Là con người, vì con người…

Thứ Năm, 28/04/2016, 15:50
Thưa Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Thưa Bộ trưởng Bộ Y tế! Ngày 9/4/2016, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 đã hoàn tất việc phê chuẩn bổ nhiệm các thành viên Chính phủ. Chúng tôi muốn dành “Thư gửi từ cuộc sống” số này đến 2 vị bộ trưởng, 1 mới bổ nhiệm và 1 tại vị. Đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thú thật khi đọc những gì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời phỏng vấn báo giới, tôi và rất nhiều người đã dành cho ông những cảm tình đặc biệt. Ấn tượng nhất là sự phủ nhận “trận đánh lớn” mà vị bộ trưởng tiền nhiệm đã theo đuổi trong suốt nhiệm kỳ trước: “Không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, được xây dựng liên tục trong nhiều năm”. 

Phải nói rõ rằng mọi sự phủ nhận bằng tuyên ngôn ở cấp bộ trưởng xưa nay trong các thay đổi nhiệm kỳ là hiếm xảy ra. Tính kế thừa như một sự mặc định ở tất cả các ngành, các bộ. Mọi sự cải cách nếu có cũng diễn ra âm thầm lặng lẽ sau đó. Tất nhiên đây mới chỉ là sự thay đổi ở phát ngôn. Nhưng thế cũng đủ để không ít người thấy sốc. Sẽ xảy ra một cuộc cách mạng ở lĩnh vực mà 90 triệu dân Việt không ai không quan tâm này chăng? 

Xin được nói ngay, để làm một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục là điều không dễ nếu không muốn nói là không thể làm được trong thời gian một nhiệm kỳ Bộ trưởng, dù vẫn biết dấu ấn cá nhân là quan trọng. Vô cùng quan trọng. Và tất thảy ai cũng mong muốn có một cuộc cách mạng triệt để ở lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. 

Thưa Bộ trưởng! Đúng là sau những phát biểu của bộ trưởng đã có nhiều kỳ vọng và không ít băn khoăn. Cái sự sốc nói ở trên bởi sự thay thế “công trình lớn” vào “trận đánh lớn” mang tính dài hạn. Như Bộ trưởng đã nhận định “công trình lớn” này phải xây dựng mất nhiều năm. Tất nhiên là không thể một sớm một chiều, không thể chỉ là một chiến dịch thần tốc như Quang Trung đại phá quân Thanh nhưng xây dựng nhiều năm là bao nhiêu?

Một nhiệm kỳ Bộ trưởng 5 năm nhanh lắm ạ. Phỏng sẽ có những thay đổi gì. Chưa thể có ngay những kế hoạch cụ thể nhưng đã manh nha thấy cách làm của Bộ trưởng có những điểm khác biệt so với trước. 

Sách giáo khoa là một ví dụ. Trong khi nhiều năm nay ngành giáo dục luôn loay hoay và sốt sắng thay đổi chương trình, sách giáo khoa các loại thì bây giờ Bộ trưởng khẳng định sách giáo khoa, chương trình chỉ là những công cụ không phải mục tiêu, mục đích. Vì bản chất của giáo dục là con người. 

Đúng như thế, sẽ tốt biết bao nhiêu nếu bộ trưởng ngay lập tức làm một chuyến vi hành xuống trường học bất kỳ để thực mục sở thị những chiếc cặp sách nặng hàng yến trên những đôi vai non nớt của trẻ nhỏ đến trường. Hệ quả của việc cải cách sách giáo khoa là đôi vai của trẻ ngày thêm chất nặng. Mục sở thị để sớm có những thay đổi từ chính Bộ trưởng.

Những phát biểu của Bộ trưởng làm nức lòng không chỉ các bậc phụ huynh mà còn được đón nhận ở các thầy cô giáo, những người đêm ngày cần mẫn thậm chí hy sinh rất nhiều vì học sinh thân yêu. Động lực mà Bộ trưởng muốn tạo ra cho các thầy cô và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tích cực, phấn khích trong giảng dạy là một môi trường sư phạm lành mạnh. 

Rất đúng. Lành mạnh là thầy ra thầy, trò ra trò. Là một môi trường không có những hình ảnh phản cảm về người thầy. Không có những bức xúc của học sinh và phụ huynh. Không có chạy chức, chạy chỗ, chạy trường, chạy lớp, chạy điểm. Không chạy và chẳng đổi chác. Không có những nhồi nhét kiến thức quá tải một cách máy móc. Không có những buổi học thêm triền miên biến học sinh thành rô bốt. 

Thưa bộ trưởng, xin ông hãy ngay lập tức có biện pháp khẩn cấp để trả lại tuổi thơ hồn nhiên cho trẻ em. Những đứa trẻ mắt cận, không còn biết đến sách văn học, không có phố xá, không có làng quê, không có trò chơi con trẻ, không cả tivi bởi chúng không có thời gian vì học ở lớp, vì bài tập về nhà, vì học thêm. Chúng thậm chí không có cả những kỹ năng sống cần thiết. Đó là sự thật.

