Làm gì khi cướp vào nhà?

Thứ Tư, 24/08/2016, 10:55
Những năm qua, tội phạm cướp tài sản tại các địa điểm cố định như trong nhà dân, tiệm vàng, ngân hàng, cửa hàng…. vẫn diễn biến phức tạp. Đây là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, vì ngoài việc chiếm đoạt tài sản, trong nhiều trường hợp bọn tội phạm còn tấn công tước đoạt sinh mạng của nạn nhân, gây rúng động dư luận xã hội...


Ở phòng Cảnh sát hình sự (PC45) - Công an TP Hà Nội, nhiệm vụ điều tra các vụ án cướp được phân chia như sau: nếu là cướp ngoài đường, thuộc chức năng của Đội 8 (Đội chống cướp - cướp giật), còn cướp trong nhà, trách nhiệm giải quyết thuộc về Đội 9 (Đội điều tra trọng án). 

Sự phân chia này có cơ sở khoa học ở chỗ: đã là cướp trong nhà, thường đi kèm với… giết, bởi kẻ phạm tội phải đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân bằng vũ khí nóng, ra tay tàn độc thì mới chiếm đoạt được tài sản. Khi chẳng may rơi vào tình huống đối mặt với những tên cướp hung hãn có vũ trang, những ứng xử manh động, thiếu khôn ngoan hay mất kiểm soát, luôn dẫn đến những hậu quả thảm khốc.

Manh động và quyết liệt

Những năm qua, tội phạm cướp tài sản tại các địa điểm cố định như trong nhà dân, tiệm vàng, ngân hàng, cửa hàng…. vẫn diễn biến phức tạp. Đây là tội phạm đặc biệt nguy hiểm, vì ngoài việc chiếm đoạt tài sản, trong nhiều trường hợp bọn tội phạm còn tấn công tước đoạt sinh mạng của nạn nhân, gây rúng động dư luận xã hội.

Trao đổi với Chuyên đề CSTC về phương thức, thủ đoạn phạm tội trong các vụ án cướp trong nhà, Đại úy Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội điều tra trọng án, Phòng PC45- Công an TP Hà Nội) cho biết: "Khi gây án, bọn cướp thường hoạt động theo nhóm, có từ 2 tên trở lên. Trước tiên, chúng lựa chọn mục tiêu tấn công, thường là các địa điểm mà chúng biết đang cất giữ nhiều tài sản có giá trị cao, dễ vận chuyển, dễ tiêu thụ, cất giấu, như tiền mặt, vàng bạc, đá quý...

Ngoài ra, những gia đình giàu có và việc quản lý bảo vệ tài sản còn sơ hở; hay những hộ độc thân, trong nhà chỉ có người già, trẻ em, phụ nữ … cũng là những địa điểm hấp dẫn bọn cướp tìm đến. Sau khi xác định được mục tiêu, chúng sẽ khảo sát địa bàn, tìm hiểu ghi nhớ đường đi lối lại, hệ thống an ninh, cửa bảo vệ, tình hình dân cư xung quanh, đặc điểm và số lượng người trong nhà, quy luật sinh hoạt của họ…. Do đó, dấu hiệu đầu tiên của các vụ án cướp trong nhà, là sự xuất hiện của đối tượng (thường là người lạ mặt) tại hiện trường trước khi gây án.

Một tên cướp chuẩn bị tấn công vào nhà (vụ án xảy ra ngày 7/6/2016, tại phường 15 , quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, ảnh do camera ghi lại).

Căn cứ đặc điểm ngôi nhà, chúng bắt đầu lên phương án xâm nhập và chuẩn bị hung khí, công cụ phương tiện, lựa chọn khoảng thời gian thích hợp để gây án. Hung khí của bọn cướp mang ác tính cao như súng quân dụng, súng điện, roi điện, bình xịt hơi cay, dao nhọn, kiếm, mã tấu, lựu đạn, thuốc gây mê, thuốc độc, dây trói...

