Kỳ lạ ngôi làng mưu sinh bằng nghề mổ xác máy bay

Thứ Sáu, 09/12/2011, 14:48

Làng Quan Độ, Yên Phong (Bắc Ninh), bấy lâu nay vẫn được biết đến như là một trung tâm phế liệu lớn nhất nhì ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Ở nơi đây, nhà nhà buôn phế liệu, người người làm phế liệu, nghề xử lý phế liệu đã trở thành nguồn thu chính mang lại cuộc sống cho các hộ dân trong làng.

Ở Quan Độ, người dân làng có thể thu mua bất kỳ loại phế liệu liên quan đến kím loại. Từ những bộ máy động cơ hỏng nát, những thùng sắt, biến áp cháy nổ… và thậm chí là những chiếc máy bay hỏng, tất cả người dân Quan Độ đều mua hết.

Chỉ cần vào tay người dân làng, từng bộ phận sẽ đươc tách nhỏ, họ mổ xẻ, phanh thây các động cơ ra thành trăm, thành nghìn mảnh rồi nấu lại thành những khối phôi thép… Nghề làm phế liệu ở Quan Độ diễn ra một cách tấp nập và cũng mang lại cho người dân làng ở đây một cuộc sống thật sự ấm no. Nhưng cái giá để đánh đổi lấy cuộc sống nơi đây cũng chẳng hề rẻ, nguồn nước ô nhiễm, không khí đặc sánh mùi, bụi phế liệu, tiếng ồn mọi lúc mọi nơi… Người dân làng Quan Độ biết là ô nhiễm nhưng họ vẫn phải chấp nhận đánh đổi để mưu sinh.

Làng mổ xác máy bay

Khoảng vài năm về trước, làng Quan Độ bỗng nhiên nổi tiếng khắp vùng khi người dân trong làng dám góp tiền của mua lại một lô máy bay cũ đã trở thành phế liệu để mang về "chế biến". Người dân trong làng vẫn còn nhớ về câu chuyện của gia đình người đàn ông tên Long, vì trước kia ông dám bạo gan vay vốn đi mua xác máy bay về mổ để bán phế liệu. Gắn bó với nghề phế liệu thuộc diện lâu đời nhất nhì trong làng, cái thứ nghề liên quan toàn đến rác thải đã mang lại cho ông Long một cuộc sống đầy đủ, một cơ ngơi tráng lệ, ngôi nhà to, những chiếc xe đắt tiền.

Người dân trong làng thì luôn "vinh danh" đứng hàng đầu về nghề làm phế liệu, vì ông là người khét tiếng buôn khí tài quân sự cũ và là chỉ huy công trường mổ xác máy bay. Xưởng chế biến phế liệu của ông Long từng xuất hiện rất nhiều xác máy bay. Từ loại IL18 của Nga cho đến chiếc Mic 21, cứ vào tay ông Long là sẽ phần nào ra phần đó, nhôm ra nhôm, thép ra thép.  Theo kinh nghiệm của ông thì, mổ xác máy bay đắt nhất ở phần nhôm, rồi đến những thiết bị điện phần ở bên trong vì thường ở đây sẽ có những thứ kim loại đắt tiền…

Tuy nhiên, việc máy bay xuất hiện ở Quan Độ cũng chỉ có một thời điểm vì lý do, không phải lúc nào cũng có máy bay phế liệu mà mua. Để duy trì ngành nghề của mình, những người dân ở Quan Độ phải thu mua ở rất nhiều nơi khác nhau. Từ khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc, hễ đâu có phế liệu là người dân Quan Độ sẽ tìm đến để gom mua.

Theo như lời anh Quân, một người làm phế liệu ở làng Quan Độ thì, dân ở làng thường mua những khối lượng phế liệu lớn. Có khi cả một lô máy móc hỏng nhập từ nước ngoài, hay cả một nhà máy hỏng hóc. Vì theo lời anh Quân, nhập theo kiểu đó mới "bõ" công đi mua cũng như việc "chế biến" thành phẩm. Hiện nay, ở Quan Độ, mặt hàng phế liệu được người dân ở đây ưa chuộng nhất là những biến áp cháy nổ. Những loại mặt hàng này ít chi tiết, các kim loại liền khối dễ "chế biến".

Mỗi năm, người dân Quan Độ chỉ có một vài lần nhập hàng với khối lượng lớn. Họ ra tận cảng Hải Phòng, thậm chí là liên hệ với những đầu mối nước ngoài để thu mua các loại máy móc, phế liệu. Để nắm được thông tin về "phế liệu", dân làng Quan Độ đã xây dựng cho mình một đội ngũ "hoa tiêu" ở khắp các nơi. Những người này nhận được lương chu cấp hằng tháng. Chỉ cần nghe thông tin ở đâu có phế liệu khối lượng lớn, những người này sẽ báo về cho chủ của mình ở làng Quan Độ. Ngay lập tức "những đại gia" làng phế liệu sẽ tức tốc tìm đến nơi đó. Bất kể ở trong Nam hay ngoài Bắc, dù xa đến mấy, cứ có hàng là sẽ có mặt.

Theo kinh nghiệm của một người làm phế liệu lâu năm ở Quan Độ thì, mỗi năm người trong làng may chăng chỉ mua được đôi ba lần lô hàng lớn. Để có việc làm thường xuyên, người làng Quan Độ vẫn phải gom mua tất cả những đồ phế liệu kể cả từ những ống bơ, hộp sữa. Tất cả sẽ được gom lại, đập nát rồi cho vào nồi nấu thành những phôi kim loại rồi đem bán theo những đơn đặt hàng…

Chuyện mổ xác máy bay ở Quan Độ chỉ là một số trong rất nhiều câu chuyện đầy kỳ lạ ở nơi đây. Người dân làng này có thể mua cả những chiếc xe tăng, xe bọc thép, miễn sao có được lợi nhuận là họ sẽ nhập cuộc. Tuy mang tiếng là những người làm phế liệu nhưng người dân làng Quan Độ đều giao dịch với nhau bằng khối lượng tiền tỷ. Chuyện người dân trong làng cho nhau vay nóng đôi ba tỷ đồng để nhập hàng là quá đỗi bình thường.

