Kỳ nhân đả hổ giữa đại ngàn Tây Bắc

Thứ Sáu, 26/04/2013, 16:13

Hơn 20 năm lặn lội trốn rừng thiêng, giết được 53 con hổ dữ, 40 con gấu, gìn giữ bình yên cho bản làng, cho bộ đội. Những câu chuyện về cụ được dân gian truyền tụng như một bản hùng ca của núi rừng Tây Bắc. Nhắc đến cụ như nhắc đến một huyền thoại có thật. Sắp bước sang tuổi 90 nhưng cụ Liêu vẫn nặng lòng với rừng, vẫn miệt mài làm "kẻ gác rừng" hiền hậu.

Quyết không để thú dữ lộng hành

Đường về Dộc Yểng (Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình) mùa này thật khó. Những cơn mưa rừng mới xuất hiện thôi nhưng cũng kịp để lại những hố bùn, vũng nước trơn trượt. Xuất phát từ Hà Nội lửng buổi sáng nhưng phải nhá nhem chúng tôi mới tới tìm được ông Vua săn thú dữ, lẫy lừng một thời. Sắp bước sang tuổi 90 nhưng cụ Trần Kim Liêu còn rất tinh anh, nhất là cặp mắt.

Cái "rét nàng Bân" ở nơi thâm sơn mịt mù này dường như chẳng hề hấn gì với tấm lưng còn săn chắc của cụ. Cụ Liêu mình trần hì hụi lau chiếc xe máy, cười sảng khoái: "Các anh vào nhà uống nước đi, may cho các anh nhé, tôi đang định phi xe lên thị trấn mua chút đồ". Cụ Liêu bắt đầu ngay những câu chuyện săn hổ của mình khiến chúng tôi ngỡ như nghe những huyền thoại miền sơn cước này.

Quê gốc cụ Liêu mãi tận huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cụ được phân công công tác trong Ban Kiểm tra - Liên lạc Tỉnh đội Hà Nam. Trước tình hình thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, cụ cùng đơn vị lên Hòa Bình xây dựng căn cứ.

Cụ Liêu nhớ lại: "Ngày ấy, khắp tỉnh Hòa Bình còn là âm u, hoang vắng, phóng hết tầm mắt cũng chỉ có dăm ba nóc nhà. Người Mường ở đây nhà nào cũng dựng nhà sàn cao để tránh thú dữ. Thú dữ lúc đó quá nhiều, nhất là vào tháng 3, vạn vật đi ngủ đông. Chúng đói vì thiếu thức ăn nên thường xuyên mò vào bản tấn công trâu bò và người. Ngày ấy thú dữ là nỗi ám ảnh của nhân dân, nhiều người còn không dám nhắc đến "chúa sơn lâm".

Cụ Liêu còn nhớ như in những lần tận mắt chứng kiến một cán bộ đi tắm suối bị hổ bắt, rồi cô gái người Mường chưa đầy đôi mươi cũng bị hổ ăn thịt khi đang nằm chòi trông ngô. Vốn là một xạ thủ trong quân đội, lại tinh ý học được nhiều kỹ năng săn bắn của người dân bản địa, cụ Liêu mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho thành lập một đội săn thú dữ. Ý tưởng của cụ lúc bấy giờ được từ thôn bản cho đến cấp tỉnh đều nhiệt liệt ủng hộ. Cuối năm 1953 đội, săn bắt thú dữ bảo vệ sản xuất của xã Đồng Tâm được thành lập, ngày đó cụ là đội trưởng.

Quyết tâm là thế, nhiệt huyết là thế nhưng có thể hạ được "chúa sơn lâm" có sức mạnh vô song không phải chuyện dễ dàng. Cụ Liêu đã cải tiến chiếc bẫy cồng kềnh do lính Pháp làm thành một chiếc bẫy gọn nhẹ, nhạy bén và có thể gập lại dễ dàng. Để hổ không thể kéo bẫy đi mất, ông còn thiết kế thêm 2 cái móc và sợi xích sắt buộc vào gốc cây. Chiếc bẫy này sẽ làm cho ông ba mươi bị thương bà chỉ có thể di chuyển trong tầm dây xích.

