Ký ức những trận thư hùng của thợ săn miệt Cửu Long

Thứ Năm, 26/03/2020, 07:33
Những cuộc chinh phạt trên rừng, dưới nước đã làm thỏa chí biết bao đấng thợ săn miệt vườn. Nhưng rồi ân oán cuộc đời cũng ám vào mỗi người, cho họ thấu hiểu được chân lý vay trả của tự nhiên...


1. Ngồi trên chiếc tắc ráng cũ mèm mùa hạn mặn, ông Năm Oánh cứ nheo mắt, nhìn mây trời. Ông cũng như bao người dân miệt Cửu Long, mong một cơn mưa là nỗi mong duy nhất vào thời khắc này. Mảnh vườn nhỏ của ông dưới chân núi Bà Đội Om, chỉ có chuối và xoài đang "hấp hối" bởi thiếu nước ngọt. 

Đất khô cằn, cỏ vàng úa đã nhiều tháng nay. Ông Năm thở dài, nhưng đã xác định tư tưởng mất đứt mùa vụ này. Tuổi 80, ông vẫn phải bám rừng để sống. Nơi ấy, một thời gắn với những cuộc chinh phạt của thợ săn Năm Oánh.  

Năm Oánh (Lê Văn Oánh) sinh ra và lớn lên dưới chân núi Bà Đội Om (ấp Tân Thuận, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Ông leo trở thành xạ thủ khi mới 15 tuổi. 

Trước những năm 1990, Năm Oánh cùng các thợ săn vùng Bảy Núi đã săn lùng các loài rắn về chế thuốc, nấu cao hoặc ngâm rượu rồi mang bán cho thương lái. Miếng cơm manh áo, công cuộc mưu sinh cùng tương lai của con trẻ đã đè nặng lên đôi tay săn bắn của Năm Oánh.

"Thần y" trị rắn cắn Tư Đền là người hiểu rõ về loài rắn hổ mây ở vùng Bảy Núi.

Ông chưa bao giờ nghĩ, có một ngày mình phải rửa tay gác súng để chuyển nghề nếu như không xảy ra trận thư hùng đẫm máu và nước mắt một ngày giữa tháng 3-1991. Hôm ấy, Năm Oánh vác cây súng săn lên vai, dắt con dao bầu sắc lẹm bên hông, hăm hở rẽ núi cho một cuộc săn tìm hổ mây. 

Vượt qua "dốc trời" cao trên 200m, Năm Oánh tiến vào một hang đá rộng tầm 2m, sâu không đáy. Bắt đầu từ miệng hang, ông Năm đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc của loài rắn, nghe rõ tiếng thở rền vang. 

Với kinh nghiệm nhiều năm săn bắt và đối đầu với rắn, ông Năm đoán, con hổ mây này phải từ 70kg trở lên. Người bạn đi cùng với ông là Ba Lụa có chút run sợ, khuyên nên từ bỏ đi tìm con rắn khác bé hơn nhưng ông Năm rất tự tin ở khả năng thiện xạ bách phát bách trúng để hạ gục con mồi. 

Hai thợ săn tiến vào hang, Ba Lụa đứng sau yểm trợ để nếu Năm Oánh bắn không trúng thì Ba Lụa sẽ lập tức bồi thêm. Nhưng đó chỉ là kịch bản của hai thợ săn, họ không thể ngờ, con hổ mây đang cuộn mình trong hang tối có trọng lượng trên 150kg, dài tới 30m. Năm Oánh bắn một phát, hổ mây cựa mình cuộn lên. Nó dính đạn trên mạn ngực, máu rỉ ra loang dài xuống thân. 

Năm Oánh định bồi thêm phát nữa cho nó tê liệt sống lưng, không còn khả năng kháng cự, cách ông vẫn làm với hàng trăm chuyến chinh phạt trước đó. Nhưng ông chưa kịp bóp cò thì hổ mây đã trườn tới húc ông bay ra miệng hang. Ba Lụa thấy vậy run bắn lên, ba hồn chín vía vứt súng bỏ chạy. 

