Lá thư thời chiến và tâm nguyện của một bà mẹ

Thứ Năm, 05/02/2015, 19:00
Lên đường vào chiến trường khi chưa tròn 20 tuổi. Hai năm sau, ngày 15/4/1972 anh ngã xuống tại mặt trận Động Tranh (Thừa Thiên - Huế). Trong di vật để lại của người liệt sĩ trẻ có những lá thư gửi về từ chiến trận chất chứa nhiều tình cảm và tràn đầy ý nghĩa. Hi sinh năm 1972, tới năm 1989, từ giấc mơ báo mộng cho mẹ và em trai, gia đình đã đón được anh trở về. Những lá thư thời chiến cùng giấc mơ chỉ đường mang tới cho chúng ta nhiều xúc cảm lăng sâu.

Lá thư thời chiến

Tôi tới thăm bà Nguyễn Thị Như Mai, mẹ của liệt sĩ Trần Minh Đức tại số 7A vào một ngày thu tháng mười năm 2014, khi khắp các ngõ phố Thủ đô rộn ràng kỉ niệm ngày Giải phóng.

Sinh năm 1929, bà Mai đã ở vào tuổi bách niên nhưng vẫn còn minh mẫn, nhanh nhẹn. Nói chuyện về con trai, người mẹ đó đọc cho tôi nghe những bài thơ bà làm tặng con mình khi anh ra mặt trận, cả khi anh đã hi sinh mà chưa tìm được hài cốt.

Nén lại nỗi xúc động, bà dẫn tôi lên gác tư của ngôi nhà, chỉ cho tôi xem di vật của người con trai cả gửi về từ chiến trường. Đó là chiếc lọ hoa trang trí nhỏ được anh làm từ vỏ đạn. Là mảnh mi ca trong suốt được bàn tay khéo léo của người chiến sĩ trổ hoa, khắc tên..vv.

Trong số đó, tôi dừng lại ở một lá thư được anh viết vào năm 1971. Lá thư không chỉ cho thấy tình cảm của người con đi chiến đấu nơi chiến trường đối với cha mẹ mình. Cao hơn thế, lá thư giúp tôi hiểu rõ hơn những người lính năm xưa đã sống, đã cảm nhận cuộc sống đầy tinh tế và ý nghĩa ra sao.

Ngày 4-3-1971

Bố mẹ và gia đình kính yêu của  con!

Hôm nay, tranh thủ ngày nghỉ, con viết thư gửi về gia đình- tổ ấm đã sinh ra và nuôi con khôn lớn.

Bố mẹ kính yêu! Thế là chúng con đã chấm dứt giai đoạn hành quân vượt Trường Sơn được thắng lợi. Hôm nay, một ngày nghỉ trên chặng đường hành quân chiến đấu, chót vót trên đỉnh Trường Sơn, chúng con đang đàng hoàng đu đưa trên chiếc võng. Con lại thảnh thơi ôn lại những kỷ niệm êm đềm của cuộc đời niên thiếu trên quê hương đất thánh thân yêu, đã đi vào ký ức và cuộc đời chinh chiến đầy sóng gió, đã và đang theo bước con với những buổi quân hành và chiến đấu!

Bố mẹ kính yêu! “Vượt Trường Sơn” – ba chữ đó mà những người bạn quốc tế của chúng ta, với những phương tiện hiện đại có thể sử dụng được, họ cũng đã “ vượt Trường Sơn”, trong số đó có một nhà báo đã thốt lên rằng: “Có thể trao danh hiệu anh hùng cho những người đã vượt Trường Sơn”. Còn chúng con với cả gia tài trên lưng đã “vượt Trường Sơn” như một lần đi du lịch. Mà thật vậy, vượt Trường Sơn nó cũng có đủ những thú vị của cuộc sống... Mỗi ngày qua, trong quyển lịch nhỏ của em Tuấn tặng, con đều ghi lại những bước con đi. Nhưng ở đây con chỉ kể một vài mẩu chuyện trên đường vượt Trường Sơn của chúng con thôi.