Ngoài những vụ cướp từ bên ngoài tấn công vào trong nhà, trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ án giết cướp kinh hoàng mà kẻ thủ ác đã ở sẵn trong nhà nạn nhân từ trước, vì hai bên có quan hệ với nhau. Chúng có thể chính là người làm thuê, bạn bè, bạn tình của chủ nhà, sau khi biết gia chủ có tiền mới nảy sinh ý định giết người để cướp tài sản.

Tâm lý chung của các bọn cướp là rất manh động, hung hãn, sẵn sàng sử dụng vũ lực ngay tức khắc, với cường độ cao, để đè bẹp mọi sự kháng cự của nạn nhân, nhằm chiếm được tài sản và tẩu thoát. Với đặc điểm tâm lý như trên, việc chống trả lại bọn cướp thường dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Đối với những tên cướp quen chủ nhà, chúng lại luôn có mục tiêu giết chết gia chủ trước rồi mới cướp tài sản. Bởi vì nếu để nạn nhân còn sống, hành vi phạm tội sẽ bị tố cáo. Đặc điểm này sẽ dẫn đối tượng đi đến quyết định sử dụng vũ lực hoặc hung khí để bất ngờ tấn công nạn nhân một cách hung hãn, quyết liệt nhất".

Phòng hơn chống

Kỹ năng cơ bản nhất để thoát hiểm là đừng tự biến mình "thành mồi" cho bọn cướp. Việc chủ động phòng ngừa sẽ ngăn chặn hoặc giảm thiểu được thiệt hại trong các vụ án cướp trong nhà. Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn (Cục C45, Bộ Công an) tư vấn: "Trước hết, cần chủ động nâng cao ý thức cảnh giác, phòng chống cướp cho mọi thành viên trong gia đình.

Cần thận trọng, cảnh giác trước sự xuất hiện của người lạ mặt hay những biểu hiện bất thường trong đêm tối. Cảnh giác cao khi tiếp xúc với những người không quen biết, hoặc những người tuy có quen biết nhưng đã lâu không gặp, không rõ công việc và hoạt động hiện hành của họ là gì. Không ăn, uống bất cứ thứ gì do người lạ mời, đề phòng bị đầu độc hoặc gây mê. Khi có người lạ đến nhà gọi cửa, không dễ dàng mở cửa để họ vào nhà.

Đối với hộ độc thân, cần thận trọng và hạn chế việc mời người khác đến chỗ ở của mình để trò chuyện, ăn uống, sinh hoạt. Nhất là đối với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động. Không tham gia các dịch vụ quảng cáo trên mạng, như massage tại gia, mua bán dâm đồng tính, dị tính tại chỗ ở của mình. Không tham gia vào các mối quan hệ phức tạp, nhất là các quan hệ trên mạng xã hội khi chưa thực sự hiểu rõ nhân thân, lai lịch, công việc của đối tượng tiếp xúc.

Lực lượng phá án (Công an TP Hà Nội) dẫn giải đối tượng Bàn Phúc Trung, thủ phạm vụ cướp - giết người đồng tính tại nơi ở trọ.

Thận trọng trước những lời mời đến nhà riêng, khách sạn, nhà nghỉ… với những người mới quen, hoặc không rõ lai lịch, công việc, hoạt động của họ. Thận trọng khi quyết định cho người làm thuê, người lạ, bạn bè ở lại hay ngủ lại trong nhà của mình.

Tình huống buộc phải để họ ngủ trong nhà, cần phải ngủ riêng ở phòng có cửa an toàn. Chú ý quan sát thái độ, ánh mắt, cử chỉ biểu hiện của khách. Hết sức đề phòng trước những hiện tượng bất thường xảy ra trong đêm tối. Thực hiện nghiêm túc việc khai báo tạm trú với cơ quan Công an. Tuyệt đối không nên khoe của, hoặc để lộ thông tin về việc có khoản tiền, tài sản có giá trị. Bởi sự giàu có rất dễ cám dỗ những kẻ xấu.

Trong các gia đình, hệ thống cửa luôn được kiểm tra, đóng khóa cẩn thận. Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà. Không nên để nhiều tiền mặt, tài sản quý ở trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi.

Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất. Két sắt nên để trong đó một ít tiền. Đối với các tiệm vàng, nhất thiết phải lắp đặt hệ thống camera, còi báo động ở những địa điểm khác nhau, có đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Việc chuẩn bị sẵn những vật dụng có tính năng vũ khí như gậy, đèn pin, dao, bình xịt cay… tại những vị trí cố định trong nhà là rất cần thiết, để có công cụ phòng vệ trong những tình huống khẩn cấp. Mọi thành viên trong nhà, nhân viên cửa hàng, tiệm vàng cần thảo luận về các phương án xử lý tình huống khi chẳng may bị cướp xông vào nhà". 

Chống thế nào?

Võ sư Đào Hoàng Long (môn phái Nhất Nam) chia sẻ kinh nghiệm: "Trường hợp bị một toán cướp có vũ khí xông vào nhà yêu cầu đưa tài sản, tiền bạc, cần xác định ngay mục tiêu giữ được an toàn tính mạng là tối thượng. Không vì luyến tiếc tài sản mà phản ứng manh động, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Mạng người là quý nhất, còn mất tài sản sẽ kiếm lại được.

Tuy nhiên, trong trường hợp cướp quen, thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc kháng cự, chống trả quyết liệt và tận dụng mọi thời cơ để bỏ chạy thoát thân. Trường hợp bọn cướp tấn công từ bên ngoài vào, nhưng mới chỉ có lời nói, cử chỉ để hăm dọa khống chế yêu cầu đưa tài sản, thì phương án ứng xử tối ưu nhất đó là tỏ ra mềm mỏng trong ứng xử, không để chúng có cảm giác bất an hay bị kích động. Hãy ngoan ngoãn giao tiền, vàng, hoặc chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi.

Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ tỏ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết. Tuyệt đối không nên phản ứng ngay lập tức như giằng co, đánh lại đối tượng, hoặc hô hoán kêu cứu, hay có lời nói đe dọa sẽ báo Công an. Bởi vì cách này càng kích động đối tượng dẫn đến việc sử dụng vũ lực ngay tức khắc. Cố gắng ứng xử khéo léo để chúng lơ là, chủ quan, rồi tận dụng sơ hở để bỏ chạy đến nơi an toàn trong nhà, chốt khóa cửa phòng lại. Nếu có thể thì bỏ chạy thoát thân ra khỏi nhà, hô hoán rồi gọi điện báo Công an.

Trường hợp không có lối thoát thì cố gắng chịu đựng đến lúc bọn cướp rút đi. Quá trình tiếp xúc với đối tượng, khéo léo quan sát để ghi nhớ những đặc điểm của chúng để cung cấp cho cơ quan Công an sau này.

Cảnh sát khám nghiệm hiện trường một vụ giết - cướp tài sản tại nhà riêng.

Tình huống có thể tự vệ, thì trước tiên vẫn nên tỏ ra hợp tác với chúng, rồi nhân lúc sơ hở bấm chuông báo động rồi cầm vũ khí (đã để sẵn trong nhà) tấn công đối tượng vào đầu mặt, cánh tay cầm hung khí, ống cẳng chân. Lưu ý, việc bất ngờ tấn công lại đối tượng chỉ nhằm mục đích để chạy thoát thân ra bên ngoài kêu gọi sự trợ giúp, chứ không nên một mình đánh bắt tội phạm. Tình huống đã bị đối tượng lạ mặt đánh đòn phủ đầu, choáng váng và gục xuống sàn thì hãy nằm bất động giả chết mặc cho chúng lục lọi cho đến khi rút đi. 

Khi bọn cướp rút đi, phải hô hoán để mọi người giúp đỡ và bám theo đối tượng, đồng thời báo ngay cho Công an nơi gần nhất, cung cấp đặc điểm đối tượng, hướng đi của chúng để tổ chức đón lõng, vây bắt. Tuyệt đối không nên tự mình đuổi theo bắt giữ, đòi lại tài sản. Phải giữ nguyên hiện trường, không động chạm đến những đồ vật đối tượng đã tiếp xúc hoặc bỏ lại. Cung cấp đầy đủ thông tin về đặc điểm đối tượng, số lượng, đặc điểm của tài sản đã bị chiếm đoạt; chỉ dẫn lực lượng khám nghiệm thu giữ đồ vật có liên quan".

Đào Trung Hiếu
.
.
.