Chúng tôi đã lắng nghe một cách hồ hởi trong thông điệp của Bộ trưởng. Biết là có rất nhiều việc Bộ trưởng cùng bộ máy phải làm. Những hệ lụy của các kỳ thi quốc gia như năm 2015 cần thiết được đổi mới để phù hợp. Những chính sách với học sinh miền núi. Những thiếu thốn khó khăn về trường lớp, thiết bị. Những đề án cải cách. Rất nhiều. Nhưng chúng tôi tin vào Bộ trưởng. Như niềm tin mà Bộ trưởng muốn xây dựng từ quan điểm để “giáo dục là con người”. Chúng tôi tin!

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến quý mến. Bà là nữ thành viên chính phủ duy nhất và là 1 trong 5 thành viên chính phủ tại vị. Riêng điểm này đủ thấy sự tín nhiệm của Quốc hội với cá nhân bà. Dù có lẽ người phải chịu đựng búa rìu dư luận nhiều nhất ở nhiệm kỳ qua không ai khác chính là Bộ trưởng Bộ Y tế nhưng việc bà tại vị ở chức vụ này đã đủ nói lên tất cả. 

Tôi không giấu ở góc độ một nhà văn, ban đầu tôi đã bị cuốn vào vòng xoáy thông tin về bà để rồi thiếu đi sự tỉnh táo. Chẳng những tôi tin vào những gì báo chí viết, truyền thông bình phẩm đầy ác ý về bà mà nhận thức của tôi cũng thiếu công bằng khi đánh giá. Chỉ khi sự xông xáo của bà, những việc làm thực tế đầy sự dũng cảm của bà cộng với những kết quả đáng khích lệ ở ngành y đã khiến tôi và tất nhiên rất nhiều người khác nữa có cái nhìn khách quan hơn về bà.

Hẳn chưa ai quên áp lực đè nặng lên vai người nữ bộ trưởng trong cuộc chiến với những thế lực của ngành công nghiệp dược mà giá thuốc luôn tăng bất cập là một minh chứng. Ở cuộc chiến này có cảm giác bà bị đơn độc, không được báo chí truyền thông bảo vệ, thậm chí cả nghị trường và dư luận trong ngành cũng không ủng hộ. Song bà đã làm được. Đó là giải pháp đấu thầu thuốc tập trung đã kéo giá thuốc giảm đáng kể. 

Cũng chính bà khác với những người tiền nhiệm đã dám thẳng thật với thực trạng ngành y. Những phát ngôn gây sốc của bà thực chất là những thông điệp thẳng thắn về những gì ngành y còn khiếm khuyết trên phương diện cơ sở vật chất, trong khâu quản lý khám chữa bệnh và những tiêu cực của ngành. Bà là người phát động phong trào nói không với phong bì, chống lại phiền nhiễu tiêu cực với người bệnh. 

Trong nhiệm kỳ của bà, bảo hiểm y tế được phổ cập mở rộng đến toàn thể nhân dân. Những người nghèo nhờ đó có cơ hội được khám chữa bệnh toàn bộ. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, bà đã có những giải pháp hữu hiệu như giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, xây dựng khung và trần dịch vụ khám chữa bệnh, thí điểm và bước đầu xóa bỏ tuyến, tiến tới thông tuyến toàn bộ đảm bảo việc cứu chữa người bệnh không bị sơ sảy vì ách tắc tuyến. Còn rất nhiều việc khác nữa trong nhiệm kỳ của bà. 

Có thể khẳng định hình ảnh của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến được cải thiện rất nhiều so với ban đầu nhiệm kỳ không phải là những nỗ lực truyền thông mà chính là ở những đột phá dám nói, dám làm trong công việc. Nói một cách công bằng, bà đã làm việc trong tâm thế đứng về phía người bệnh. Bà và ngành y đã thật sự vì con người.

Ai cũng biết ngành y là một ngành gắn bó mật thiết với đời sống con người. Tính mạng con người luôn trực tiếp nằm trong tay các nhân viên y tế. Dù thời gian qua những thành tựu của nền y học nước nhà đáng tự hào nhiều mặt nhưng phải thừa nhận thực trạng ngành y hiện tại là một bức tranh loang lổ với nhiều vấn nạn. Bởi vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế còn rất nặng nề đòi hỏi sự cố gắng tột bậc của bà và đồng sự. 

Đất nước nghèo, sự phát triển cơ sở vật chất ngành còn hạn chế. Giường bệnh chưa đủ dẫn đến khổ nạn điều trị ghép giường xảy ra ở hầu hết các bệnh viện. Giá khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế còn cao với một bộ phận dân nghèo. Các cơ sở khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng được với nhu cầu điều trị. 

Tiêu cực trong nhân viên ngành y vẫn cần phải đấu tranh quyết liệt để xóa bỏ. Đó đây dư luận vẫn phàn nàn, chỉ trích những chính sách công xa rời thực tế. Một số dự án y tế chưa thật sự hữu ích với cộng đồng, còn lãng phí. Và nữa, cuộc chiến với thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại mà trách nhiệm của ngành y tế ở khâu kiểm soát an toàn thực phẩm là điều rất cần sự quan tâm của bà.

Giáo dục là con người. Y tế vì con người. Còn có gì hơn nữa. Chúng tôi tin tưởng vào các bộ trưởng. Mong rằng những tuyên ngôn sẽ gắn liền với hành động. Những đột phá dũng cảm còn được tiếp tục hiệu quả để giáo dục và y tế luôn xứng đáng là con người, vì con người. Chúc sức khỏe hai bộ trưởng.

Hà Nội, ngày 12/4/2016

Phạm ngọc tiến
.
.
.