Trường Sơn, nếu là nông dân, con sẽ nói đây là đòn gánh đỡ lấy hai vựa thóc của Tổ quốc. Nếu là công nhân, con sẽ nói đây là động cơ đốt trong. Nếu là nhà địa lý, thì tất nhiên đây là một biên giới thiên nhiên hùng vĩ mà tạo hóa đã ưu tiên cho nước Việt Nam. Là một chiến binh, con nói đây là cột sống của Việt Nam. Trong Trường Sơn có cả tình Nam, nghĩa Bắc. Trường Sơn là đường dây liên lạc, nhưng nói đúng hơn là đường hầm liên lạc giữa hai miền Nam- Bắc. Phương tiện hiện đại của Lầu Năm Góc, bom đạn của Hoa Kỳ đã phải bó tay với núi rừng Trường Sơn, nên con đã viết trong rừng Trường Sơn:

“Ta đi trong rừng, rừng nhường bước ta đi

Với giặc Mĩ rừng vươn tay che mắt chúng”

Bố mẹ kính yêu! Trường Sơn sẽ làm nản chí những người thấp hèn, vì qua rừng Trường Sơn không phải ít khó khăn. Mỗi bữa cơm có bao nhiêu hạt thì Trường Sơn có bấy nhiêu quả núi. Mỗi bát canh có bao nhiêu giọt thì Trường Sơn cũng có bấy nhiêu dòng suối. Cái nóng và cái rét của Trường Sơn cũng có giá trị ngang nhau. Nóng bóc da và rét cắt ruột. Nóng ban ngày  và rét ban đêm. Ở trên đỉnh núi này, đã có đêm con phải ngủ trong nhà vệ sinh để chống chọi với gió rét của một đợt gió mùa đông bắc. Tại đỉnh núi này, chúng con đã hát rằng: “Nơi đây quanh năm không có mùa khô- Chỉ có mây mù với gió và mưa”. Trên Trường Sơn cũng có phần nào Tam Đảo, nơi mà mẹ và em Tuấn đã đi nghỉ mát. Nghĩa là một ngày Trường Sơn có bốn mùa, tối đi ngủ có thể sử dụng hết chăn màn và quần áo. Nhưng giữa trưa thì vắt ra mồ hôi….Đấy là về mùa khô, còn mùa mưa thì không lúc nào quần áo khô hết. Về  vật chất, những đơn vị tĩnh thì tương đối ổn định, những đơn vị động thì rất khó khăn về chất tươi – rất thèm rau..

Nhưng, từ sự gian khổ ấy, chúng con đã có sự vinh dự của người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ trong gian khổ đó, chúng con cũng được hưởng nhiều sự ưu đãi của thiên nhiên. Vượt lên trên đỉnh núi, chúng con có thể nhìn thấy một dải đất nước. Hành quân những đêm sáng trăng trên đỉnh núi, chúng con tưởng như có thể cài trăng lên đầu nòng súng. Lên đỉnh núi, chúng con được hưởng những ngọn gió trong lành nhất của đất nước, được bồi dưỡng “gió Trường Sơn  nâng bước ta đi”. Hay suối Trường Sơn cũng vậy: “suối hát dưới chân anh theo nhịp quân hành…”. Không những thế, những bữa canh cũng bắt nguồn từ dòng suối. Câu cá lên, đi dọc theo dòng suối có thể cho chúng con những thứ rau nấu nồi canh đàng hoàng, cũng thưởng thức như những bữa cơm hiệu ngoài Hà Nội.

Tết trên Trường Sơn cũng đáng kỉ niệm. Đơn vị đã tạo cho chúng con một số điều kiện vật chất. Chúng con cũng được hưởng phần nào cái hương vị ngày xuân của dân tộc. Tuy vậy, ngày 30 Tết, ngày 1 và 2 Tết chúng con vừa hành quân, vừa đãi nhau những bữa “cỗ nghe” của từng gia đình, cũng đủ cả ngọt, mặn, mứt, kẹo, thuốc lá, thịt đông, bánh chưng rồi dưa hành, giò chả, măng miến, mộc nhĩ đủ cả nên cũng vui chứ “cỗ nghe”- “tiệc tửng” thì bộ đội không thiếu.

Nói chuyện Trường Sơn vậy thôi. Tình hình sức khỏe của con đến nay vẫn tốt. Chỉ có gầy hơn chút ít, chú Thắng cũng vậy. Gia đình cứ yên tâm, tất cả những thứ gia đình chuẩn bị cho con đều rất có tác dụng. Nhưng con sử dụng cũng hạn chế thôi, bởi vì phải chuẩn bị trường kỳ, chứ không phải trong chốc lát. Con mới sử dụng hết chỗ cao gấc để ngoài và một gói bột chua thôi. Nếu gia đình còn ai đi bộ đội thì nên chuẩn bị thêm salamits chống đau khớp nữa.

