Lạ lùng cấm cô dâu không được mặc váy cưới

Thứ Ba, 17/07/2012, 08:43

Đám cưới là ngày trọng đại đối với cuộc đời mỗi con người. Ai cũng muốn mình thật nổi bật trong cái ngày đặc biệt ấy. Thế nhưng, ở một nơi không xa Hà Nội người ta lại có một quy định rất lạ lùng, đó là "Cấm cô dâu không được mặc váy trong ngày cưới". Nếu vi phạm quy ước này, gia đình cô dâu chú rể sẽ phải nộp phạt một triệu đồng.

Không những thế hành động đó còn bị những người trong xã ngoài làng "dè bỉu". Bởi họ coi đó là đi ngược lại thuần phong mỹ tục của địa phương.

Tục lệ đặc biệt

Quả là, nếu không đến tận nơi để tìm hiểu thì chúng tôi vẫn cứ không tin rằng có một quy định như thế đã từng tồn tại nhiều năm xã Phù Lãng (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Xã Phù Lãng nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng vốn nổi tiếng từ lâu bởi nghề gốm truyền thống. Vậy mà, đến tận hôm nay chúng tôi mới biết thêm về một nét văn hóa độc đáo có một không hai này: Cô dâu không được mặc váy trong ngày cưới.

Khi được hỏi lý do nào dẫn đến việc ra đời một quy định nghe có vẻ rất phi lý như vậy thì nhiều người dân nơi đây cho biết: Do điều kiện kinh tế khó khăn. Váy cưới thuê mướn đắt đỏ. Khoảng mười năm trở về trước nếu bỏ tiền ra thuê một chiếc váy cưới cho ngày lễ trọng đại thì cũng mất ít nhất từ một đến hai triệu đồng. Và vào thời điểm này thì số tiền đó có thể lên tới năm, sáu triệu đồng. Tất nhiên số tiền đó không phải là quá lớn đối với những gia đình có điều kiện. Vậy còn những nhà không có điều kiện thì sao?

Nhìn thấy những cô dâu khác được mặc váy cưới mà mình thì không sẽ khiến các cô dâu của những gia đình không khá giả thấy chạnh lòng và cảm thấy bị thiệt thòi. Thế nên, nếu tất cả các cô dâu trong phạm vi xã Phù Lãng đều không ai mặc váy trong ngày cưới thì sẽ không ai cảm thấy tủi thân. Nó giống như người ta bắt học sinh mặc đồng phục ở trường. Ngoài việc nhìn đồng phục là biết ngay học sinh đó học trường nào thì còn để cho có tính hòa đồng không phân biệt sang hèn qua trang phục. Từ quan điểm ấy, Hội đồng nhân dân xã Phù Lãng đã họp lấy ý kiến của người dân. Khi được hầu hết các hộ trong xã ủng hộ, Hội đồng nhân dân ra quy định "Cấm cô dâu không được mặc váy trong ngày cưới".

Một đám cưới thực hiện đúng ước của xã.

Một lý do khác nữa cũng được người dân nơi đây đưa ra là, do địa hình của địa phương bụi bặm, đường đi là đường đất mà hầu hết trai gái trong làng chỉ lấy người cùng làng, xa hơn là cùng xã nên đám cưới tổ chức thường đi bộ có khi tới hơn một cây số. Thế nên việc cô dâu mặc váy cưới lòa xòa chẳng khác nào cái chổi quét đường. Sau này tiến bộ hơn thì đón dâu bằng xe máy. Dù váy không còn bị bẩn nữa nhưng lại nguy hiểm bởi đuôi váy rất có thể sẽ quấn vào vành xe gây tai nạn… Có rất nhiều điều bất lợi sẽ xảy ra khi cô dâu mặc váy cưới.

Dù sao đấy cũng chỉ là những lý do phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của người dân trong địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa để dẫn đến cái quy định lạ lùng ấy còn bởi các bậc bô lão trong làng đều thấy rằng: "Mặc áo dài truyền thống không những rẻ, đẹp mà còn kín đáo thể hiện đúng đức tính dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam. Ngược lại, mặc váy cưới dưới thì lòe xòe, trên lại hở cả da lẫn thịt trông nhố nhăng không vừa mắt chút nào".