Một người thuộc hàng "đại gia" trong làng khẳng định rằng, “đừng nói gì đến máy bay, xe tăng, kể cả có có tàu vũ trụ phế thải rao bán ở Việt Nam chúng tôi cũng có thể mua được. Không cần biết đó là mặt hàng gì, trị giá bao nhiêu tiền, chỉ cần lô hàng đó có thể mang lại lợi nhuận là chúng tôi sẽ nhập cuộc”…

Việc buôn bán ở Quan Độ cứ thế diễn ra một cách tấp nập. Cuộc sống vật chất của người dân nơi đây cứ ngày một đi lên. Chẳng ai có thể nhận ra hình dáng của một làng quê thuần Việt khi bước vào Quan Độ. Hình ảnh đập vào mắt mọi người khi bước vào đây chỉ là cảm giác về một xưởng cơ khí khổng lồ. Đâu đâu cũng thấy tiếng leng keng của búa đập, tiếng xèn xẹt của dao cắt kim loại. Đầu làng, cuối xóm, chỗ nào cũng có máy móc, kim loại, dầu thải… Nằm trên những đống rác thải khổng lồ này là những ngôi biệt thự, nhà cao tầng, những chiếc ôtô tấp nập ngày đêm. Tất cả tạo thành một xã hội đầy ô hợp và nhốn nháo…

Cái giá của sự phồn thịnh

Bước chân vào làng Quan Độ thời điểm này, từ đầu cho đến cuối làng, nơi đâu cũng thấy phế liệu. Những đống sắt vụn chất cao, chồng đống có ngọn ở khắp các con ngõ. Ở ngôi làng này, gần như chẳng có lúc nào không có tiếng ồn, tiếng búa đập chan chát vào những chiếc động cơ hỏng hóc, những dầu, mỡ từ những chiếc máy chảy tràn ra từng con ngõ khiến nơi đây chẳng bao giờ có được một cuộc sống thật sạch sẽ.  Một người dân trong làng chia sẻ rằng, những ngày nắng nóng mùi dầu mỡ bốc lên rất khó chịu. Nhưng mỗi khi trời mưa, gần như đường trong làng đâu đâu cũng thấy vết dầu loang. Nhà nào nền đất thì dầu mỡ ngấm xuống, chứ còn sân bê tông hay lát gạch thì chỉ có chảy tràn ra ngõ.

Chế tạo phế liệu, tuy là những động cơ, máy móc hỏng nát nhưng cũng đã không ít lần người dân làng Quan Độ phải gánh chịu những tai nạn nghề nghiệp mà không ai nghĩ tới. Cách đây chừng vài năm, dân trong làng hết sức bàng hoàng khi một xưởng chế biến phế liệu bỗng nhiên phát ra một tiếng nổ rất lớn. Khi người dân trong làng chạy tới thì một cảnh tưởng ghê gớm diễn ra, hơn 20 con người làm ở xưởng sản xuất này đều lăn đùng ra đất. Mọi người mới kêu gọi nhau đưa tất cả đi viện thì được biết, những người ở xưởng sản xuất này đã bị nhiễm khí độc asen...

Rồi chỉ cách đây vài tháng, một người dân trong làng đã phải nhập viện do một đầu đạn phát nổ. Do chủ quan và nghĩ rằng đống phế liệu quân sự mình mua về đã được tháo bỏ hoàn toàn những đầu đạn nổ, người công nhân này vô tư lấy búa tạ đập phá vỏ đạn. Thật không may mắn, trong số những viên đạn đó vẫn có có viên sót lại chút ít thuốc nổ. Tuy chỉ là một lượng thuốc nổ ít ỏi nhưng nó cũng đủ khiến cho người công nhân này phải nằm viện với chấn thương khá nặng…

Cả làng Quan Độ bây giờ có tới trên dưới 50 doanh nghiệp tư nhân với những xưởng sản xuất phế liệu lớn nhỏ. Ôtô lớn, ôtô nhỏ cứ tấp nập suốt ngày đêm. Cảnh thanh bình vốn có ở một làng quê đã biến mất hoàn toàn. Ở Quan Độ bây giờ chỉ còn hình bóng của một khu công nghiệp, với những mặt hàng phế liệu chồng đống.

Một cụ già trong làng phàn nàn rằng, “biết là làm phế liệu sẽ giàu nhưng những người già chúng tôi chẳng bao giờ có được một giây phút bình yên, sống trong một bầu không khí trong lành thực sự. Cứ bước chân ra khỏi làng là nghe thấy tiếng ồn, mùi dầu mỡ. Những đứa trẻ ở đây cứ đôi ba ngày lại đứt chân, chảy máu tay vì giẫm phải sắt thép quăng quật ngoài đường. Đôi khi muốn tìm một chỗ thanh bình ở trong làng cũng không phải là một chuyện đơn giản”…

Làng Quan Độ vẫn đang trên con đường phát triển, những ngôi nhà cao tầng ở đây cứ nối tiếp nhau mọc lên san sát. Ở khắp các đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng nghe thấy có sự xuất hiện của các “đại gia”… Nhưng một sự thật vẫn âm thầm diễn ra ở ngôi làng này, cuộc sống của họ đang bị ăn mòn bởi chính cách làm giàu của người dân nơi đây…

Nguyễn Ngọc
.
.
.