Kỳ tích dưới chân núi Nậm Tột

Thứ Tư, 29/11/2017, 21:29
44 thầy giáo “cắm bản” dưới chân núi Nậm Tột đã làm được điều kỳ diệu khi được trao giải thưởng ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm. Mới đây nhất, trường được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua.


Nằm chênh vênh dưới chân núi Nậm Tột, sát biên giới Việt – Lào, điểm Trường Tiểu học Tri Lễ 4 được xem như ngôi trường độc nhất vô nhị Việt Nam khi không có sóng điện thoại, không đường nhựa, không điện thắp sáng. Từ nhiều năm nay, trường không có bóng dáng của nữ giáo viên. 

44 thầy giáo “cắm bản” đã làm được điều kỳ diệu khi được trao giải thưởng ấn tượng VTV năm 2017 ở hạng mục Nhân vật của năm. Mới đây nhất, trường được Bộ GD&ĐT tặng Cờ thi đua.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An), cách TP Vinh khoảng 250km, cách trung tâm huyện lỵ Quế Phong khoảng 40km. Đấy là nói điểm trường chính, còn đi các điểm khác thì xa hơn nữa. 

Đến bản Mường Lống, phải mất gần một ngày trời, đi qua tuyến đường độc đạo, nơi có “cửa ải” dốc Đỏ - chưa từng ai dám một mình chinh phục bởi sự cheo leo, mạo hiểm khi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. 

Gọi là đường nhưng thực chất đó là những lối mòn vắt qua sườn núi do người dân tạo nên. Thầy giáo Lang Văn Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 kể, mặc dù đã “cắm bản” hàng chục năm nay, song mỗi lần có việc liên hệ với bên ngoài, ít nhất phải từ 3-4 thầy giáo cùng đi với nhau để hỗ trợ, giúp đỡ đề phòng bất trắc xảy ra. 

Không những vậy, đối phó với đoạn đường nắng thì mù mịt bụi, mưa trơn nhẫy, ngập bùn đến đầu gối này, thầy giáo nào cũng phải chuẩn bị các “đồ nghề” hỗ trợ hành trình như sợi xích, dây thừng và cả cuốc, thuổng để tăng độ ma sát, dính bám với mặt đường. Có những thời điểm sa lầy còn có dụng cụ mà đào bới, vừa cứu xe vừa cứu người.

Đường đến trường của các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Thầy Nhàn cho biết thêm, nếu vì ngại đường sá thì có lẽ các giáo viên ở đây đều đã bỏ trường, bỏ lớp hết rồi. Bởi để qua được cung đường này, có không ít thầy giáo đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí bằng máu. 

Đến nay, các thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vẫn còn nhớ câu chuyện của thầy Nguyễn Kỳ Tài, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Tri Lễ 2. Năm 2014, trong một lần vượt qua dốc Đỏ để ra trung tâm xã, vì đường trơn trượt nên thầy bị ngã xe, đá bên đường cắt đứt gân chân. 

Chưa dừng lại ở đó, trong môi trường không ma sát, cả người và xe trôi tự do băng băng xuống mé vực sâu, rất may đồng nghiệp đi cùng đã kịp thời hỗ trợ, băng bó vết thương và đưa thầy về bệnh viện huyện cấp cứu.

Trở lại với câu chuyện “cắm bản” gieo chữ cho trẻ em người Mông ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, suốt 25 năm qua, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 không có bất cứ một nữ giáo viên nào cắm bản, đây cũng là ngôi trường duy nhất chỉ có giáo viên nam. 

Mọi người vẫn thường tếu táo vui đùa với nhau rằng, 44 thầy giáo là những “anh lính chì dũng cảm”, sống trong môi trường không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế, không nhà công vụ. Các thầy, người trẻ nhất là 24 tuổi, cao tuổi nhất đã gần 60. 

Đã rất nhiều Ngày Nhà giáo Việt Nam đi qua nhưng các thầy giáo chưa một lần được nhận một bông hoa tươi chứ đừng nói đến chuyện quà cáp, tri ân. Để vận động và “níu giữ” bước chân các em đến trường, các thầy thậm chí còn phải trích lương, phụ cấp hằng tháng để nuôi các em. 

Thầy Hiệu trưởng Lang Văn Nhàn kể, mặc dù trường cách nhà chưa đầy 35km nhưng bản thân thầy đầu tuần đến “cắm” tại trường, cuối tuần mới được về nhà vài bữa với vợ con. Thầy Nhàn bị bệnh rát cổ, phải thường xuyên ra Hà Nội chữa trị nhưng hễ về đến Quế Phong là nhớ trường lớp, nhớ đồng nghiệp và các em học sinh ghê gớm, lại lục tục hành trang về với Nậm Tột.

Điểm trường Nậm Tột.

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 hiện có 6 điểm trường, trong đó có 5 điểm trường lẻ và một điểm trường chính, tất cả đều đang trong tình trạng tạm bợ, chắp vá. Trong đó, khoảng cách điểm trường lẻ gần nhất là khoảng 7km, và điểm trường lẻ xa nhất so với điểm chính là khoảng 30km đường rừng. Hơn 400 học trò hiện đang theo học tại trường đều là con em đồng bào dân tộc Mông. 