Mặc dù có bạn học đại học là người dân Phù Lãng nhưng quả thực trước đó chúng tôi không hề hay biết về cái quy định lạ lùng đó. Chỉ đến khi được Phương mời về dự đám cưới của cậu em trai là Trần Văn Tuấn tôi mới có dịp "mắt tròn mắt dẹt" về một điều tưởng chừng không có thực ấy.

Tôi tò mò hỏi Tuấn: "Chẳng lẽ cô dâu ở đây không ai dám mất một triệu để được lộng lẫy trong ngày cưới hả?". Nghe tôi hỏi vậy, Tuấn cười giải thích: "Vấn đề không phải là một triệu chị ạ mà là danh dự của gia đình. Trong khi cả xã đều làm vậy mà mình làm trái ngược lại thì dân làng sẽ lời ra tiếng vào cho rằng mình làm điều trái với thuần phong mỹ tục. Khó nghe lắm". Giờ thì tôi đã hiểu nỗi niềm của các cô dâu chú rể nơi đây. Có lẽ họ không tiếc phải nộp phạt một triệu, hai triệu thậm chí là nhiều hơn thế để được kiêu sa trong ngày cưới. Nhưng "luật vua thua lệ làng". Làng thế nào thì mình cũng phải thế ấy cho nó "lành".

Không được mặc váy trong ngày cưới nhưng các cô dâu lại được quyền mặc váy cưới thoải mái khi đi chụp ảnh cưới, kể cũng lạ.

Cuộc cách mạng của những người trẻ

Trong đám cưới của Tuấn chúng tôi có dịp hỏi ý kiến của những người trẻ về quy định này. Hầu hết đều nói rằng họ thích mặc váy cưới vì trông cô dâu sẽ trở nên xinh đẹp hơn, lộng lẫy hơn và sang trọng hơn. Áo dài nên để các dịp lễ tết hội hè mặc sẽ hợp hơn. Bởi nếu trong ngày cưới mà cô dâu chỉ mặc áo dài thì quá đơn giản thậm chí là đơn điệu. Không làm nổi bật hình ảnh cô dâu trong ngày trọng đại. Và những người có quan điểm hiện đại nói rằng: "Nếu bọn em có mặc áo dài trong ngày cưới đấy chẳng qua là bởi không muốn trái lời ông bà, bố mẹ mà thôi".

Có những người thực sự muốn được khoác lên mình chiếc áo cô dâu nhưng lại e ngại nhiều điều nên đành buông xuôi và mặc áo dài truyền thống như phong tục. Song, cũng có người nhất mực theo đuổi quan điểm của mình, như cô dâu Nguyễn Thu Hường là một ví dụ điển hình. Hường là con lớn trong gia đình nên khi đi lấy chồng, ông bà bố mẹ cô đều muốn trong đám cưới cô sẽ mặc áo dài truyền thống để vừa theo lệ làng vừa làm gương cho các em của Hường sau này. Thế nhưng cô nhất định không chịu làm theo. Đến nước này, gia đình nhà Hường đã dọa sẽ không cho nhà trai đến đón dâu.

Hường đã phải chống lại cả gia đình để được mặc váy trong ngày cưới.

Thấy cô cháu gái im im ai cũng tưởng là Hường đã thuận theo sự giàn xếp của gia đình. Ai ngờ trong lễ rước dâu, Hường vẫn "hiên ngang" trong chiếc váy cưới trắng muốt, tươi cười bước lên xe máy về nhà chồng (xã bên cạnh). Hỏi Hường không sợ vi phạm vào quy ước của xã hay sao, thì Hường cười bảo rằng: "Các cô dâu khác lấy chồng cùng xã thì phải chịu thôi. Bây giờ em và các bạn nếu lấy chồng xã khác đều bảo nhau mặc váy. Đời con gái chỉ một lần được mặc váy lên xe hoa, nếu cấm thì còn gì có cảm giác được làm cô dâu chứ. Với lại ở trong xã không sao, mình mặc áo dài về xã khác thấy ngượng lắm. Em nghĩ các cụ cũng nên từ bỏ quan niệm cổ hủ đi".