Những cuộc vật lộn ngoạn mục

Ông bắt đầu kể những lần vào sinh ra tử, đối mặt đầy kịch tính với "chúa sơn lâm" cho chúng tôi bằng chất giọng đầy sảng khoái. Ông kể: "Cái lần tôi bắt được hổ ở bản Ca - chợ Đồn - Bắc Kạn. Hổ được chúng tôi đưa về, cả bản đổ ra xem, người dân bản Ca phục chúng tôi lắm. Lúc đó trưởng bản Ca nói rằng: Nhờ ơn Đảng đánh Pháp đuổi Nhật, giờ lại cử người về đây bắt hộ con hổ. Con hổ tựa như đế quốc ngày trước. Nhà giàu làm được cái chuồng tốt nuôi súc vật thì hổ không bắt được, còn nhà nghèo không làm được chuồng tốt, mới nuôi được con vật, chưa kịp mừng thì lại bị hổ vồ mất, hổ còn ác hơn cả đế quốc...".

Không như những thợ săn, họ vui mừng vì chiến lợi phẩm, vì bộ da, nanh vuốt hổ, động lực duy nhất với cụ Liêu là niềm vui của nhân dân, sự an toàn của bà con. Để đem lại hạnh phúc cho bà con, không ít lần cụ Liêu phải đối mặt với "chúa sơn lâm" hung dữ. Cụ nhớ cả đời lần đi săn tại Thung Gia vào năm 1953. Cả đội lên kế hoạch hàng tháng trời để tiêu diệt đôi hổ mà người dân vẫn gọi là "cặp vợ chồng hổ".

Ảnh vẽ cụ Liêu ngày còn trẻ.

Nhiều ngày cụ Liêu phải ăn nằm nơi rừng sâu để nắm bắt những thói quen của hổ, hành trình của đôi hổ này. Khi đã nắm bắt được hành trình cụ quyết định giăng năm chiếc bẫy tại thung lũng, nơi cụ đoán định buổi tối hôm ấy hổ sẽ đi qua. Sáng sớm cụ cùng anh em đi kiểm tra bẫy thì phát hiện 2 con mồi đã dính. Chiếc bẫy thứ nhất đã kẹp chặt con hổ vằn đực. Trong tiếng gầm rú, hung tợn, con hổ đưa cặp mắt ngầu đỏ về phía cụ. Nhanh như sóc, cụ phóng mạnh mũi lao vào yết hầu, con mồi nằm lịm không cử động.

Sang tới chiếc bẫy thứ hai, cụ phát hiện bẫy đã bị lôi theo vào bụi cây nào đó. Không chắc đó là hổ, có thể là 1 con gấu hay một con nai, chỉ nghe tiếng thở khè khè phát ra từ bên trong lùm cây. Với kinh nghiệm săn bắn của mình, cụ Liêu cứ ngỡ đó là 1 con gấu đen. Khi vừa bước tới, từ trong bụi rậm, một con mãnh thú bị thương lao ra, định bạt 1 đòn chí mạng vào cụ. Nhanh nhẹn, cụ lui lại ẩn sau một phiến đá, con hổ dữ không buông tha quay ngược trở lại tấn công tiếp. Vừa lúc lao tới con hổ dính ngay phải chiếc bẫy cụ đã đặt từ hôm trước. Nhanh chóng thoát thân, sau đó  cụ dùng súng hạ gục ngay con hổ còn đang luống cuống với chiếc chân dính bẫy.

Cụ Liêu cười hỉ hả: "Sau khi hạ gục hổ, tôi kiểm tra xác mới biết nó cũng là 1 con hổ vằn đực trưởng thành, to gấp đôi con tôi hạ lúc trước. Sơ sơ con hổ đó cũng phải nặng đến hơn hai tạ, sau phải huy động gần chục người mới đưa được nó xuống núi. Móng vuốt của nó rất dài và sắc, đây là con hổ to nhất mà tôi từng săn được. Mang xác hổ vê,ì bà con trong bản vui mừng xẻ thịt, còn tôi vẫn còn sợ. Sau đó tôi bị sốt và ốm mất mấy ngày đấy".

Lần khác, cụ được cử đi săn hổ tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình, đoàn săn có năm người. Cới những chiếc bẫy kẹp, 1 khẩu súng trường tự chế cùng 5 viên đạn, cụ Liêu cùng đoàn người vào rừng tìm dấu vết của mãnh thú. Chưa kịp định thần, nắm bắt địa hình thì con thú bất ngờ từ sau triền đá phóng ra, nhắm thẳng vào người dẫn đầu. Với phản xạ, sự nhanh nhạy của một thủ lĩnh cầm đầu, cụ Liêu giương súng bắn ngay. Viên đạn chỉ trượt qua phần mềm nên con hổ tiếp tục lao tới tấn công. Phát hiện phía sau có gốc cây mới bị chặt ngang người, cụ lao người qua nấp rồi ngắm bắn tiếp. Phát đạn thứ hai trúng đích nhưng chỉ khiến con mãnh thú bị thương. Thấy không đủ sức mãnh thú liền lui vào hang đá.

