Phong tục cho và nhận con của người Dao:

Kỳ lạ một phong tục nhân văn

Thứ Tư, 27/02/2013, 16:14

Cuộc sống hiện đại đã xảy ra quá nhiều tranh cãi việc đối xử, phân chia tài sản giữa con nuôi và con đẻ. Đã có biết bao "thương vụ" bán con lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Còn đó những câu chuyện đau lòng bắt cóc trẻ sơ sinh khiến dư luận hoang mang. Thế nhưng những câu chuyện của người Dao tiền huyện Đà Bắc, Hòa Bình lại như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường đầy ắp tính nhân văn.

Bao đời nay họ vẫn duy trì phong tục: nhà nào không có con thì đều được anh em, hàng xóm tìm đến tận nơi mà bảo: "Nhà mày không có con thì tao cho một đứa mà nuôi". Thậm chí cả những nhà sinh con một bề cũng được nhà có đủ nếp đủ tẻ san sẻ phúc đức. Điều đặc biệt những đứa con nuôi được đối xử và quyền lợi không khác gì con đẻ.

Phong tục đầy nhân văn

Từ trung tâm huyện Đà Bắc chúng tôi được các cán bộ văn hóa của huyện cảnh báo trước về sự khó khăn để tới xã Tân Minh. Ông Đinh Hồng Cấm cười nói: "Đường lên đó khó đấy, nhưng lên đó rồi lại thấy thật đẹp và thanh bình. Người Dao ở Đà Bắc đều có tục cho và nhận con đầy nhân ái, yêu thương mà hiếm đâu có được! Hiện nay ở xã Tân Minh là điển hình nhất, còn giữ được nguyên vẹn phong tục tốt đẹp này". Sau Những con dốc dựng đứng, khúc cua đột ngột cộng chúng tôi cũng tới được xã Tân Minh. Những ngôi nhà sàn gỗ lấp ló, nằm chon von trên những đỉnh núi cao khiến nơi đây thật thanh bình.

Biết chúng tôi tìm hiểu về tục cho và nhận con của người Dao tiền cán bộ văn xã Hà Văn Liệu cởi mở: "Cả năm dân tộc Kinh, Tày, Mường, Dao, Thái cùng chung sống trên địa bàn 100% là núi rừng xã Tân Minh. Người Dao sống tập trung ở bản Yên, bản Tát và bản Diều Luông. Tục cho và nhận con nuôi của người Dao ở đây lạ lùng lắm anh chị ơi!".

Nếu bản Yên, bản Tát đã hạ sơn xuống gần đường nhựa thì bản Diều Luông vẫn nằm tít tắp trên núi cao, rừng sâu. Từ trung tâm xã Tân Minh đến bản Diều Luông cũng mất hàng giờ đi bộ. Anh Liệu chỉ tay lên con dốc lởm chởm đá và đất nói: "Đây là con đường độc đạo đi lên bản Diều Luông. Chúng tôi cũng cho đổ đất để bà con đi lại dễ dàng nhưng đến mùa mưa nước lại xói mòn làm trơ những hòn đá tảng lên đấy".

Tiếp chúng tôi là già làng Hà Văn Tom, đã cập kề tuổi 90 nhưng già vẫn còn tinh anh và tráng kiện lắm. Đi gần hết cuộc đời, gần hết các dãy núi nơi đây nhưng già vẫn chưa một lần xuống thành phố. Ngâm nga bi thuốc, rồi khề khà chén rượu già Tom cười nhăm nhúm: "Cái tục này của người Dao tiền nhà già có từ lâu lắm rồi. Lâu đến thế nào thì không ai biết được đâu, chỉ biết là thời bố mẹ, ông bà của già cũng đã đi xin, đi nhận con nuôi rồi. Chả hiểu sao người Dao của già, nhiều nhà không có con lắm, nên là phải đi xin con về nuôi. Mà nhà nào có con một bề thì cũng phải đi xin thêm cho đủ nếp đủ tẻ, thế mới gọi là hòa hợp âm dương trong nhà được."