Ở các bản làng miền Tây xứ Nghệ nói chung và tại Tri Lễ, huyện Quế Phong nói riêng, để đưa được các em đến trường đã là việc khó, làm thế nào để giữ các em ở lại với lớp học lại là điều khó hơn. 

Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp và vào rừng để hái rau, cải thiện bữa ăn, trước giờ soạn giáo án buổi tối, các thầy giáo tại đây lại tranh thủ đến nhà các em học sinh bỏ học để vận động phụ huynh cho các em quay lại lớp. 

Là xã biên giới đặc biệt khó khăn nên tập tục của đồng bào ở Tri Lễ là lên rẫy, xuống suối mưu sinh nên việc học chữ với người Mông ở đây chưa được chú trọng. Đó cũng là rào cản lớn nhất, song không vì thế mà cản được tình yêu nghề, yêu trò của các thầy giáo nơi chốn thâm sơn cùng cốc này. Bằng chứng là suốt hơn 25 năm qua, 44 thầy giáo vẫn kiên cường bám lớp, bám bản để truyền cảm hứng tình yêu con chữ cho hàng nghìn học trò miền biên viễn.

Lý giải lý do không có nữ giáo viên nào về đây nhận công tác kể từ khi thành lập trường đến nay, thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp, giáo viên đang công tác tại trường cho biết: Trường Tiểu học Tri Lễ 4 ngoài không điện, không sóng điện thoại, không chợ còn không có nước sạch. 

Con suối chảy qua bản là nguồn nước sạch duy nhất để các thầy sử dụng, sinh hoạt hằng ngày. Bình thường, nó rất hiền hòa song mỗi khi mùa mưa lũ đến, con suối này trở nên hung dữ, nó sẵn sàng cuốn phăng tất cả những gì mà nó gặp về phía hạ du. 

Ở nơi không có chợ này, nguồn thực phẩm duy nhất dự trữ cho cả tuần được các thầy giáo chuẩn bị sẵn trong ngày nghỉ cuối tuần, mang từ nhà đến khu trọ kí túc xá. Tuy vậy, cũng chỉ được vài ngày đầu tuần, phần chia cho đồng nghiệp, phần nữa mang cho học trò nên chẳng mấy chốc đã hết veo. 

Thời tiết khắc nghiệt ở Nậm Tột là điều khiến các thầy giáo không thể trồng được bất cứ loại rau củ nào để tăng gia sản xuất, bởi mùa nắng có thời điểm nhiệt độ lên đến 42-43 độ C, còn mùa này có khi xuống dưới 0 độ, mây mù bao phủ từ đỉnh núi đến tận lớp học. 

Đồng bào Mông ở Tri Lễ cũng có đặc tính là không bao giờ mua bán, trao đổi thực phẩm nên cách duy nhất mà các thầy cải thiện bữa ăn là xuống suối bắt cá, vào rừng hái măng.

Các thầy giáo ở đây khéo tay không kém gì các cô giáo.

Để gieo chữ cho các em, có những thầy giáo như Nguyễn Trọng Quyền, Vi Văn Dương, Lữ Văn Sơn… đã gắn bó với Nậm Tột hàng chục năm trời. Nhiều thầy giáo đã 35 – 40 tuổi nhưng vẫn “chưa chịu” lấy vợ, chỉ sợ vướng bận chuyện gia đình lại không toàn tâm toàn ý với các em được. 

Ở chốn thâm sơn cùng cốc này, mặc dù không có sóng điện thoại, nhưng thầy giáo nào cũng trang bị cho mình một chiếc điện thoại smatphone, đơn giản để ngắm ảnh vợ, con những ngày mưa lũ không về gia đình được. 

Ông Lữ Thanh Hà, Trưởng phòng GD&ĐT Quế Phong cho biết: Mặc dù khó khăn về cơ sở vật chất, đường sá đi lại song từ năm 1982 là thời điểm thành lập trường đến nay, các thế hệ giáo viên ở Tri Lễ 4 luôn hết mình với nghề, say sưa truyền tải kiến thức cho các em dân tộc Mông. 

Đặc biệt, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, trường có 44 giáo viên nam cắm bản, đứng lớp. Các thầy đã làm nên những kỳ tích cho ngành giáo dục dưới chân núi Nậm Tột.

Trong đó, tại kỳ thi giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh Nghệ An năm 2014-2015, thầy giáo Nguyễn Hồng Hiệp, Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hai môn Khoa học và Tiếng Việt. Anh là một trong số ít giáo viên của huyện Quế Phong đạt được thành tích này. 

Dịp kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vào năm 2016, trong số 4 giáo viên “cắm bản” được tôn vinh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc của tỉnh Nghệ An, hai thầy giáo Lang Văn Nhàn và Nguyễn Hồng Hiệp cũng vinh dự có tên trong bảng danh sách này. 

Tháng 9/2017, trong chương trình  “Ấn tượng VTV 2017” (VTV Awards 2017), ở hạng mục “Nhân vật của năm”, 44 thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã được khán giả bình chọn, vinh danh. Mới đây nhất, ngày 2/11/2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký quyết định tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT cho tập thể giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4.

Đó là những phần thưởng xứng đáng, động viên kịp thời những thầy giáo cõng chữ lên non, theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Dưới chân núi Nậm Tột, ngay sát biên giới Việt Lào, ngày đêm tiếng học chữ ê a vẫn vang lên, như bản tình ca bất tận của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. 

Thiên Thành
.
.
.