Ông Năm va phải đá, loạng choạng gượng dậy. Hổ mây dùng đuôi cuốn chặt ông lại, nó nhìn ông bằng cặp mắt vằn vện máu tươi. Trong giây phút sinh tử, ông Năm biết chắc mình sẽ thịt nát xương tan chỉ sau một cú vặn mình của rắn. Nước mắt ông trào ra hòa lẫn máu mồm máu mũi, tim ông bị bóp nghẹt bởi thân hình của rắn, cái chết đang đến rất gần.

Năm Oánh lịm đi. Khi ông mở mắt ra thì trời tối đen như mực, tiếng côn trùng, thú dữ gầm rú xung quanh. Ông nhận ra mình đang nằm trên miệng hang rắn. Nó vẫn nằm trong đó, nhưng chẳng làm gì ông nữa. Ông cố lết cơ thể nhàu nát đầy thương tật xuống núi. Lúc này, Ba Lụa đang dẫn một nhóm anh em lên tìm xác của ông. Họ thấy ông xuất hiện tưởng là hồn ma liền hô hoán nhau bỏ chạy, phải gọi nhiều lần họ mới tin ông vẫn còn sống.

Năm Oánh bị xuất huyết nội tạng, gãy 2 xương sườn phải nằm bệnh viện nhiều tháng trời. Sau trận huyết chiến với hổ mây, Năm Oánh nằm ở nhà suốt mấy năm trời để dưỡng thương và suy ngẫm về cái nghề của mình. Ông còn sống không phải may mắn hoặc tài giỏi mà là con rắn hổ mây đã tha mạng. Năm Oánh không thể lý giải nổi. Từ ngày đó, ông gác súng, không dám lên rừng săn rắn nữa.

Ở cái tuổi "gần đất xa trời", ông Năm Oánh vẫn còn nhiều nặng nợ với cuộc sống.

2. Bà Đội Om là ngọn núi toàn đá bao phủ, trong lòng núi bao gồm các hang hốc thăm thẳm, tăm tối. Nơi này, một thời từng là lãnh địa của cọp rằn, beo gấm, rắn hổ mây, xà niên... 

Các đệ tử của ông Tư Đền cùng nhóm thanh niên dưới chân núi muốn được một lần thử gan với hổ mây đã hầm hố leo lên đỉnh núi, vào tới miệng hang, sau đó tất cả hồn bay phách lạc khi nghe tiếng thở dội ra từ lòng núi. 

Cả nhóm vứt dép bỏ chạy thục mạng, húc đầu vào thân cây, vấp vào đá sứt đầu mẻ trán. Riêng ông Tư Đền, dù mạnh mẽ, dạn dĩ, dù bắt mạch được rắn nhưng đối diện với loài mãng xà dường như đã hóa chằn tinh thì ông có cảm giác lạnh người, ông lạnh bởi mùi hôi đặc trưng của loài rắn do chúng sống quá lâu và nuốt quá nhiều thứ trong bụng. 

Ông Tư Đền khẳng định, dù to lớn là vậy nhưng hổ mây không hại con người. Điều này hoàn toàn trùng khớp với câu chuyện của ông Năm Oánh. Ông Tư Đền năm nay 83 tuổi, cả đời ông đã gắn bó với núi. Đã nhiều lần nhìn thấy hổ mây khổng lồ và ông hiểu quá rõ về đặc tính của loài rắn này.

Ông cho biết, hổ mây có khả năng trườn với tốc độ 60km/giờ, với 7 phần trên ngọn cây và 3 phần dưới đất. Bởi vậy, chỉ cần đứng xa 100m là có thể nghe tiếng quạt gió, rẽ rừng của chúng. Có lần đi hái thuốc, ông nghe thấy tiếng kêu của một con mang xen giữa tiếng gió, ông biết ngay đó là hổ mây đang rướn mình để vồ mồi. Chờ cho lặng gió, ông lần mò đi xem thì thấy cả một vùng cỏ cây đổ rạp, vết tích để lại chỉ còn vài giọt máu tươi và một bầy ruồi.

Trải qua thời gian cùng sự biến đổi của thời tiết, nạn săn bắn thì các loài rắn ở Bà Đội Om đã dần biến mất. Hổ mây khổng lồ vẫn còn nhưng ít khi xuất hiện trong tầm mắt của con người. "Còn một con dài tầm 50 thước, nặng cỡ 200 ký ở trên đỉnh núi, nếu tụi bây có gan tao dẫn đi coi", ông Tư Đền quả quyết như thế.

