Mạo danh người nổi tiếng trục lợi trên MXH: Làm gì để ngăn chặn?

Thứ Năm, 27/12/2018, 09:48
Mạo danh người khác, đặc biệt là những người nổi tiếng để lập các trang facebook nhằm trục lợi cá nhân, kinh doanh online hay nói xấu bôi nhọ người khác ngày càng có xu hướng tăng lên, dù đã nhiều lần báo chí, truyền thông lên tiếng.

Dở khóc dở cười với facebook giả

Cách đây không lâu, cư dân mạng sửng sốt trước nghi án ca sĩ Cao Thái Sơn "gạ tình" một bạn nam trên facebook. Mạng xã hội chia sẻ chóng mặt một đoạn chat được xem là của nam ca sĩ với một nhân vật tên H. 

Trong đoạn chat đó, ca sĩ dành rất nhiều lời khen ngợi với bạn trai tên H, sau đó xin số điện thoại của người này, và đưa ra những câu hỏi tế nhị liên quan đến giới tình và tình cảm riêng tư. Nhiều khán giả tỏ ra thất vọng về cách gạ gẫm lộ liễu của nam ca sĩ. 

Một số khác tỉnh táo hơn bình luận rằng, đây chẳng qua là chiêu PR quen thuộc của giới nghệ sĩ. Cứ ra sản phẩm mới là kiểu gì cũng có trò PR lộ chuyện tình ái đời tư nhằm thu hút sự tò mò quan tâm của công chúng. Thời điểm xảy ra xì căng đan được cho là Cao Thái Sơn sắp tung sản phẩm âm nhạc mới.

Giả mạo facebook người khác có thể bị phạt tù - Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nam ca sĩ đã lên tiếng về vụ việc này. Theo anh, đoạn chat đó không phải của anh, mà từ một tài khoản facebook giả mạo. Ai đó đã lập một facebook giả mang tên ca sĩ, và nhân vật được xem là H kia trên facebook hình ảnh cũng khá ảo, hình đại diện là lấy ảnh của một nam ca sĩ nước ngoài. 

Cao Thái Sơn cho rằng anh đã bị người khác chơi xấu nhằm mục đích bôi xấu hình ảnh của anh. "Đúng là tôi sắp phát hành Mv, nhưng tôi khẳng định mình không dùng chiêu đó để thu hút công chúng. Tôi thậm chí còn sợ xì căng đan và không muốn dính líu vào nó để tổn hại hình ảnh cũng như sự nghiệp của mình. Tôi muốn được công chúng ủng hộ theo một cách khác, đàng hoàng, tử tế hơn, chứ không phải bằng chiêu trò".

Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về việc bị mạo danh trên mạng xã hội. Gần như mỗi một nghệ sĩ chỉ có một tài khoản facebook, nhưng nếu  công chúng check họ trên mạng xã hội thì nhiều người có hàng chục facebook, không biết đâu là thật là giả mà lần. 

Quản lý của ca sĩ Đàm Vình Hưng từng phải lên tiếng trước dư luận, mặc dù mọi người có thể tìm thấy nhiều tài khoản cá nhân mang tên Đàm Vĩnh Hưng trên mạng xã hội, nhưng sự thật là nam ca sĩ không sở hữu bất cứ một tài khoản nào. Và điều đáng bàn là, nhiều trang facebook không phải của Đàm Vĩnh Hưng nhưng nhiều tờ báo đã vô tình khai thác thông tin từ những người mạo danh, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc về nam ca sĩ nổi tiếng này. Kẻ giả mạo còn mượn tên Đàm Vĩnh Hưng tung tin đồn ca sĩ Duy Mạnh đột tử khiến cho công chúng được một phen lo lắng. 

Những tin đồn thất thiệt kiểu như vậy không hiếm người nổi tiếng đã nếm trải, bởi những kẻ giả danh trên mạng xã hội. Nhà báo, MC nổi tiếng Lại Văn Sâm cũng từng nhiều lần bị giả danh, phát ngôn rất nhiều điều làm tổn hại thanh danh của ông. Lại Văn Sâm từng phải lên tiếng khẳng định, 100% tài khoản và fanpage trên mạng mang tên ông đều là giả mạo hết. 

Nhà báo Lại Văn Sâm không sử dụng facebook nhưng có thể tìm thấy nhiều tài khoản facebook mang tên ông trên mạng xã hội.

Nếu điểm danh người nổi tiếng dính đòn facebook giả thì không có danh sách nào kể cho hết. Có một quy luật, càng nổi tiếng càng dễ bị giả mạo. Những cái tên như Hoa hậu Mai Phương Thúy, ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, nghệ sĩ hài Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long, Xuân Hinh, Hoài Linh... nếu gõ lên công cụ tìm kiếm, bạn có thể ngay lập tức tìm ra hàng chục, thậm chí vài chục trang cá nhân giả mạo của họ. Chỉ có điều, phân biệt đó là trang giả hay trang thật của nghệ sĩ không dễ, trừ khi bạn liên lạc với chính chủ nhân để xác minh.

Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ bị mạo danh trên mạng xã hội rất nhiều.

Trục lợi từ tên tuổi người nổi tiếng

Theo thống kê của các chuyên gia, tỷ lệ các trang facebook giả danh người nổi tiếng để nói xấu, bôi nhọ nhân vật chính chỉ là rất nhỏ, do những người có tư thù cá nhân hay ghen tị với người nổi tiếng, còn phần lớn là để trục lợi, kiếm tiền từ việc bán hàng trên mạng. 

