Ký sự đêm Rạch Gốc

Thứ Hai, 25/03/2013, 15:43

Vậy là từ thị trấn Năm Căn, tôi đi nhầm xuống Rạch Gốc. Nhưng thực tình tàu về tới gần Rạch Gốc tôi mới ớ người...

Tôi dùng kính lúp để soi rõ trên bản đồ, cái nơi mà mình bị lạc bước đến, nhưng mãi không thấy cái tên ấp Kiến Vàng ở đâu. Có lẽ tôi lạc đường bởi không nghe lời các cụ đã dặn chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3. Ấy thế mà nổi cơn hứng muốn từ Năm Căn về xã Đất Mũi ngay chiều hôm ấy.

Sau đó mới biết tôi đã đi vào ngày 27 ta trùng cả ngày tây là 17. Thế mới đen. Người lái tàu vội lôi tôi xuống cho kịp chuyến đi. Tôi nói xuống bến cuối cùng, anh ta giục cuống lên:

- Thì tàu xuống bến cuối cùng nè!

Vậy là từ thị trấn Năm Căn, tôi đi nhầm xuống Rạch Gốc. Nhưng thực tình tàu về tới gần Rạch Gốc tôi mới ớ người. Một cô bé khi biết tôi muốn về khu du lịch đất Mũi mới cho hay:

- Chú nhầm rồi. Đáng lẽ chú phải hỏi tàu về Rạch Tầu cơ.

Tôi chỉ biết cười thầm vì cái tội nhanh nhẩu đoảng của mình. Biết làm sao bây giờ? Đây lại là chuyến tàu cao tốc cuối cùng. Từ bên Rạch Gốc không còn tàu về Năm Căn nữa. Dường như hiểu được tình thế của tôi, cô bé kia quay xuống nói:

- Lên bến, chú thuê một xuồng máy quay về Năm Căn, giá hơi mắc, nhưng đành "zậy" thôi à.

Nghe giọng nói trong vắt ngọt ngào của cô bé làm tôi dịu đi phần nào ngần ngại trên con đường sông nước này. Nhưng thật bất ngờ cô bé còn quay xuống nói:

- À, con gửi chú số điện thoại ở nhà. Nếu không thuê được xuồng về Năm Căn, chú điện thoại để cha con nghĩ cách há!?

Cô bé đưa cho tôi mẩu giấy có ghi tên là Ngoan và số điện thoại rồi chào tôi và lên bờ giữa chừng.

Quả nhiên khi tàu đậu bến Rạch Gốc, trời đã sập tối. Vùng sông nước sình lầy mênh mông rừng đước tạo nên vẻ âm u kỳ bí. Trong lòng tôi thấy phân vân khi hỏi những chủ tàu nhỏ thì không có ai muốn chở tôi về Năm Căn. Bởi lúc này vào đúng giờ mọi người tụ tập trong căn nhà của mình sau một ngày bươn chải với công việc đánh cá và trồng rừng phòng hộ.

Biết sao được dù tôi trả với một cái giá rất cao nhưng ai cũng từ chối. Thế là tôi đành gọi điện thoại cho cô bé làm quen trên tàu và nghĩ rằng mình bất ngờ lạc giữa vùng sông nước rừng rậm, sình lầy này thật khó hình dung qua một đêm sẽ ra sao. Một người xe ôm trẻ tuổi đã giúp tôi đến nhà Ngoan ở tận ấp Kiến Vàng cách bến khoảng 5 cây số.

Ngoan dẫn tôi vào căn nhà rộng rãi lờ mờ ánh điện. Trong nhà những người là người. Tôi ngần ngại đứng ở cửa chào mọi người và không dám bước vào. Ngoan kéo tay tôi đến trước một người đàn ông đã luống tuổi giới thiệu:

- Đây là cha của con. Chuyện lạc đường của chú con đã nói với cha và mọi người rồi. Chú cứ yên tâm ở đây há!

Lúc này tôi mới nhận ra Ngoan là một cô gái đã lớn, cao ráo và có gương mặt tròn với cặp mắt sáng. Sự chủ động và nhanh nhẹn của Ngoan làm tôi vững tin nhưng trong lòng vẫn thấy mình tạo nên sự rắc rối không đáng có trong một gia đình đông người như thế này. Tôi nói dối là đã ăn cơm ở ngoài bến và xin phép ra ngoài sân rửa mặt. Sau khi ngồi quanh khay trà, ông chủ nhà mới nói:

- Tui là Dũng, vợ chồng tui được 10 người con. Hai trai, tám gái.