Cá mập nước ngọt thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên các nhánh sông miệt Cửu Long.

3. Không lên rừng săn thú, ông Năm Oánh lại xuôi về sông Vàm Nao săn thủy quái. Nghề săn, như cái nợ bám lấy cuộc đời của ông. Vàm Nao là nơi giao thoa nguồn nước sông Tiền và sông Hậu, độ sâu từ 15-20m. Hàng năm, cứ vào mùa lũ, dưới sông sâu lúc nào cũng có những loài cá khổng lồ trú ngụ. Năm Oánh săn cá bằng mồi bí đỏ, những con cá hô, cá bông lau...

Dòng Vàm Nao khi ấy được mệnh danh là "túi cá" của miệt Cửu Long. Cao thủ săn "thủy quái" như ông Năm Oánh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, Mười Bốp là cái tên gây thương nhớ nhiều nhất cho cánh thợ săn ở Vàm Nao. 

Mười Bốp hơn Năm Oánh 7 tuổi, đã ngự ở Vàm Nao từ trước năm 1975, cái thời khúc sông còn nhung nhúc cá mập được dân vạn đò ví bằng câu: "Ở đây xứ sở lạ lùng, con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh". 

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Tám Nhung, con gái ông Mười Bốp thì cha chị chính là kình ngư dẫn đường cho những người vượt sông Vàm Nao đi lánh nạn trong thời kỳ chiến tranh. Ông bơi phía trước, đối đầu với cá mập và chế ngự chúng. Thợ săn nào cũng phải cúi đầu nể phục Mười Bốp bởi sức lì và sự dũng mãnh của ông.

Sau này, do thay đổi dòng chảy, cá mập Vàm Nao dần biến mất, Mười Bốp trở lại săn các loài cá hô, bông lau. Theo chân đàn anh, Năm Oánh thỏa sức vẫy vùng, ông miệt mài kiếm ăn trên sông. Những bữa tiệc "thủy quái" trên sông là ký ức không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của Năm Oánh. 

Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh Mười Bốp mình trần, đạp xuồng lao xuống sông quần nhau với con cá hô nặng 150kg đang cố gắng thoát ra khỏi tay lưới. Đêm ấy, ánh trăng thượng tuần vằng vặc giữa sông đã giúp ông nhìn rõ vệt máu loang dài trên ngực của Mười Bốp. "Thủy quái" bị khuất phục nhưng nó cũng kịp để lại vết thương nguy hiểm trên người thợ săn. Mười Bốp bị vây của cá cứa rách mảng thịt vùng ngực phải nối ra nách, đầu của nó thúc mạnh vào mạn sườn. 

Lúc ấy, ông vẫn cười, nói không sao cả. Nhưng vừa về tới nhà, ông kiệt sức rồi ngất lịm đi. Người nhà đưa ông đi bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị dập lá lách, tổn thương gan. Sau tai nạn đó, Mười Bốp đành phải từ giã sự nghiệp thợ săn của mình. 6 năm sau, ông qua đời vì biến chứng bệnh tật. Năm Oánh trở về núi, chính thức gác đời thợ săn. Ông lên rừng hái thuốc bán cho các cơ sở chế biến thuốc Nam sống qua ngày.

Những năm sau này, tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông ít đi rừng hơn mà chỉ quanh quẩn bên mảnh vườn nhỏ. Mỗi tháng 2 lần, ngày mồng 1 và 30, ông lại ngược "dốc trời" Bà Đội Om đi thắp hương tại các ngồi miếu thờ. Lần nào cũng vậy, ông thường nán lại rất lâu bên hang rắn hổ mây. 

Ông ngồi trầm ngâm ở đó, nghĩ về ân oán cuộc đời. Ông thấu hiểu được chân lý mà người xưa đúc rút: "Ăn của rừng rưng rưng nước mắt". Nhìn ra dòng nước đục ngầu mặn chát đang xâm lấn nặng nề vào đất trồng hoa màu, ông Năm buột miệng: "Ăn của sông của biển một cách vô tội vạ cũng phải trả giá".

Ngọc Thiện
.
.
.