Không chỉ có Hường mà Nguyễn Thị Tâm (một người thuộc thế hệ 9X) cũng đồng nhất với quan điểm nên phá bỏ hủ tục cô dâu chỉ được mặc áo dài trong ngày cưới. Vì theo Tâm điều đó thật lạc hậu, không thức thời. Tâm bảo: "Em nhất định sẽ mặc váy trong ngày cưới. Người yêu em là người thành phố. Thế nên em không thể chỉ mặc mỗi chiếc áo dài như đi dự hội nghị về nhà chồng được. Có thể những người trong xã quen với điều đó nên không cảm thấy gì chứ chị cứ tưởng tượng nếu đám cưới mà chỉ mặc mỗi áo dài cô dâu sẽ buồn hơn vì đời người con gái chỉ có được một lần duy nhất được mặc váy cưới". 

Trò chuyện với phóng viên, ông Trần Trung Tấn - Bí thư đảng ủy xã Phù Lãng chia sẻ: "Chẳng nói đâu xa, chính con gái út của tôi trước khi cưới cũng cứ năn nỉ xin gia đình là cho được mặc váy cưới. Thậm chí nó còn khóc và bảo rằng, đời người con gái chỉ có một lần lên xe hoa, bạn bè của nó ở nơi khác ai cũng được mặc váy. Kể thì cũng thấy thương con nhưng biết làm sao được. Quy định là quy định. Tôi còn nói với nó là: "Thông cảm cho bố, dù sao bố cũng là cán bộ. Mà cán bộ thì cần phải gương mẫu trong mọi chuyện. Con trai tôi cũng vậy, nó lấy vợ. Trước khi làm đám cưới tôi cũng phải sang nói chuyện trước với nhà thông gia và động viên con dâu vui vẻ mặc áo dài trong ngày cưới".

Ông Nguyễn Tiến Lên - Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Phù Lãng: "Thực ra quy định này rất hợp với điều kiện kinh tế khó khăn khoảng mười năm về trước và cũng phù hợp với địa hình địa phương khi đó đường đất và bụi bặm. Nhưng một vài năm trở lại đây nhiều người trẻ và nhất là những gia đình có điều kiện đã cực lực phản đối chuyện này, thế nên Hội đồng nhân dân xã cũng đã nhiều lần đưa vấn đề này ra xem xét lại. Và không ít lần vấn đề được đưa ra vẫn gặp phải sự phản đối quyết liệt của hầu hết các bậc cao niên trong xã. Tuy nhiên vì "tương lai" của con em, UBND xã sẽ xem xét lại quy ước này trong thời gian sớm nhất".

Ông Nguyễn Đắc Hữu - Trưởng phòng Văn hóa huyện Quế Võ (Bắc Ninh): Quy ước này được UBND xã Phù Lãng gửi lên huyện vào khoảng năm 2001. Trong đó có ghi rằng: "tổ chức đám cưới trang trọng, tiết kiệm mặc áo dài truyền thống, không được mặc váy cưới".

Ban đầu là hương ước của các làng trong xã. Sau đó nâng lên thành quy ước của xã. Nhưng theo tôi chỉ nên ghi là "không nên dùng váy cưới, khuyến khích mặc áo dài truyền thống". Như thế nó tác động đến ý thức của người dân, đề cao tinh thần tự nguyện hơn là ép buộc. Xét cho cùng vào thời điểm đó thì không làm thế cũng không được vì nhiều yếu tố kinh tế và đường sá. Nhưng đến bây giờ khi xã hội đã phát triển cũng không nên đặt nặng vấn đề này quá. Nên để cho người dân tự nguyện thì hơn".

Ngọc Anh – Quang Anh
.
.
.