Bố mẹ kính yêu! Tình hình gia đình ta ra sao? Ông bà, cô bác, chú đều khỏe cả chứ! Bố mẹ, chị Diệp và các em thế nào? Con tin mọi sự đều tốt lành, bởi vì chưa thể nhận thư của gia đình. Có một điều là chị Diệp và các em phải thấy rằng sướng nhất là được sống trong gia đình. Nên trong cuộc sống phải làm sao để bố mẹ được vui lòng, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang khôn lớn và bố mẹ bắt đầu già yếu, phải làm sao xứng đáng với công ơn của bố mẹ.

Thôi, con tạm dừng bút, chúc gia đình mạnh khỏe, lập được nhiều thành tích trên mặt trận chống Mỹ của mình.

Ngày 4-3-1971

Con của gia đình

Trần Minh Đức

Tâm nguyện được thực hiện của mẹ

Đồng đội trở về từ chiến trường báo tin con trai hi sinh năm 1972, trái tim bà Mai đau thắt. Con trai đã hi sinh nơi chiến trận. Như những người mẹ anh hùng nơi mảnh đất Việt Nam kinh qua lịch sử giữ nước hào hùng, bà nén nỗi đau ở trong lòng.

Bà hiểu, con trai bà hi sinh, anh không khi nào mong muốn sự ra đi của mình khiến nỗi buồn nhớ đeo đẳng mãi theo cha mẹ. Nhưng, khi nào bà cũng mong mỏi sẽ mang được di cốt của anh trở về gần hơn với gia đình. Nhưng, đất nước hai miền còn chưa thống nhất, biết tới khi nào bà đón được con mình trở về?

Mười sáu năm, mong mỏi tìm được di cốt của con gần như rơi vào vô vọng. Nhưng, khi người mẹ còn niềm tin, còn hi vọng thì điều kì diệu đã diễn ra. Một ngày tháng 2 năm 1989, người mẹ đã có giấc mộng chỉ đường. Bà kể: Người lính trong giấc mộng bước ra, đứng ngay trước mặt bà, dù không nhìn rõ mặt nhưng giọng nói của người lính đó chính là giọng nói thân thương của con trai bà. Anh nhắn mẹ: “Mẹ ơi, con gửi bạn Ninh cái búa, mẹ tới 25 Lò Sũ mà lấy”.

Bà choàng tỉnh dậy. Người mẹ mừng rỡ cảm ơn trời Phật hiển linh. Ngay hôm sau, bà tới số 25 Lò Sũ tìm người đồng đội của con mình tên Ninh. Số 25 Lò Sũ lúc ấy là khu tập thể với cầu thang ở giữa. Ai là Ninh, nhà nào là nhà đồng đội của con trai mình đây?

Bà bước lên cầu thang vừa mừng, vừa lo. Tới sảnh chờ, vừa lúc có một người thanh niên đi tới, bà liền hỏi người lính tên Ninh và giới thiệu về mình. Như một phép màu, người bà hỏi thăm chính là Ninh – đồng đội cũ của con trai. Anh nhận ngay ra người mẹ của đồng đội vẫn thường gọi là Đức 2C vì mọi di vật của anh đều khắc chữ 2C. Nhưng, Ninh không phải là người chôn cất con trai bà.

Theo chỉ dẫn của Ninh, người mẹ đăng báo, tìm đồng đội cũ của con. Một ngày rất lâu sau đó, khi bà đang bán hàng nước ở nhà cũ ở số 2C Quang Trung, có đồng đội của con trai tên là Lộc cụt từ bên Gia Lâm tới tìm bà. Anh kể về sự hi sinh của Đức, về người lính Trương Quang Vinh ở Cục Quân lực (hiện còn sống) là người ăn bữa cơm cuối cùng với Đức.

Cũng trong những ngày tháng bà gặp Lộc thì con gái bà – chị gái của Đức lại nằm mộng thấy em mình về nhắn: “Chị ơi, em vẫn ở Suối Hoa”. Vậy là, theo dấu chỉ của 2 giấc mơ, người mẹ và các anh chị trong gia đình bao năm thương nhớ, mong mỏi cuối cùng cũng đón được di cốt của liệt sĩ Trần Minh Đức về gần hơn với gia đình. Niềm vui khôn tả vỡ òa trong trái tim người mẹ.

Kể cho tôi nghe về giấc mơ và hành trình tìm di cốt của con, giọng bà Mai nghẹn lại nhưng đôi mắt lấp lánh niềm vui. Không gian nơi căn nhà số 7A Lê Đại Hành - nơi bà Mai đang sống cùng em trai của lietj sĩ Trần Minh Đức ngập tràn niềm vui!

Vũ Nguyên
.
.
.