan quyết tâm vượt qua lời nguyền. Năm 1989 bà bắt đầu cuộc hành trình khôi phục. Ngày ấy bà lang thang khắp vùng tìm lại những nghệ nhân đã từng tham gia hội hát năm 1926, do các cụ đã lấy chồng thiên hạ nên việc tìm và gặp là điều không đơn giản.

Cuộc tìm kiếm như vào ngõ cụt thì bà được mách 3 cái tên là cụ Tạ Văn Lai, Kiều Thị Nhuận và Đàm Thị Điều là những người còn sót lại ở Hội hát Dô cuối cùng năm 1926. Bà Lan xúc động kể lại: "Các cụ đã già, không còn răng nữa, tuy vẫn còn rất tinh tường nhưng giọng hát thì nghe không chính xác được, tôi đành nhờ các cụ đọc rồi chép ra giấy. Điều lạ lùng, cứ cụ nào dạy tôi xong là cụ ấy quy tiên. Trong 3 cụ, cụ Điều là người nhớ được nhiều nhất. Tôi nhớ là chép được hơn 5 trang giấy do cụ Điều đọc. Khi tôi mang về nhà học thuộc thì cụ Điều cũng mất". Mới đây, người Liệp Tuyết đã tình cờ tìm thấy cuốn sách bằng chữ Hán ghi lại toàn bộ nội dung 36 làn điệu hát Dô và văn tế đền Khánh Xuân. Bà Lan kể tiếp: "Sau khi dịch sang tiếng Việt, toàn bộ nội dung bà được cụ Đàm Thị Điều dạy vào những ngày cuối đời không sai một chữ nào".

60 năm trôi đi trong chiến tranh loạn lạc, những điệu hát Dô cổ độc đáo chỉ còn là ký ức hiếm hoi. Chẳng biết vì cơ duyên hay vì quá đam mê sự lôi cuốn của chính những làn điệu truyền thống, bà Nguyễn Thị Lan vượt qua cả những điều cấm kỵ nhất của làng quê khôi phục những điệu Dô cổ, rồi tỉ mỉ ghi chép và thuyết phục các bậc cao niên truyền lại cho lớp trẻ. Từ những khó khăn ban đầu, sự dũng cảm vượt qua của bà Lan mà người dân Liệp Tuyết như sống lại trong một bầu không khí hoan hỷ, họ như cởi bỏ được biết bao gánh nặng lời nguyền. Và giờ đây, các nam thanh nữ tú lại được cất cao lời hát của quê hương mình.

Một nghệ nhân đang truyền lại những điệu muá và làn điệu hát Dô cổ cho thế hệ sau.

Từ năm 2000 đến nay, Câu lạc bộ hát Dô ở Liệp Tuyết của bà Lan vẫn duy trì 20 thành viên. Có những gia đình bán đi cả 3 sào lúa vừa thu hoạch để sắm sửa quần áo tư trang cho con đi hát. Giờ đây, ở Liệp Tuyết được đi hát Dô là cả niềm tự hào không chỉ bản thân mà cả dòng họ. Không tự hào sao được khi tiếng hát Dô đã đến hầu hết các tỉnh Tây Nguyên và các hội diễn lớn Thủ đô, thậm chí xuất ngoại sang Malaysia. Thế nhưng điều người dân còn trăn trở, còn mơ ước vẫn là tổ chức được một lễ hội Dô chính thức. Hội Dô lần cuối diễn ra vào năm 1926, đáng lẽ phải được tiếp tục vào năm 1962 và năm 1998. Khi hát Dô thực sự trở lại thì người Liệp Tuyết phải chờ đến năm 2034 mới mở hội. Quãng thời gian không ngắn nhưng người Liệp Tuyết vẫn chờ, vẫn hát, vẫn quyết giữ tiếng hát quê hương.

Chia tay chúng tôi, bà Lan lắc lư điệu hát quê mình tặng khách: "Trúc trúc mai mai/Nào khi trúc trúc mai mai/Rồng ra là ra giãi nắng/Cú (a) ngồi ngồi ngoài mưa/Kẻ đón người đưa/Còn duyên kẻ đón người đưa, còn duyên kẻ đón người đưa/Hết duyên ấy thì duyên đi sớm về trưa trưa mặc lòng/Thương kẻ ăn đong, rốc bồ thương kẻ ăn đong/Có chồng thương kẻ đứng đồng đồng mà nom/Thấy mặt nhau luôn, làm cho thấy mặt nhau luôn/Thấy thì thì khỏe mạnh, thuốc tiên thuốc tiên nào bằng/Cởi áo lại đây, chàng về cởi áo lại đây/ Áo thì thì thiếp mặc, gối mây, gối mây đợi chờ...".

Đội hát của bà Nguyễn Thị Lan sẵn sàng phục vụ những hội nghị của ủy ban, các dịp lễ Tết của quê hương, tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng do tỉnh tổ chức và đạt được những giải thưởng cao: Năm 1995 chị Kiều Thị Duyên đạt Huy chương Vàng giải do tỉnh tổ chức, năm 1996 đội đạt Huy chương Bạc, năm 2003 tại cuộc thi văn nghệ quần chúng Làng văn hóa đạt: 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, năm 2007 đạt 1 Huy chương Vàng cá nhân, 1 Huy chương Vàng tập thể.

Gần đây bà Lan cũng được đi tham dự Hội thảo quản lý phong tục truyền thống ở châu á được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 25 đến ngày 29 tháng 5 năm 2008. Năm 2003 bà đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng khen đã có công khôi phục và duy trì hát Dô.

Phong Anh
.
.
.