Trước đây nhà anh Lường Văn Bốn và Hà Thị Quế sinh được ba người con trai. Cách đây 10 năm thằng út của vợ chồng anh Bốn vừa tròn 1 tuổi thì gia đình anh Lường Văn Pắm và chị Xa Thị Thanh ở xóm Cò Pầy có ý đến xin thằng bé về làm con nuôi. Mới đầu vợ chồng anh Bốn lưỡng lự nhưng vì thương nhà anh Pắm có tới 4 đứa con gái nên đã động lòng. "Nhà nó có đến 4 đứa con gái nên mình lại thương, nhà nó thế thì sau này lấy ai lo hương hỏa. Cũng vì thế mà vợ chồng mình mới quyết định cho thằng út sang đó làm con cháu trong nhà" - Anh Bốn kể lại.

Nhà ông Phong.

Anh còn nhớ như in cái ngày gia đình anh Pắm sang xin con. Vợ chồng anh Pắm mang theo con gà, đĩa xôi nếp trắng sang xin với tổ tiên họ Lường, cho thằng sinh được về làm con cháu nhà họ Lường bên kia. Về đến nhà, anh Pắm cũng bày đĩa xôi con gà lên bàn thờ nhà mình, báo cáo với ông bà tổ tiên rằng họ Lường bên nhà mình nay có thêm con, thêm cháu. Chỉ như vậy thôi cháu Sình coi như là con cháu trong nhà, mọi đối xử đều như con ruột, không hề có phân biệt con nuôi con đẻ.

Hay câu chuyện của vợ chồng thầy giáo Lò Văn Quyện cũng rất cảm động. Hai vợ chồng lấy nhau hơn mười năm nhưng không có nổi mặt con. Cách đây 1 năm vợ chồng thầy Quyện quyết định xin cậu bé Lò Văn Chiến về nuôi những mong hưởng phúc tuổi già. Chiến vốn là cháu ngoại của ông anh cả nhà thầy Quyện, thấy chú thím hiếm con, thương quá gia đình người anh cả mới "chia cho chú thím ấy một đứa để nuôi". Vậy là thằng cu Chiến vừa là con lại vừa là cháu của vợ chồng thầy giáo Quyện. Thầy Quyện bùi ngùi chia sẻ: "Có thằng cu Chiến vợ chồng tôi cũng bớt tủi, bớt buồn! Ngẫm sau này về già còn có đứa đỡ đần, nương tựa. Tục lệ bao đời nay rồi, bố mẹ không bao giờ phân biệt con nuôi hay con đẻ. Các con cũng vậy, đứa nào cũng đối xử với bố mẹ nuôi như bố mẹ đẻ mình vậy".

Bố đẻ em Lý.

Đem những câu chuyện buồn về chuyện bán con, rồi tranh giành quyền lợi giữa con nuôi và con đẻ rồi chuyện bắt cóc trẻ sơ sinh cho già Tom nghe, già không khỏi bàng hoàng rồi lại nhắc đến chuyện ở bản mình: "Ở đây không ai đòi hỏi gì đâu. Nhà nhận con có gì thì cho thôi, có nhà một vài trăm ngàn, nhà nào khá thì một triệu. Mà thường là không có gì cả, chủ yếu là lòng thành có cái lễ thôi. Có phải bán con đi đâu? Có nhà toàn con gái thì lại đổi con với nhà toàn con trai cho nó cân bằng. Với người Dao của già, người có thì chia cho người không có, thương nhau thì cho nhau thôi. Cũng mong có đứa đỡ đần lúc tuổi già, có người hương khói sau này".

Gọi bố mẹ đẻ là ông bà ngoại

Trở lại câu chuyện của vợ chồng anh Bốn và chị Quế. Từ khi cho thằng út Lường Văn Sình về Cò Pầy đã được mười năm nhưng việc về thăm bố mẹ đẻ là rất hãn hữu. Đã năm năm trôi qua nhưng anh Bốn chưa thể quên cái lần đầu tiên thằng Sình về thăm bố mẹ đẻ. "Hôm đó nhà Pắn - Thanh đưa thằng Sình về nhà mình (bố mẹ đẻ) để dự đám giỗ ông nội. Sau năm năm không nhìn thấy con, lúc nhìn thấy nó ở dốc bên kia định chạy ra ôm lấy nó, nhưng thấy nó quấn lấy bố mẹ nó, với lại nó giờ là con người ta rồi nên thôi! Thấy vợ chồng mình, nó chào ngay là ông bà ngoại. Tức điên lên, định đánh cho nó 1 cái nhưng nghĩ ra nó có là con mình nữa đâu".

Người Dao xã Tân Minh.