Nói rồi ông tủm tỉm cười nhìn tôi như muốn cần phải thông cảm. Lẽ dĩ nhiên tôi cho rằng đó là con số bình thường trong các gia đình miền cực Nam này. Sau khi biết tôi cũng xấp xỉ trên dưới 60, tóc đã bạc nhiều, ông Dũng trầm giọng tâm sự:

- Vậy là đến tuổi này, ông vẫn được rong chơi. Còn tui giờ chân yếu, xương cốt đau nhức chả đi đâu được. Buồn lắm. Cả một đời sống với mảnh đất rừng đước này, cả một đời lặn ngụp với con sông để kiếm miếng ăn. Vậy mà…

Tôi chẳng thể nói gì được lúc này. Giọng ông trầm khê lại vang lên:

- Gia đình tôi bốn đời ở đây. Bố mẹ tôi là một trong ba cặp vợ chồng đầu tiên về xây dựng cái ấp Kiến Vàng này. Lúc ấy còn có cả cọp nữa. Vậy mà dầm dề tới hơn vài trăm năm dân làng đã khai phá thành vùng đất mới Tân Ân.

Gương mặt khắc khổ của ông mặc dù còn rắn rỏi nhưng má đã xệ và bọng mắt cũng đã mụ mị. Thỉnh thoảng ông ho và xoa bả vai. Ông nói ngày mai có giỗ nên tối nay tất cả các con cháu về tụ họp. Ông giới thiệu cho tôi biết thứ tự từng người con và từng cặp vợ chồng các cháu nội cháu ngoại cả thảy tới hai chục người. Rồi ông chỉ vào Ngoan:

- Nó là con bảy đang học thợ may trên thành phố. Nó khéo tay lắm và chịu khó làm ăn. Nuôi tui đó chứ bộ…

Nói xong ông cười với hàm răng đã rụng đến dăm chiếc. Ngoan ngồi bên cạnh tôi cùng với các cháu nhỏ. Đám trẻ con thật hiếu động, chúng chạy đuổi nhau, kêu khóc chí chóe làm câu chuyện của ông Dũng bị gián đoạn nhưng ông chỉ mỉm cười hiền lành, đợi cho chúng ngừng đùa ông mới nói chuyện tiếp. Lúc này, con trai cả của ông Dũng mới xuất hiện. Ngoan nói:

- Anh con mới ở ruộng nuôi tôm về. Phải chăm lo kỹ lắm. Hồi này tôm chết nhiều. Đói chú ạ…

Nhìn cái lưng trần vạm vỡ của người con trai tôi hình dung ra tuổi thanh xuân của ông Dũng. Hai vai rộng và cơ bắp săn chắc trên tay với nước da đen trũi. Hai gương mặt cha con giống nhau như đúc. Anh ta bước đến chào tôi và xởi lởi nói:

- Nhà con rộng lắm. Nghèo nhưng vẫn có màn và có giường cho chú ngủ lại, khỏi lo muỗi đốt há!?

Bến thuyền ở Rạch Gốc.

Nhìn nụ cười tươi hiền hậu của anh ta, lúc này tôi mới thật sự yên tâm ở lại và sực nhớ mình mang theo máy ảnh, tôi nói muốn chụp ảnh ông Dũng và các cháu để làm kỷ niệm. Ông Dũng cười rồi gọi các cháu nội ngoại đến bên. Cứ được đứa nọ lại mất đứa kia. Chúng chạy loạn xạ không sao đủ được. Chỉ có mấy đứa cháu gái còn cố chờ. Tôi chụp xong mấy kiểu rồi nói với Ngoan:

- Tiện chú chụp cho con nghen. Con nói với các anh chị chụp luôn cho vui. Sau chú gửi ảnh về cho.

Có lẽ đây là một dịp hiếm có trong căn nhà này. Tôi nghĩ thế bởi thấy Ngoan vội cùng các chị các em tề tựu, ríu rít trong một góc nhà để đánh phấn và kẻ mắt. Ông Dũng hể hả nói:

- Thật cả đời chưa được ai đến nhà chụp ảnh cho tui như vầy. Chú làm cho các con gái tui, các cháu nội ngoại tui vui lắm há!

Lúc này tôi tranh thủ chụp được hình cả vợ chồng ông Dũng cùng với vài đứa cháu. Thấy đèn chớp lên một cái, thế là bà chủ vội vã đứng dậy chạy vội xuống bếp coi nồi cháo đang sôi. Lát sau, Ngoan rủ tất cả mọi người đã trang điểm xong, ra nhà ngoài để tôi chụp ảnh. Lần lượt, tôi lặng ngắm từng khuôn mặt của đất biển. Mỗi người một nét, một dáng dấp, vẫn giữ được sự tươi trẻ thời con gái, nhưng mà sao những ánh mắt đều u huyền lo toan.