Ngày hôm nay, bạn sẽ chẳng còn mấy ngạc nhiên khi bắt gặp một hoa hậu, một diễn viên nổi tiếng, một nhân vật truyền thông có uy tín nào đó bán một thứ hàng hóa nào đó trên trang của mình. 

Và bạn cũng đừng tin vội, rất có thể trang mạng đó đang giả mạo tên người nổi tiếng để câu kéo người mua nhằm bán được nhiều sản phẩm, trục lợi từ danh tiếng của họ. 

Chẳng hạn, ca sĩ Mỹ Linh từng phải lên tiếng trên truyền thông ít đây không lâu vì một nhãn hàng lấy hình ảnh của họ để PR, quảng cáo trên mạng cho một sản phẩm. Hay nghệ sĩ hài Quang Thắng đã bị kẻ xấu mạo danh trắng trợn bằng một facebook giả mạo có gần 2 vạn người theo dõi, sau đó quảng cáo cho một website bán hàng trực tuyến. Liên lạc với nghệ sĩ, anh nói, đó là facebook giả, chứ anh chỉ có 1 facebook duy nhất nhưng cả năm chỉ vào mấy lần vì bận đi diễn tối ngày không có thời gian truy cập. 

Hoa hậu Mai Phương Thúy thì có đến hàng trăm facebook giả mạo, đến nỗi cô không muốn nhắc đến chuyện này. Ngăn chặn triệt để thì không thể, mà cứ để tâm thì mệt đầu, không có thời gian làm việc được. Các trang giả danh người mẫu, hoa hậu thông thường chỉ để bán hàng, quảng bá các sản phẩm nhằm thu hút, hấp dẫn người mua.

Ngày càng nhiều trang fanpage mạo danh người nổi tiếng để trục lợi.

Các chiêu của kẻ xấu khi mạo danh facebook người nổi tiếng thường là sau khi lập trang xong, thì thường xuyên đăng tải, post ảnh nhân vật lên. Nhiều trang đã không bỏ sót bất cứ một sự kiện nào mà người nổi tiếng có mặt, đưa ảnh rất kịp thời kèm những dòng status mùi mẫn khiến cho nhiều khán giả lầm tưởng đây là trang cá nhân thật của ca sĩ để vào tương tác. 

Tinh vi hơn, có trang còn thường xuyên kêu gọi mọi người like, share, comment sẽ được tặng tiền thưởng hoặc hiện vật có giá trị. Không ít người cả tin đã làm theo. Kết quả là trang facebook hoặc fanpage đó càng ngày càng phát triển. Khi đã có một lượng người theo dõi rất lớn, thì trang facebook đó nghiễm nhiên trở thành một mảnh đất béo bở để PR các sản phẩm mà kẻ giả mạo muốn, hoặc bán hàng online. 

Đáng ngại hơn, đây cũng là chiêu mà nhiều admin đã làm, để phát triển hệ thống các trang có nhiều người tương tác, sau đó bán lại cho các khách hàng có nhu cầu, những người muốn kinh doanh trên mạng cần phải có một trang facebook nhiều người theo dõi. 

Việc mua bán một trang facebook khá đơn giản. Tùy lượng người theo dõi nhiều hay ít mà người sở hữu ra giá với người mua. Khi đã tiền trao, cháo múc rồi thì người sử dụng mới sẽ đổi tên facebook, hoặc có thể để nguyên tên người nổi tiếng mà post hình ảnh các sản phẩm lên đó bán cho người quan tâm. Doanh thu của những trang bán hàng có lượt theo dõi lớn hàng vạn người, tính ra không hề nhỏ. Như vậy, tên tuổi của người nổi tiếng đã bị kẻ gian trục lợi kiếm tiền bất chính.

Theo các chuyên gia, để hạn chế bị giả mạo facebook, các nhân vật nổi tiếng nên thường xuyên công bố trên trang chính của mình về địa chỉ tài khoản mà mình sở hữu. Ở các trang mình tương tác, cũng nên thường xuyên dẫn link trang chính của mình để tiện cho người hâm mộ theo dõi. 

Khi phát hiện giả mạo, người dùng nên gửi thông báo và đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang của mình bị giả mạo cho nhà cung cấp Facebook và đề nghị khóa trang giả mạo lại. Đồng thời, cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình, hoặc trên truyền thông về việc bị giả mạo để ngăn chặn kịp thời những thiệt hại.

Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác như cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân… 

Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp giả mạo facebook của những người nổi tiếng, bản thân những người đó có quyền yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các đối tượng. Ngoài việc xử lý bằng biện pháp hành chính hay hình sự người dân bị xâm phạm còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại danh dự. Bộ luật Hình sự cũng quy định nếu người nào dùng Facebook mạo danh người khác, rồi kêu gọi ủng hộ để chiếm đoạt tiền của người khác trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng. Hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù. 

Ngoài ra, điều 226 Bộ luật hình sự cũng quy định về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản với giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể chịu hình phạt tối đa là chung thân.

Nhiều người nổi tiếng tỏ ý lo ngại về việc tên tuổi của họ bị kẻ gian sử dụng vô tội vạ để kiếm tiền từ các hoạt động kinh doanh, bán hàng online. Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh hơn từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan an ninh mạng để bảo vệ người bị xâm hại. Luật An ninh mạng đã được thông qua, hy vọng thời gian tới những vụ việc xâm phạm quyền riêng tư, quyền về hình ảnh của người nổi tiếng sẽ được hạn chế. 
Bùi Xuân
.
.
.