Theo các vị lão niên trong bản Diều Luông, thì phong tục ở đây nó đặc biệt mà không đâu có được. Con cái đi rồi thì bố mẹ đẻ như người ngoài, như hàng xóm. Chỉ khi nhà bố mẹ đẻ có công việc, như giỗ tết thì bố mẹ nuôi có nghĩa vụ dẫn con sang thăm bố mẹ đẻ. Đó là việc hoàn toàn tự nguyện. Hơn nữa, lũ trẻ con trong bản như đã ngấm tục lệ này vào máu, mọi chuyện diễn ra nhưng một lẽ tự nhiên. Những đứa trẻ này không bao giờ đòi về nhà bố mẹ đẻ bao giờ, vì đã là con nhà khác.

Điều đặc biệt nữa ở Tân Minh người ta không bao giờ giấu giếm đứa trẻ là con nuôi của mình. Những đứa trẻ đó luôn được sống trong sự yêu thương, đùm bọc như những đưa con ruột thịt. Mối quan hệ giữa những thành viên, các con trong nhà cũng không bao giờ có sự phân biệt, người con nuôi cũng được đứng tên trong gia phả của dòng họ không khác gì người con đẻ. Chị Hà Thị Quế chân tình chia sẻ: "Mình không có thì phải xin về nuôi nên phải yêu thương nó chứ. Có khi còn đối xử tốt hơn là con đẻ vì sợ nó tủi thân. Mình có thể đánh, mắng con đẻ của mình nhưng không thể làm thế với con nuôi được. Vì mình đối xử tốt, là chỗ dựa cho chúng nó thế nên nhà mẹ đẻ nó ở gần mấy thì cũng không bao giờ đòi về đâu".

Chúng tôi may mắn đến bản Yên (bản người Dao toàn tòng) - đúng vào ngày nhà ông Bàn Văn Phong làm lễ Lập tĩnh (lễ đặt tên) cho cậu bé Bàn Văn Lý. Cậu bé Lý sang nhà anh Bàn Văn Hải làm con đã hơn mười năm. Ngày đó vợ chồng anh Bàn Văn Hợp và chị Đặng Thị Lâm thấy gia cảnh anh Hải khó khăn nên anh Hợp đến tận nhà anh Hải nói: "Nhà tao có hai đứa, nhà mày lại chưa có đứa nào thôi thì tao cho thằng Lý về nhà mày làm con". Thế là từ lúc chưa đầy 1 tuổi, Bàn Văn Lý sang làm con trai gia đình anh Hợp, cháu nội ông Phong.

Phong tục của người Dao thì lễ Lập tĩnh là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Mỗi con trai là một nhà riêng, một bàn thờ riêng, nếu không có lễ Lập tĩnh thì có nghĩa là người đó kém cỏi, không đủ tư cách để làm người lớn. Điều đó đồng nghĩa với việc người đó không có vị trí nào trong dòng họ và cộng đồng cả.

Chính vì tầm quan trọng của lễ Lập tĩnh mà chi phí là cả 1 vấn đề không nhỏ. Mỗi lần có nhà làm lễ Lập tĩnh cho con, cháu cả bản cùng điến chia vui, uống rượu, ăn thịt suốt 3 ngày. Ông Phong tâm sự: "Ngày trước đói nghèo, có ông bảy mươi, tám mươi tuổi rồi mới đủ tiền làm lễ đấy. Sắp chết cũng phải làm. Không làm thì đến lúc chết đi cũng không được về với tổ tiên đâu". Gia đình ông Phong cũng phải tằn tiện mấy năm mới đủ 1 tạ gạo, 100 lít rượu, 50 con gà và 3 con lợn loại to để to để tổ chức cho thằng cháu Bàn Văn Lý. "Cho dù thế nào đi chăng nữa, là con nuôi cũng phải tổ chức lễ Lập tĩnh cho thằng cháu Lý chứ. Là con cháu của dòng họ mình rồi mà. Không phân biệt đâu!".

Chia tay chúng tôi già Tom cười hỉ hả: "Dù dân tộc nào đi chăng nữa, đã là con nuôi của bản Dao thì đều là con cháu của người Dao mình cả, "Cha sinh không bằng mẹ dưỡng" mà". Cứ như thế ở nơi thâm sơn cùng cốc đó hàng trăm năm nay vẫn đang tồn tại một phong tục thật đẹp, thật nhân văn

Phong Anh
.
.
.