Cụ Liêu bên “chiến lợi phẩm” cuối cùng trong những ngày săn thú dữ.

Trong lúc cụ Liêu vật lộn với mãnh thú, cả đoàn săn đã bỏ chạy tán loạn, chỉ sau khi tiếng súng im bặt, không còn động tĩnh mới dám quay lại. Thấy cụ Liêu còn sống ai nấy đều chắp tay thở phào. Với khoảng cách quá gần ai, trong đoàn săn cũng nghĩ cụ Liêu đã thành miếng mồi cho thú dữ. Cụ Liêu kể: "Trong năm viên đạn mang theo chỉ có hai viên bắn con hổ là nổ, còn ba viên khi bắn đều xịt cả. May là lúc đó nó dừng lại chứ tấn công tiếp chắc tôi chết rồi. Sau đó chúng tôi tập hợp anh em, áp sát hang đá, bao vây và giết con hổ ngay sau đó".

Không chỉ bị hổ tấn công, cụ Liêu còn bị một con gấu lớn đuổi theo suốt 5 tiếng đồng hồ. Lần đó cụ cùng 1 người thanh niên tên Vọng đi trông ngô ở đồi Phè Nén. Đang ngồi nướng gà rừng, cụ Liêu nghe có tiếng gấu bẻ ngô bèn đến đuổi. Chĩa súng bắn hai phát đạn vào nách con gấu, chẳng hề hấn gì, con gấu to kềnh càng vẫn hùng hục đuổi theo cụ. Lúc đó cụ chạy vòng vèo trong rừng suốt 5 tiếng đồng hồ, rơi cả khăn quấn đầu mà con gấu vẫn không buông tha.

Thừa lúc cụ mệt lả, vấp ngã con gấu lao tới định tát ngang mặt cụ thì cụ nã viên đạn cuối cùng một cách chính xác vào lồng ngực vạm vỡ của nó. Lúc hạ được con gấu, cụ Liêu cắt hai chiếc đùi đem về cân được 40kg thịt. Người thanh niên tên Vọng chứng kiến cảnh cụ bị gấu đuổi sợ quá đã ngất lịm cho đến sáng. Kể từ đó người đàn ông này không bao giờ dám đi cùng cụ Liêu nữa.

Cụ đưa chúng tôi một vòng quanh nhà xem lại những kỷ vật một thời tung hoành khắp núi rừng Tây Bắc. Với tôi chẳng có kỷ vật suốt 21 năm săn thú dữ nào lại đẹp bằng sức khỏe, tinh thần của cụ lúc này. Chia tay chúng tôi, cụ Liêu cười nói: "Bà con quý thì tặng tôi danh hiệu "vua săn hổ" chứ tôi chỉ hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Cách mạng giao phó thôi".

Ngày ấy người ta sợ hổ, ghét hổ vì đậm đặc những tin về chúng: hổ nô nức kết bè, kéo đảng tàn phá bản làng, hại dân lành. Bóng đen của hổ vào đêm khuya như sự ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức của tất cả những người vùng sơn cước. Chính sự tàn nhẫn, sức mạnh của hổ mà con người đặt cho chúng là "chúa tể rừng xanh".

Nhưng có lẽ cái thời của ông "ba mươi" khiến người ra phải rùng mình, đỏ mắt chẳng còn. Chỉ ít tháng trước báo chí có dịp xôn xao đưa tin về những hộ gia đình ở Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An nuôi cả bầy hổ, cho lợi ích kinh tế cao. Rồi họ thuần phục chúng như những con vật nuôi trong gia đình, "chúa sơn lâm" oai hùng giờ chỉ còn như con trâu, con chó trong nhà. Chủ nhân của chúng dễ dàng tát vào mặt, thậm chí còn nhổ cả râu.

Thế rồi, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ được những "ông ba mươi" bị ướp lạnh, đóng gói vận chuyện đi tiêu thụ. Phải chăng chính sức mạnh, sự nhanh nhẹn, cơ bắp của mình mà những "chúa rừng xanh" bị loài người dùng làm đặc sản, làm thần dược?

Nhắc đến câu chuyện buồn về loài hổ hiện tại, cụ Liêu lẩm bẩm: "Cứ cái đà này, rừng sẽ chẳng còn một con hổ nào cả. Đến vườn bách thú cũng chẳng còn nữa, con cháu chúng ta sau này chỉ còn biết “chúa tể rừng xanh” qua sách báo, qua những tiêu bản tại các viện bảo tàng mà thôi!".

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.