Nhất là cô tám, em kế sau của Ngoan, còn trẻ lắm mà nhưng sao buồn vậy, tôi cố tìm một góc cận mặt để lấy một nét đằm thắm xuân sắc của tuổi 18. Cô chín, cô mười đều đang học tới lớp mười một còn ở tuổi nghịch ngợm nhí nhảnh nhưng vẫn còn tất bật bước đi như đang vội vã trên con thuyền sông nước, trôi trên những bờ kênh, bên những bìa rừng đước ngập mặn phù sa. Cứ thế tôi chụp ảnh từng người với những tình cảm xao xuyến thân thương.

Lát sau, ông Dũng đến bên kéo tay tôi nói:

- Chú xuống bếp ăn với tôi bát cháo. Bả ấy vừa nấu xong. Tiện có ít tôm thằng hai mới đánh về.

Nghe thế, cơn đói trong bụng tôi chợt thức dậy. Nghĩ tới bát cháo nóng, nghĩ tới sự ấm áp tình người đất Mũi, tôi ngồi bệt ngay xuống sàn cùng với tất cả con cháu của vợ chồng ông Dũng như trong cùng một gia đình vậy. Không hiểu sao khi thấy các cháu thi nhau vét nồi, tôi mới giật mình nhớ rằng, từ lúc mình lên bến Rạch Gốc rồi đến ngôi nhà này, thời gian chỉ cách nhau có mươi phút, vậy thì họ ăn cơm vào lúc nào. Hay đây chính là bữa chính của gia đình? Tôi bỗng thấy ngậm ngùi và khéo léo từ chối ăn thêm rồi nói là mình đã no để ra ngoài uống nước.

Lúc này tôi mới ngẫm ra thì tất cả vùng sông nước ở huyện Ngọc Hiển này, không có lấy một ruộng lúa. Ấp Kiến Vàng ở xã Tân Ân này lại càng không. Gạo có lẽ hiếm mà họ phải ăn cháo chăng? Không có lẽ!? Nhưng tính đi tính lại thời gian cũng như tôi, để giấu đi cái khó khăn cái vất cả cái phiền toái cho nhau, họ cũng nói là đã ăn cơm và đến lúc này, bữa cháo chỉ là ăn thêm cho ấm bụng và vẫn có thể để đãi khách là tôi.

Vậy là đêm ấy, khi đã muộn tôi lên giường nghỉ cùng với những người con rể của gia đình mà trong lòng day dứt. Tiếng thở dài của người con trai vùng biển bên cạnh tôi đã nói biết bao điều đang ẩn chứa trong lòng họ. Những con người, cả một đời trồng rừng và đánh cá. Tiếng thở dài làm lòng tôi trĩu nặng và âm thầm những lo toan cùng họ.

Từng gương mặt trong gia đình đứng trước ống kính của tôi và giờ đây đã hiện lên, không còn những nụ cười nữa mà những nét ưu tư trên vầng trán. Những ánh mắt ngơ ngác của bầy trẻ nhỏ nhìn tôi như một hình ảnh xa lạ. Những nụ cười của các cô gái mười sáu, đôi mươi trao cho tôi với những nét thẹn thùng thầm kín. Họ đáng yêu và đáng nhớ xiết bao. Ống kính đã ghi lại như thế. Tâm hồn tôi đã nắm bắt được mọi ánh sáng le lói đầy ưu tư khuất nẻo sau nụ cười.

Còn ở ông Dũng lại là một sự điềm tĩnh đôn hậu lớn lao như rừng đước bao la. Một sức mạnh tiềm tàng như những ngày khai sinh lập địa trên vùng sông nước ngập mặn này. Ông nhắm mắt bên cạnh tôi như đang trải nghiệm lại sự sống. Ông buồn ư, ông già biển cả, ông già của rừng đước bao la. Không, ông vẫn đang mỉm cười.

Cứ thế lần lượt từng người hiện lên thức trắng đêm và trò chuyện thầm thì cùng tôi…

Lúc này đây, khi đã trở về với ngôi nhà ấm cúng của riêng mình, tôi luôn luôn nhớ đến bát cháo nóng trên tay cùng với những ánh mắt ấy. Tôi xao xuyến dõi tìm trên bản đồ để tìm lại nơi có một đêm thao thức của riêng tôi. Nhưng không sao tìm nổi cái ấp Kiến Vàng có lẽ vì nó nhỏ bé như mọi thôn nghèo, li ti như dấu chấm, ở một vùng rừng ngập mặn cuối trời. Có điều, tôi biết chắc nó ở ven sông, gần bến Rạch Gốc ấy.

Và tôi giở từng tấm ảnh ra ngắm lại, rồi nắn nót ghi trên phong bì địa chỉ gửi thư: Phan Văn Dũng, ấp Kiến Vàng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Vậy là, từ nay tôi có thêm một nơi để nhớ trong một đêm thao thức không cùng tại Kênh Rạch và Rừng Đước từ cực Nam xa xôi

PV
.
.
.