Lạm dụng ngân quỹ, phân biệt đối xử - bê bối mới tại WHO

Chủ Nhật, 27/01/2019, 09:53
Một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bị cáo buộc sử dụng tiền mặt hỗ trợ các nạn nhân của dịch bệnh Ebola để trả tiền mua vé máy bay cho bạn gái.


Đại diện WHO thừa nhận, một nhân viên cấp cao của tổ chức đã lạm dụng các quỹ chống dịch Ebola để đưa bạn gái của mình đến Tây Phi. Trước đó, văn phòng đại diện của WHO đã nhận được một loạt email tố cáo nặc danh với cáo buộc phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và sai sót trong quản lý nguồn tài chính chống dịch bệnh Ebola.

Các email này cũng được gửi trực tiếp tới những quản lý cấp cao cho tổ chức với lời khẳng định, WHO phân biệt đối xử có hệ thống đối với nhân viên của tổ chức này là người châu Phi và có nhiều khuất tất trong quy trình tuyển dụng nhân viên. Những người tố giác cũng đã cáo buộc rằng nhân viên cấp cao của WHO ở châu Phi đã lạm dụng tiền nhằm chống lại dịch Ebola ở Tây Phi bắt đầu vào năm 2013.

WHO đã triển khai hàng loạt nhân viên ở châu Phi để đối phó với dịch bệnh Ebola từ năm 2015. Ảnh: Alamy

Các khoản tài chính chi cho dịch bệnh này ở CHDC Congo cũng bị cáo buộc là cắt xén. Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đồng thời là cựu Bộ trưởng Y tế Ethiopia ngay lập tức chỉ thị cho văn phòng giám sát nội bộ của cơ quan này điều tra các cáo buộc.

Hãng tin AP cho biết, loạt email tố cáo đầu tiên được gửi từ tháng 4 năm 2018 với cáo buộc đích danh rằng một nhân viên cấp cao của WHO đã can thiệp để bạn gái được tuyển dụng vào làm tại một cơ sở y tế cùng với anh ta trong quá trình đối phó với dịch bệnh Ebola.

Khi cả hai làm việc tại trạm y tế ở CHDC Congo, họ đã thuê 3 lần máy bay để vận chuyển phương tiện từ một nhà kho ở Dubai tới CHDC Congo với chi phí 1 triệu USD (773.000 bảng Anh). Đó là chưa kể tới gần 10 vé máy bay cho những lần đi lại không phải là đi công tác của hai người.

Tất cả số tiền này đều được trích từ quỹ tài chính chống dịch bệnh Ebola. Tarik Jašarevi, người phát ngôn của WHO cho biết, trên thực tế, tháng 5 năm 2018, cơ quan này đã vận chuyển 10 xe từ Dubai vì "không có xe nào được bán tại DRC đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn tối thiểu của Liên Hợp Quốc tại thời điểm đó". Chi phí vận chuyển các phương tiện là  237.801 USD.

Còn trong một email khác với những lời cáo buộc mới được hãng AP đăng tải, những người tố cáo cho rằng, các nhân viên WHO có "sự phân biệt chủng tộc có hệ thống với người châu Phi làm việc tại WHO" và nhân viên người châu Phi đã bị "lạm dụng, quấy rối tình dục và bị khinh bỉ" bởi các đồng nghiệp ở Geneva (Thuỵ Sĩ).

Email cũng cáo buộc các quy trình tuyển dụng nhân viên cấp cao là không công bằng và có nguy cơ làm tổn hại danh tiếng của tổ chức, đặc biệt ở CHDC Congo. WHO hiện đã cho tăng cường các cơ chế giám sát nội bộ, đồng thời bổ sung rằng họ có "các quy trình đã được chứng minh để báo cáo và xử lý các cáo buộc về hành vi sai trái".

Tổ chức này đã chỉ ra một đường dây nóng chạy độc lập cho nhân viên để nêu lên mối lo ngại và cho biết họ thường xuyên báo cáo kết quả của các cáo buộc đã được chứng minh. Tuy nhiên, Edward Flaherty, một luật sư chuyên về kiện tụng quốc tế, cho rằng các khiếu nại phải tuân theo một cuộc điều tra bên ngoài.

Bởi lẽ IOS, Văn phòng dịch vụ giám sát nội bộ của WHO, đã bị lên án bởi một báo cáo độc lập gần đây về văn hóa tại UNAIDS, cơ quan y tế dẫn đầu cuộc chiến chống lại HIV. Báo cáo cảnh báo rằng các quy trình điều tra tại UNAIDS, thuộc phạm vi điều chỉnh của WHO "dễ bị buộc tội sai lệch bởi những tác động từ bên ngoài".

"Tôi không có niềm tin vào IOS, dựa trên kinh nghiệm sâu rộng của tôi với họ, rằng họ sẽ đưa ra câu trả lời đúng", Edward Flaherty nói. "Những người điều hành các cuộc điều tra phụ thuộc vào các quan chức cấp cao để duy trì vị trí của họ".

Báo cáo của UNAIDS tuyên bố rằng IOS sử dụng "tiêu chuẩn chứng minh sai lầm và đặt nhầm chỗ" khi điều tra các khiếu nại. Báo cáo đã chỉ trích dữ dội Michel Sidibé, giám đốc điều hành của UNAIDS, cảnh báo rằng ông đã đặt ra một giai điệu "thiên vị, ưa thích, không chính đáng, giấy phép cho hành vi sai trái và trả thù những người lên tiếng chống lại những sai lầm".

Trong năm 2018, Liên Hợp Quốc và các tổ chức từ thiện quốc tế đã bị kiểm tra gắt gao hơn trong việc xử lý các cáo buộc bắt nạt, quấy rối và lạm dụng tình dục. Mới đây, một cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc cho thấy 1/3 nhân viên và nhà thầu đã trải qua các vụ quấy rối tình dục trong hai năm qua.

Chỉ có 17% những người đủ điều kiện trả lời, tỷ lệ mà Tổng thư ký của Liên Hợp Quốc, António Guterres, được mô tả là "thấp vừa phải". Trong một lá thư gửi nhân viên, Guterres đã viết: "Điều này cho tôi biết hai điều: thứ nhất - rằng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng ta có thể thảo luận đầy đủ và công khai về quấy rối tình dục; và thứ hai là người dân đang có sự không tin tưởng, nhận thức về sự không hành động và thiếu trách nhiệm của nhân viên chúng ta".

Chi Anh
.
.
.